Theo quy định của của Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì Hệ thống VKSND sẽ có 4 cấp: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện, Trong đó VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát hoàn toàn mới so với trước đây...
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO VIỆC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP CAO
ViệnTHQCT và KSXXPT phúc thẩm tại Đà Nẵng
Theo quy định của của Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì Hệ thống VKSND sẽ có 4 cấp: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện, Trong đó VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát hoàn toàn mới so với trước đây.
Điều 41 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định “Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao”. Đối chiếu với quy định tại Điều 29 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì VKSND cấp cao có nhiệm vụ:
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
- Kiểm sát giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Như vậy, sau khi thành lập VKSND cấp cao vừa thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm như hiện nay vừa đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ công tác kiểm sát giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của các VKSND cấp tỉnh và phần lớn nhiệm vụ công tác kiểm sát giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm từ Vụ 3, Vụ 5, Vụ 12 VKSNDTC. Ngoài ra VKSND cấp cao còn thực hiện nhiệm vụ : “Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện”. Như vậy khối lượng công việc sẽ tăng lên rất nhiều so với công việc của các Viện phúc thẩm hiện nay.
Để đảm bảo triển khai thực hiện những quy định mới nêu trên theo đúng tinh thần Nghị quyết 82 của Quốc hội, cụ thể là để cho các VKSND cấp cao được thành lập và hoạt động hiệu quả chúng tôi thấy cần khẩn trương thực hiện các công việc sau:
Thứ nhất: Về việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của các VKSND cấp cao
Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của các VKSND cấp cao, trước hết phải làm tốt việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Hiện tại có rất nhiều các văn bản như Quy chế, Quy định của ngành kiểm sát liên quan đến công tác nghiệp vụ, những quy chế này được xây dựng trên cơ sở hệ thống VKSND 3 cấp trước đây. Khi luật triển khai thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì nhiều văn bản không còn phù hợp cần phải thay thế, trong đó có một số văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND cấp cao, như:
- Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
- Quy chế công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.
- Quy chế công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự...
- Quy chế công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo v.v...
Những quy chế này phải đảm bảo cụ thể hóa các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, phù hợp pháp luật tố tụng chuyên ngành, trong đó cần đặc biệt chú ý đến những vấn đề nảy sinh khi VKSND cấp cao vào hoạt động như việc quy định việc sao gửi bản án sơ thẩm, sao gửi bản án phúc thẩm, việc báo cáo thỉnh thị và trả lời thỉnh thị, thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; việc tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm…
Trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, tại Khoản 2 Điều 65 Quy định về thẩm quyền của VKSND cấp cao trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ kiểm sát xét xử đối với VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện. Quy định này cũng cần phải được cụ thể hóa bằng Quy chế ( hoặc Thông tư) của ngành Kiểm sát để vừa đảm bảo chặt chẽ trong hoạt động chỉ đạo nghiệp vụ, đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất trong toàn ngành vừa đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, tránh sự trùng lắp, chồng chéo không đáng có.
Về việc chuyển giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho VKSND cấp cao. Khi VKSND cấp cao được thành lập, cán bộ công chức còn ít nhưng công việc phải tiếp nhận và giải quyết là rất lớn, vì vậy đề nghị các đơn vị khi chuyển giao cần có sự sắp xếp khoa học, lên danh mục các vụ việc theo từng giai đoạn kiểm sát như giai đoạn mới nhận đơn, công văn đề nghị kháng nghị; giai đoạn đã yêu cầu rút và nghiên cứu hồ sơ hay giai đoạn đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng chưa xét xử để tạo thuận lợi cho các VKSND cấp cao trong tiếp nhận và giải quyết tiếp vụ việc theo quy định.
Thứ hai: Về công tác tổ chức cán bộ
Quy quy định tại Điều 45 Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì cơ cấu tổ chức của VKSND cấp cao gồm Ủy ban kiểm sát, Văn phòng và các Viện nghiệp vụ. Hiện nay, Viện phúc thẩm 2 chúng tôi đã hoàn thành đề án về bộ máy của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, theo đó đơn vị sẽ hình thành Ủy ban kiểm sát, đề nghị thành lập các đơn vị trực thuộc gồm:
- Văn phòng
- Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự án kinh tế chức vụ.
- Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự án trật tự xã hội, trị an, ma túy.
- Viện kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình.
