Căn cứ Luật tổ chức VKSND năm 2002, ngày 19/02/2003 Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ/VKSTC-TCCB quy định bộ máy làm việc của VKSNDTC (đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 356) theo đó, các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (sau đây gọi tắt là Viện PT) là các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, có 3 nhiệm vụ:...
CÔNG TÁC KHIẾU TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP CAO
Vụ Khiếu tố
I. Một số vấn đề liên quan đến công tác khiếu tố
1. Về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của các Viện Phúc thẩm và Vụ Khiếu tố thuộc VKSNDTC
Căn cứ Luật tổ chức VKSND năm 2002, ngày 19/02/2003 Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ/VKSTC-TCCB quy định bộ máy làm việc của VKSNDTC (đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 356) theo đó, các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (sau đây gọi tắt là Viện PT) là các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, có 3 nhiệm vụ:
- Giúp Viện trưởng VKSNDTC tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự, giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật tại các phiên tòa phúc thẩm của TANDTC;
- Giúp Viện trưởng VKSNDTC tổ chức thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật;
- Phát hiện, tổng hợp vi phạm trong việc xét xử các vụ án hình sự, giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật ở hai cấp sơ thảm và phúc thẩm để tham mưu với Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị với Chánh án TANDTC về các biện pháp khắc phục vi phạm pháp luật.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, ngoài nhiệm vụ trên, các Viện PT còn có nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cũng theo Quyết định số 01 nêu trên thì Vụ Khiếu tố là đơn vị trực thuộc VKSNDTC và có 3 nhiệm vụ:
- Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân và các tin báo, tố giác tội phạm để chuyển đến các đơn vị trong ngành giải quyết theo thẩm quyền; giúp Viện trưởng VKSNDTC về quản lý và kiểm tra các đơn vị trong ngành về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của ngành KSND;
- Tham mưu giúp Viện trưởng VKSNDTC về công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp;
- Phát hiện tổng hợp vi phạm của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp để tham mưu với Viện trưởng VKSNDTC để ban hành các kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan về các biện pháp khắc phục.
2. Về công tác khiếu tố.
Công tác khiếu tố của VKSND hiện nay bao gồm các công việc chính là tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp.
Công tác tiếp công dân không được quy định trong Luật TCVKSND song được quy định trong Luật tiếp công dân, công tác này thuộc trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức, riêng công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của VKS được quy định tại Điều 4 Luật TCVKS năm 2002, song không được quy định thành một trong những công tác của VKS. Tuy vậy, pháp luật tố tụng đều quy định trách nhiệm của VKS trong giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo và
Luật TCVKSND năm 2014 công tác này đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn và là một trong những công tác của VKS (điểm d, khoản 3 Điều 4 và điểm h, khoản 2 Điều 6, Điiều 29, Điều 30).
Để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành, ngày 06/02/2006 Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quy chế số 59 về công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, quy chế cũng quy định quan hệ giữa đơn vị Khiếu tố với các đơn vị nghiệp vụ khác. Theo Quy chế số 59 thì, trong công tác tiếp công dân, đơn vị khiếu tố có trách nhiệm tiếp công dân ban đầu, sau khi tiếp nếu thấy vụ việc thuộc thẩm quyền của đơn vị nghiệp vụ nào thì đề nghị đơn vị đó cử cán bộ tiếp và trả lời công dân. Trong tiếp nhận, phân loại xử lý đơn, đơn vị khiếu tố có trách nhiệm nghiên cứu phân loại và xử lý, nếu đơn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của đơn vị nghiệp vụ nào thì chuyển đến đơn vị đó để giải quyết hoăc kiểm sát việc giải quyết. Đơn vị khiếu tố có trách nhiệm quản lý theo dõi, đôn đốc. Hiện tại các công việc này đều được các đơn vị thực hiện theo Quy chế số 59 nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Hàng năm, trung bình mỗi năm VKS các cấp tiếp khoảng 26 ngàn lượt công dân và tiếp nhận, xử lý khoảng 70 ngàn đơn các loại, trong đó riêng VKSNDTC chiếm khoảng 50%. Số công dân được tiếp và gửi đơn đến VKSNDTC có nội dung tập trung chủ yếu là đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (chiếm khoảng 80%). Đơn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Viện PT1, 2, 3 không nhiều và nội dung chủ yếu là kháng cáo, kiến nghị xem lại bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành theo Luật TCVKSND năm 2014, Lãnh đạo VKSND tối cao đã giao Vụ Khiếu tố sửa đổi, bổ sung Quy chế số 59 theo hướng giao nhiệm vụ giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp cho đơn vị khiếu tố VKS các cấp. Như vậy, tại mỗi cấp VKS đều phải thực hiện tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cấp mình. VKS cấp cao cũng là một cấp Kiểm sát, về chức năng, nhiệm vụ không đầy đủ như các cấp kiểm sát khác, nhưng về công tác khiếu tố, sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ tương tự như các cấp Kiểm sát khác.
