CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

"CHẾ ĐỊNH PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG" chưa phát huy hết tác dụng trên thực tế

05/10/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Khoản 1, Điều 15 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”...
"CHẾ ĐỊNH PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG"
chưa phát huy hết tác dụng trên thực tế
 
      Khoản 1, Điều 15 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Như vậy hành vi được xem là phòng vệ chính đáng phải có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất: Hành vi đó phải nhằm bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác;
Thứ hai: Các lợi ích đó phải còn đang bị xâm hại;
Thứ ba: Là hành vi chống trả ở mức độ cần thiết.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ tập trung làm rõ thế nào là sự chống trả cần thiết và chỉ tập trung vào hai đối tượng là người trực tiếp bị tấn công và người tấn công.
Như chúng ta đã biết quy định về phòng vệ chính đáng trong BLHS hiện hành khác với quy định trong BLHS năm 1985 ở chỗ chỉ thay đổi từ “tương xứng” bằng từ “cần thiết”. Khái niệm từ “tương xứng” trong BLHS năm 1985 có thể được hiểu là người phòng vệ phải sử dụng công cụ, phương tiện, phương pháp tương tự như người đang thực hiện hiện các hành vi xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ hoặc thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại mà người xâm hại gây ra cho họ. Sự tương xứng ở đây cũng chỉ thể hiện sự đánh giá của người ngoài cuộc mà không xuất phát từ sự nhận định đánh giá của người trong cuộc. Từ những quy định hạn chế đó làm cho quần chúng nhân dân ngại tham gia tấn công lại những hành vi nguy hiểm cho xã hội, họ né tránh, bỏ mặc vì sợ liên lụy không khéo sẽ bị đánh giá là chống trả không tương xứng thì phải bị xử lý, tạo tâm lý tiêu cực làm giảm tác dụng của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Để khắc phục những nhược điểm trên, BLHS năm 1999 đã thay từ “tương xứng” bằng từ “cần thiết” tức là sự cần thiết phải do chính bản thân người phòng vệ tự đánh giá tình huống cụ thể lúc đó để quyết định phương pháp, phương tiện, công cụ và mức độ chống trả, chứ không phải do các cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc người tiến hành tố tụng đứng ngoài cuộc đánh giá cho người trong cuộc là có cần thiết hay không cần thiết.
Theo chúng tôi để làm rõ thế nào là “cần thiết” cần phải dựa vào tính chất của mối quan hệ xã hội và mức độ thiệt hại hoặc bị đe dọa xâm hại; tính chất mức độ nguy hiểm của phương pháp, phương tiện công cụ của kẻ tấn công thực hiện hoặc đe dọa thực hiện và khả năng phòng vệ của người bị tấn công trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể lúc đó.
 Thứ nhất: Tính chất của mối quan hệ xã hội và mức độ thiệt hại bị đe dọa xâm hại phải lưu ý là chỉ cần bị đe dọa là có thể thực hiện hành vi phòng vệ nhằm chống trả và ngăn chặn không để hậu quả xảy ra, chẳng hạn như sau khi A và B cãi nhau, A về lấy dao chạy đến chỗ B hoặc A và B đang cãi nhau, A thò tay vào túi quần lấy dao ra cho dù trong suy nghĩ của A chỉ để hù doạ nhưng B không thể biết được và B có quyền thực hiện hành vi chống trả cần thiết, có thể làm cho đối phương bị thiệt hại về sức khoẻ hoặc tính mạng tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Về vấn đề này trong thực tiễn truy tố, xét xử đã không được coi là phòng vệ kể cả vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng và người chống trả đã bị xử lý bình thường chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là người bị hại cũng có lỗi.
Thứ hai: Về tính chất mức độ nguy hiểm của phương pháp, phương tiện công cụ của kẻ tấn công thực hiện hoặc đe dọa thực hiện.
Về phương pháp cũng cần phải hiểu không phải kẻ tấn công dùng phương pháp gì thì người phòng vệ phải dùng phương pháp tương tự, bởi vì người tấn công luôn luôn ở thế chủ động nên họ có đủ thời gian lựa chọn phương pháp tấn công như ý muốn, còn người bị tấn công không có đủ thời gian và điều kiện để họ lựa chọn phương pháp chống trả, họ có thể thực hiện việc chống trả với bất kỳ phương pháp nào mà họ nghĩ ra và có thể thực hiện được. Chẳng hạn như người tấn công dùng hung khí đe doạ dể tấn công người thi hành công vụ thì người chống trả không buộc phải đe doạ lại người tấn công mà cần thiết phải thực hiện tấn công ngay người đe doạ để triệt tiêu khả năng tấn công của họ.
