Những năm gần đây, tội phạm vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng, với mức độ thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân...
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng
Những năm gần đây, tội phạm vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng, với mức độ thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã thực hiện nhiều biện pháp, phát hiện tội phạm, xử lý tin báo, tội phạm, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố và xét xử hàng trăm ngàn vụ án, và bị can là các đối tượng liên quan mật thiết đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng song thấy tình hình các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Nổi lên là các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và “Vi pjham các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”. Lợi dụng chính sách cho vay gói kích cầu của Chính phủ, các đối tượng ngoài xã hội móc nối với một số cán bộ ngân hàng làm sai các quy định về cho vay tín dụng, để chiếm đoạt tiền của ngân hàng ( ví dụ vụ: Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan ở TP Hồ Chí Minh, vay và chiếm đoạt luôn120.886 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng liên doanh Việt Nga; vụ Võ Thành Danh, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Ninh Thuận xét duyệt hồ sơ vay vốn kích cầu và cấp chứng thư bảo lãnh sai đối tượng làm thất thoát 200 tỷ đồng; vụ Giám đốc Cty THHH Minh Nhật và Trần Thị Xuân dùng các hợp đồng xuất khẩu giả thế chấp vay tín dụng ưu đãi chiếm đoạt hơn 1000 tỷ đồng…). Ngành Kiểm sát nhân dân đã phối hợp chặt chẽ, kiểm sát điều tra và truy tố hàng trăm vụ án và bị can với số tiền thiệt hại bị chiếm đoạt do hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm các quy định về cho vay tín dụng” lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Thu lại cho các ngân hàng và Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, kịp thời xử lý đúng người, đúng tội, lấy lại niềm tin trong nhân dân, góp phần ổn định trật tự an ninh chính trị và xã hội trên toàn quốc, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hội nhập đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Huỳnh Thị Huyền Như- nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ- Ngân hàng Vietinbank nhận án Chung thân về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt hơn 4000 tỷ đồng của Ngân hàng, doanh nghiệp và các cá nhân.
Mặc dù nhũng số liệu thống kê trên chưa thể phản ánh hết tình hình về tội phạm trong lĩn vực ngân hàng, tín dụng, song đây là thực trạng đáng báo động. Quá trình hoạt động, hầu hết các ngân hàng đã bộc lộ nhiều sơ hở, vi phạm, sai phạm như đảo nợ, cho vay không đúng đối tượng, làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước, tham nhũng…là nguyên nhân các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua.
Từ thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án về tín dụng, ngân hàng, VKSND tối cao thấy: Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, cần thiết áp dụng một số biện pháp hữu hiệu sau:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về tín dụng, ngân hàng như: tiếp tục sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các nghị định có liên quan đến trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tín dụng, ngân hàng.
Kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước về ngân hàng: các ngân hàng phải tiến hành thường xuyên các hoạt động rà soát và chấn chỉnh lại quy trình công tác, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra giám sát hơn nữa những biện pháp giáo dục tư tưởng, tác phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên các cấp; tăng cường sự giám sát và đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với những cán bộ, nhân viên có vi phạm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra: tăng cường thanh tra, kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm tra công khai, kết hợp với điều tra xử lý bằng biện pháp nghiệp vụ đối với các vi phạm và tội phạm về tín dụng, ngân hàng. Quan tâm chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế chủ đạo, thực hiện tốt chính sách pháp luật về ngân hàng. Các ngân hàng phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Viện kiểm sát, Công an để có các biện pháp kịp thời, mang tính dự báo cao, chủ động phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, nhằm đảm bảo sự trong sạch và uy tín trong hoạt động ngân hàng, phục vụ tốt sự phát triển kinh té và xã hội đang ngày một phát triển của đất nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục: Thường xuyên đẩy mạnh hiểu quả thực tiện của công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ngân hàng, tín dụng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật; công khai các thông tin về ngân hàng đi đôi với việc áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế: Thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, trao đổi, ứng dụng khoa học- công nghệ về ngân hàng để hạn chế thấp nhất các sơ hở, thiếu sót, những điều kiện, cơ hội về kẽ hở cơ chế, chính sách, quản lý, khoa học công nghệ… tạo điều kiện cho vi phạm, tội phạm về ngân hàng nảy sinh, phát triển. Học tập kinh nghiệm của các nước có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống vi phạm tội phạm ngân hàng.
Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan bảo vệh pháp luật: Bổ sung ngân sách để đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chuyên dùng và biên chế cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nhăm tăng cường năng lực và hiệu quả trong phòng, chống tội phạm về tín dụng, ngân hàng, đáp ứng được mọi nhiệm vụ, yêu cầu của tình hình mới.
Một số vấn đề cần thiết phải kiến nghị:
Cần sửa đổi Điều 179 Bộ luật hình sự quy định về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bởi Điều 179 sử dụng cụm từ “cho vay” là chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng thì “cho vay” mới chỉ một trong bốn hình thức hoạt động tín dụng. Ngoài “cho vay” còn có Chiết khấu các giấy tờ có giá, Cho thuê tài chính và Bảo lãnh ngân hàng. Để đảm bảo an toàn vốn, các hình thức này đều phải thực hiện theo các nguyên tắc về đảm bảo tiền vay và tuân thủ các giới hạn tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng.
Liên ngành các cơ quan Tư pháp cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo Điều 178, 179 Bộ luật hình sự.
Bổ sung vào Bộ luật hình sự những quy định về chứng cứ điện tử trong khi các giao dịch ngân hàng chủ yếu là những chứng cứ điện tử. Quy định rõ và đầy đủ về chứng cứ điện tử trong các giao dịch của ngân hàng.
Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các kế họach, Chỉ thị cuả Viện trưởng VKSND tối cao về công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm, tội phạm nói chung và vi phạm, tội phạm về ngân hàng nói riêng; làm cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên hiểu sâu sắc và nhận thức rõ nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tín dụng, ngân hàng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại đất nước.
Ngành Kiểm sát nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, tình hình vi phạm trong hoạt động ngân hàng; phối hợp với lực lượng Công an nhân dân nhằm nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về tín dụng, ngân hàng.
Tăng cường năng lực cho các đơn vị nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ ở các cấp. Làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, phân công bố trí cán bộ.
Tổ chức tập huấn chuyên sâu cho Kiểm sát viên các cấp về tài chính, kế toán đẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tín dụng cần rà soát lại tất cả quy trình, quy chế trong hoạt động để kịp thời bổ sung những quy định cho phù hợp với tình hình hiện tại, bảo đảm cho quy chế, quy trình phải được thực hiện nghiêm, không còn sở hở để cán bộ ngân hàng lợi dụng, lừa đảo tham ô chiếm đoạt tiền ngân hàng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố hoạt động của các cấp ủy đảng, các đoàn thể. Rà soát lại đội ngũ cán bộ chủ chốt tại các ngân hàng thương mại, kiên quyết điều chuyển, luân chuyển những cán bộ có dư luận xấu, có biểu hiện bất minh kinh tế khỏi những vị trí quan trọng hoặc những vị trí trí ở lâu có thể lợi dụng phạm tội.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần rà soát lại chính sách an ninh công nghệ thông tin đang thự hiện để kịp thời phát hiện và xử lý những lỗ hổng về an ninh cua hệ thống mạng, bảo đảm an toàn bảo mật được nêu tại Quy định số 1630/2003/QQĐ-NHNN ngày 19/12/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật trong gia công, mua sắm, phần mềm nghiệp vụ ngân hàng. Thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng theo Quyết định số 04/2006/QĐ-NHNN ngày 18/01/2006 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trách nhiệm của người sử dụng Internet trong việc tự bảo quản User của mình và có tách nhiệm thay đổi mã khóa để tránh bị lợi dụng. Thực hiện nghiêm quy trình, quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QQĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và tuyền thông tăng cường thông báo các thủ đoạn tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tiền trên thị trường tín dụng nhất là tín dụng đen để cán bộ, người dân cảnh giác không vì hám lợi nhất thời, ham lãi xuất cao mà mắc lừa kẻ phạm tội. Đồng thời chỉ đạo các đài, báo không suy diễn đưa tin thất thiệt những vụ án xảy ra trên lĩnh vực ngân hàng khi chưa có kết luận của Cơ quan điều tra tránh gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đén trật tự xã hội và an ninh tiền tệ.
Thái Hưng