Mặc dù còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân, kinh tế tỉnh Hải Dương tiếp tục tăng trưởng khá, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng vững mạnh...
Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới của VKSND tỉnh Hải Dương
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân, kinh tế tỉnh Hải Dương tiếp tục tăng trưởng khá, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng vững mạnh. Tình hình tội phạm được kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ, chưa phát hiện tội phạm về an ninh chính trị, tội phạm có tổ chức hoạt động băng nhóm theo kiểu “xã hội đen” và các tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Song một số loại tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, một số vụ có sử dụng vũ khí nóng để hoạt động phạm tội.
Tiếp thu Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn ngành, quán triệt triển khai Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện số 06-KH/BCS ngày 16/10/2010 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trên cơ sở đó Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dung Kế hoạch số 270/KH-BCS ngày 10/12/2010 chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện Chỉ thị 48/CT-TW của Bộ Chính trị. Đến ngày 31/12/2010 tất cả các đơn vị trực thuộc đã hoàn thành việc xây dựng chương trình hành động, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, kiểm sát viên. Qua nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 48/CT-TW, cán bộ đảng viên, công chức của ngành đã nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng đối với công tác Phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố Nhà nước và kiểm sát các hoạt động tư pháp từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh.
Viện kiểm sát hai cấp đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ Viện kiểm sát đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Thông qua công tác kiểm sát giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử Viện kiểm sát nhân dân đã kịp thời kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục những tồn tại thiếu sót trong công tác quản lý là nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Thông qua phát biểu luận tội và các hoạt động xét xử tại các phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa lưu động, đã lồng ghép nội dung xử lý tội phạm với việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao tác dụng giáo dục phòng ngừa vi phạm và tội phạm, được chính quyền địa phương, quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và công tác quản lý đề phòng ngừa vi phạm và tội phạm có hiệu quả.
Cả hai cấp kiểm sát tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các dự án luật, pháp luật như: Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi); Luật phòng, chống khủng bố; Luật phòng, chống mua bán người; Luật tố cáo; Bộ luật tố tụng hình sự (Sửa đổi); Bộ luật hình sự (Sửa đổi); Luật dân sự; Luật tố tụng Hành chính (Sửa đổi); Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Sửa đổi)… Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc tiếp nhận, quản lý và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật hình sự; Thông tư liên tịch về công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thực hiện tốt công tác thống kê nghiệp vụ, thống kê tội phạm liên ngành; đã góp phần thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn ngành. Cả hai cấp kiểm sát đã hoàn thành tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật dân sự năm 2005...
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp nhất là với Cơ quan điều tra cùng cấp; phân công kiểm sát viên trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm; cùng với Cơ quan điều tra thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong công tác nắm, quản lý, xác minh giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tiến độ điều tra giải quyết án đã được đẩy nhanh với chất lượng cao hơn, việc điều tra lập hồ sơ đảm bảo khách quan toàn diện và đầy đủ, không xay ra quá hạn hoặc tồn đọng; Viện kiểm sát hai cấp đã kiểm sát và điều tra chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra; đồng thời chủ động và quan tâm hơn đến việc đề ra yêu cầu điều tra, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; chú trọng hơn tới công tác khám nghiệm hiện trường, đặc biệt là các vụ án phức tạp, không quả tang; do vậy việc giải quyết án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phục vụ kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Viện kiểm sát hai cấp thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra và Tòa án thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các thông tư hướng dẫn của liên ngành Trung ương và Quy chế phối hợp số 03/LN (nay là Quy chế 01/LN). Công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định, phục vụ yêu cầu điều tra, giải quyết án.
Toàn ngành tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử trọng tâm là: Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đã nghiên cứu nắm chắc hồ sơ vụ án và các văn bản pháp luật có liên quan, chuẩn bị đề cương thẩm vấn, tranh luận, chủ động thẩm vấn làm sáng tỏ vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo và hậu quả của tội phạm, đề nghị áp dụng pháp luật và mức hình phạt có căn cứ, giúp Hội đồng xét xử ra bản án khách quan, đúng pháp luật, được quần chúng nhân dân đồng tình.
Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thường xuyên củng cố kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí sử dụng cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức trong ngành nhất là cán bộ có chức danh tư pháp (Kiểm sát viên, kiểm tra viên) được chú trọng và tăng cường cả về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực thực tiễn. Thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ được giao. Do vậy, cán bộ công chức ở cả hai cấp kiểm sát đều có trình độ và năng lực chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, được nhân dân tin yêu.
Năm năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới với quyết tâm cao đạt được nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và việc làm của từng cán bộ kiểm sát viên. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp có hiệu lực, hiệu quả hơn. Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường và đã chủ động kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, giải quyết vụ án, tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án nâng lên rõ rệt, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan và bỏ lọt tội phạm; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm được tăng cường và có hiệu quả góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
T.T.