CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kết quả 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm của VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh

12/09/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Tranh tụng tại phiên tòa hình sự là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, là yêu cầu cấp bách trong việc đảm bảo tính công bằng, dân chủ giữa người tham gia tố tụng với Viện kiểm sát...
Kết quả 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong tổ chức
phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm của VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh
Tranh tụng tại phiên tòa hình sự là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, là yêu cầu cấp bách trong việc đảm bảo tính công bằng, dân chủ giữa người tham gia tố tụng với Viện kiểm sát, là căn cứ để xác định sự thật vụ án và là cơ sở để Hội đồng xét xử ra bản án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Xác định tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/01/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận 79-NQ/TW ngày 28/7/2010,… đã xác định tầm quan trọng của tranh tụng trong xét xử, coi nội dung này là một trong những nội dung trọng tâm và là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Những chủ trương trên đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp 2013, tại khoản 5, Điều 103 Hiến pháp quy định “Nguyên tác tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, đây là lần đầu tiên “nguyên tắc tranh tụng” được Hiến định thành một nguyên tắc để làm căn cứ thực hiện.
Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Năm 2013, VKSND tỉnh Quảng Ninh và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị ký Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát với Tòa án nhân dân trong việc tham dự phiên tòa để rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên và Thẩm phán về công tác xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự.
Qua 1 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, chất lượng công tác xét xử, kiểm sát xét xử sơ thẩm của các đơn vị được nâng lên rõ rệt, phương pháp tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên, việc chuẩn bị nghiên cứu hồ sơ, điều hành phiên tòa của Thẩm phán đã thể hiện được nâng lên rõ rệt; không để xảy ra tình trạng án oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Kết quả công tác phối hợp tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm của hai cấp kiểm sát tỉnh Quảng Ninh một năm qua như sau:
Về hình thức phối hợp: Qua theo dõi, chỉ đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh thấy 100% đơn vị đều ký Quy chế phối hợp với Tòa án ngang cấp với nhiều hình thức, nội dung chặt chẽ, phong phú; trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể và của Nhân dân, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng điều hành phiên tòa của Thẩm phán, kỹ năng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên; nâng cao chất lượng các phiên tòa hình sự, tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, góp phần tích cực vào đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Phối hợp, tranh thủ ý kiến của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Hội thẩm….ủng hộ và tạo điều kiện (kể cả hỗ trợ kinh phí) và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi xét xử lưu động định kỳ hàng tháng tổ chức giao ban 3 Ngành về công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành; tổ chức sơ kết để rút kinh nghiệm trong công tác xét xử những vụ án trước đây, tìm ra những việc cần rút kinh nghiệm để tháo gỡ; những nội dung gì cần kiến nghị với các Ngành, địa phương để hạn chế vi phạm và tội phạm ở địa phương; các cuộc giao ban hoặc sơ kết nếu thấy cần thiết sẽ mời Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và đồng chí cấp ủy phụ trách công tác nội chính cùng tham dự, chỉ đạo; có đơn vị còn phối hợp với các cơ quan thông tin như Đài, Báo, Phát thanh truyền hình để phát và đăng tải trên thông tin địa phương khi xét xử lưu động…
Nội dung phối hợp:
Phối hợp trước khi mở phiên tòa: Hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát phối hợp cùng Cơ quan điều tra chủ động xác định những vụ án điểm, án rút gọn để ra Nghị quyết tập trung điều tra, truy tố, xét xử nhanh phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương. Hầu hết các đơn vị đều chủ động chọn các vụ án phức tạp, nhiều bị cáo, hoặc có bị cáo không nhận tội, vụ án có sự tham gia của luật sư….để chuẩn bị họp 2 Ngành tổ chức cho Kiểm sát viên và Thẩm phán cùng tham dự. Bố trí Thẩm phán và Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ; dự kiến các phương án có thể xảy ra tại phiên tòa; chuẩn bị kỹ những cầu hỏi, phương pháp hỏi, ,…; luận tội phải đầy đủ, đi vào trọng tâm, lập luận sắc bén; lãnh đạo, Thẩm phán, Kiểm sát viên 2 Ngành khi thấy vụ án phức tạp phải họp trao đổi, thống nhất phương án cụ thể trước khi mở phiên tòa; chọn nơi xét xử lưu động nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền giáo dục phòng ngừa tội phạm; cũng thông qua công tác xét xử lồng ghép tuyên truyền tuyên truyền cho nhân dân hiểu thêm về vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát và Tòa án được nhân dân và địa phương đồng tình ủng hộ.
Đối với ngành Tòa án: Ngoài công tác chuẩn bị xét xử theo quy định của pháp luật, cơ quan Tòa án còn chủ động cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền trước ngày xét xử như đưa thông tin lên Đài phát thanh, truyền thanh, truyền hình địa phương, in các khánh tiết, âm thanh, bàn ghế ngồi cho mọi người đến dự phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc các tình tiết của vụ án; nếu vụ án có những tồn tại, thiếu sót thì trao đổi với Kiểm sát viên thụ lý vụ án để khắc phục và báo cáo lãnh đạo hai Ngành cùng bàn biện pháp giải quyết, có vụ án phát sinh tài liệu mới trong thời gian chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán chủ động chuyển tài liệu cho Kiểm sát viên thụ lý nắm được để cùng chủ động khi tiến hành xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hai Ngành cùng phối hợp thống nhất với Cơ quan Công an ngang cấp và Công an nơi xét xử lưu động để đảm bảo an ninh trật tự tại phiên tòa.