II. Những điểm mới của Luật tổ chức VKSND năm 2014 về công tác khiếu tố có liên quan VKSCC
+ Về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân (Điều 40), gồm có: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (Điều 44),gồm: Ủy ban kiểm sát; Văn phòng; các viện và tương đương.
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.
+ Về nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Điểm a, Khoản 1 Điều 29 quy định Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại đối với hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Điều 30) quy định:
1. Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của cấp mình và cấp dưới, thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Viện kiểm sát nhân dân.
3. Ban hành kết luận kiểm sát, thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Theo tinh thần của Luật TCVKSND năm 2014, VKSCC có nhiệm vụ (quyền) kháng nghị các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TA cấp huyện, cấp tỉnh. Như vậy một số lượng lớn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước đây thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKS cấp tỉnh, Viện trưởng VKSNDTC sẽ thuộc Viện trưởng VKSCC. Do đó, sẽ tác động và có thay đổi về việc xử lý đơn của VKSND cấp tỉnh và VKSNDTC.
+ Về mối quan hệ giữa VKSCC với VKSNDTC và VKSND cấp tỉnh trong công tác khiếu tố khi thực hiện Luật tổ chức mới có một số vấn đề cần phải nghiên cứu và giải quyết như sau:
- Thứ nhất, việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Hiện tại theo phân cấp, VKSND tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và các Tòa phúc thẩm, các Tòa chuyên trách của TATC; VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện. Việc tiếp nhận, phân loại xử lý, quản lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm do đơn vị khiếu tố VKSND cấp tỉnh và VKSND tối cao thực hiện. Đơn vị khiếu tố có nhiệm vụ nghiên cứu phân loại, kiểm tra điều kiện thụ lý. Nếu đơn đủ điều kiện thụ lý thì cấp giấy xác nhận đơn (trong lĩnh tố tụng dân sự và hành chính) và chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ để giải quyết; nếu đơn không đủ điều kiện thụ lý thì trả lại đơn và giải quyết khiếu nại đối với việc trả lại đơn (nếu có); nếu đơn chưa đủ điều kiện thụ lý thì hướng dẫn đương sự cung cấp tài liệu bổ sung; đối với đơn không thuộc cấp mình thì chuyển đến VKS có thẩm quyền giải quyết.
Đến nay, VKSCC có thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, cấp tỉnh. Do vậy, việc tiếp nhận xử lý, quản lý các loại đơn này sẽ thuộc trách nhiệm của VKSCC. Trước mắt, để VKSCC thực hiện tốt nhiệm vụ này, VKSTC và VKS cấp tỉnh cần thực hiện việc chuyển giao toàn bộ đơn đã tiếp nhận, thụ lý thuộc thẩm quyền cho VKSCC. Tuy nhiên, do Luật TCVKS mới có hiệu lực nên phần lớn công dân chưa biết sự thay đổi thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSCC, nên trong thời gian tới, đơn vẫn sẽ tập trung gửi đến VKSTC, VKS cấp tỉnh và số lượng đơn tiếp nhận chưa có thay đổi đáng kể. Để đảm bảo thời gian xem xét giải quyết của VKSCC và hạn chế sự vòng vo trong công tác tiếp nhận, chuyển đơn, VKSTC cần có qui định cụ thể về quy trình xử lý và sự phối hợp giữa VKSTC, VKS cấp tỉnh với VKSCC theo hướng, khi nhận được đơn thuộc thẩm quyền VKSCC, đơn vị khiếu tố VKS tối cao và VKS cấp tỉnh lập danh sách rồi chuyển đến VKS cấp cao để thực hiện việc xử lý, thụ lý, giải quyết và quản lý nhà nước trong phạm vi thẩm quyền. VKSCC có trách nhiệm kiểm tra điều kiện thụ lý, cấp giấy xác nhận đơn theo quy định của pháp luật và thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết, quản lý nhà nước về việc giải quyết loại đơn này.
