CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao tại cuộc họp giao ban ngày 01/4/2016 về các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 25/3/2016 đến ngày 31/3/2016

02/04/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Bảo vệ pháp luật số 25 ngày 25/3/2016 có bài: “Dấu hiệu oan, sai từ một vụ mua, bán Methadone?” của nhóm phóng viên điều tra. Nội dung: Ngày 05/8/2015, Công an quận Đống Đa, Tp. Hà Nội đã khởi tố ông Nguyễn Trọng Ân là bác sỹ, trú tại số nhà 38 phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội về tội...

 Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao tại cuộc họp giao ban ngày 01/4/2016 về các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 25/3/2016 đến ngày 31/3/2016

1. Báo Bảo vệ pháp luật số 25 ngày 25/3/2016 có bài: “Dấu hiệu oan, sai từ một vụ mua, bán Methadone?” của nhóm phóng viên điều tra. Nội dung: Ngày 05/8/2015, Công an quận Đống Đa, Tp. Hà Nội đã khởi tố ông Nguyễn Trọng Ân là bác sỹ, trú tại  số  nhà 38 phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” vì đã có hành vi bán 1 lọ thuốc có chứa chất methadone cho đối tượng Nguyễn Trung để cai nghiện ma túy với giá 01 triệu đồng. Việc khởi tố này có dấu hiệu oan sai, bởi vì khi mua thuốc này Trung nói với ông Ân là dùng vào việc cai nghiện ma túy, khi mua bán xong  hai bên vẫn ngồi lại uống cà phê để ông Ân tư vấn cho Trung cách sử dụng. Ông Ân là bác sỹ đã từng tham gia nhóm nghiên cứu khám chữa bệnh ma túy của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đã được cử đi Mỹ dự hội thảo về chữa bệnh cai nghiện ma túy. Tổng đài 1080 cũng đã cung cấp số điện thoại của ông Ân cho những người muốn cai nghiện ma túy để được tư vấn cai nghiện. Loại methadone ông Ân bán cho Trung không phải là ma túy mà là thuốc gây nghiện có chứa chất ma túy dùng để chữa bệnh được quy định tại Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ. Tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 31/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đẩy mạnh việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadone. Vì vậy, việc khởi tố này có dấu hiệu oan, sai cần được các cơ quan tố tụng kiểm tra, xem xét lại.  
Yêu cầu VKSND Tp Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 4 , đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo điện tử Pháp luật Plus ngày 28/3/2016 có bài “Ngân hàng Đông Á có vô can trong vụ 2382 ngày ngồi tù của ông Nguyễn Mạnh Hợp” của nhóm phóng viên điều tra. Nội dung: Trong tháng 3/2016, Báo pháp luật Plus đã có nhiều bài viết nêu về vụ án của ông Nguyễn Mạnh Hợp, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Châu Á tại  đường La Thành. Tp. Hà Nội, bị khởi tố từ tháng 12/1996, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do vay 1,6 tỷ đồng tiền của Ngân hàng Đông Á nhưng không trả được nợ. Đến tháng 8/2005, TAND Tp. Hà Nội xét xử  và tuyên phạt ông  Hợp 10 năm tù giam. Tháng 01/2006, Tòa phúc thẩm TANDTC xử y án sơ thẩm. Nhận thấy chứng cứ kết tội không đảm bảo nên năm 2007 VKSND tối cao đã kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, nhưng kháng nghị này không được TAND tối cao chấp nhận và ông Hợp đã bị ngồi tù 2382 ngày. Tháng 8/2015, ông Hợp ra tù và  có đơn kêu oan. Nhìn lại hồ sơ vụ án thấy rõ đây là một vụ việc hình sự hóa quan hệ dân sự  vì ông Hợp vay tiền có thế chấp 11 máy biến áp trị giá 128.500 USD cho Ngân hàng Đông Á, nên nếu như khi ông Hợp không trả được nợ thì Ngân hàng phát mại, bán tài sản thế chấp để thu nợ nhưng không hiểu sao Ngân hàng lại cho đơn vị khác đến nhận số tài sản này. Đến nay, Ngân hàng Đông Á vẫn chiếm giữ bất hợp pháp 11 máy biến áp nói trên. Việc Cơ quan điều tra không điều tra làm rõ  ai là người đã  chiếm giữ và sử dụng trái phép lô hàng của Công ty TNHH XNK Châu Á đang thế chấp cho Ngân hàng là bỏ lọt tội phạm. Do đó, vụ án này có dấu hiệu oan, sai và cần được các cơ quan pháp luật kiểm tra, xem xét lại.
Yêu cầu Vụ 7 VKSND tối cao kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Bảo vệ pháp luật số 26 ngày 29/3/2016 có bài “Có hay không một đường dây “ăn đất” đang được bảo kê” của tác giả Thu Hương. Nội dung: Thời gian vừa qua, phóng viên báo đã tổ chức điều tra và đăng nhiều bài viết phản ánh về tình trạng tham nhũng đất đai nghiêm trọng xảy ra tại thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Tp Hà Nội. Cụ thể: năm 2006, sân đá bóng của thôn có diện tích hơn 6000m2 đã được lãnh đạo thôn giao cho ông Tiếp sử dụng 2800m2với lý do là đổi đất làm đường giao thông nông thôn nhưng ông Tiếp đã sử dụng đến 3100m2, thực chất  300m2 tăng thêm này là của các “quan” thôn gửi ông Tiếp quản lý để sau đó ăn chia số đất này. Ông Chương (là Trưởng thôn năm 2002) cũng  lấy của dân 200m2 để xây dựng lán trại, ông Bình (Bí thư thôn) được chia hơn 100m2 đất sân bóng, bà Ngát  thông gia với ông Thắng (là Trưởng ban Tư pháp xã) được chia 36m2, bà Tuyết được lãnh đạo thôn bán cho 2800m2 đất sân bóng. Ngoài ra, cán bộ xã còn bán hai chiếc ao trong thôn để lấy tiền chia nhau, người nhà của cán bộ thôn được thuê nhiều diện tích đất lớn từ 3000 đến 11.700m2 lấy tiền chia cho nhau sau đó người thuê chuyển thành đất của cá nhân hoặc bán lại cho người khác để kiếm lời và còn rất nhiều hành vi tham nhũng khác khiến người dân rất bức xúc và có đơn gửi các cơ quan pháp luật ở huyện Đông Anh đề nghị kiểm tra và xử lý nhưng  UBND huyện và  các cơ quan pháp luật ở huyện chưa điều tra xử lý. Vì vậy, phải chăng các hành vi vi phạm, phạm tội này đã được “bảo kê”.
Yêu cầu VKSND Tp Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Tìm kiếm