Phối hợp tại phiên tòa: Sau khi chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử làm các thủ tục, các bước tiến hành theo luật định (Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự) và khi tiến hành các thủ tục phiên tòa, nếu Chủ tọa phiên tòa có những bước tiến hành còn thiếu hoặc chưa dúng thì Kiểm sát viên có ý kiến đóng góp ngay để bổ sung; hầu hết các phiên tòa Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phối hợp, tạo điều kiện cho Kiểm sát viên tranh tụng với bị cáo, Luật sư, người báo chữa (nếu có) và những người tham gia tố tụng khác; nếu Luật sư, người bào chữa và bị cáo tranh luận dài dòng, không đi đúng trọng tâm thì Chủ tọa phiên tòa chủ động cắt và hướng dẫn cho họ tranh luận đi thẳng vào vấn đề; Thẩm phán và Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xét hỏi để làm rõ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với bị cáo, tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và những vấn đề khác có liên quan đến vụ án; đối với Kiểm sát viên, trước khi công bố cáo trạng và luận tội đều đứng lên và thưa Hội đồng xét xử, điều đó thể hiện sự tôn trọng Hội đồng xét xử và mọi người tham dự; phương pháp, cách đọc cáo trạng, luận tội lưu loát, có điểm nhấn; phần xét hỏi không hỏi lại những vấn đề mà Hội đồng xét xử đã hỏi rõ. Có đơn vị còn phối hợp trong việc thẩm vấn khi xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng; cá biệt có những vụ án trong thời gian nghị án Hội đồng xét xử còn tranh thủ thêm ý kiến của Kiểm sát viên trước khi ra tuyên án. Kiểm sát viên chú ý quan sát mọi diễn biến trong phiên tòa, chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ để bổ sung vào luận tội; đưa ra những nội dung, căn cứ, lý lẽ cần trả lời, đối dáp, tranh luận với Luật sư, người báo chữa và những người tham gia tố tụng khác. Kiểm sát viên luôn giữ đúng tác phong, thái độ, cử chỉ, đề xuất đường lối xét xử một cách thấu tình đạt lý để Hội đồng xét xử quyết định mức hình phạt phù hợp…. Phối hợp trong việc tuyên truyền pháp luật, trong đó có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Kiểm sát viên và Tòa án; cử cán bộ trong Ngành quay phim, chụp ảnh, viết bài. Kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa, xem xét nội dung biên bản có phản ánh đúng với diễn biến phiên tòa không.
Phối hợp sau phiên tòa: Qua sơ kết thấy tất cả các đơn vị đều tăng cường công tác kiểm sát từ các khâu kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án và được lập thành biên bản có chữ ký của các bên để lưu hồ sơ vụ án, chất lượng bản án, hình thức, nội dung, câu chữ, điều luật áp dụng, thời gian gửi bản án…Qua kiểm sát đã phát hiện được nhiều vi phạm; những lỗi vi phạm nhỏ đã được Kiểm sát viên trao dổi trực tiếp với Thẩm phán để khắc phục ngay, đồng thời tập hợp để ban hành kiến nghị chung; những vi phạm nghiêm trọng đã được phát hiện và kháng nghị từ cấp sơ thẩm.
Những đơn vị tổ chức phối hợp tốt là: Móng Cái, huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiến Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Uông Bí, Ba Chẽ, Đông Triều và các phòng kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự của tỉnh.
Về việc mở hội nghị rút kinh nghiệm cho Thẩm phán, Kiểm sát viên:
Đáng lưu ý, hầu hết các đơn vị đều tổ chức tốt việc họp 2 Ngành để rút kinh nghiệm cho Thẩm phán, Kiểm sát viên; thành phần tham dự gồm lãnh đạo, Thẩm phán, Kiểm sát viên, cán bộ, thư ký, chuyên viên của hai Ngành; có đơn vị còn mời thêm Hội thẩm nhân dân, lãnh đạo Cơ quan điều tra tham gia rút kinh nghiệm; tham gia đóng góp cho Thẩm phán, Kiểm sát viên trên tình thần thẳng thắn từ công tác chuẩn bị trước, trong và sau phiên tòa, tư thế tác phong, cách ứng xử, việc trình bày cáo trạng, luận tội, việc nghiên cứu hồ sơ chứng cứ, áp dụng các quy định của pháp luật, trình tự các bước trong khi xét xử, cách hỏi, phương pháp hỏi, công tác phối hợp giữa Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân với Kiểm sát viên, chất lượng xét hỏi, tranh tụng, công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật, cách thức điều hành phiên tòa của Thẩm phán, những việc làm tốt, những việc còn tồn tại phải rút kinh nghiệm; có những đơn vị còn tham gia đối với lãnh đạo 2 Ngành về công tác chuẩn bị phiên tòa, công tác chỉ đạo, điều hành những phiên tòa xét xử lưu động; sau cùng là chấm điểm, đánh giá theo các mức: giỏi, khá, trung bình và yếu. Qua đó không chỉ giúp Thẩm phán xét xử vụ án và Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố rút kinh nghiệm mà các Kiểm sát viên, Thẩm phán, thư ký và các chuyên viên khác cũng được học tập rút kinh nghiệm. Qua 1 năm ký Quy chế phối hợp, chất lượng xét xử, kỹ năng, phương pháp tranh tụng, điều hành phiên tòa của tất cả các đơn vị trong tỉnh đều nâng lên rõ rệt, cơ bản đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay.
