CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự

04/01/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự còn gặp những khó khăn, vướng mắc, tác giả đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát lĩnh vực này như: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên…

Cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự (THADS) là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS năm 2008), để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người phải thi hành án, theo bản án, quyết định của Tòa án. VKSND thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất trong THADS nhằm đảm bảo việc tổ chức cưỡng chế, kê biên của Cơ quan THADS được thực hiện đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân được đảm bảo.

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự

Trong thời gian qua, nhìn chung chất lượng công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất được nâng cao; việc tổ chức cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất của cơ quan THADS cơ bản được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong THADS vẫn còn những tồn tại, hạn chế, qua các vụ việc cụ thể như sau:

Thứ nhất, diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác với thực tế

Hộ gia đình ông Đào Việt H, do ông là chủ hộ, đại diện theo ủy quyền, thế chấp quyền sử dụng 272m2 đất thuộc thửa số 268, tờ bản đồ số 01 (trong đó đất ở là 150m2, đất vườn là 122m2, có thời hạn sử dụng lâu dài). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Y cấp số Y704953 ngày 22/4/2004 mang tên chủ sử dụng đất là ông Đào Việt H, để vay tiền của Ngân hàng N. Tính đến ngày 26/8/2016, hộ gia đình ông H còn nợ ngân hàng 580.105.517 đồng. Thực hiện Quyết định thi hành án số 01/QĐ-CCTHADS ngày 17/10/2016, Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với gia đình ông H thấy diện tích đất của hộ gia đình ông H thực tế chỉ có 243,2m2, thấp hơn diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 28,8m2. Mặt khác, Chi cục THADS huyện Y đã phối hợp với chính quyền địa phương xác minh, đôn đốc thi hành án nhưng hộ gia đình ông H không có mặt ở địa phương nên không thể thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Do vậy, đến nay Chấp hành viên chưa tổ chức được việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất mà gia đình ông H đã thế chấp cho Ngân hàng N.

Thứ hai, không có tài sản để thi hành án

Tại bản án dân sự về tranh chấp Hợp đồng vay tài sản số 05/2016 ngày 16/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện Y quyết định: “Buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn V và bà Lê thị T có nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản đã thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ của ông V đối với Ngân hàng N gồm 200 m2 đất ở, tài sản gắn liền với đất là 01 nhà ở mái bằng cùng công trình phụ, số thửa 102, tờ bản đồ số 02 tại xóm giữa xã Y”… Tuy nhiên, khi cơ quan Thi hành án tiến hành xác minh tài sản để cưỡng chế, kê biên thì không có ngôi nhà mái bằng và công trình phụ trên thửa đất.

Thứ ba, sai sót trong thẩm định lại tài sản, thẩm định giá, xử lý tài sản trên đất

Ví dụ 1: Tại Bản án dân sự chia di sản thừa kế số 04/2015/DS-ST ngày 25/9/2015 của Tòa án nhân dân huyện Y, chia cho bà Phan Thị H được hưởng phần di sản thừa kế 60m2 đất có kích thước phía Tây giáp đường 480 rộng 3m, phía Đông giáp phần đất gia đình ông T rộng 3m, phía Bắc giáp phần đất làm lối đi chung dài 20m; phía Nam giáp phần đất chia cho ông T dài 20m. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án chưa có hiệu lực, người phải thi hành án đã xây dựng công trình trên đất (xây nhà thờ). Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm số 04/2016/DS-PT ngày 20/4/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh N tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, giao cho bà H được sử dụng 60m2 đất, không thẩm định lại nên không xử lý về tài sản trên đất, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án…

 Trường hợp này, Kiểm sát viên (KSV) được giao nhiệm vụ cần trao đổi, phối hợp với khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, báo cáo lãnh đạo Viện, đề nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 04/2016/DS-PT nêu trên.

Ví dụ 2: Bản án số 01/2016/KDTM-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh N buộc Công ty L (người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn X, giám đốc) phải trả cho Ngân hàng N tổng số tiền đến ngày xét xử (30/9/2016) là 64.023.496.006 đồng, trong đó số tiền nợ gốc là 32.637.575.000 đồng, số tiền nợ lãi là 31.384.921.006 đồng, được bảo đảm bằng tài sản tại 16 hợp đồng thế chấp. Cục THADS tỉnh N ra quyết định thi hành án ngày 29/12/2016 theo đơn yêu cầu.

