CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ban hành Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát

10/02/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 07/02/2023, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 21/QĐ-VKSTC ban hành Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phẩm chất, đạo đức và đặt lên hàng đầu vấn đề "tư cách người cách mạng". Người luôn làm gương và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng. Đối với cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân (cán bộ Kiểm sát), cùng với những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dạy rằng: "Cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của VKSND đã minh chứng rõ, lời dạy của Bác là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người cán bộ Kiểm sát để mỗi cán bộ, đảng viên của ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu rèn luyện, coi đó là phương châm giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về chính trị tư tưởng, về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ công tác.

Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát (Quy tắc) gồm 03 Chương, 10 Điều, quy định về những tiêu chí chuẩn mực của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát khi thi hành công vụ. Quy tắc được áp dụng đối với cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức khác, viên chức công tác tại VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; khuyến khích áp dụng đối với cán bộ Kiểm sát đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Quy tắc là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát, đánh giá về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, trách nhiệm, sự tận tâm, chuyên nghiệp trong thi hành công vụ của người cán bộ Kiểm sát; khi xem xét bổ nhiệm các chức danh tư pháp, chức vụ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Đồng thời, là cơ sở để cán bộ Kiểm sát tu dưỡng, rèn luyện bản thân, tạo nền nếp, tác phong, hành vi ứng xử trong xử lý công việc, góp phần xây dựng môi trường công vụ văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp.

Về yêu cầu chung đối với người cán bộ Kiểm sát, Quy tắc quy định:

- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của VKSND.

- Luôn nói, viết và làm theo đúng cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân trong thi hành công vụ; tận tụy, chuyên nghiệp trong xử lý công việc.

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, không né tránh trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh với vi phạm, tội phạm và với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và sự công bằng.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, nghiêm túc, đúng mực và nhân văn; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân và tập thể lên trên lợi ích của cá nhân mình.

- Chuyên tâm tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thường xuyên cảnh giác, kiên định lý tưởng, ý chí, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hành lối sống lành mạnh.

Nội dung Quy tắc quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát, gồm các đức tính: Tính Công minh, tính Chính trực, tính Khách quan, tính Thận trọng, tính Khiêm tốn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ Kiểm sát.

Cùng với việc thực hiện Quy tắc này, người cán bộ Kiểm sát cần áp dụng, vận dụng đồng bộ các quy định của Đảng, Nhà nước và quy định khác của Ngành về đạo đức, văn hóa ứng xử của người cán bộ, công chức, viên chức.

File đính kèm
TG (Giới thiệu)
Tìm kiếm