CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về vị trí, vai trò của các chức năng tố tụng hình sự cơ bản

04/06/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Chức năng tố tụng hình sự cơ bản thực hiện những hướng hoạt động chính, chủ yếu của tố tụng hình sự, bao gồm: Chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Các chức năng cơ bản đóng vai trò quan trọng, là định hướng và tạo thế cân bằng cho các hoạt động tố tụng hình sự. Do đó, để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cần xác định rõ vị trí, vai trò của ba chức năng cơ bản này trong tố tụng hình sự.

1. Về các chức năng tố tụng hình sự cơ bản

Chức năng tố tụng là những định hướng đặc thù phân định các hoạt động tố tụng của các chủ thể tố tụng khác nhau trong những phạm vi nhất định, được coi là một dạng chức năng nhà nước mang tính định hướng, trong đó có sự phân định rõ ràng hoạt động của các chủ thể khác nhau để đạt được mục đích nhất định với những quyền hạn (quyền) và nhiệm vụ (nghĩa vụ) khác nhau.

Chức năng tố tụng hình sự bao gồm ba chức năng cơ bản (buộc tội, gỡ tội (bào chữa), xét xử) và các chức năng khác (như kiểm sát việc tuân theo pháp luật, khởi kiện dân sự). Có quan điểm cho rằng, điều tra cũng là một chức năng độc lập, có chủ thể thực hiện và đối tượng, nội dung cụ thể, riêng biệt. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, ngoài việc làm sáng tỏ nội dung vụ án, Cơ quan điều tra cùng Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội. Điều đó có nghĩa là vào thời điểm khởi tố bị can, chức năng buộc tội bắt đầu được thực hiện mà không chờ đến giai đoạn xét xử sơ thẩm. Chúng tôi cho rằng, Cơ quan điều tra khi tiến hành khởi tố bị can là đã thực hiện sự buộc tội và đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra. Do đó, Cơ quan điều tra cũng đang thực hiện chức năng buộc tội và điều tra không phải là một chức năng độc lập, mà là một bộ phận cấu thành của chức năng buộc tội.

Ngoài ba chức năng tố tụng hình sự cơ bản thì còn các chức năng khác là chức năng độc lập nhưng không cơ bản, đó là: Chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật; chức năng khởi kiện dân sự trong các vụ án hình sự.

Như vậy, chức năng tố tụng hình sự cơ bản (buộc tội, gỡ tội, xét xử) và không cơ bản (kiểm sát, khởi kiện dân sự) đều cùng tồn tại trong tố tụng hình sự. Chức năng tố tụng hình sự cơ bản là những phương diện hoạt động chủ đạo, có tính chất tiêu biểu, đặc trưng cho hoạt động tố tụng hình sự và không thể thiếu trong tố tụng hình sự; nói cách khác, nó tồn tại trong tất cả các vụ án hình sự, liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện, vận động và kết thúc của quá trình tố tụng hình sự.

Từ những phân tích trên, có thể hiểu: Chức năng tố tụng hình sự cơ bản là chức năng cơ sở, nền tảng trong tố tụng hình sự, thể hiện những phương diện hoạt động chính và chủ yếu (không thể thiếu) của các chủ thể nhất định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Các chức năng tố tụng hình sự cơ bản có những đặc điểm chính sau:

Thứ nhất, các chức năng tố tụng hình sự cơ bản là những chức năng nền tảng, cơ sở, không thể thiếu của tố tụng hình sự.

Các chức năng trong tố tụng hình sự là một trong những yếu tố hợp thành của tố tụng hình sự và giữ vị trí “xương sống” trong định hướng hoạt động của tố tụng hình sự. Ba chức năng tố tụng hình sự cơ bản là buộc tội, bào chữa và xét xử liên quan đến ba hướng hoạt động chính và chủ yếu của các chủ thể trong tố tụng hình sự. Khi bắt đầu có tội phạm xảy ra, xâm hại đến các lợi ích của xã hội và con người được Nhà nước bảo vệ thì xuất hiện nhu cầu buộc tội đối với người đó. Cũng từ đây xuất hiện nhu cầu bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội. Lúc này, hình thành bên thứ ba nhằm phân xử, đảm bảo sự công bằng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.

Thứ hai, về chủ thể thực hiện các chức năng tố tụng hình sự cơ bản.