- Thứ hai, về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.
Theo pháp luật hiện hành thì khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định của Viện trưởng cấp dưới do Viện trưởng cấp trên trực tiếp giải quyết. Đối với VKSCC là một cấp Kiểm sát trong hệ thống VKSND, do vậy trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp cũng cần được xác định thẩm quyền độc lập như các cấp Kiểm sát khác, được thực hiện theo qui định của các Bộ luật, Luật tương ứng với lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng VKSCC do Viện trưởng VKSCC giải quyết; khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định của Viện trưởng VKSCC do Viện trưởng VKSND tối cao giải quyết. Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra là những khiếu nại, tố cáo đối với quyết định, hành vi của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh nhưng không liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của VKSCC thì xử lý thế nào. Ví dụ, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực KSĐT hoặc KSTHA.
- Thứ ba, về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp
TACC là cơ quan xét xử ngang cấp với VKSCC, khi hoạt động thì sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo và TACC cũng phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, VKS cấp cao phải kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của TACC. Tuy nhiên, VKSCC chỉ kiểm sát cơ quan tư pháp ngang cấp (TACC). Như vậy, về cơ bản, thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKSCC không có vướng mắc và thực hiện tương tự như VKS các cấp khác. Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền kiểm sát của mình thì VKSCC sẽ chuyển đến TACC để thụ lý, giải quyết và thực hiện trách nhiệm kiểm sát, quản lý, đôn đốc.
- Thứ tư, về công tác tiếp công dân
Do VKSCC là một cơ quan, có chức năng và nhiệm vụ độc lập, do vậy phải thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân, việc tổ chức tiếp công dân, quản lý nhà nước về công tác này do VKSCC thực hiện.
- Thứ năm, về quản lý nhà nước về công tác khiếu tố
Do đặc thù của VKSCC chỉ thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, không giống như các cấp KS khác, do vậy trong quản lý về công tác khiếu tố cũng cần quy định mang tính đặc thù.
III. Một số đề xuất về mô hình công tác khiếu tố
1. Về tiếp công dân
VKSCC thực hiện việc tiếp công dân như các cơ quan Nhà nước khác như, bố trí địa điểm tiếp công dân riêng biệt, thuận lợi, có cán bộ thường trực tiếp công dân. Quy trình, thủ tục tiếp công dân theo quy chế của VKSNDTC
2. Về việc tiếp nhận, phân loại xử lý đơn
Do lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là rất lớn, trong đó có đơn của các cơ quan có chức năng giám sát, Đại biểu Quốc hội chuyển đến nên cần có đơn vị chuyên trách để tiếp nhận, xử lý và quản lý theo dõi kết quả, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền và VKSNDTC theo quy chế của ngành.
3. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo
VKSTC cần có quy định về thẩm quyền giải quyết của VKSCC. Cụ thể, Viện trưởng VKS cấp cao giải quyết:
- Khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng VKSCC;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng VKS cấp tỉnh trong các lĩnh vực tương ứng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của VKSCC;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng VKS cấp tỉnh không trong các lĩnh vực tương ứng mà VKSCC có thẩm quyền, trách nhiệm thì thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSNDTC.
4. Về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Về trình tự, thủ tục thực hiện như các cấp kiểm sát khác;
- Về phạm vi, đối tượng kiểm sát: Chỉ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của TACC
5. Về công tác quản lý
- VKSCC không quản lý, hướng dẫn, kiểm tra VKS cấp tỉnh về công tác khiếu tố; VKS cấp tỉnh không có trách nhiệm báo cáo VKSCC kết quả công tác khiếu tố.
- Nên đưa các quy định về công tác khiếu tố của VKSCC vào quy chế về tổ chức và hoạt động của VKSCC trên cơ sở quy định của QC 59 và pháp luật hiện hành./.