Triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 ngày 6 tháng 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49-NQ/TW), ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) đã ban hành Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ về việc lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020 và các Kế hoạch số 4334/KH-CCTP ngày 10/8/2007, Kế hoạch số 332/KH-CCTP ngày 14/02/2011 của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết số 67 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (giai đoạn 2011- 2015). Quân ủy Trung ương đã tích cực chỉ đạo, triển khai cho các cơ quan hoàn chỉnh Đề án đổi mới thẩm quyền và tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp trong Quân đội...
Đổi mới thẩm quyền, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; những đề xuất, kiến nghị
Viện kiểm sát Quân sự Trung ương
Triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 ngày 6 tháng 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49-NQ/TW), ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) đã ban hành Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ về việc lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020 và các Kế hoạch số 4334/KH-CCTP ngày 10/8/2007, Kế hoạch số 332/KH-CCTP ngày 14/02/2011 của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết số 67 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (giai đoạn 2011- 2015). Quân ủy Trung ương đã tích cực chỉ đạo, triển khai cho các cơ quan hoàn chỉnh Đề án đổi mới thẩm quyền và tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp trong Quân đội.
I. HOÀN THIỆN THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN QUÂN SỰ, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP
Trên cơ sở thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 49, “nghiên cứu, xác định hợp lý thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự theo hướng chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự”; các cơ quan tư pháp quân đội đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 67, trong đó đã xác định rõ: Các Tòa án quân sự xét xử các vụ án hình sự mà người phạm tội là quân nhân tại ngũ, công nhân, công chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu và những vụ án hình sự do người khác phạm tội nhưng gây thiệt hại cho quân đội hoặc liên quan đến bí mật quân sự. Khi đất nước được tuyên bố trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì tòa án quân sự xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 67, Tòa án quân sự Trung ương đã được Bộ Quốc phòng giao nghiên cứu, xây dựng Đề án “Hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đến nay Đề án đã được trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Cụ thể Đề án đã đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (tại Điều 3 và Điều 5 của Pháp lệnh tổ chức TAQS) như sau:
“Điều 3.
1. Các Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự sau đây:
a) Những vụ án hình sự mà bị cáo là: quân nhân tại ngũ, công chức, viên chức và công nhân quốc phòng; quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý;
b) Những vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc gây thiệt hại đến tài sản được Quân đội cấp cho những người này để thực hiện nhiệm vụ quân sự hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội và khu vực quân sự do Quân đội quản lý, bảo vệ.
2. Khi đất nước hoặc địa bàn được tuyên bố trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trên địa bàn và trong thời gian thiết quân luật.
Điều 5.
1. Trường hợp trong cùng một vụ án vừa có người phạm tội hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có người phạm tội hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
2. Trường hợp vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều bị cáo, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó vai trò của bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự chỉ ở mức độ hạn chế thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân
Như vậy việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cơ bản như hiện nay có bổ sung thêm “Việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa bàn trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật do Toà án quân sự đảm nhiệm” để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, căn cứ vào Điều 32 Luật Quốc phòng, và làm rõ hơn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong “Trường hợp vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều bị cáo, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó vai trò của bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự chỉ ở mức độ hạn chế thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân”.
Việc xác định thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự xuất phát từ những lý do sau đây:
- Thứ nhất, Khách thể quan trọng nhất mà các Tòa án quân sự phải tập trung bảo vệ là kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
-Thứ hai, Quân đội là tổ chức chiên đấu rất chặt chẽ, có cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất để ứng phó với mọi hoàn cảnh rất khẩn trương, cơ động nhanh trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
- Thứ ba, yếu tố bí mật quân sự đòi hỏi rất cao, quyết định đến sự thành, bại của một chiến lược, chiến thuật quân sự và cao hơn nữa là sự tổn vong của Tổ quốc.