Hồ sơ thể hiện trong các hợp đồng thế chấp giữa Công ty L và Ngân hàng N có Hợp đồng thế chấp tài sản số 11/HĐ-BĐTS-NLS ngày 26/10/2010. Theo đó, tài sản thế chấp là quyền sử dụng 132 m2  đất và nhà 03 tầng xây dựng trên đất, tại thửa đất số 85, tờ bản đồ số 20, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 572337 do Ủy ban nhân dân huyện H cấp ngày 16/7/2007, đứng tên ông Lê Văn X. Tổng giá trị tài sản bảo đảm là 1.100.000.000 đồng (giá trị quyền sử dụng đất 400.000.000 đồng, giá trị tài sản gắn liền với đất 700.000.000 đồng), bảo đảm cho dư nợ gốc 825.000.000 đồng. Tuy nhiên, qua thẩm định giá đã xác định không có nhà 03 tầng xây dựng trên đất.

Mặt khác, tại Phụ lục hợp đồng ngày 02/8/2011 (kèm theo Hợp đồng thế chấp số 11/HĐ-BĐTS-NLS ngày 26/10/2010), giữa ngân hàng và bên thế chấp xác định lại tổng giá trị tài sản bảo đảm nêu trên là 4.700.000.000 đồng (quyền sử dụng đất 2.500.000 đồng, tài sản gắn liền trên đất là 2.200.000.000 đồng), bảo đảm cho khoản vay với mức dư nợ gốc là 3.525.000.000 đồng (vẫn xác định có tài sản trên đất, nhưng thực tế không có có tài sản trên đất) và cho vay với số tiền lớn hơn rất nhiều (3.525.000.000 đồng).

Qua thẩm định giá xác định thửa đất thế chấp nêu trên trị giá là 1.110.880.000 đồng. Ngân hàng đã rút một phần yêu cầu thi hành án đối với tài sản này. Về nghĩa vụ còn lại, đến nay Cục THADS đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án.

Thứ tư, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan

Đối với tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất, quá trình xác minh điều kiện thi hành án thường do cơ quan THADS phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh các thông tin về quyền sử dụng đất làm căn cứ kê biên. Việc xác minh như trên hầu hết cơ quan THADS không mời Viện kiểm sát tham gia, nên Viện kiểm sát không kiểm sát được quá trình xác minh có khách quan, chính xác và toàn diện hay không. Trường hợp cơ quan THADS mời Viện kiểm sát tham gia thì các thông tin liên quan đến đất đai cũng do các cơ quan chuyên môn cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác. Trong khi đó, việc quản lý, cập nhật biến động về đất đai tại địa phương còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, do đó thông tin về thửa đất bị kê biên không chính xác. Cho nên không ít trường hợp xác minh thông tin về thửa đất sai dẫn đến việc kê biên cũng sai, phải thu hồi quyết định kê biên trước đó để tiến hành xác minh, kê biên lại.

Thứ năm, vướng mắc đối với tài sản là sở hữu chung

Theo quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2008, trước khi cưỡng chế, kê biên đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với các thành viên hộ gia đình, Chấp hành viên đã thông báo cho người phải thi hành án và các đồng sở hữu chung biết để khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phân chia phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Thực tế còn phát sinh các vấn đề sau: Người phải thi hành án và các đồng sở hữu, sử dụng chung không thực hiện việc khởi kiện, vì không muốn tài sản của mình bị xử lý thi hành án. Một số trường hợp khác không khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phân chia phần sở hữu tài sản của mỗi người, nhưng lại có đơn khiếu nại, yêu cầu không được kê biên vì đó là tài sản chung của gia đình. Đây cũng là một trong nhiều lý do dẫn đến công tác tổ chức THADS gặp khó khăn.

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự

- Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị:

Thứ nhất, VKSND cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật THADS năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định tại Quy chế công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

 

Thứ hai, lãnh đạo Viện cần quan tâm về công tác quản lý, sử dụng, bố trí cán bộ mang tính tương đối ổn định để thực hiện tốt nhiệm vụ khâu công tác này. Cần có biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, KSV; lãnh đạo các đơn vị ở cả hai cấp VKSND phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, KSV; thường xuyên tổ chức tự đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác kiểm sát THADS nói chung và kỹ năng kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong THADS; kỹ năng ban hành kiến nghị, kháng nghị. Kịp thời biểu dương đối với người thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời rút kinh nghiệm nghiêm túc về những tồn tại, hạn chế và đề ra biện pháp khắc phục. Thường xuyên cập nhật kiến thức mới, trao đổi nghiệp vụ, rút kinh nghiệm trong đơn vị về những khó khăn, tồn đọng, vụ án kéo dài và bàn biện pháp giải quyết.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất để THADS, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục THADS, Công an, VKSND, Tòa án nhân dân tỉnh về công tác THADS.

