CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2021

26/01/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2021.

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, VKSND tối cao hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2021 như sau:

Một số nhiệm vụ trọng tâm

- Tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch và Chương trình của Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy; các Chỉ thị chuyên đề và Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những nội dung liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nói chung, trong lĩnh vực tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng.

- Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; nâng cao trách nhiệm và vai trò, chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Tòa án cùng cấp thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; tiến hành tổng rà soát và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ điều tra, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp

Viện kiểm sát các cấp thực hiện đúng các quy định của Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương... và Quy chế nghiệp vụ của Ngành trong từng khâu công tác để xử lý các vụ án, vụ việc hình sự nói chung. Trong lĩnh vực công tác liên quan đến tội phạm về ma túy cần chú ý các nội dung sau:

- Về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về ma túy, Viện kiểm sát các cấp xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan hữu quan cùng cấp để nắm chắc và đầy đủ nguồn tin về tội phạm ma túy; chú ý theo dõi nắm bắt các thông tin về tội phạm ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường không gian mạng. Đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền phải được thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn. Tiến hành mở điểm kiểm sát trực tiếp hoặc kiểm tra cấp dưới hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu chung của Quốc hội và của Ngành giao. Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo ban đầu theo đúng quy định, Viện kiểm sát các cấp khi ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp biết để theo dõi.

- Trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan điều tra ngay từ khi khởi tố. Tuân thủ về trình tự, thủ tục luật định khi thu thập các tài liệu, chứng cứ, lập biên bản tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra. Đảm bảo tính hợp pháp, có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ sử dụng để chứng minh tội phạm. Trong các vụ án ma túy, việc giám định là bắt buộc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vụ án nên Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ nội dung quyết định trưng cầu giám định, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tố tụng Trung ương. Nếu kết luận giám định còn có điểm chưa rõ hoặc mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác hoặc phát hiện hoạt động giám định có vi phạm pháp luật thì phải yêu cầu cơ quan giám định giải thích hoặc trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại. Nếu tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra cung cấp để sử dụng làm căn cứ xét phê chuẩn khởi tố bị can còn chưa đầy đủ, phải yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung và cho Kiểm sát viên tiếp cận thêm các tài liệu đã thu thập trong hoạt động trinh sát để bổ trợ khi quyết định việc phê chuẩn. Trong trường hợp người bị khởi tố bị can không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan thì Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia lấy lời khai để làm rõ các nội dung trong hồ sơ, phục vụ việc đánh giá các tài liệu, chứng cứ đã thu thập. Viện kiểm sát các cấp chú ý quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là hoạt động bắt buộc phải được thực hiện khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nếu không thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vậy, phải yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện ghi âm 100% các vụ án, nếu điều kiện cho phép thì tiến hành ghi hình có âm thanh…

- Trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát các cấp kiểm sát chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, thời hạn khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam của Cơ quan điều tra; khắc phục tình trạng lạm dụng việc bắt, giữ, nhất là trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Đối với tội phạm ma túy, khi Cơ quan chức năng phá án bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, ngoài đối tượng chính còn có một số người khác cũng có mặt tại nơi phát hiện tội phạm, xét thấy cần phải tạm giữ để làm rõ có liên quan đến vụ án hay không. Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra khẩn trương xác minh làm rõ mối quan hệ giữa họ với đối tượng chính, về nhân thân, về ý thức chủ quan và các hành vi liên quan đến tội phạm về ma túy để phân loại xử lý kịp thời không bỏ lọt tội phạm, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự nhưng sau đó không thể chuyển khởi tố bị can xử lý theo pháp luật hình sự.

- Trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án hình sự về ma túy, Viện kiểm sát các cấp phân công Kiểm sát viên thụ lý nghiên cứu hồ sơ đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án, mỗi vụ án phải ban hành ít nhất 01 yêu cầu điều tra, đây là yêu cầu bắt buộc. Khi thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên cần chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra không chỉ tập trung duy nhất vào việc làm rõ hành vi phạm tội của bị can mà phải chú ý đến việc xác minh, làm rõ nguồn tài sản bị can sử dụng vào việc phạm tội, nguồn tài sản bị can có được từ kết quả thực hiện hành vi phạm tội để xử lý theo quy định và xác minh tài sản của bị can đang sở hữu (cả sở hữu chung và sở hữu riêng) để làm căn cứ đề nghị Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự đối với tội phạm về ma túy, yêu cầu kê biên hoặc tạm giữ tài sản để đảm bảo cho công tác thi hành án sau này. Chấp hành nghiêm chỉnh việc xây dựng, sắp xếp hồ sơ kiểm sát, thực hiện đóng dấu bút lục và sao lưu tài liệu theo đúng quy định.

Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung bị can hoặc trực tiếp thực hiện hỏi cung bị can ít nhất một lần trên một bị can; đặc biệt lưu ý trường hợp bị can có đơn khiếu nại, kêu oan hoặc tố cáo việc Điều tra viên vi phạm pháp luật, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra thu thập chứng cứ hoặc bị can có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội. Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của bị can trong tố tụng hình sự như việc được giải thích quyền và nghĩa vụ, quyền được thuê hoặc chỉ định luật sư bào chữa, quyền im lặng, ... Trước khi vụ án kết thúc điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phối hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ, kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót để khắc phục, tránh để chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát mới phát hiện vi phạm, thiếu sót phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung…

- Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy, Viện kiểm sát các cấp thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình thủ tục và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, chủ động trong xét hỏi và tranh luận với luật sư, bị cáo; tham gia tranh tụng đến cùng nhằm bảo vệ quan điểm truy tố trong cáo trạng. Đối với những vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, trước thời điểm kết thúc điều tra 02 tháng, Viện kiểm sát thụ lý phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đề nghị cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ; Viện kiểm sát cấp dưới kịp thời cử Kiểm sát viên dự kiến phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa tham gia nghiên cứu vụ án ngay trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra để chủ động xây dựng đề cương xét hỏi, luận tội khi được phân công giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án.

Bên cạnh đó, Hướng dẫn này còn quy định về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; công tác phối hợp; công tác tương trợ tư pháp; công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới; chấp hành chế độ báo cáo.

File đính kèm
TL (giới thiệu)
Tìm kiếm