Mỗi chức năng tố tụng hình sự cơ bản có thể do một chủ thể hoặc một nhóm chủ thể tham gia thực hiện. Vấn đề đặt ra là: Việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể như thế nào để phù hợp với định hướng chủ yếu của hoạt động tố tụng nói chung, mà không phải là chức năng riêng biệt của chủ thể hay những hành vi tố tụng của các chủ thể? Bởi vì, chức năng tố tụng không đồng nhất với hành vi tố tụng của các chủ thể. Chức năng tố tụng hình sự cơ bản là chức năng chung, bao trùm, còn chức năng của chủ thể thực hiện là các chức năng riêng biệt của các chủ thể đó. Do đó, ngoài việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình, mỗi chủ thể còn phải phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chung của tố tụng hình sự là yêu cầu và định hướng của chức năng tố tụng đặt ra. Theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, chủ thể thực hiện chức năng buộc tội là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; chủ thể của chức năng bào chữa gồm có người bào chữa, người bị buộc tội tự bào chữa; chủ thể của chức năng xét xử là Tòa án.

Thứ ba, về phạm vi của các chức năng tố tụng hình sự cơ bản.

Chức năng buộc tội xuất hiện khi có một người bị các cơ quan có thẩm quyền tố tụng buộc tội và kết thúc khi việc chứng minh buộc tội của Viện kiểm sát hoặc người bị hại đã được Tòa án chấp nhận hoặc bác bỏ bằng hình thức bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Có quan điểm cho rằng, chức năng buộc tội xuất hiện từ khi cơ quan có thẩm quyền khởi tố bị can, hoặc từ thời điểm có người bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ; chức năng buộc tội sẽ kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, quan điểm về thời điểm xuất hiện chức năng buộc tội như trên là hẹp hơn so với quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, bởi người bị buộc tội bao gồm cả người bị bắt, bị can, bị cáo. Điều đó có nghĩa là chức năng buộc tội đã xuất hiện ngay từ thời điểm một người bị bắt quả tang, bị bắt theo lệnh truy nã, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, mà không chỉ là người bị giữ, bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự trước đây.

Phạm vi của chức năng xét xử bắt đầu từ khi Tòa án có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và bản cáo trạng từ Viện kiểm sát chuyển sang, kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Phạm vi của chức năng bào chữa được tính từ thời điểm xuất hiện chức năng buộc tội và chấm dứt khi chức năng buộc tội kết thúc.

2. Vị trí, vai trò của các chức năng tố tụng hình sự cơ bản trong tố tụng hình sự

Tố tụng hình sự là lĩnh vực hoạt động có những mục đích nhất định, với sự hiện diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật quy định về thẩm quyền, địa vị pháp lý, mối quan hệ pháp luật phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng, quyền và nghĩa vụ pháp lý… theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, nhằm xác định các yếu tố về tội phạm và hình phạt. Có thể thấy, bất kỳ một hệ thống tố tụng hình sự nào cũng bao gồm các nhân tố như: Mục đích, nguyên tắc, chức năng của tố tụng hình sự; địa vị pháp lý của chủ thể hoạt động tố tụng hình sự; các giai đoạn tố tụng hình sự… Các nhân tố này hợp thành một hệ thống tố tụng hình sự thống nhất, trong đó mục đích là nhân tố quan trọng nhất, chi phối các yếu tố khác. Chức năng tố tụng hình sự là một bộ phận hợp thành tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, các chức năng tố tụng hình sự cơ bản còn bị chi phối, quyết định bởi các mục đích và nguyên tắc của tố tụng hình sự.

 

Trước hết, chức năng tố tụng hình sự cơ bản quan trọng và không thể thiếu trong tố tụng hình sự, bởi chức năng của tố tụng hình sự là yếu tố hợp thành của tố tụng hình sự, quyết định mô hình tố tụng hình sự. Buộc tội, bào chữa và xét xử là ba chức năng tố tụng hình sự cơ bản có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau và tạo nên sự vận hành ổn định của tố tụng hình sự. Thiếu một trong ba chức năng cơ bản trên thì không thể tạo nên sự vận hành mang tính ổn định của tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, các chức năng tố tụng hình sự cơ bản còn có vị trí quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Các chức năng tố tụng hình sự cơ bản đều có mục đích chính là bảo vệ quyền con người. Để quyền con người được thực hiện trên thực tế, pháp luật tố tụng hình sự phải quy định hệ thống các bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện các quyền đó. Sự hình thành và phát triển của các chức năng tố tụng hình sự cơ bản bao gồm các hoạt động tố tụng khác nhau nhưng luôn vận hành trong mối liên hệ, nhằm tạo nên sự ổn định và mang tính “hướng đích” của hệ thống. Những hoạt động chính yếu, cơ bản đóng góp vào việc vận hành ổn định hệ thống tố tụng hình sự được gọi là chức năng tố tụng và nó cần được tiếp cận trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng thể hiện sự đòi hỏi khách quan của nhu cầu được bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân người bị buộc tội trước cáo buộc của Nhà nước. Các chức năng tố tụng hình sự cơ bản không chỉ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc kiểm soát tội phạm, mà còn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.

3. Kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 từ vị trí, vai trò của các chức năng tố tụng hình sự cơ bản trong tố tụng hình sự

Thứ nhất, hoàn thiện các nguyên tắc của tố tụng hình sự.

Nguyên tắc của tố tụng hình sự là những nguyên tắc cơ bản, chi phối và điều chỉnh các giai đoạn tố tụng hình sự. Hệ thống các nguyên tắc của tố tụng hình sự không chỉ có ý nghĩa là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự trong thực tiễn áp dụng, mà còn là tiền đề, căn cứ quan trọng để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015). Để phân định rõ ràng hơn các chức năng tố tụng hình sự, việc nghiên cứu và hoàn thiện nhóm các nguyên tắc là rất cần thiết. Theo đó, cần hoàn thiện một số nguyên tắc cụ thể sau:

- Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án (Điều 15) chưa xác định rõ trách nhiệm chứng minh của từng cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà mỗi cơ quan đảm nhiệm. Nếu xét theo chủ thể thực hiện chức năng tố tụng thì mỗi chủ thể có trách nhiệm chứng minh tội phạm ở các mức độ khác nhau. Ví dụ: Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng có trách nhiệm phát hiện tội phạm, đưa người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử, hoạt động điều tra là để phục vụ cho hoạt động công tố, nhưng Cơ quan điều tra vẫn có vai trò chủ động, Kiểm sát viên không làm thay nhiệm vụ của Điều tra viên, mà đóng vai trò “dẫn đường” trong việc thu thập chứng cứ, chứng minh sự thật vụ án trong giai đoạn điều tra. Với chức năng xét xử, Tòa án là cơ quan ra phán quyết cuối cùng dựa trên kết quả điều tra, xác minh công khai tại phiên tòa. Phạm vi và hoạt động chứng minh của mỗi chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng là khác nhau, do đó, cần quy định sự khác nhau trong việc chứng minh tội phạm của các chủ thể.

- Cần tách Điều 20 thành 02 nguyên tắc độc lập là: Nguyên tắc trách nhiệm thực hành quyền công tố và nguyên tắc trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật, để xác định rõ hai chức năng độc lập này trong hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát. Theo đó, thực hành quyền công tố là một trong những hoạt động của chức năng cơ bản (buộc tội), còn kiểm sát là chức năng tố tụng không cơ bản.

Thứ hai, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể khi thực hiện chức năng tố tụng.

- Đối với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội:

Trong các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội, Viện kiểm sát là chủ thể có vị trí quan trọng và thực hiện đồng thời hai chức năng buộc tội và kiểm sát. Do đó, cần quy định rõ ràng và độc lập hơn về nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện hai chức năng này của Viện kiểm sát. Theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung Điều 41 và Điều 42 theo hướng: Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng buộc tội và khi thực hiện chức năng gỡ tội; bổ sung các quy định cụ thể nhằm xác định rõ thẩm quyền của Kiểm sát viên sau khi Viện trưởng Viện kiểm sát đã ra quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự.

Về kỹ thuật lập pháp, cần tách các quy định về kiểm sát thành một phần hoặc chương riêng, trong đó quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động kiểm sát của tất cả các giai đoạn tố tụng.

- Cần hoàn thiện một số quyền của người bào chữa, trách nhiệm của các cơ quan và người có thẩm quyền trong việc bảo đảm quyền này như: Quyền được gặp, hỏi và có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can theo Điều 73; quyền gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam và trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bảo đảm theo Điều 80; quyền được thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu thập theo Điều 81; quyền được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án cũng như trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm cho người bào chữa thực hiện quyền này theo Điều 82. Đây là những quyền cụ thể, quan trọng của người bào chữa để thực hiện hiệu quả chức năng bào chữa nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

- Đối với chủ thể thực hiện chức năng xét xử: Tòa án cần đảm bảo vị trí là cơ quan xét xử nhưng có vai trò chủ động hơn trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Theo đó, cần bãi bỏ các quy định về thẩm quyền buộc tội hoặc có tính buộc tội của Tòa án (như chứng minh tội phạm, khởi tố vụ án, trả hồ sơ để điều tra bổ sung); sửa đổi quy định về giới hạn xét xử theo hướng: Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố; sửa đổi điều khoản về trình tự xét hỏi theo hướng: Dành phần lớn thời gian xét hỏi và tranh luận cho bên buộc tội và gỡ tội. Tóm lại, Tòa án cần chủ động chứng minh tội phạm thông qua việc tranh tụng giữa Viện kiểm sát với bên bào chữa tại phiên toà và thực hiện vai trò của một trọng tài trong vụ án để ra các phán quyết khách quan, công bằng.

PGS.TS. Đỗ Thị Phượng - Tạp chí Kiểm sát in số 21/2023 (kiemsat.vn)
Tìm kiếm