Thứ tư, quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị cần chú trọng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo VKSND cấp trên để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện pháp luật về THADS, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, KSV:

Viện kiểm sát và KSV phải chủ động tăng cường kiểm sát việc phân loại án của Chấp hành viên, những vụ việc có điều kiện nhưng để kéo dài thời gian thi hành án thì kiên quyết kiến nghị, yêu cầu Chấp hành viên cưỡng chế thi hành án. Trước khi đề xuất lãnh đạo ban hành kiến nghị, KSV phải đọc kỹ hồ sơ, tài liệu về xác minh điều kiện thi hành án, xem tài sản cưỡng chế, kê biên có bị thế chấp không và đối chiếu với cơ quan quản lý nơi đăng ký kê khai tài sản. Đối với tài sản có giá trị lớn của người phải thi hành án đã chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp… mà không thi hành án, sau khi có bản án, quyết định của Tòa án là hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ THADS cần phải yêu cầu cưỡng chế, kê biên để thi hành án. Trong quá trình kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên, KSV phải chú ý tính có căn cứ, đúng pháp luật về trình tự, thủ tục cưỡng chế, kê biên thi hành án theo luật định. Cụ thể như sau:

+ Trước khi cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất:

Thứ nhất, yêu cầu cơ quan THADS cung cấp hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi tiến hành kiểm sát cưỡng chế, kê biên:

Khi nghiên cứu hồ sơ, KSV phải xác định được những vấn đề gì cần phải làm, cần yêu cầu Chấp hành viên bổ sung thêm những nội dung gì để đánh giá hồ sơ có đủ điều kiện tiến hành cưỡng chế kê biên hay không, cụ thể: Tài sản tiến hành cưỡng chế kê biên có phải là của người phải thi hành án không; tài sản có thuộc loại được kê biên không; tài sản còn liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của ai; nghĩa vụ phải thi hành án và tài sản được xác định sẽ cưỡng chế, kê biên có đảm bảo điều kiện để được đăng ký quyền sử dụng cho người mua đấu giá thành không; nghĩa vụ phải thi hành án và tài sản được xác định sẽ cưỡng chế, kê biên có giá trị tương ứng không (đánh giá sơ bộ bằng cảm quan mặc dù chưa chính xác tuyệt đối, nhưng sẽ hạn chế được việc nghĩa vụ thi hành án thấp nhưng giá trị tài sản đưa ra cưỡng chế, kê biên lớn gấp nhiều lần, gây bất lợi cho người phải thi hành án, dẫn đến khiếu nại, tố cáo).

Kiểm tra toàn bộ thủ tục giao nhận giấy tờ về thi hành án đảm bảo đầy đủ, tránh trường hợp còn người bị tước quyền lợi do không được giao nhận thủ tục thi hành án. Nếu phải niêm yết thông báo về thi hành án thì xác định đó là trường hợp đủ điều kiện để buộc phải niêm yết, đảm bảo thời gian niêm yết. Trên cơ sở đó, đánh giá hồ sơ về điều kiện để cơ quan THADS đưa ra cưỡng chế, kê biên. Nếu phát hiện có vi phạm, chưa đảm bảo thì KSV phải có văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án phải dừng việc cưỡng chế, kê biên để bổ sung các tồn tại, thiếu sót, sau đó mới tiến hành cưỡng chế, kê biên.

Thứ hai, kiểm sát bản kế hoạch cưỡng chế, kê biên: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, KSV tiến hành kiểm sát kế hoạch cưỡng chế, kê biên của cơ quan THADS. Cần  chú ý các nội dung: Kế hoạch cưỡng chế, kê biên có nêu được đặc điểm, thái độ của người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không; nếu không nêu thì phải yêu cầu bổ sung (vì nội dung này sẽ phản ánh được lực lượng cần huy động đối với buổi cưỡng chế, kê biên); căn cứ đặc điểm, thái độ thể hiện trên bản kế hoạch để so sánh với nội dung hồ sơ vụ việc có phù hợp không; tài sản cưỡng chế, kê biên có những gì (cụ thể là đất trống hay đất có tài sản gắn liền trên đất, tài sản có những loại gì).