- Viện kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Dưới Văn phòng và các Viện nghiệp vụ có các phòng trực thuộc, tùy thuộc vào khối lượng công việc và số lượng cán bộ công chức được bổ sung, đơn vị sẽ đề nghị thành lập các phòng vào thời điểm thích hợp. Tổng biên chế dự kiến của cả 3 VKSND cấp cao là 550 người, trong đó VKSND cấp cao tại Đà Nẵng từ 130 - 150 người.
Để đảm bảo việc hình thành bộ máy và tăng cường cán bộ công chức cho các VKSND cấp cao, đề nghị VKSNDTC quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề sau:
- Thành lập các VKSND cấp cao, quy định về tổ chức bộ máy, số lượng và tên gọi của các đơn vị trực thuộc, tổng số biên chế, cơ cấu, tỷ lệ công chức nói chung và tỷ lệ Kiểm sát viên các cấp trong các VKSND cấp cao.
- Phân cấp về thẩm quyền trong tổ chức cán bộ cho Viện trưởng VKSND cấp cao, cho phép các VKSND cấp cao ngoài việc tiếp nhận cán bộ từ VKSNDTC về và từ VKSND địa phương lên thì được quyền tuyển dụng mới với số lượng từ 20 - 30% trong tổng số biên chế dự kiến tăng thêm.
- Tổ chức kỳ thi riêng để tuyển chọn KSV cao cấp cho các VKSND cấp cao để đảm bảo đủ cán bộ có chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu công việc.
- Giao cho Viện trưởng VKSND cấp cao nhiệm vụ tìm kiếm nguồn cán bộ trong ngành để bổ sung cho đơn vị, hiện nay ví nhiều lý do nên việc tìm kiếm cán bộ bổ sung cho các VKSND cấp cao gặp rất nhiều khó khăn, do đó khi VKSND cấp cao đồng ý tiếp nhận thì VKSNDTC phải ban hành quyết định điều động kịp thời, tránh tình trạng hồ sơ xin điều động cán bộ nằm dài ngày ở VKSNDTC. Việc nhanh chóng trong thủ tục điều động cán bộ sẽ tăng cường kịp thời cán bộ cho đơn vị đảm bảo về công tác tư tưởng cho cán bộ, vì một khi cán bộ đã xin chuyển công tác được thủ trưởng đơn vị đồng ý thì rất khó có thể an tâm công tác ở đơn vị cũ.
Thứ ba: Về cơ sở vật chất, kinh phí và trang thiết bị làm việc cho các VKSND cấp cao.
Do có sự gia tăng đột biến cả về con người và khối lượng công việc. Thời điểm thành lập các VKSND cấp cao lại không trùng với thời điểm xây dựng dự toán kinh phí vì vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh bị động về kinh phí khi các Viện cấp cao đi vào hoạt động. Những kinh phí ban đầu cần thiết cho hoạt động các Viện cấp cao sau khi thanh lập gồm:
- Kinh phí mua sắm trang thiết bị làm việc như máy phô tô, máy vi tính, máy in, bàn ghế, tủ…
- Kinh phí thuê nhà công vụ cho cán bộ được điều động về đơn vị.
- Kinh phí in ấn biểu mẫu, sổ sách.
- Kinh phí chi thường xuyên.
- Kinh phí chi nghiệp vụ (như kinh phí hỗ trợ xét xử lưu động án lớn, án điểm; Bồi dưỡng phiên tòa; Kinh phí hỗ trợ xác minh trong giai đoạn giám đốc thẩm , tái thẩm)
Về Trụ sở làm việc: Tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất của từng VKSND cấp cao để có hướng giải quyết phù hợp. Đối với VKSND cấp cao tại Đà Nẵng về lâu dài sẽ xin đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc. Tuy nhiên, để giải quyết yêu cầu cấp bách về điều kiện làm việc trước mắt đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét cho đơn vị được cải tạo trụ sở làm việc hiện nay của Viện phúc thẩm 2 đảm bảo tăng thêm khoảng 40 chỗ làm việc cho cán bộ mới khi được điều động đến đơn vị.
Về ô tô: Do phải thực hiện thêm nhiệm vụ trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm và công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với VKSND cấp tỉnh, cấp huyện do đó đề nghị VKSNDTC xem xét cấp thêm ô tô cho Các VKSND cấp cao. Đối với VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị cấp thêm 05 ô tô 4 chỗ và 01 ô tô 16 chỗ./.