CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN NAM BỘ

26/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Với tầm nhìn và sự phân tích sắc bén của một nhà chính trị tài ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy những khó khăn, thách thức của tình hình đất nước, đặc biệt là ở Nam Bộ sau khi Tổng khởi nghĩa thành công. Bởi vậy, ngay sau Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa vừa kết thúc, Hồ Chí Minh đã triệu tập Thường vụ Trung ương Đảng họp và chỉ rõ việc phải cử ngay một đồng chí thay mặt Trung ương và Tổng bộ Việt Minh vào Nam Bộ để giúp đỡ chỉ đạo và kiểm tra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN NAM BỘ
 
ThS Lê Thị Hằng
Với tầm nhìn và sự phân tích sắc bén của một nhà chính trị tài ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy những khó khăn, thách thức của tình hình đất nước, đặc biệt là ở Nam Bộ sau khi Tổng khởi nghĩa thành công. Bởi vậy, ngay sau Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa vừa kết thúc, Hồ Chí Minh đã triệu tập Thường vụ Trung ương Đảng họp và chỉ rõ việc phải cử ngay một đồng chí thay mặt Trung ương và Tổng bộ Việt Minh vào Nam Bộ để giúp đỡ chỉ đạo và kiểm tra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Là một đảng viên có kinh nghiệm lãnh đạo, có uy tín trong Đảng và từng có thời gian hoạt động ở Nam Bộ, Hoàng Quốc Việt được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm đặc phái viên của Đảng và Mặt trận Việt Minh tại miền Nam. Nhiệm vụ của đồng chí là truyền đạt và chỉ đạo thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng đối với cách mạng ở miền Nam. Đồng thời, tùy tình hình cụ thể ứng biến theo đúng nguyên tắc của Trung ương, liên hệ thường xuyên báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ để giải quyết các khó khăn vướng mắc tại chỗ.
Những ngày đầu sau khi giành được độc lập, tình hình Nam Bộ rất phức tạp. Đó là vấn đề Việt Minh mới - Việt Minh cũ, vấn đề dân chủ Đảng, sự không thống nhất giữa các đảng viên trong “Tiền phong” và “Giải phóng”, sự tranh chấp lực lượng vũ trang giữa các giáo phái. Các tổ chức và cá nhân tay sai của thực dân Pháp và phát xít Nhật trước đây tạm thời nằm im nay bí mật hoặc công khai hoạt động phá hoại chính quyền cách mạng. Ở Sài Gòn, nhóm tờrốtxkít đưa ra những chủ trương quá khích như đòi lập ngay “chính quyền vô sản”, chống việc thành lập mặt trận đại đoàn kết toàn dân, yêu cầu võ trang cho quần chúng, phê phán Xứ ủy, Ủy ban nhân dân Nam Bộ là “quá nhu nhược” đối với quân Anh - Pháp. Trong bối cảnh đó, quân Pháp được sự hỗ trợ của quân Đồng minh gây chiến tranh ở Nam Bộ.
