CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn sơ đồ hóa nội dung vụ án hình sự

06/02/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao đã biên soạn tài liệu Hướng dẫn sơ đồ hóa nội dung vụ án hình sự để triển khai thực hiện trong toàn Ngành.

Theo đó, việc ban hành tài liệu hướng dẫn sơ đồ hoá nội dung vụ án hình sự nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát điều tra và báo cáo án. Là cơ sở tiến tới xây dựng hồ sơ điện tử, thuận tiện trong việc lưu trữ, tra cứu hồ sơ. Giúp cho Kiểm sát viên thuận lợi trong việc trích dẫn, sử dụng các chứng cứ, tài liệu để tranh tụng tại phiên tòa.

Để thực hiện sơ đồ hoá nội dung vụ án, người thực hiện phải nắm rõ nội dung vụ án, tóm tắt được nội dung để xây dựng kịch bản để thực hiện sơ đồ hóa. Sử dụng thành thạo các phần mềm để có thể tái hiện bằng hình ảnh, sơ đồ nội dung, diễn biến hồ sơ vụ án hình sự. Kết hợp những tài liệu, chứng cứ (chữ viết, âm thanh, hình ảnh, vật chứng,...) để phản ánh được một cách sinh động, trực quan diễn biến nội dung của vụ án. Bên cạnh đó, việc báo cáo bằng hình ảnh, video về vụ án phải ngắn gọn, dễ hiểu nhưng vẫn đảm bảo phản ánh đúng, khách quan, toàn diện các hành vi phạm tội của từng đối tượng. Lãnh đạo nhanh chóng nắm bắt được tổng thể nội dung vụ án, từ đó đưa ra các chỉ đạo chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết.

Các bước thực hiện sơ đồ hoá nội dung vụ án hình sự

1. Chuẩn bị trang thiết bị và cài đặt các phần mềm

- Trang thiết bị: Máy tính, máy scan và các thiết bị khác để số hóa tài liệu.

- Về phần mềm:

+ Phần mềm quét tài liệu từ máy scan ra file pdf: Các máy scan, máy photocopy đa chức năng hiện nay đều có tích hợp sẵn chức năng quét tài liệu giấy ra file định dạng pdf, jpg... Đối với các máy scan thế hệ cũ, có thể sử dụng phần mềm PaperScan Scanner.

+ Phần mềm nhận dạng văn bản chữ Việt Nam: Sử dụng phần mềm ABBYYFineReader.

+ Phần mềm cắt, ghép, chỉnh sửa file pdf: Sử dụng phần mềm Foxit Reader, PDFMate Free PDF Merger, UltraPDFMerger, Wondershare PDF Editor,...

+ Phần mềm cắt, nối file âm thanh: Phần mềm Free MP3 Cutter Joiner.

+ Phần mềm cắt, nối file video: Phần mềm Free Video Cutter Joiner.

+ Công cụ vẽ sơ đồ sẵn có trong bộ phần mềm Microsoft office: Word, Excel, Power point, Visio.

+ Phần mềm vẽ sơ đồ: Phần mềm Draw-io.

Ngoài ra, còn có một số phần mềm đồ họa như: Autodesk Maya, Video Studio Ultimate, Sweet home 3d… để mô phỏng, dựng lại sự di chuyển, diễn biến hành vi của các đối tượng tham gia trong vụ án, vụ việc.

2. Tóm tắt nội dung vụ án

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập bản tóm tắt nội dung, quá trình giải quyết vụ án, bao gồm các thông tin như:

– Các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong vụ án.

– Những người tham gia tố tụng trong vụ án; quá trình tố tụng giải quyết vụ án, các quyết định tố tụng liên quan.

– Tóm tắt diễn biến sự việc, hành vi phạm tội, chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, bị cáo.

– Nhân thân của bị can, bị cáo.

– Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cương chế.

– Thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội.

– Ý thức của bị can, bị cáo, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội.

– Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; việc thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu và việc xử lý vật chứng.

– Lý do, căn cứ để nghị truy tố, tội danh, điều, khoản, điểm của Bộ luật Tố tụng hình sự được áp dụng.

– Quan điểm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết vụ án.

3. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để số hóa

Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ có bản tóm tắt nội dung vụ án để số hóa, tạo các thư mục để lưu trữ theo các nhóm, gồm:

- Nhóm 1: Các tài liệu liên quan đến các Quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng như: Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên kiểm sát điều tra; Quyết định khởi tố bị can; Quyết định nhập, tách vụ án (nếu có); Bản kết luận điều tra; các Thông báo, Quyết định liên quan đến cử người bào chữa cho bị can….

- Nhóm 2: Tài liệu, chứng cứ về hiện trường, sơ đồ, bản ảnh, biên bản thu giữ các công cụ phương tiện, thực hiện hành vi phạm tội, tử thi. Tùy vào từng vụ án khác nhau sẽ thực hiện số hóa theo từng vụ án cụ thể.

- Nhóm 3: Tài liệu liên quan đến bị can gồm: Lý lịch bị can, các quyết định tố tụng đối với bị can; bản tự khai, biên bản ghi lời khai và biên bản hỏi cung bị can; các chứng cứ, xác định nhân thân của bị can.

- Nhóm 4: Tài liệu chứng cứ liên quan đến bị hại: Lý lịch bị hại (nếu có); các quyết định trưng cầu giám định; kết luận giám định; yêu cầu định giá tài sản; kết luận định giá; biên bản ghi lời khai của bị hại; lời khai đại diện hợp pháp của bị hại.

- Nhóm 5: Tài liệu liên quan đến lời khai của các nhân chứng; biên bản ghi lời khai.

- Nhóm 6: Tài liệu lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

- Nhóm 7: Các tài liệu khác liên quan đến vụ án như các Biên bản xác minh các đối tượng khác có liên quan đến vụ án; các giấy tờ chứng minh về vấn dân sự và bồi thường dân sự.

4. Số hóa, sắp xếp hồ sơ

Sử dụng các các phần mềm đã cài đặt để scan, sao chụp văn bản tố tụng, tài liệu, chứng cứ… theo định dạng pdf hoặc các định dạng ảnh; cắt ghép các file video hoặc file âm thanh, lưu trữ vào các thư mục tương ứng theo các nhóm tài liệu đã chuẩn bị ở Bước 2.

5. Xây dựng báo cáo bằng phương pháp sơ đồ hóa

Từ bản tóm tắt nội dung vụ án và dữ liệu đã số hóa, sử dụng các phần mềm để xây dựng báo cáo bằng phương pháp sơ đồ hóa. Một số dạng báo cáo bằng phương pháp sơ đồ hóa như:

- Báo cáo bằng sơ đồ tĩnh: Kiểm sát viên sau khi tổng hợp báo cáo theo quy chế, kèm theo đó xây dựng phụ lục báo cáo bằng các sơ đồ, bảng biểu đơn giản (sử dụng các công cụ tiện ích cơ bản Word, Excel, Power point, Visio,...) để thể hiện các mối quan hệ gửi các sự việc, hoặc mối quan hệ giữa các đối tượng, bị can, bị hại trong các vụ án, vụ việc…

- Báo cáo án bằng sơ đồ động: Kiểm sát viên sử dụng phần mềm PowerPoint để xây dựng các slide trình chiếu trong đó lồng ghép, dẫn đường liên kết các sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường, clip… Ngoài ra, có thể kết hợp trình chiếu các tài liệu khác có trong hồ sơ như: Các tin nhắn điện thoại, Zalo, Messenger, các biên bản hỏi cung, bản tự khai của bị can, lời khai nhân chứng…

- Báo cáo án bằng video: Kiểm sát viên sử dụng các phần mềm đồ họa như: Autodesk Maya, Video Studio Ultimate… để mô phỏng, dựng lại sự di chuyển, diễn biến hành vi… của các đối tượng tham gia trong vụ án, vụ việc.

Cũng tại tại liệu hướng dẫn này, Cục 2 VKSND tối cao đã giới thiệu một số phần mềm và các tính năng chính như: Phần mềm ABBYY FineReader; phần mềm vẽ sơ đồ Draw-io; phần mềm vẽ sơ đồ Microsoft Visio; phần mềm vẽ sơ đồ Microsoft Word; vẽ sơ đồ tư duy bằng công cụ PowerPoint; phần mềm Iclone 7; vẽ sơ đồ bằng phần mềm mã nguồn mở Xmind; phần mềm chỉnh sửa video và làm phim Corel Video Studio; phần mềm thiết kế, mô phỏng Sweet home 3d; phần mềm Autodesk Maya…

File đính kèm
TL (tổng hợp)
Tìm kiếm