- Thứ tư, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội là nguyên tắc bất di bất dịch. Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương phải nắm chắc tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật trong Quân đội và chất lượng đối ngũ cán bộ để có biện pháp giáo dục, khắc phục tồn tại nhằm xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện.
- Thứ năm, trong tình hình hiện nay và lâu dài, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang tìm cách phá hoại Quân đội, hoặc đưa ra quan điểm mập mờ: Quân đội không có gì khác biệt với các Bộ, ngành khác để lập luận thu hẹp thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự, thậm chí có cá nhân không hiểu biết nhiều về Quân đội còn nêu quan điểm thiếu xây dựng “không cần tổ chức các cơ quan tư pháp quân đội”, để rồi từng bước vô tình hay hữu ý làm suy yếu Quân đội trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, tiến tới phi chính trị hoá Quân đội. Do vậy, việc củng cố và tăng cường các thiết chế quân sự, chính trị trong đó có các cơ quan tư pháp là đặc biệt cần thiết trong tình hình hiện nay.
- Thứ sáu, việc điều tra, truy tố, xét xử trong Quân đội phải có những người am hiểu pháp luật và còn phải nắm được những kiên thức quân sự, quốc phòng. Người có trình độ cử nhân luật nhưng để được bổ nhiệm làm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong Quân đội phải là sĩ quan quân đội, phải được đào tạo qua các trường quân sự và phải có một thời gian công tác ở đơn vị cơ sở mới được tuyển chọn;
- Thứ bảy, thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hơn 60 năm qua cho thấy, trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, dù thời chiến cũng như thời bình, các Toà án quân sự đều xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân, công nhân viên chức quốc phồng phạm tội; những vụ án gây thiệt hại cho Quân đội (từ năm 1986 đến nay về cơ bản không thay đổi về thẩm quyền và phạm vi xét xử của Toà án quân sự).
- Thứ tám, nghiên cứu tổ chức và hoạt động của Toà án quân sự các nước, thì đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự cũng giống như Việt Nam (quân nhân, công chức quốc phòng phạm tội dù đó là tội gì, ở đâu đều do Toà án quân sự xét xử).
II. VỀ ĐỔI MỚI BỘ MÁY TỔ CHỨC CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP TRONG QUÂN ĐỘI.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ; số lượng vụ việc trên thực tế của mỗi cơ quan và đặc thù bố trí lực lượng của Quân đội, do vậy các cơ quan tư pháp trong quân đội không tổ chức 4 cấp như Kết luận 79 của Bộ Chính trị, đặc biệt các cơ quan tư pháp trong quân đội cũng không tổ chức thống nhất theo 3 cấp hay 2 cấp mà có 03 cơ quan (Điều tra hình sự, Viện kiểm sát quân sự và Tòa án quân sự) tổ chức theo 3 câp (Trung ương, Quân khu và cấp khu vực); có 02 cơ quan (An ninh điều tra và Thi hành án trong quân đội) thì chỉ tổ chức theo 2 cấp ( cấp Trung ương và cấp Quân khu).
Thực hiện chủ trương thu gọn đầu mối các cơ quan tư pháp theo nghị quyết 49; các cơ quan tư pháp trong quân đội đã nghiên cứu xây dựng đề án về tổ chức biên chế trình ban chỉ đạo cải cách Bộ Quốc phòng, hiện nay ban chỉ đạo cải cách Bộ Quốc phòng đã trình ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Cụ thể như sau:
1. MÔ HÌNH TỔ CHỨC TÒA ÁN QUÂN SỰ
1.1. Mô hình tổ chức Toà án quân sự đến năm 2015
Hệ thống Toà án quân sự được tố chức thành 3 cấp, gồm:
- Toà án quân sự Trung ương;
- Toà án quân sự quân khu và tương đương (08 tòa gồm Tòa án quân sự Quân khu 1,2,3,4,5,7,9 và Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)
- Toà án quân sự khu vực (09 tòa gồm mỗi quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức 01 Tòa khu vực, riêng Quân khu 5 do địa bàn rộng tổ chức 02 tòa án khu vực).