Để đối phó với âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp, việc đầu tiên là thống nhất và kiện toàn lực lượng. Tối ngày 07-9-1945, tại trụ sở Tổng Công đoàn Nam Bộ, Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh, thay mặt Trung ương, chủ trì một hội nghị có đại biểu các đoàn thể thuộc Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng tham dự. Sau gần 5 tiếng thảo luận, các đại biểu quyết định dẹp bỏ mọi hiểu lầm, nghi kỵ, thống nhất các đoàn thể của hai Xứ ủy trong Ủy ban Cách mạng Tháng Tám đã thành công nhưng đa số tù chính trị vẫn đang còn ở Côn Đảo. Bởi vậy, đồng chí Hoàng Quốc Việt nêu chủ trương đón anh em Côn Đảo về “là một công việc cấp bách số một”. Đồng chí nhấn mạnh: “Đấy là nguồn bổ sung cán bộ quý báu, gồm những đồng chí được rèn luyện trong một “trường đào tạo” độc đáo... rất nhiều tinh hoa phong trào ở đó”. Với một tinh thần khẩn trương, ngày 16-9-1945, một đoàn ghe, thuyền kéo cờ đỏ, giương buồm tiến ra Côn Đảo. Đến cuối tháng, hai chuyến tàu từ Côn Đảo, chở gần 2.000 tù chính trị trở về đất liền. Phần lớn các đồng chí đã tình nguyện ở lại miền Nam và nhận sự điều động, bố trí công tác của Xứ ủy Nam Bộ. Lực lượng lãnh đạo Nam Bộ được bổ sung kịp thời với hàng trăm cán bộ cách mạng, trong đó có nhiều nhân vật rất quan trọng. Đây là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt với cách mạng Nam Bộ, như hồi ký của Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Đảng, Mặt trận, Chính quyền được thêm người cầm lái trong lúc cần thiết nhất. Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng thuộc vào hàng số cán bộ được giải thoát kịp thời này. Vì không có các đồng chí ở
Côn Lôn về kịp thời thì khó quan niệm làm cách nào để củng cố bộ máy kháng chiến, cũng như khó quan niệm làm cách nào để hoàn thành chuẩn bị tổng khởi nghĩa nếu như không có các đồng chí trở về từ trại giam Tà Lài, Bà Rá...”.
Nhận thức rõ âm mưu nô dịch Việt Nam của thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quán triệt Xứ ủy, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Nam Bộ tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu. Đêm 22-9-1945, khi thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn thì Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh thay mặt Tổng bộ Việt Minh viết Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí Nam Bộ cầm súng chiến đấu. Rạng sáng ngày 23-9-1945, đồng chí tham dự cuộc họp Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ họp Hội nghị liên tịch tại số nhà 107 đường Cây Mai (Chợ Lớn). Hội nghị bàn chủ trương và biện pháp đối phó với cuộc tấn công của Pháp. Có hai phương án đưa ra: một là kêu gọi đồng bào nhất tề đứng lên đánh trả quân thù để bảo vệ độc lập tự do. Hai là chỉ nên hô hào đồng bào bãi thị, bãi công, bãi khóa để phản đối hành động xâm lược của Pháp, chờ xin ý kiến của Trung ương. Hội nghị đã thảo luận và cuối cùng đi đến nhất trí với phương án huy động toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập và ra Tuyên cáo quốc dân, kêu gọi nhân dân đứng lên kháng chiến.
Cũng ngay trong sáng 23-9, Hoàng Quốc Việt kịp thời báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về tình hình miền Nam. Những quyết định của Xứ ủy được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Đảng tán thành. Ngày 24-9-1945, Chính phủ lâm thời gửi Huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ. Tiếp đó, ngày 26-9, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ. Điều đó đã tiếp thêm nghị lực và quyết tâm kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Sài Gòn kéo dài hơn một tháng ngay sau đó đã kìm chân địch, thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp. Vấp phải sức kháng cự kiên cường và tinh thần quyết liệt bất hợp tác với giặc của quân dân Nam Bộ, quân Pháp phải sống trong thành phố không điện, không nước, không lương thực thực phẩm và lo sợ bị tiến công bất ngờ. Trước tình thế đó, tướng Cesdile phải nhờ quân đội Anh làm trung gian đề nghị thương thuyết với quân kháng chiến. Mặc dù biết địch dùng kế hòa hoãn để đợi viện binh, nhưng lãnh đạo Nam Bộ chấp nhận tương kế tựu kế kéo dài thời gian nhằm củng cố lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Cuộc thương thuyết diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 03-10-1945 giữa một bên là Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thạch và Hoàng Quốc Việt với một bên là hai đại tá Pháp Jean Cesdile và Pepito-Preneuf trước sự hiện diện của tướng Anh Gracey. Phía Việt Nam đòi Pháp phải tôn trọng nền độc lập tự do mà dân tộc Việt Nam đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, đòi Pháp trả lại các công sở ở Sài Gòn và rút quân về các vị trí trước ngày 23-9-1945; bù lại, chính quyền cách mạng hứa sẽ đảm bảo an ninh và cung cấp lương thực cho người Pháp ở Sài Gòn. Phái Pháp một mực yêu cầu ta chấp nhận bản Tuyên bố 24-3-1945. Cuộc thương thuyết chấm dứt vào ngày 10-10-1945 mà không đạt kết quả nào. Tỏ rõ thái độ kiên quyết với kẻ thù, Ủy ban Nam Bộ ra tuyên bố khẳng định quyết tâm chiến đấu chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương về việc thống nhất các tổ chức đảng, mặt trận, quân đội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Hoàng Quốc Việt tập trung chỉ đạo việc thành lập Xứ ủy mới, thành lập trên cơ sở thống nhất giữa hai nhóm cộng sản: Tiền Phong và Giải Phóng. Ngày 15-10-1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tham dự Hội nghị cán bộ đảng Nam Bộ tại Cầu Vĩ (thị xã Mỹ Tho). Tại Hội nghị này đồng chí đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về xây dựng Đảng, củng cố Việt Minh và các đoàn thể kháng chiến. Cho ý kiến chỉ đạo để đi đến thống nhất giữa hai nhóm “Tiền Phong” và “Giải Phóng”, khắc phục tình trạng tồn tại song song hai tổ chức đảng. Hội nghị đã quyết định giải thể hai tổ chức này, thành lập Xứ ủy thống nhất gồm 11 đồng chí. Hội nghị chủ trương thống nhất các tỉnh ủy và Tổng bộ Việt Minh. Các tổ chức Tiền phong và đơn vị vũ trang đều được sáp nhập vào Việt Minh, dùng danh xưng thống nhất trên toàn quốc. Sự phân biệt Việt Minh cũ và Việt Minh mới bấy giờ mới chấm dứt hoàn toàn.
Thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân của Đảng và để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân sĩ, trí thức tham gia chiến đấu, đồng chí Hoàng Quốc Việt và Xứ ủy Nam Bộ thống nhất chọn tiến sĩ luật học Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thay cho đồng chí Trần Văn Giàu nhận nhiệm vụ ra Bắc. Bên cạnh đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất sát sao trong việc chỉ đạo những công việc cụ thể, trước mắt như: động viên tổ chức cuộc chiến đấu trong thành phố, phá hoại giao thông, cắt nguồn tiếp tế của Pháp...
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài và ác liệt, Hoàng Quốc Việt đã bàn bạc với Xứ ủy và Ủy ban các cấp chú trọng xây dựng lực lượng kháng chiến ở vùng nông thôn, xây dựng các căn cứ, các chiến khu. Tranh thủ thời gian ngừng bắn, tiếp tục chuyển cơ quan, kho tàng, máy móc ra ngoài, đồng thời xây dựng các công xưởng chế tạo vũ khí, chuẩn bị thế trận chống địch càn quét.
Đối với các đoàn thể quần chúng, các giáo phái, các tôn giáo vốn rất phức tạp ở Nam Bộ, Hoàng Quốc Việt cùng với Xứ ủy, Ủy ban phân công đi đến từng nơi, từng tổ chức để vận động, thuyết phục họ ủng hộ kháng chiến. Là đặc phái viên của Tổng bộ Việt Minh, với tấm lòng, tài năng của mình, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạo công tác chính trị, công tác đoàn thể ở Nam Bộ, tạo nên khối đoàn kết toàn dân vững chắc trong thời điểm khó khăn, phức tạp của những ngày đầu kháng chiến.