Từ những nội dung nêu trên, KSV cần xác định: Lực lượng mà cơ quan THADS dự kiến huy động tham gia buổi cưỡng chế, kê biên, thành phần cơ quan chuyên môn phối hợp. Cụ thể: Nếu tài sản cưỡng chế, kê biên chỉ là đất thì cơ quan phối hợp phải có cán bộ địa chính nơi có tài sản và cán bộ địa chính văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại địa phương đó tham gia. Nếu có tài sản gắn liền trên đất như nhà ở, kho tàng thì cơ quan chuyên môn phải có cán bộ phòng kinh tế hạ tầng (đối với cấp huyện, thị xã, thành phố), sở xây dựng (đối với cấp tỉnh). Nếu có hoa màu, cây cối trên đất thì phải có cán bộ chuyên môn của Phòng nông nghiệp (đối với cấp huyện, thị xã, thành phố), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với cấp tỉnh). Trường hợp người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thái độ chống đối thì lực lượng Công an hỗ trợ phải được huy động phù hợp; nếu tài sản bị cưỡng chế, kê biên nằm ở khu vực đông dân cư, mật độ giao thông cao, quá trình cưỡng chế, kê biên có thể ảnh hưởng đến khu dân cư, lưu lượng giao thông thì phải có thêm lực lượng Cảnh sát giao thông để làm công tác ổn định trật tự, phân luồng giao thông…

Ngoài ra, KSV cần đánh giá được kế hoạch cưỡng chế, kê biên; dự kiến tình huống; dự trù chi phí. Từ đó, yêu cầu cơ quan THADS bổ sung, sửa đổi kế hoạch để cho phù hợp với quá trình tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản THADS.

+ Kiểm sát trực tiếp quá trình cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất:

Nhiệm vụ này rất phức tạp, đòi hỏi KSV phải có sự quan sát tổng quan toàn bộ diễn biến của quá trình cưỡng chế, kê biên, mỗi sự việc phát sinh đều phải có sự cân nhắc, đối chiếu quy định pháp luật để xác định thao tác nghiệp vụ của Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế, kê biên và từng thành viên các cơ quan chuyên môn phối hợp. Cụ thể:

Trước hết, Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế, kê biên công bố quyết định cưỡng chế, kê biên; nêu tóm tắt nội dung vụ việc; giới thiệu thành phần của Hội đồng cưỡng chế, kê biên, đại diện Viện kiểm sát kiểm sát quá trình cưỡng chế, kê biên; giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia buổi cưỡng chế, kê biên. Các thành phần được phát biểu ý kiến, các ý kiến phải được ghi nhận vào biên bản cưỡng chế, kê biên. Toàn bộ nội dung này phải được ghi nhận, phản ánh trong biên bản. Nếu biên bản không ghi nhận, phản ánh đầy đủ thì khi đương sự khiếu nại (Ví dụ: Chưa được giải thích quyền và nghĩa vụ của mình) thì không có căn cứ để bác bỏ nội dung đơn của đương sự. Do đó, nếu các nội dung này Chấp hành viên triển khai không đúng thì KSV phải có ý kiến yêu cầu Chấp hành viên phải tiến hành đầy đủ và yêu cầu thư ký ghi vào biên bản.

Kết thúc phần thủ tục, Chấp hành viên cùng hội đồng tiến hành các thao tác nghiệp vụ để cưỡng chế, kê biên tài sản: Thư ký ghi chép, cập nhật các thông tin vào biên bản, kiểm tra những người được triệu tập tham gia nếu có mặt thì ghi có mặt, nếu vắng mặt thì phải ghi vắng mặt. Tùy theo tính chất vụ việc để có thêm thư ký hỗ trợ các cơ quan chuyên môn trong việc đo, đếm, xác định tài sản. Nếu xảy ra trường hợp phải phá khóa, mở khóa thì việc này phải được thực hiện theo Điều 93 Luật THADS năm 2008.