Như vậy, so với hiện nay, từ năm 2011 đến năm 2015, tổ chức Toà án quân sự giảm 09 Tòa bao gồm 01 Tòa án cấp thứ 2 và 08 tòa án cấp thứ 3.
1.2. Mô hình tổ chức Toà án quân sự đến năm 2020
Hệ thống Tòa án quân sự vẫn được tổ chức thành ba cấp, gồm: Tòa án quân sự Trung ương; 06 Toà án quân sự Vùng và 08 Tòa án quân sự khu vực.
Như vậy đến năm 2020, sẽ giảm 02 Toà án quân sự cấp thứ hai Gồm tòa án quân sự Quân khu 2 và Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội; Giảm 01 Tòa án khu vực Thủ đô Hà Nội.
2. MÔ HÌNH TỔ CHỨC VIỆN KIÊM SÁT QUÂN SỰ
2.1. Mô hình tổ chức Viện kiểm sát quân sự sau năm 2015
Hệ thống Viện kiểm sát quân sự được tổ chức theo 3 cấp, gồm: Viện kiểm sát quân sự Trung ương; 11 Viện kiểm sát quân sự đặt tại các Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng và Bộ Tổng Tham mưu (Cấp 2) và 28 Viện kiểm sát quân sự khu vực (Cấp 3). Không tổ chức các Viện kiểm sát quân sự ở các Quân đoàn. Như vậy, so với hiện nay giảm 11 Viện, cụ thể: Giảm 05 Viện kiểm sát quân sự cấp 2 (04 Viện kiểm sát Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Viện kiểm sát cơ quan Bộ Quốc phòng hợp nhất với Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội); giảm 06 Viện kiểm sát quân sự cấp 3 (04 Viện kiểm sát quân sự khu vực thuộc các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và 02 Viện kiểm sát quân sự khu vực thuộc Viện kiểm sát quân sự Cơ quan Bộ Quốc phòng).
2.2. Mô hình tổ chức Viện kiểm sát quân sự đến năm 2020
Hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp được tổ chức theo 3 cấp, gồm: Viện kiểm sát quân sự Trung ương; 08 Viện kiểm sát quân sự các Quân khu và Bộ Tổng Tham mưu; 22 Viện kiểm sát quân sự khu vực; không tổ chức Viện kiểm sát quân sự ở các Quân chủng và Bộ đội Biên phòng. Như vậy, so với giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, giảm 09 Viện, cụ thể: Giảm 03 Viện kiểm sát quân sự cấp 2 (Viện kiểm sát quân sự Quân chủng Phòng không - Không quân, Viện kiểm sát quân sự Quân chủng Hải quân, Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng); giảm 06 Viện kiểm sát quân sự khu vực thuộc 03 Viện kiểm sát quân sự nêu trên.
3. MÔ HÌNH TÔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ
3.1. Mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đến năm 2015
3.1.2. Về tổ chức
- Hệ thống Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội được tổ chức theo 03 cấp, gồm: Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (Cục ĐTHS); Cơ quan điều tra hình sự cấp Quân khu (Phòng ĐTHS- cấp 2); Cơ quan điều tra hình sự khu vực (Cấp 3).
- Trong giai đoạn này sẽ giải thể 34 Cơ quan điều tra hình sự các cấp; đồng thời thành lập mới 07 Cơ quan điều tra hình sự khu vực, cụ thể là:
+ Giải thể 16 Cơ quan ĐTHS cấp Quân khu, bao gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Chính trị, Tổng cục II, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Binh chủng Thông tin, Binh chủng Hóa học, Binh chủng Đặc công, Binh chủng Pháo binh, Binh chủng Công binh, Binh chủng Tăng - Thiết giáp; Binh đoàn 11, Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Binh đoàn 16.
