CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT VỚI VẤN ĐỀ “NÂNG CAO PHẨM CHẤT, ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG” CỦA CÁN BỘ KIỂM SÁT

26/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905 tại xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Được thừa hưởng truyền thống anh dũng, quật cường của quê hương, sớm có tinh thần yêu nước và được giác ngộ tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...

 ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT VỚI VẤN ĐỀ “NÂNG CAO PHẨM CHẤT, ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG” CỦA CÁN BỘ KIỂM SÁT

 
ThS. Trần Thị Huyền
Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905 tại xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Được thừa hưởng truyền thống anh dũng, quật cường của quê hương, sớm có tinh thần yêu nước và được giác ngộ tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hoàng Quốc Việt sớm trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tham gia hoạt động trong phong trào công nhân, sớm bộc lộ tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết, sự sáng tạo trong những tình huống mang tính bước ngoặt của cách mạng. Đồng chí trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhận nhiều trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí đều luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một trong những đóng góp to lớn của đồng chí là trên cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 17-5-1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và giữ cương vị này trong 16 năm. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ, phức tạp, nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tích cực học hỏi, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Trên cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những chỉ đạo nhằm xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát trong thể chế nhà nước, trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ của ngành tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Trong công tác cán bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đạo đức cán bộ ngành kiểm sát. Bởi công tác kiểm sát là công tác chính trị, đồng thời là một công tác nghiệp vụ, khoa học pháp lý, là một trong những nhiệm vụ thực hiện quyền lực của chuyên chính vô sản đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, có quan hệ trực tiếp đến lợi ích của xã hội chủ nghĩa, đến quyền lợi hợp pháp của nhân dân, đến sinh mệnh chính trị của con người. Đối tượng của công tác kiểm sát không chỉ là công dân, mà cả các cơ quan nhà nước, các cán bộ đảng viên, những người có chức quyền. Đồng chí Hoàng Quốc Việt khẳng định: “Công tác kiểm sát khi kết luận một hành vi vi phạm pháp luật hay một tội phạm phải đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, đúng chính sách thì mới có tác dụng để cho các cơ quan hữu quan sửa chữa, mới có thể giáo dục cải tạo những người phạm pháp trở thành người lương thiện, ngăn chặn những hành động sai trái”.
Để thực hiện được chức năng cao cả của ngành mà Đảng và Nhà nước giao phó, trên cơ sở nhiệm vụ của đảng viên mà nội dung cụ thể là đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt, quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có bài nói chuyện quan trọng “Về nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng”của cán bộ kiểm sát trước tình hình nhiệm vụ mới.
Vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX, miền Bắc đang tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cả nước dồn tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngành kiểm sát cũng nằm trong xu hướng và không khí chung, vì vậy, yêu cầu đặt ra cần có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về phương hướng, nội dung và biện pháp rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể để toàn ngành vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cách mạng.
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Hoàng Quốc Việt đã đưa ra tiêu chuẩn của đạo đức cộng sản và vấn đề xây dựng chủ nghĩa tập thể. Đồng chí khẳng định “người cộng sản chính là người say sưa với lý tưởng của mình và biết hy sinh vì lý tưởng cộng sản, lôi kéo quần chúng thực hiện cho lý tưởng đó”, vì thế, mỗi người chúng ta trong  đó có cán bộ ngành kiểm sát phải đem hết sức mình, nếu cần hy sinh cả bản thân để thực hiện kỳ được lý tưởng cao cả là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là thước đo cao nhất của đạo đức cộng sản trong giai đoạn cách mạng cụ thể của đất nước.
Để thực hiện được lý tưởng cộng sản, cần xây dựng chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, xây dựng chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân là yêu cầu và nội dung của việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng. Đây là yêu cầu lâu dài của cả nước, đồng thời cũng là yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và chống Mỹ, cứu nước. Xây dựng chủ nghĩa tập thể nghĩa là chúng ta chống chủ nghĩa cá nhân, ngược lại, chống chủ nghĩa cá nhân là để xây dựng chủ nghĩa tập thể; xây và chống là hai mặt gắn liền với nhau của cuộc đấu tranh tư tưởng trong mỗi người, đòi hỏi sự quyết tâm của mỗi người cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát.