Các đơn vị trong tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức được 141 phiên tòa rút kinh nghiệm trong đó Cẩm Phả là đơn vị phối hợp tổ chức nhiều nhất (38 vụ).
Về chế độ họp liên ngành: Đối với những vụ án do 2 Ngành chọn để tổ chức tham dự, rút kinh nghiệm cho Thẩm phán và Kiểm sát viên, những người tham dự đã chú ý theo dõi, ghi chép đầy đủ và được họp 2 Ngành để tham gia đóng góp sớm (từ 1-5 ngày sau khi đã xét xử, có đơn vị sau 10 ngày). Riêng chế độ họp đã được nhiều đơn vị quy định cụ thể trong Quy chế là họp định kỳ theo quý, 6 tháng và 1 năm (không kể họp đột xuất và giao ban nội chính), có đơn vị tổ chức họ định kỳ liên ngành 1 tháng/1 lần; về nội dung này hầu hết các đơn vị đều thực hiện tốt. Tất cả các cuộc họp đều do Viện kiểm sát chủ động bàn thống nhất với lãnh đạo Tòa án, đồng thời chủ trì hoặc đồng chủ trì cuộc họp. Việc lấy ý kiến tham gia đóng góp lần lượt cho Kiểm sát viên, Thẩm phán được tiến hành cho từng đồng chí từ công tác chuẩn bị, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, tư thế tác phong, trang phục, cách điều hành phiên tòa, phương pháp đối đáp tranh luận; tham gia cho lãnh đạo hai Ngành về công tác chuẩn bị, công tác trù bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác xét xử, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo 2 Ngành, việc giữ gìn an ninh trật tự tại phiên tòa, chế độ họp liên ngành,…
Một số giải pháp của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng phiên tòa rút kinh nghiệm:
1. Kiểm sát viên phải nắm vững hồ sơ vụ án, nắm vững chứng cứ buộc tội và gỡ tội, các chứng cứ được thể hiện ở các tài liệu nào, bút lục số bao nhiêu, những hạn chế, vướng mắc trong hồ sơ và ảnh hưởng của nó trong quá trình sử dụng chứng cứ tranh luận tại phiên tòa. Nắm vững bản chất của vụ án, những vấn đề có thể phát sinh liên quan đến đối tượng tranh tụng..
2. Nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật có liên quan vận dụng đúng, chính xác khi tham gia phiên tòa. Sự hiểu biết và nắm vững pháp luật sẽ tạo ra niềm tin nội tâm vững chắc cho Kiểm sát viên khi tranh tụng, khi khẳng định quan điểm truy tố hoặc khi bác bỏ quan điểm của người tranh tụng khác.
3. Kiểm sát viên, Thẩm phán phải có tinh thần trách nhiệm trong công tác, làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao; có kinh nghiệm, kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, điều hành phiên tòa, trong đó có các kỹ năng tranh tụng, cách ứng xử có văn hóa, kỹ năng quan sát, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, ghi chép, đối đáp, phản bác các quan điểm sai tại phiên tòa; kỹ năng nói, diễn đạt, kỹ năng sự dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ,…
4. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm cho Thẩm phán và Kiểm sát viên để nâng cao trình độ, kỹ năng điều hành phiên tòa, kỹ năng ứng xử, xử lý các tình huống, tranh tụng với luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng.
Một số đề nghị của VKSND tỉnh Quảng Ninh đối với liên ngành tư pháp Trung ương nhằm nâng cao chất lượng phiên tòa rút kinh nghiệm:
- Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Để thực hiện quy định này cần thiết phải rà soát, ban hành các quy định về hoạt động tranh tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản khác, ban hành các chế định về nội dung, phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, của Luật sự, của Thẩm phán trong phiên tòa; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa; quy định rõ nguyên tắc Kiểm sát viên có trách nhiệm tham gia xét hỏi và tranh luận.
- Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ Kiểm sát viên, Thẩm phán có năng lực, phẩm chất để thực hiện tốt hoạt động tranh tụng. Cần quan tâm rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế, rèn luyện kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cho Kiểm sát viên theo hướng chuyên sâu; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.
- Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống đường truyền, phương tiện âm thanh, ghi hình….cho các Ngành tư pháp địa phương.
TH (biên tập)
Tìm kiếm