Về phương tiện người tấn công sử dụng phương tiện gì thì cũng không buộc người chống trả phải sử dụng phương tiện đó, ví dụ như người phạm tội sử dụng xe máy thì tuỳ điều kiện lúc đó có cái gì thì sử dụng cái đó và có thể cho phép người chống trả sử dụng ôtô để chống trả.
Về công cụ kẻ tấn công dùng dao thì người chống trả có thể dùng vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ khác để chống trả lại.
Thứ ba: Khi xem xét đánh giá vấn đề cần phải xem xét đến khả năng phòng vệ của người bị tấn công trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể lúc đó, như một người bị nhiều người tấn công, người lớn tấn công trẻ em hoặc người trẻ tấn công người già, thanh niên tấn công phụ nữ, người bị tấn công một cách bất ngờ, trong điều kiện đêm tối…thì có thể cho phép người chống trả sử dụng bất cứ phương pháp, phương tiện, công cụ nào có thể sử dụng được ngay lúc đó để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của bản thân mình hoặc người thân mình được kịp thời, cho dù cường độ, sức chống trả và thiệt hại gây ra cho người tấn công là lớn, thậm chí rất lớn.
Thực trạng việc đánh giá xử lý những vụ việc có yếu tố phòng vệ trong thời gian qua
Việc đánh giá xử lý những vụ việc có yếu tố phòng vệ trong thời gian qua ở địa phương còn bị bỏ ngõ, chưa  hiểu đúng quy địnhcủa điều luật, làm giảm tính đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, có nhiều trường hợp chống trả rõ ràng là cần thiết nhưng người chống trả vẫn bị xử lý thậm chí còn bị xử lý nặng do các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn nặng quan điểm là người đứng ngoài cuộc để đánh giá sự chống trả đó là cần thiết hay không cần thiết và đặt ra nhiều vấn đề rỏ ràng là không thực tế như: Tại sao không sử dụng phương pháp, phương tiện công cụ này mà lại sử dụng phương pháp, phương tiện công cụ kia, thậm chí còn đánh giá theo quy định cũ, đòi hỏi phải chống trả một cách “tương xứng”. Điển hình một vụ án xảy ra có nội dung như sau: Trong tiệc rượu có nhiều người tham gia uống rượu, trong đó A và B cãi nhau, B bỏ đi về, A đuổi theo chửi mắng và dùng gạch đá ném B nhưng không trúng, B tiếp tục bỏ đi, A chạy theo dùng khúc gỗ đánh B, do có đống gạch đá gần đó, B đã nhặt một viên, không nhìn lại vừa chạy vừa ném ngược về hướng A, trúng vào đầu, sau đó A tử vong do chấn thương sọ não. B bị truy tố và xét xử về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3, Điều 104 BLHS.
Một thí dụ khác: Ông A và chị B là người hàng xóm với nhau, do mâu thuẫn trong sinh hoạt nên ông A đánh chị B, đè B xuống mặt lộ đấm liên tục, chị B kêu cứu. Cháu C là con chị B thấy mẹ bị đánh liền chạy lại dùng tay kéo ông A ra nhưng bị ông A gạt té, C nhặt một khúc gỗ gần đó đánh ông A trúng vào đầu làm ông bị tử vong do chấn thương sọ não. C bị truy tố xét xử về tội giết người theo Điều 93 BLHS.
Lẽ ra trong 02 trường hợp trên phải xem xét đến vấn đề phòng vệ chính đáng cho B và C.
Một số kiến nghị trong thời gian tới
Để thực hiện đúng những quy định của Điều 15 BLHS về phòng vệ chính đáng, cầncó hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Điều luật này. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc phòng vệ tấn công tội phạm, bảo vệ cá nhân và gia đình những người tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Có chính sách thoả đáng đối với các tập thể, cá nhân bị thương hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống tội phạm. Có như thế mới tạo được thế chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguyênnhân, điều kiện, phát sinh, phát triển tội phạm để từng bước kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm do các băng nhóm thực hiện theo kiểu xã hội đen gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
   Thuý Nga
VKSND thành phố Sóc Trăng
 
Tìm kiếm