CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương

17/05/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 16/5/2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 193/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương...

Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra

Viện kiểm sát quân sự trung ương

 

Ngày 16/5/2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 193/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Quy chế gồm 5 chương, 44 điều, quy định về tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương (viết tắt là Cơ quan điều tra); áp dụng đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ Điều tra và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên hệ công tác với Cơ quan điều tra. Theo đó:

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra:

- Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20, 21 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 8, Điều 31 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; khoản 8 Điều 1 Quyết định số 64/QĐ-VKSTC-V15 ngày 25/9/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự các cấp.

- Tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương quản lý tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Quy chế thu thập, tiếp nhận, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; thống kê, đánh giá, dự báo nguyên nhân, điều kiện nảy sinh vi phạm và tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết để tham mưu, đề xuất với Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương các biện pháp phòng, chống vi phạm và tội phạm, tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Phối hợp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền.

- Tổng hợp báo cáo số liệu thống kê theo quy định; tham gia tập huấn nghiệm vụ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra; đề xuất chủ trương, biện pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Cơ quan điều tra.

- Quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ của Cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

- Sơ kết, tổng kết thực hiện, tham gia nghiên cứu xây dựng pháp luật, đề tài khoa học, đề án, các chuyên đề nghiệp vụ.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Tổ chức bộ máy, biên chế

- Lãnh đạo Cơ quan điều tra gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

- Bộ máy của Cơ quan điều tra gồm: Văn phòng Cơ quan điều tra và Ban điều tra.

- Biên chế của Cơ quan điều tra do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, Quy chế còn quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, Ban Điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Điều tra, Điều tra viên và Cán bộ Điều tra; chế độ công tác; quan hệ công tác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương và các điều khoản thi hành.

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 16/5/2019, thay thế Quy chế hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương, ban hành kèm theo Quyết định số 117/2011/QĐ-VKS-P6 ngày 12/9/2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Xem toàn văn Quy chế tại đây.

Trường Giang

Giới thiệu

 

 

Tìm kiếm