Muốn xây dựng chủ nghĩa tập thể, cán bộ kiểm sát cần có thái độ đúng đối với lao động, “lập trường vô sản của người cán bộ kiểm sát phải thể hiện cụ thể ở chỗ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”; phải tôn trọng phẩm giá của con người và quan tâm tới đời sống con người thể hiện ở việc “quan tâm các đơn khiếu nại của nhân dân, giải quyết một cách thỏa đáng hay khi thấy nơi nào có sự bất công đối với con người không bàng quang, bỏ mặc hay không dung thứ hoặc làm điều oan ức cho bất cứ ai”; phải biết căm thù địch và có tinh thần cảnh giác cách mạng thể hiện ở việc yêu lý tưởng cao cả của những người cộng sản đấu tranh cho tương lai tươi sáng của loài người, thẳng thắn đấu tranh chống những hiện tượng làm việc cẩu thả và mất cảnh giác; có quan hệ đồng chí, quan hệ tình bạn tốt đẹp thể hiện ở việc “hỗ trợ, hợp tác, tôn trọng thành thật giúp nhau cùng tiến bộ, nghiêm khắc đối với mình và cũng đòi hỏi nghiêm khắc đối với người khác”; có quan niệm đúng đắn về hôn nhân gia đình; có tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản.
Không chỉ nêu ra tiêu chuẩn của đạo đức cộng sản và vấn đề xây dựng chủ nghĩa tập thể, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn vạch rõ phương hướng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát.
Xuất phát từ đặc điểm của ngành kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nêu lên năm đức tính là sự cụ thể hóa đạo đức cách mạng của người cán bộ ngành kiểm sát. Năm đức tính đó là:
Công minh, chính trực. Nghĩa là công bằng, sáng suốt, minh bạch, không thiên vị, ngay thẳng. Điều đó, đòi hỏi cán bộ ngành kiểm sát không được làm oan người ngay, không được để người phạm pháp hay một hành vi phạm pháp tránh khỏi việc xử lý của pháp luật, không để một công dân nào bị hạn chế về các quyền dân chủ một cách trái pháp luật. Đồng thời, khi xử lý một hành vi phạm pháp phải đúng người, đúng tội, đúng chính sách và pháp luật.
Đồng chí khẳng định: Cán bộ kiểm sát là người có trách nhiệm giữ vững pháp chế, cho nên hơn hết cán bộ kiểm sát phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phải làm đúng với chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã trao cho ngành. Bởi nội dung quy định của pháp luật là thể hiện sự công minh, chính trực, vừa bảo vệ lợi ích của Nhà nước, vừa bảo vệ lợi ích của nhân dân, công bằng với mọi người, không phân biệt người đó là ai.
Theo Hoàng Quốc Việt, để thực hiện tốt công minh chính trực, mỗi cán bộ ngành kiểm sát phải chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ, không nên vì nể nang cảm tình với bạn bè, họ hàng của mình hay vì tư lợi mà làm sai pháp luật; không vì sợ mất quyền lợi địa vị của mình sợ khuyết điểm mà không dám đấu tranh để bảo vệ chân lý, không dám nhận sai lầm để sửa; không vì tự ái cá nhân mà lạm quyền, tìm cách trừng phạt trái với pháp luật người nào đã vi phạm đến quyền lợi của mình, hoặc vặn vẹo, gây khó khăn cho người đương sự, hoặc tìm cách xử lý nặng khi họ có thái độ không đúng với mình....
Chỉ thực hiện tốt những điều trên, cán bộ kiểm sát mới thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, mới giữ gìn và củng cố sự đoàn kết nhất trí, mới hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân mình, mới tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không xuyên tạc sự thật, cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật.
Khách quan: Nghĩa là khi xem xét một sự vật, một con người phạm pháp phải xuất phát từ thực tế khách quan, khách quan như thế nào thì nhận thức phải phản ánh đúng và lập hồ sơ đúng như thế, không đem suy diễn chủ quan của mình gán cho nó. Khách quan cũng có nghĩa là không xuyên tạc sự thật. Khách quan là đức tính chỉ đạo tư tưởng của người cán bộ kiểm sát phải luôn tìm cách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao cho, như điều lệ đã quy định về nhiệm vụ của đảng viên.
Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, đức tính khách quan thể hiện trong tất cả các khâu công tác kiểm sát như khi thu thập tài liệu chứng cứ phải sưu tầm đầy đủ tình tiết, cả buộc tội lẫn gỡ tội, khi ghi lời khai của bị can, của nhân chứng phải trung thực, không thể ghi theo ý mình, gạt bớt đi hoặc ghi theo tinh thần, đại ý câu nói, khi xem xét việc gì phải đi sâu vào nhiều mặt để thấy bản chất của sự việc chứ không thể nhìn qua hiện tượng, chớ thành kiến có ấn tượng trước....
Khẳng định khách quan là một phương pháp tư tưởng vì vậy để thực sự khách quan theo Hoàng Quốc Việt phải chống chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt cần không ngừng học tập chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng, học tập nghiệp vụ nắm vững tình hình, đặc điểm Việt Nam để vận dụng cho tốt. Đồng thời, cần phải lắng nghe ý kiến của quần chúng.