+ Giải thể 18 Cơ quan điều tra hình sự khu vực, bao gồm: Cơ quan điều tra khu vực 2 các tổ chức sự nghiệp thuộc BQP; 07 Cơ quan điều tra hình sự khu vực của Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục; 06 Cơ quan điều tra hình sự khu vực của các Binh chủng; 04 Cơ quan điều tra hình sự khu vực các Binh đoàn 11, 12, 15, 16.
+ Thành lập 01 Cơ quan Điều tra hình sự khu vực thuộc Quân khu 4; 03 Cơ quan điều tra hình sự khu vực thuộc Quân khu 5; 01 Cơ quan điều tra hình sự khu vực thuộc Quân khu 7 và 02 Cơ quan điều tra hình sự khu vực thuộc Quân khu 9.
- Kết thúc giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, toàn Ngành còn 71 Cơ quan ĐTHS các cấp (giảm 27 cơ quan). Cụ thể là:
3.2. Mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đến năm 2020
- Hệ thống Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội được tổ chức theo 03 cấp, gồm: Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (Cục ĐTHS); Cơ quan điều tra hình sự các quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và Cơ quan điều tra hình sự Thủ đô Hà Nội; Cơ quan điều tra hình sự khu vực các quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và Cơ quan điều tra hình sự khu vực Thủ đô Hà Nội.
- Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 giải thể 20 Cơ quan điều tra hình sự các cấp và 03 Trại tạm giam; đồng thời thành lập mới 01 Cơ quan điều tra hình sự khu vực, cụ thể là:
+ Giải thể 12 cơ quan điều tra hình sự thuộc các Quân chủng và Bộ đội Biên phòng, gồm: 03 Phòng Điều tra hình sự và 09 Cơ quan điều tra hình sự cấp khu vực của Bộ đội Biên phòng; Quân chủng Phòng không - Không quân; Quân chủng Hải quân.
+ Giải thể 08 Cơ quan điều tra hình sự của các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, gồm: 04 Phòng Điều tra hình sự và 04 Cơ quan điều tra hình sự khu vực.
+ Giải thể 03 Trại tạm giam của các quân đoàn 1, 2, 4.
+ Thành lập mới Cơ quan điều tra hình sự khu vực thuộc Quân khu III (trên cơ sở Cơ quan điều tra hình sự Quân đoàn 1).
- Kết thúc giai đoạn này, toàn ngành còn 52 Cơ quan điều tra hình sự các cấp (giảm 46 Cơ quan điều tra hình sự).
4. MÔ HÌNH TỔ CHỨC CƠ QUAN AN NINH ĐIỀU TRA
4.1. Mô hình tổ chức Cơ quan An ninh điều tra Quân đội đến 2015
Hệ thống Cơ quan An ninh điều tra Quân đội được tổ chức theo hai cấp, gồm: Cấp thứ nhất là Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng (Cục Bảo vệ an ninh Quân đội); cấp thứ hai là Cơ quan An ninh điều tra các Quân khu và tương đương, cụ thể:
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng: 01 cơ quan.
- Cơ quan An ninh điều tra Quân khu và tương đương có 11 cơ quan: Cơ quan An ninh điều tra cấp 2 thuộc Cục Bảo vệ An ninh; Cơ quan An ninh điều tra Quân khu (1, 2, 3, 4, 5, 7, 9); Cơ quan An ninh điều tra Quân chủng Phòng không - Không quân; Cơ quan An ninh điều tra Quân chủng Hải quân; Cơ quan An ninh điều tra Bộ đội Biên phòng.
4.2. Mô hình tổ chức Cơ quan An ninh điều tra Quân đội đến 2020
- Hệ thống Cơ quan An ninh điều tra Quân đội được tổ chức theo hai cấp, gồm: Cấp thứ nhất là Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng (Cục Bảo vệ an ninh Quân đội); cấp thứ hai là Cơ quan An ninh điều tra các Quân khu và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Cục Bảo vệ An ninh tương đương.
- Giải thể các Cơ quan An ninh điều tra Quân chủng Phòng không - Không quân; Cơ quan An ninh điều tra Quân chủng Hải quân; Cơ quan An ninh điều tra Bộ đội Biên phòng.
- Kết thúc giai đoạn này, toàn ngành còn 09 Cơ quan An ninh điều tra các cấp (giảm 03 Cơ quan An ninh điều tra).
5. MÔ HÌNH TỒ CHỨC NGÀNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
5.1. Mô hình tổ chức ngành Thi hành án đến năm 2015
Hệ thống tổ chức Ngành thi hành án dân sự trong Quân đội tổ chức 02 cấp (được giữ nguyên như hiện nay).
- Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
- Phòng Thi hành án cấp quân khu
Gồm 09 phòng thi hành án dân sự là: Phòng thi hành án các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Phòng Thi hành án Quân chủng Hải quân và Phòng Thi hành án Bộ Tổng tham mưu.
5.2. Mô hình tổ chức ngành Thi hành án đến năm 2020
5.2.1. Về tổ chức
- Giải thể Phòng Thi hành án Quân chủng Hải quân.
- Hệ thống tổ chức Ngành thi hành án dân sự được tổ chức thành 02 cấp:
+ Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
+ 08 Phòng thi hành án các Quân khu 1,2, 3, 4, 5, 7, 9 và Phòng Thi hành án Bộ Tổng tham mưu.
III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP QUÂN ĐỘI
1. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện pháp luật cụ thể hoá Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Trước mắt, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các bộ luật, pháp lệnh (trong thực tế, có nhiều nội dung của Nghị quyết 49 liên quan nhưng pháp luật chưa được sửa đổi nên có nhiều nội dung của Nhị quyết chưa được thể chế hóa).
2. Để nghị giữ nguyên cơ bản thẩm quyền xét xử về hình sự của các Toà án quân sự như hiện nay và bổ sung thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật. Đồng thời, kịp thời sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 0l/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
3. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức và quyền hạn của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp, tăng cường giám sát của các cơ quan này đối với hoạt động tư pháp trong quân đội.
4. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đối với các ngành, các tổ chức có liên quan như: tài chính, kế hoạch, tổ chức, hậu cần..... để đảm bảo thực hiện đúng các nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW, nhất là các nội dung về công tác đầu tư, xây dựng.
5. Đội ngũ cán bộ tư pháp trong Quân đội hiện nay còn thiếu so với biên chế, việc tuyển dụng, tạo nguồn để bổ sung vào ngành tư pháp theo tiêu chuẩn chức danh tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét có cơ chế trong tuyển dụng cũng như chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút cán bộ, tạo nguồn bổ sung cho các cơ quan tư pháp; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ, trước hết là cán bộ có chức danh tư pháp ở cơ sở, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức xã hội đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tổ chức đào tạo văn bằng 2 về Luật cho các sỹ quan có bằng Đại học khác để tạo nguồn tuyển dụng cho các cơ quan tư pháp quân đội.
6. Tăng cường hơn nữa về cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, xăng dầu phục vụ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, pháp chế; tiếp tục nâng cấp trụ sở cơ quan tư pháp theo tiêu chuẩn quy định; đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định nâng trần quân hàm sỹ quan lên một cấp đối với cán bộ các cơ quan tư pháp cấp khu vực để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
7. Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi chế độ phụ cấp đặc thù đối với các chức danh tư pháp trong Quân đội như các chức danh tư pháp ngoài Quân đội.
8. Đổi mới quy trình bổ nhiệm các chức danh tư pháp theo hướng đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian.
9. Đề nghị nghiên cứu, ban hành các chỉ thị, quy định để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng nhưng đồng thời cũng tránh việc can thiệp sâu vào hoạt động tư pháp./.