Các cơ quan chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành để thực hiện trách nhiệm phối hợp của mình, cụ thể: Cán bộ địa chính đo, vẽ lô đất, xác định chiều rộng, chiều dài, vị trí đất ở, đất nông nghiệp…, ranh giới thửa đất, tính diện tích cụ thể của lô đất (hiện trạng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); bản vẽ này phải được kèm theo biên bản cưỡng chế, kê biên. Cán bộ có chức năng ngành xây dựng cần đo, vẽ tài sản là nhà ở, nhà kho, vật kiến trúc trên đất; mô tả kết cấu từng loại tài sản xây dựng, kết cấu nhà ở, nhà kho, vật kiến trúc; đo đếm các hệ thống cửa của nhà ở, nhà kho, tường rào xây, mái che, khung sắt…, hệ thống điện, nước, trang trí nội thất...; bản vẽ này phải được kèm theo biên bản cưỡng chế, kê biên. Cán bộ có chuyên môn về nông, lâm nghiệp cần đếm số lượng cây, loại cây, xác định năm tuổi của từng loại cây; có bản tổng hợp kèm theo biên bản cưỡng chế, kê biên.

Sau đó, trên cơ sở các nội dung từ các cơ quan chuyên môn phối hợp trên, thư ký tổng hợp đưa vào biên bản cưỡng chế, kê biên. Nội dung này phải thể hiện được: Tài sản kê biên mô tả theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, hoặc giấy phép xây dựng (phần thứ nhất); mô tả hiện trạng tài sản cưỡng chế, kê biên (phần thứ hai); xác định được giữa tài sản theo theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, hoặc giấy phép xây dựng với tài sản kê biên theo hiện trạng có sự phù hợp hay chênh lệch thiếu, thừa như thế nào (phần thứ ba).

Căn cứ vào các thao tác nghiệp vụ này, KSV phải kiểm sát được quá trình tác nghiệp của từng thành viên trong Hội đồng cưỡng chế kê biên, phải có trình độ tổng hợp để xác định được số liệu mà cơ quan chuyên môn tổng hợp, đo, vẽ, đếm đã chính xác chưa. Trong thực tế các cuộc cưỡng chế, kê biên, KSV đã phát hiện được nhiều sai sót của các cơ quan chuyên môn về số liệu đo đạc, tính toán diện tích, có nhiều vị trí xây dựng bị đo thiếu…, nên đã yêu cầu khắc phục kịp thời, nên khi các số liệu đưa vào biên bản không bị sai sót.

Sau khi kết thúc quá trình cưỡng chế, kê biên và trước khi Hội đồng cưỡng chế, kê biên thông qua biên bản, KSV phải kiểm sát lại toàn bộ nội dung mà thư ký đã tổng hợp trong biên bản xem đã đảm bảo đúng với diễn biến thực tế quá trình cưỡng chế, kê biên hay không. Nếu chưa đúng, chưa đầy đủ thì KSV yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp. Khi Chấp hành viên thông qua biên bản, nếu người có tài sản, người liên quan, người phải thi hành án có ý kiến về số liệu đo đạc, kiểm đếm có sai sót thì KSV phải yêu cầu cơ quan chuyên môn liên quan đến nội dung đo, vẽ, kiểm đếm phải tiến hành kiểm tra lại dưới sự chứng kiến của đương sự, để xác định số liệu một lần nữa trước khi thông qua biên bản.

Khi KSV ký vào biên bản, phải đảm bảo biên bản đã có đủ chữ ký của các thành phần tham gia, kể cả thư ký và Chấp hành viên. Tránh trường hợp KSV ký trước, sau đó biên bản có một số thành viên không ký. Kiểm sát viên kiểm tra nội dung biên bản ký tắt vào từng trang biên bản. Việc ký vào từng trang trong biên bản sẽ đảm bảo được các trang biên bản không bị thay đổi nội dung. Khi có ý kiến phải chỉnh sửa biên bản, bỏ chữ hay câu nào đó trong biên bản thì phải gạch bỏ nhưng không được tẩy, xóa rồi viết đè lên và phải yêu cầu đương sự ký xác nhận nội dung gạch bỏ, sửa chữa trong biên bản.

Ngoài ra, trên thực tế quá trình cưỡng chế, kê biên, rất nhiều đối tượng có thái độ chống đối, tìm mọi biện pháp để Hội đồng cưỡng chế, kê biên phải hoãn buổi cưỡng chế, kê biên lại. Trong những trường hợp này, KSV phải có sự linh hoạt, nắm bắt tâm lý của đương sự, am hiểu các quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện luật để giải thích cho đương sự hiểu và hợp tác. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên, thuyết phục bằng nhiều hình thức trước và tại chỗ khi thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án và quần chúng nhân dân. Với những vụ việc khó khăn, phức tạp cần tranh thủ sự động viên, thuyết phục của các cấp lãnh đạo, của người thân thích có uy tín đối với người phải thi hành án và gia đình họ./.       

Dương Đức Hậu

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm