CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT - TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

26/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Tiếp cận con người từ phương diện cấu trúc nhân cách đức - tài, phẩm chất đạo đức - năng lực, “hồng” - “chuyên”, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xác định đức, phẩm chất đạo đức, “hồng” là gốc, là nền tảng. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn....

 ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT - TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

 
PGS, TS Phạm Ngọc Anh
Tiếp cận con người từ phương diện cấu trúc nhân cách đức - tài, phẩm chất đạo đức - năng lực, “hồng” - “chuyên”, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xác định đức, phẩm chất đạo đức, “hồng” là gốc, là nền tảng. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. Quan niệm đó hoàn toàn chính xác khi đánh giá con người, nhân cách đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đồng chí Hoàng Quốc Việt từ một người yêu nước, một người thợ trở thành một nhà cách mạng có uy tín, một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, một nhà lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trở thành lớp cán bộ tiền bối tiêu biểu, kính mến, có sức hấp dẫn lớn, được mọi người ca ngợi khi còn sống và cả sau khi đã qua đời, trước hết và căn bản là ở tư cách đạo đức và những phẩm chất làm người mà đồng chí đã tích tụ lại.
Cho đến nay, về tư cách đạo đức của đồng chí Hoàng Quốc Việt được đánh giá nhất quán và rất cao, cả ở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như trong dư luận quần chúng nhân dân: Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một biểu tượng sáng chói, một kiểu mẫu đạo đức cách mạng tiêu biểu của người cộng sản Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thể hiện đầy đủ phẩm chất cao đẹp của người cộng sản chân chính, suốt đời vào sinh ra tử để phục vụ sự nghiệp cao cả của giai cấp công nhân và của dân tộc là giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, luôn nêu cao đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Đồng chí đã sớm tham gia vào dòng thác đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một trong những nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng. Chính những năm tháng lăn lộn hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn đã hình thành trong đồng chí tác phong sâu sát quần chúng, thói quen và bản lĩnh vận động công nhân tham gia cách mạng. Bất cứ ở đâu, làm bất cứ việc gì đồng chí cũng sống chan hòa, gần gũi với công nhân lao động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mọi người để vận động, giác ngộ, xây dựng lực lượng và bảo vệ thành quả của cách mạng.
Trong đời thường, đồng chí rất giản dị, cởi mở, chân tình với bạn bè, đồng chí, với cán bộ, nhân viên giúp việc, cũng như với quần chúng nhân dân lao động. Trong công tác, đồng chí rất nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, thói làm ăn tắc trách, hời hợt, thiếu đào sâu suy nghĩ. Trên cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí nổi tiếng về xét xử công minh, giải quyết nhiều vụ việc có tình có lý, sát hợp với lòng người. Đồng chí Hoàng Quốc Việt sớm nhìn thấy những dấu hiệu không lành mạnh trong xã hội, đã không ngừng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, cải tạo những kẻ thoái hóa biến chất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và bảo vệ đội ngũ cán bộ của Đảng.
Trong hoạt động quốc tế, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn coi trọng đoàn kết, hợp tác anh em với các nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời còn thực hiện chủ trương từng bước mở rộng quan hệ với công nhân, công đoàn các nước tư bản chủ nghĩa, nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của phong trào công nhân, công đoàn tất cả các nước trên thế giới đối với phong trào công nhân, công đoàn và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Gần 70 năm cống hiến cho Đảng, cho dân tộc, dù hoạt động ở đâu, làm bất cứ công việc gì, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng cống hiến hết sức lực, trí tuệ cho Đảng, cho dân. Tấm gương sáng ngời và những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt cho Đảng, cho dân, cho thế hệ mai sau được Tổng Bí thư Đỗ Mười thay mặt toàn Đảng, toàn dân đọc trước lúc tiễn biệt đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng”.
Như vậy, đạo đức cách mạng là đặc trưng nổi bật trong nhân cách và con người đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đạo đức đó làm cho đồng chí trở thành bất diệt và tỏa rạng muôn đời con cháu mai sau.
Có rất nhiều nhân tố: Chủ quan và khách quan, dân tộc và thời đại tác động trực tiếp đến việc hình thành đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Chung quy lại có thể khái quát thành các nhóm nhân tố cơ bản sau đây:
- Gia đình, quê hương, dân tộc đã hun đúc và tạo các điều kiện để đồng chí Hoàng Quốc Việt trở thành một nhân cách cộng sản. Các giá trị đạo đức truyền thống của văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Việt Nam: yêu nước, thương người, đoàn kết, cố kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái, trọng nghĩa khí, ghét áp bức, bất công, cần cù, sáng tạo, bao dung, độ lượng, chừng mực, không thích những gì thái quá v.v. đã khắc sâu vào tâm khảm đồng chí ngay từ thời ấu thơ. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống, vượt qua những điểm hạn chế, nâng các giá trị đó lên một tầm cao mới phù hợp với tiến bộ lịch sử và xu thế phát triển của thời đại: đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân.
- Tiếp xúc với chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cải biến và tự hoàn thiện phẩm chất đạo đức cá nhân theo lập trường, quan điểm và phương pháp hành động biện chứng mácxít. Sự xâm nhập, tương tác, thẩm thấu, hòa quyện các giá trị đạo đức dân tộc và quốc tế, dân tộc và thời đại, dân tộc và chủ nghĩa Mác-Lênin để cuối cùng hình thành một nhân cách đạo đức Hoàng Quốc Việt sáng ngời là một chủ đề cần có sự đầu tư nghiên cứu theo chiều sâu, bởi từ đó có thể phát hiện hàng loạt vấn đề có tính quy luật hình thành đạo đức của xã hội chúng ta. Đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp nhận đạo đức Mác-Lênin, đạo đức cộng sản như một cuộc hội ngộ, gặp gỡ lịch sử tự nhiên, tất yếu, nằm trong dòng chảy liền mạch hội nhập của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Ý nghĩa thời đại của nhân cách đạo đức Hoàng Quốc Việt chính là ở nguồn gốc hội nhập chủ động, đầy sáng tạo đó.
- Các phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt được hình thành, dần dần củng cố, hoàn thiện và phát huy tác dụng thông qua thực tiễn cách mạng. Thực tiễn hoạt động của đồng chí thực sự phong phú, đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực: Học tập (học tri thức, học nghề), làm thợ (môi trường công nghiệp), tổ chức tranh đấu, tù đày, tham gia kháng chiến, giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị; thực tiễn hoạt động trong nước và thực tiễn hoạt động ở nước ngoài... Chính thực tiễn cách mạng phong phú, đa dạng, nhiều khi khắc nghiệt, tàn khốc đã tôi luyện đồng chí thành một chiến sĩ cộng sản đầy bản lĩnh: giàu sang không quyến rũ, nghèo khổ không chuyển lay, uy vũ không khuất phục.
Nói về quá trình gian khổ rèn luyện đạo đức cách mạng,
Hồ Chí Minh đã có nhận định mang tính chân lý:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Còn nhà văn Xôviết Ôxtrốpxki thì viết một cách đầy hình tượng, có sức lay động lớn: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, khi đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ...”. Thực tiễn đấu tranh cách mạng tôi luyện phẩm chất đạo đức con người; để con người sống, tự khẳng định mình. Một điều đặc biệt lý thú là thông qua các loại hình hoạt động thực tiễn cụ thể, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã biết bổ sung vào nền móng đạo đức của mình các nhân tố mới, các giá trị mới, tích cực và tiến bộ, để tích hợp trong đó một hệ chuẩn giá trị của một nền đạo đức mới, vượt lên tất cả các hình thái đạo đức đã từng tồn tại trước đó.
- Một nhân tố quan trọng để hình thành phẩm chất đạo đức của đồng chí Hoàng Quốc Việt là năng lực cá nhân. Ngay từ nhỏ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tỏ ra thông minh, vượt trội bạn bè cùng trang lứa về nhận thức, tư duy và hành động. Các năng lực bẩm sinh đó đã cho phép đồng chí nhìn nhận hiện thực đất nước, thời đại theo một nhãn quan, lăng kính phù hợp với xu thế phát triển.
Điều kiện lịch sử dân tộc, thời đại và các phẩm chất vốn có đã xác lập những tiền đề vững chắc để đồng chí Hoàng Quốc Việt làm người, học nghề, làm việc, trưởng thành để cuối cùng có một nhân cách đạo đức Hoàng Quốc Việt, nói theo ngôn ngữ của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, mở đầu cho sự ra đời một nền luân lý: vĩ đại trong cái bình thường, bình thường một cách vĩ đại.
3. Đồng chí Hoàng Quốc Việt không phải là một nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà đạo đức học. Đồng chí ít viết, nói về đạo đức cách mạng; chủ yếu ông là con người hành động, hành động tiên phong. Hoàng Quốc Việt là một kiểu mẫu thực hành đạo đức; lý tưởng đạo đức, các nguyên lý đạo đức thống nhất trong khuôn mẫu hành vi, qua cách sống, sinh hoạt, ứng xử hàng ngày của đồng chí. Điều đó hoàn toàn phù hợp với đạo đức học truyền thống Việt Nam. Trong truyền thống đạo đức Việt Nam, điều quan trọng gần như chủ yếu là thực hành đạo đức. Đây mới là điều mà quần chúng ở các thế hệ, các cộng đồng quan tâm. Phải thực hành đạo đức mới chứng tỏ là sự thừa nhận lý tưởng. Lý tưởng đạo đức nằm trong tôn chỉ. Thực hành đạo đức nằm trong ứng xử. Xét ở góc độ triết học, sự không phân tách mà thống nhất cả hai bình diện lý tưởng đạo đức và thực hành đạo đức là điều rất cơ bản của một dạng cấu trúc tư duy. Với đạo đức cổ truyền Việt Nam, lý tưởng đạo đức và thực hành đạo đức đều là thành tố cấu trúc của đạo đức học. Trong quan niệm của quần chúng nhân dân, có lý tưởng đạo đức thì phải có thực hành đạo đức, thực hành ngay trong đời thường, vừa thực hành vừa hoàn thiện thêm lý tưởng chứ không phải học trong nguyên lý rồi ra thực hành để minh họa.
Đạo đức của đồng chí Hoàng Quốc Việt nằm trong dòng chảy và quan niệm chung của nhân dân về một nền đạo đức tiến bộ. Ở Hoàng Quốc Việt không có các di sản lý luận, không có các trước tác văn chương nói về lý tưởng đạo đức cách mạng; nhưng lại có một nhân cách đạo đức Hoàng Quốc Việt, nhân cách đó đã thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng một cách toàn vẹn, triệt để và trở thành một tấm gương đạo đức được quần chúng chấp nhận. Đây là cống hiến quan trọng của Hoàng Quốc Việt vào đạo đức học nước nhà. Nghiên cứu đạo đức học cách mạng Việt Nam mà không chú ý tấm gương đạo đức Hoàng Quốc Việt là hoàn toàn không đủ và là một thiếu sót lớn. Trong Hoàng Quốc Việt, con người đạo đức đã trở thành con người như thế này, chứ không còn là con người cần phải như thế này; sự thống nhất biện chứng giữa lý tưởng đạo đức cách mạng và hành vi đạo đức chặt chẽ đến mức không thể bóc tách: Trong hành vi đạo đức đã bộc lộ lý tưởng đạo đức; lý tưởng đạo đức phải được nhìn nhận, đánh giá, rút ra từ thực tiễn hành vi đạo đức phong phú, sinh động của cuộc sống hàng ngày.
Nghiên cứu hành vi ứng xử và toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng Quốc Việt, có thể khái quát thành các chuẩn mực đạo đức cơ bản sau đây:
- Suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Cuộc đời của đồng chí Hoàng Quốc Việt thật sự là một tấm gương phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Lý tưởng đó được đồng chí theo đuổi, thực hiện trọn vẹn trong suốt cuộc đời. Xuất thân từ hàng ngũ giai cấp công nhân, từ lúc còn trẻ, đồng chí đã giác ngộ cách mạng và tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc, chống đế quốc, phong kiến.
Khi bị bắt giam, đày đọa trong lao tù của thực dân Pháp với những cực hình hết sức dã man: chế độ khổ sai, nhốt vào hầm xay lúa, nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, kìm kẹp, bị đánh đập tàn bạo, bỏ đói, bỏ khát, đồng chí Hoàng Quốc Việt vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, không gì lay chuyển được. Trong nhà tù, đồng chí luôn nêu cao tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của người công nhân, luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp, luôn luôn vui vẻ, không bao giờ xao nhãng công tác cách mạng, chịu khó học tập lý luận... Mục đích của đồng chí là làm tất cả mọi việc có lợi cho Đảng, cho cách mạng để giải phóng dân tộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ở những cương vị quan trọng trong Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, mặc dù tuổi cao, nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt vẫn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của mình, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận lãnh đạo nhân dân góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng: đánh thắng thực dân Pháp, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền Bắc - Nam, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đi đến cùng con đường cách mạng do Hồ Chí Minh lựa chọn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tấm lòng trung thành, tinh thần dũng cảm không gì lay chuyển; ý thức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của đồng chí mãi mãi là một giá trị đạo đức trường tồn, nêu gương sáng cho các thế hệ cách mạng và các thế hệ lãnh đạo sau này.