Ngày 25-10-1946, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng, Hoàng Quốc Việt chủ trì Hội nghị Xứ ủy mở rộng ở Thiên Hộ (Mỹ Tho). Đây là Hội nghị lớn nhất của Đảng bộ Nam Bộ kể từ khi giành chính quyền. Hội nghị kiểm điểm tình hình chỉ đạo cuộc kháng chiến từ ngày 23-9, rút kinh nghiệm biểu dương tinh thần chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang, quán triệt một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vạch ra chiến thuật ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ là cắt đứt liên lạc của địch, bao vây địch về kinh tế, quấy rối về quân sự, triệt để áp dụng chiến thuật đánh du kích, xây dựng các khu căn cứ, xây dựng và bảo toàn lực lượng, giữ vững liên lạc giữa các khu để đảm bảo sự chỉ huy thống nhất. Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng đặc biệt lưu ý việc củng cố lực lượng vũ trang và khẳng định nguyên tắc: tất cả các lực lượng vũ trang phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí yêu cầu nhanh chóng đưa các đảng viên, cán bộ nòng cốt của Đảng phụ trách công tác quân sự, nắm vị trí chỉ huy trong các đơn vị vũ trang hiện có, nhanh chóng tổ chức du kích rộng khắp. Đồng chí Tôn Đức Thắng được Hội nghị cử phụ trách Ủy ban kháng chiến và chỉ đạo lực lượng vũ trang Nam Bộ. Nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 400 đồng chí trở về từ nhà tù Côn Đảo được đưa vào các đơn vị cộng hòa vệ binh, các ban quân sự, ban tham mưu của các tỉnh. Với những quyết định trên, “Hội nghị Thiên Hộ đánh dấu một mốc lịch sử trong việc củng cố lực lượng vũ trang Nam Bộ”.
Khi cuộc chiến đấu đã lan rộng ra ngoại vi Sài Gòn và các tỉnh, theo đề xuất của Hoàng Quốc Việt, Trung ương Đảng đã quyết định cải tổ Đảng bộ và tổ chức chính quyền ở Nam Bộ. Tháng 11-1945, Hoàng Quốc Việt nhận chỉ thị của Trung ương giải thể Ủy ban kháng chiến Nam Bộ thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam thành các quân khu 6, 7, 8, 9. Cùng với các đồng chí của mình, Hoàng Quốc Việt đã nhanh chóng tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Ngày 20-11-1945, Hội nghị quân sự được triệu tập tại An Phú (Gia Định) để bàn công tác chỉ đạo tác chiến. Cuối tháng 11-1945, các chiến khu chính thức được thành lập, bộ máy được sắp xếp lại và đi vào hoạt động có nề nếp theo nguyên tắc thời chiến.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách sau Cách mạng Tháng Tám được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tập trung thực hiện là tổ chức tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Ở Nam Bộ, hơn 3 tháng sau ngày cách mạng thành công, cuộc bầu cử Quốc hội đã diễn ra dưới làn bom đạn của kẻ thù. Trong những ngày bầu cử, đồng chí Hoàng Quốc Việt đi lại như con thoi ở các tỉnh Nam Bộ để đôn đốc, kiểm tra công việc. Dưới sự tổ chức chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt và các đồng chí trong Xứ ủy, cuộc bầu cử đã thành công. Những cán bộ cốt cán của Đảng, của Mặt trận, những đại biểu do ta giới thiệu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Bạch... đều trúng cử với số phiếu cao. Bộ máy chính quyền của ta được xác lập và củng cố ở tất cả các cấp.
Tháng 01-1946, Trung ương Đảng điều đồng chí Hoàng Quốc Việt trở ra Bắc, chuẩn bị cho việc lãnh đạo cuộc chiến tranh có nguy cơ lan ra cả nước. Như vậy, với khoảng thời gian ngắn 4 tháng làm nhiệm vụ đặc phái viên của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh ở Nam Bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng với cuộc kháng chiến Nam Bộ trong thời kỳ đầu đầy khó khăn, phức tạp. Là cầu nối hiệu quả Trung ương với Xứ ủy Nam Bộ, thay mặt Trung ương chỉ đạo giải quyết những vấn đề cụ thể, cấp bách của cách mạng miền Nam, đồng chí đã nỗ lực để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xóa bỏ mọi sự chia rẽ, nghi kỵ, tạo niềm tin vững chắc cho các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Có được một phong trào Nam Bộ kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi như
“bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc” chắc chắn phải có sự góp sức của toàn dân, của các chiến sĩ cộng sản, của những nhà lãnh đạo sáng suốt, trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt.
 

 

 
Tìm kiếm