CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp, khẳng định Trương Mỹ Lan là chủ thể của tội "Tham ô tài sản"

03/04/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 1/4/2024, tại phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, đại diện Viện kiểm sát đã tiến hành đối đáp quan điểm bào chữa của Luật sư.

Trương Mỹ Lan dù không trực tiếp quản lý nhưng đã thâu tóm phần lớn cổ phần tại SCB

Mở đầu phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát khẳng định: Với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm hoạt động của Cơ quan điều tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Hoạt động của Viện kiểm sát buộc tội trên cơ sở phải tìm ra những căn cứ gỡ tội, những tình tiết có lợi cho các bị can, bị cáo, nghĩa là phải có trách nhiệm tố tụng thực hiện các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có các nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng sự thật khách quan. "Tổ kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà trân trọng tiếp nhận tất cả những ý kiến của Luật sư, tự bào chữa của các bị cáo tại phiên toà để nghiên cứu và đánh giá trong quá trình giải quyết vụ án", đại diện Viện kiểm sát phát biểu.

Trước đó trong nội dung bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, các Luật sư cho rằng tại SCB, Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch HĐQT mới là người có quyền quyết định mọi hoạt động của ngân hàng. Bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB nên không phải là chủ thể của tội “Tham ô tài sản” theo quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

Phản bác toàn bộ quan điểm nói trên, đại diện Viện kiểm sát một lần nữa khẳng định Cáo trạng số 219/Ctr-VKSTC-V3 ngày 13/12/2023 kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ thực sự, có quyền hạn quyết định, điều hành, chi phối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB là hoàn toàn có căn cứ.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa

Theo Viện kiểm sát, đến tháng 10/2022 bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, sở hữu/chi phối phần lớn cổ phần, chiếm tới 91,536% vốn điều lệ SCB thông qua 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên (trong đó có cả 5 cổ đông là pháp nhân nước ngoài).

Điều này được chứng minh qua bảng kê theo dõi biến động cổ đông do bị cáo Tạ Chiêu Trung là người được giao theo dõi cổ phần SCB liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan từ thời điểm hợp nhất cho đến nay lập, sổ chứng nhận cổ phần (bản gốc) của Công ty Việt Vĩnh Phú và 5 Công ty nước ngoài mà Cơ quan điều tra thu giữ được, cũng như lời khai của các cá nhân đứng tên cổ phần tại SCB đều khai đứng tên hộ cho Trương Mỹ Lan…

Đặc biệt, lời khai của các bị cáo trong vụ án đều khẳng định việc mua thêm cổ phần SCB là do Trương Mỹ Lan chỉ đạo, tiền mua lấy từ Vạn Thịnh Phát và là tiền của Trương Mỹ Lan.

Viện kiểm sát cũng công bố lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan tại Cơ quan điều tra, xác nhận bản thân đã vận động người thân, bạn bè mua cổ phần của 3 Ngân hàng trước khi sáp nhập để đạt tỷ lệ sở hữu cổ phần trên 65%. Sau khi sáp nhập, bị cáo đã nhờ các cá nhân và pháp nhân đứng tên 85% cổ phần, sau đó tiếp tục thu mua cổ phần đến tháng 10/2022 thì Công ty Việt Vĩnh Phú và các cá nhân Việt Nam đã đứng tên cổ phần SCB cho bị cáo.

Ngoài ra, các lời khai của các nhân viên Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty Việt Vĩnh Phú cũng thừa nhận được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhận ủy quyền các cá nhân, pháp nhân nước ngoài để tham dự Đại hội đồng cổ đông và đều biểu quyết “đồng ý” theo ý của Trương Mỹ Lan, dưới sự hướng dẫn của Tạ Chiêu Trung. Thể hiện qua bảng kê cổ đông do Tạ Chiêu Trung lập và lời khai của bị cáo này thể hiện Trương Mỹ Lan giao cho bị cáo theo dõi cổ phần của SCB, mọi biến động cổ phần SCB đều được sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Năm 2022, hai cựu Lãnh đạo Vạn Thịnh Phát đã giao nộp cho Cơ quan điều tra 6 sổ gốc chứng nhận cổ phần... Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng khai nhận đã vận động người thân, bạn bè mua cổ phần của SCB và luôn nắm quyền chi phối cao nhất, việc này còn được thể hiện qua lời khai của các bị cáo khác.

Bác bỏ toàn bộ quan điểm cho rằng Trương Mỹ Lan không phải chủ thể của tội "Tham ô tài sản"

Tại phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát khẳng định: Tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời, cơ quan tố tụng có đủ căn cứ chứng minh Trương Mỹ Lan sở hữu 65% cổ phần SCB, có quyền chi phối, định đoạt đối gần 30% cổ phần SCB do 5 Công ty nước ngoài đứng tên sở hữu. Bằng việc sở hữu, chi phối phần lớn cổ phần SCB nêu trên, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chi phối, quyết định, điều hành mọi hoạt động của SCB.

Trong khi đó, Ngân hàng SCB được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, với thành phần gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết.

Bị cáo Trương Mỹ Lan dù không trực tiếp quản lý tài sản của SCB nhưng đã thâu tóm, chi phối phần lớn cổ phần, chiếm tới 91,536% vốn điều lệ của SCB để nắm quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông, có quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần, có quyền bầu, miễn nhiệm ra các thành viên HĐQT. Các đối tượng là Lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB qua các thời kỳ tuy là người có chức vụ và có trách nhiệm quản lý tài sản tại Ngân hàng SCB, nhưng lại không phải là người có quyền hạn cao nhất mà chỉ có vai trò thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Kết quả điều tra cũng như kết quả thẩm tra tại phiên tòa gồm lời khai của các bị cáo thuộc Ngân hàng SCB và lời khai của chính bị cáo Trương Mỹ Lan chứng minh được bị cáo đã sử dụng quyền hạn của cổ đông sở hữu chi phối phần lớn cổ phần để sắp xếp, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB. Trương Mỹ Lan quyết định việc bố trí nhân sự là Lãnh đạo chủ chốt SCB, quyết định cá nhân nào là thành viên HĐQT và ai là Chủ tịch HĐQT, cũng như các vị trí Lãnh đạo chủ chốt khác tại SCB để thông qua đó Trương Mỹ Lan quyết định điều hành mọi hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay, rút tiền để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng.

Như vậy trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức có liên quan, bị cáo Trương Mỹ Lan là người nắm quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông, là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, điều hành các đối tượng có chức vụ tại SCB thực hiện tội phạm. Bị cáo Trương Mỹ Lan coi SCB như một công cụ tài chính, nắm quyền điều hành mọi hoạt động SCB, lợi dụng quyền hạn của mình chiếm đoạt tiền của SCB.

Đối với ý kiến của Luật sư cho rằng, xuyên suốt từ 1/1/2012 cho đến khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là tương tự nhau, cùng phương thức phạm tội nhưng cơ quan tố tụng lại khởi tố, truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan về 2 tội danh khác nhau. Đại diện Viện kiểm sát cho biết, thống nhất quan điểm đánh giá xuyên suốt từ 1/1/2012 cho đến khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là tương tự nhau, cùng phương thức, thủ đoạn phạm tội. Xét về bản chất, xuyên suốt trong toàn bộ từ ngày 1/1/2012 cho đến khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, hành vi của Trương Mỹ Lan đều là hành vi chiếm đoạt tiền của SCB thông qua chuỗi hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định về khái niệm tội phạm: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật này... Như vậy, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong giai đoạn từ 01/01/2012 đến trước ngày 01/1/2018 thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đến giai đoạn từ 1/1/2018 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội danh tham ô tài sản đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo quy định Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội ngày 20/6/2017 về hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, theo quy định tại điểm a Điều 2 của Nghị quyết: Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0h ngày 1/1/2018… Do đó, tại thời điểm này hành vi chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, Viện kiểm sát truy tố bị cáo về hai tội danh nêu trên là có căn cứ đúng pháp luật.

Về một số ý kiến Luật sư nêu các bị cáo đồng phạm nhưng lại truy tố các tội khác nhau, đại diện Viện kiểm sát cho biết, theo quy định Điều 17 Bộ luật Hình sự về đồng phạm: Hai người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm. Trong vụ án đồng phạm, có đối tượng là chủ mưu cầm đầu, có đối tượng thực hành giúp sức.

Kết quả điều tra xác định từ năm 2012 đến khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm ở những cương vị, vị trí, vai trò khác nhau thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước và tổ chức doạnh nghiệp ngoài nhà nước, việc thực hiện tội phạm thuộc trường hợp đồng phạm có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn - cơ quan tố tụng đã rà soát, phân loại.

Tính hành vi của đối tượng đồng phạm, vai trò, vị trí, số lượng tính chất mức độ hành vi phạm tội và lỗi ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi phạm tội có vai trò thực hành, giúp sức đến đâu thì xem xét xử lý đến đó, tương xứng với tính chất, hậu quả hành vi phạm tội đối tượng đồng phạm gây ra.

Trong vụ án này, chỉ những bị cáo có chức vụ, quyền hạn có vai trò chủ chốt quan trọng tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, người thân cận với Trương Mỹ Lan, tiếp nhận trực tiếp chỉ đạo của Trương Mỹ Lan giúp bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản thì Viện kiểm sát mới truy tố về đồng phạm tội Tham ô tài sản.

Đối với các bị cáo khác ở nhóm dưới có nhiệm vụ quyền hạn trong việc cấp tín dụng thuộc ngân hàng SCB là người làm công ăn lương làm theo chỉ đạo, không có vai trò quyết định; một số bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian ngắn, nhận thức được sai phạm nên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác… Ý thức của họ khi thực hiện hành vi sai phạm không biết mình đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản của SCB - đối với những bị cáo này, Viện kiểm sát truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động ngân hàng với hậu quả tương xứng với thời gian họ giữ các vị trí, chức vụ tại SCB.

“Việc một số Luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB, không phải chủ thể của tội Tham ô tài sản là không có căn cứ chấp nhận”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Việt An - Mai Phong - Đại Lánh (baovephapluat.vn)
Tìm kiếm