Năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là chất lượng thẩm vấn và tranh tụng của Kiểm sát viên. Trong Kế hoạch, Chương trình công tác năm 2015...
Hiệu quả từ việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm
các vụ án hình sự của VKSND thành phố Hà Nội
Năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là chất lượng thẩm vấn và tranh tụng của Kiểm sát viên. Trong Kế hoạch, Chương trình công tác năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo VKS hai cấp tăng cường phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) được giao nhiệm vụ theo dõi tổng hợp đánh giá. Kết quả thực hiện: các phiên tòa rút kinh nghiệm của VKSND 2 cấp chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, từ khâu lựa chọn vụ án để xét xử có các tình huống phức tạp phải xử lý với tính chất “mẫu”, chọn Kiểm sát viên THQCT, KSĐT, KSXX vụ án; tổ chức tham dự các phiên tòa, tổ chức họp để đánh giá ưu, khuyết điểm vừa để học tập, vừa rút kinh nghiệm. Cụ thể:
Thứ nhất: Trong lựa chọn án, VKS 2 cấp ở Hà Nội đã phối hợp với Tòa án lựa chọn vụ án điển hình ở địa phương, các vụ trọng án, án nổi cộm được cấp ủy, chính quyền và dư luận quan tâm như: Giết người có vũ khí nóng, cướp tài sản có dùng hung khí, trộm cắp tài sản, mua bán ma túy, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ..… hoặc những vụ án bị cáo ngoan cố không nhận tội, khai báo không thống nhất, còn nhiều mâu thuẫn hoặc những vụ có tính chất rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tài sản ảnh hưởng xấu trong xã hội. Viện kiểm sát phối hợp kịp thời với Cơ quan điều tra, Tòa án xác định những vụ án trọng điểm ở địa phương để đưa đi xét xử lưu động tại địa bàn gây án nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Có những vụ tuy chưa được ba ngành xác định là án trọng điểm, nhưng đến giai đoạn truy tố, VKS thấy cần phải đưa đi xét xử lưu động, cũng đã chủ động thống nhất với Tòa án để tăng hiệu quả tuyên truyền pháp luật.
Thứ hai: Lựa chọn Kiểm sát viên cũng được Lãnh đạo Viện quan tâm. Phân công Kiểm sát viên có năng lực chuyên môn, nhiều vụ do Lãnh đạo cấp huyện, Trưởng, Phó phòng hoặc Lãnh đạo VKS thành phố trực tiếp THQCT, KSXX vụ án để tổ chức rút kinh nghiêm chung.Sau đó đến các Kiểm sát viên khác trong đơn vị.
Để làm tốt chức năng THQCT- KSXX tại phiên tòa, kiểm sát viên được phân công phải kiểm sát điều tra vụ án ngay từ khi khởi tố, nắm chắc các chứng cứ, tài liệu điều tra, kịp thời báo cáo lãnh đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trước khi xét xử, Kiểm sát viên phải chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các vấn đề cần tranh luận, đối đáp tại phiên tòa để Lãnh đạo duyệt, đồng thời tập hợp các văn bản có liên quan đến căn cứ để buộc tội, gỡ tội, đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo đúng quy định của pháp luật. Trong xét xử, Kiểm sát viên vừa thực hành quyền công tố, kiểm tra chứng cứ đã thu thập trong quá trình điều tra, luận tội để bảo vệ cáo trạng, vừa kiểm sát hoạt động của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, kịp thời nắm bắt, bổ sung những diễn biến mới tại phiên tòa. Trên cơ sở đó đề nghị đường lối xét xử một cách toàn diện để HĐXX quyết định hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội bị cáo đã gây ra cũng như làm tăng hiệu quả của tuyên truyền pháp luật, nâng cao vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Thứ ba: Công tác tổ chức tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm đã được các Phòng nghiệp vụ VKS thành phố và các VKS cấp huyện quan tâm. Khi mở phiên tòa xét xử đã tổ chức cho Kiểm sát viên, chuyên viên trong đơn vị tham dự các phiên tòa do Kiểm sát viên của đơn vị mình THQCT, KSXX, cũng như tham dự các phiên tòa do Kiểm sát viên của các đơn vị khác THQCT để nghiên cứu,học tập.
Thứ tư: Kết thúc phiên tòa các đơn vị đều tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm do Lãnh đạo đơn vị chủ trì gồm các Kiểm sát viên và cán bộ chuyên viên. Tại cuộc họp rút kinh nghiệm những đồng chí dự phiên tòa tham gia ý kiến đóng góp những ưu điểm, tồn tại của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử như: Tư thế, tác phong, trang phục của Kiểm sát viên tại phiên tòa, việc xây dựng bản Cáo trạng, xây dựng Luận tội, đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận, kỹ năng tranh luận đối đáp với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác; kiểm sát hoạt động việc tuân theo pháp luật trong xét xử của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Hàng tháng, Phòng 7 đều tổng hợp những ưu điểm, tồn tại thiếu sót đối với từng phiên tòa rút kinh nghiệm để báo cáo lãnh đạo Viện thành phố và thông báo đến các đơn vị trong toàn ngành rút kinh nghiệm chung.
Với các biện pháp thực hiện nêu trên, tính đến thời điểm 30/11/2015, các đơn vị trong ngành Kiểm sát Hà Nội đã tổ chức được 188 phiên tòa rút kinh nghiệm. Có thể nói việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều chuyển biến mới tích cực. Những mặt hạn chế trước đây về chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa như: Một số vụ án Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, chưa chủ động xét hỏi, xét hỏi chưa làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, một số bản luận tội chưa đảm bảo tính logic, lập luận thiếu sắc bén, không thuyết phục,chưa phản ứng linh hoạt khi tham gia tranh luận….Thái độ tranh luận đôi khi còn nóng nảy, thiếu bình tĩnh ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tranh tụng đến nay đã từng bước được khắc phục.
Thực tế cho thấy qua tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là: Tại buổi họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa, các ý kiến tham gia đóng góp đã giúp Kiểm sát viên trực tiếp xét xử thấy được những ưu điểm, thiếu sót của mình trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án. Từ đó nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa của Kiểm sát viên. Các Kiểm sát viên nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí rất quan trọng của mình tại phiên tòa. Từ khi tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đến nay qua kiểm tra theo dõi thấy: Kiểm sát viên đều chú trọng nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra vụ án, chất lượng bản Cáo trạng; 100% vụ án đều chuẩn bị đề cương xét hỏi và bản luận tội; tại phiên tòa Kiểm sát viên chủ động hơn trong việc xét hỏi làm rõ nội dung vụ án (số vụ án Kiểm sát viên tham gia xét hỏi chiếm 90%). 100% các vụ án có Luật sư tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên đều chuẩn bị dự kiến tình huống tranh luận. Vì vậy, chất lượng xét xử, chất lượng tranh luận từng bước được nâng lên rõ rệt.
Sau phiên tòa, Kiểm sát viên đã đề cao trách nhiệm kiểm sát biên bản phiên tòa và bản án của Tòa án, phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót đề xuất kiến nghị, kháng nghị theo quy định pháp luật.
Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của Kiểm sát viên đơn vị mình để theo dõi, đánh giá cán bộ chính xác, toàn diện, từ đó phân công cán bộ, Kiểm sát viên phù hợp năng lực nghiệp vụ và có phương hướng đào tạo bồi dưỡng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém để Kiểm sát viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức về địa vị pháp lý, đáp ứng yêu cầu về chiến lược cải cách tư pháp. Đồng thời lãnh đạo các đơn vị cũng qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, giải quyết vụ án.
Phòng 7 - VKSND thành phố