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những phẩm chất đạo đức hết sức nổi bật ở đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Đồng chí yêu lao động, lao động trở thành một nhu cầu sống, niềm hạnh phúc của ông. Những việc tự làm được, đồng chí không bao giờ muốn phiền hà người khác, ngay cả khi ở vị trí quyền lực nhà nước cao nhất. Trong lao động, đồng chí tổ chức, sắp đặt công việc khoa học, hợp lý, yêu cầu mọi người phải tuân theo kỷ luật lao động và chế độ công tác.
Hoàng Quốc Việt là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực: tiết kiệm trong tiêu dùng hàng ngày, sinh hoạt gia đình, trong công tác; tiết kiệm tiền của, tài sản của nhân dân làm ra, được nhân dân cung cấp, giao cho quản lý; tiết kiệm của cải của đất nước.
Hoàng Quốc Việt là một con người liêm khiết, trong sạch, sống ngay thẳng, chân thành; ghét sự xu nịnh, bè phái, chia rẽ, cơ hội chủ nghĩa; chỉ biết ham học, ham làm, ham tiến bộ, vì ích quốc lợi dân. Đồng chí không tham quyền, cố vị, thật sự chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Nhiều ứng xử của đồng chí về địa vị quyền lực đã trở thành huyền thoại.
Đồng chí ghét thói đặc quyền đặc lợi; không bao giờ lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình, cá nhân. Điều đó không phải ai cũng làm được, bởi lẽ vật chất bao giờ cũng có sức hấp dẫn ghê gớm.
- Nhân ái, khoan dung, độ lượng. Đây là phẩm chất làm người cao thượng của Hoàng Quốc Việt. Thương người, dung thứ cho người là những đức tính bẩm sinh của đồng chí, đã bộc lộ rõ nét ngay từ thuở nhỏ. Tính thương người được mở rộng, nâng dần lên cùng với nhận thức và bề dày hoạt động thực tiễn: thương những người ruột thịt trong gia đình; bà con hàng xóm, thương bạn học, thương thầy cô giáo; thương người thợ cùng làm, cùng cảnh ngộ; thương đồng bào bị bóc lột, đàn áp; thương các dân tộc, quần chúng nô lệ trên thế giới bị đọa đày... Từ tình thương đồng bào, Hoàng Quốc Việt đã vươn đến tầm tình thương yêu đồng loại và đạt đến chủ nghĩa nhân văn cộng sản cao quý: thương người  tin người  giải phóng con người  phát huy
sức mạnh của con người.
Hồ Chí Minh nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt lĩnh hội chủ nghĩa Mác-Lênin theo tinh thần nhân văn cao cả đó: sống chí tình, chí nghĩa với đồng chí bạn bè.
Hoàng Quốc Việt sống nhân ái, tình nghĩa, thủy chung với đồng bào, đồng chí. Đồng chí sống một cuộc đời thanh bạch, liêm khiết, không chỉ dành những tình cảm cao quý cho đồng bào, đồng chí mà còn có khi chia sẻ cả đồng lương ít ỏi của mình cho bạn hữu nghèo thiếu.
- Khiêm tốn, giản dị. Đây là những đức tính suốt đời của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Những đồng chí đã cùng ở tù và làm việc với đồng chí Hoàng Quốc Việt sau này, chỉ thấy ở đồng chí một đức tính, một phong cách không hề thay đổi. Đó là đức tính giản dị, chân thành, trong sáng, gần gũi, hòa nhập với mọi người. Khi đã là người lãnh đạo, đồng chí vẫn giữ những đức tính vốn có của mình. Ăn những món ăn giản dị như những món ăn của quê nhà; mặc như những người bình thường, ghét sự sang trọng xa hoa. Tiếp xúc với đồng bào thì gần gũi, thân thiết, nói chuyện bằng một thứ ngôn ngữ bình dân, mộc mạc, dễ hiểu.
Khiêm tốn, giản dị trở thành nếp sống, thể hiện trong tất cả các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử hàng ngày của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ở Hoàng Quốc Việt, đã có một sự khắc kỷ rất cao. Có điều kỳ lạ là sự khắc kỷ này đã đạt đến mức không làm người ta thấy có sự cưỡng ép. Đồng chí đã khắc kỷ một cách thung dung, đến mức những nét sinh hoạt đều có thể trở thành giai thoại, gây khoái cảm thẩm mỹ hoặc gây cảm động chứ không gây ngạc nhiên hay kinh sợ. Sự khắc kỷ, khiêm tốn, giản dị của Hoàng Quốc Việt đã hàm chứa cái đẹp, cái trọn vẹn trong đạo đức đời thường.
- Tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả. Ở đồng chí Hoàng Quốc Việt, tình cảm yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản chân chính; yêu Tổ quốc, nhân dân Việt Nam, đồng chí luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác; coi cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của các nước thuộc địa cũng như sự nghiệp cách mạng của nhân dân mình. Trong tư duy, hành động và chỉ đạo thực tiễn của con người này, cái dân tộc và cái quốc tế không thể bóc tách rõ ràng: dân tộc chân chính đã bao hàm yếu tố quốc tế; yếu tố quốc tế chân chính đã chứa đựng, tổng hợp các nhân tố dân tộc. Sự thống nhất đó ở đồng chí Hoàng Quốc Việt là tự nhiên, bắt nguồn từ tình yêu thương con người, mở rộng ra thành tình yêu thương đồng loại.
Hoàng Quốc Việt đã có những cống hiến lớn lao trong việc xây dựng khối đoàn kết quốc tế, giữ gìn và củng cố hòa bình thế giới. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới; đồng chí là hiện thân của một con người luôn khát khao và đấu tranh không mệt mỏi cho tình hữu nghị bền vững và hợp tác lâu dài của các dân tộc. Hình ảnh của đồng chí luôn ở trong tâm tưởng của nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
Trên bình diện lý luận, từ tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Hoàng Quốc Việt có thể rút ra một số kết luận quan trọng, có ý nghĩa phương pháp luận trong quá trình xây dựng nền đạo đức và con người mới ở nước ta hiện nay.
Một là, tấm gương đạo đức Hoàng Quốc Việt phản ánh tương đối chuẩn xác, khách quan những vấn đề có tính quy luật quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện và phát huy đạo đức cách mạng trong xây dựng phát triển đất nước.
- Đạo đức mới chỉ có thể được xác lập vững chắc trên cơ sở biết kế thừa, phát huy, nâng cao các giá trị đạo đức truyền thống; đạo đức truyền thống là nền tảng để xây dựng đạo đức mới, kết hợp với việc tiếp thu tinh hoa đạo đức nhân loại.
- Đạo đức Mác-Lênin phải thấm vào mọi hoạt động và chi phối mọi ứng xử, quan hệ đạo đức xã hội, định hướng tư tưởng hình thành đạo đức mới.
- Đạo đức mới chỉ có thể được hình thành và phát huy thông qua thực tiễn lao động, chiến đấu, xây dựng đất nước; nó vừa là mục đích, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của xã hội.
- Đạo đức mới ra đời, được xác lập là kết quả hoạt động của toàn xã hội, nhưng vai trò nhân tố chủ quan của từng cá nhân là không thể thiếu được, nó gắn liền với quá trình tự nhận thức, tự ý thức, tự giáo dục, tự hoàn thiện nhân cách.
Hai là, tấm gương đạo đức Hoàng Quốc Việt với các chuẩn mực đạo đức cụ thể có thể được xem là một mô hình đạo đức thực tiễn mà xã hội chúng ta đang cố gắng hướng tới xây dựng, nó hoàn toàn trùng khít với mô hình đạo đức lý thuyết và thực tiễn mà Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng: Yêu nước, yêu dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nhân ái, khoan dung; khiêm tốn, giản dị, chân thành, chung thủy; tinh thần quốc tế chân chính, cao cả, trong sáng,
thủy chung...
Đây cũng là mô hình cấu trúc đạo đức mà các xã hội hiện đại, tiến bộ, phát triển bền vững thường xuyên nói đến với tư cách kiểu mẫu đạo đức nhân loại trong thế kỷ XXI.
Tìm kiếm