Thận trọng: Tức là khi xem xét một sự việc, một con người phải nhìn nhiều mặt, không thể tùy tiện, vội vàng thiếu suy tính.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt khẳng định: “Thận trọng chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính tổ chức kỷ luật của người cán bộ đảng viên kiểm sát”.
Đặc thù của ngành kiểm sát không chỉ liên quan tới sự việc mà cả con người, trong khi mỗi sự việc xảy ra thường có quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, xảy ra trong hoàn cảnh xã hội cụ thể, vì vậy, yêu cầu phải điều tra, nghiên cứu, cân nhắc chu đáo và vận dụng đúng đường lối, chính sách, pháp luật.
Để làm rõ hơn ý nghĩa của đức tính thận trọng đối với cán bộ kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nêu ví dụ cụ thể trong ngành là: “Trong quá trình điều tra và xử lý một vụ án phải chú ý ngay từ khi thu thập chứng cứ bảo vệ, giữ gìn những dấu vết được nguyên vẹn, lập biên bản chu đáo để tránh sau này khỏi sự đánh giá sai lệch; hay khi quyết định bắt giam một người phải nghiên cứu kỹ hồ sơ tài liệu, cân nhắc nhiều mặt như đã đủ chứng cứ chưa, mức độ tội lỗi, ảnh hưởng của nó như thế nào? Hay khi quyết định xử lý cũng vậy, không những thế còn phải tuân theo chế độ báo cáo thỉnh thị và còn phải lắng nghe ý kiến của quần chúng...”.
Khiêm tốn: Là chống thái độ tự cao, tự đại, quan liêu hống hách.
Sở dĩ cần khiêm tốn bởi cá nhân thường kém sáng suốt hơn tập thể. Bên cạnh đó, trình độ khả năng mỗi người có hạn nhưng thực tiễn công tác lại rất phức tạp, vì vậy, cần phải tôn trọng ý kiến tập thể, phải đi đường lối quần chúng, học hỏi lắng nghe ý kiến quần chúng và có thái độ đúng.
Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, chỉ có khiêm tốn, cán bộ ngành kiểm sát mới được cán bộ, đảng viên, quần chúng tin cậy, gần gũi, mới dễ tìm hiểu và tiếp cận thông tin. Quần chúng mới nhiệt tình giúp đỡ cán bộ kiểm sát sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, làm tròn nhiệm vụ. Mặt khác, khiêm tốn sẽ đem lại quan hệ tốt với các ngành và không bị cô lập.
Một trong những đối tượng của ngành kiểm sát là những người có chức, có quyền nên nếu cán bộ kiểm sát không khiêm tốn thì không thể đạt được mục đích công việc đặt ra.
Năm đức tính công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia phát triển và ngược lại.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt yêu cầu mỗi cán bộ ngành kiểm sát, cần phải quán triệt trong nhận thức và hành động cả năm đức tính trên trong từng khâu công tác, từ điều tra nghiên cứu, kết luận và quyết định biện pháp xử lý đối với từng việc. Bởi những đức tính đó mang tính giai cấp, tính chiến đấu, tính khoa học và tính quần chúng của giai cấp công nhân.
Có thể khẳng định, vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và phức tạp. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, phải phấn đấu trở thành những chiến sĩ cộng sản chân chính.
Để chống chủ nghĩa cá nhân thắng lợi, theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, mỗi cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát cần thực hiện tốt theo những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, đồng thời cần không ngừng trau dồi tinh thần cách mạng tiến công, ý thức trách nhiệm và ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ; ra sức nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu suất
công tác.
Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát cần thường xuyên rèn luyện năm đức tính trong đó đặc biệt nâng cao tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền làm chủ tập thể của quần chúng với thái độ khiêm tốn, có lý có tình. Đồng thời, phải biến công việc này thành thường xuyên, liên tục.
Gần 50 năm đã trôi qua sau bài nói của đồng chí Hoàng Quốc Việt về nâng cao phẩm chất đạo đức, cách mạng của cán bộ kiểm sát (1969), nhưng giá trị lý luận và thực tiễn của bài viết, tư tưởng Hoàng Quốc Việt đối với đạo đức của cán bộ ngành kiểm sát vẫn còn nguyên giá trị.
Thực tế hiện nay cho thấy, trong công tác của ngành kiểm sát vẫn còn những vụ án oan sai ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, quyền lợi hợp pháp của nhân dân, đến sinh mệnh chính trị của con người, gây bức xúc trong dư luận. Phải chăng những vụ án oan sai đó có một phần xuất phát từ vấn đề đạo đức, trách nhiệm của cán bộ ngành kiểm sát.
Với sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Hoàng Quốc Việt, ngành kiểm sát trong những năm đầu mới xây dựng đã không ngừng ổn định và lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Công lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong đó có lĩnh vực kiểm sát đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao. Đồng chí đã được tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam./.
 
Tìm kiếm