CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

09/09/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Sau khi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở thành phố Hồ Chí Minh được 3 năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và mở rộng thí điểm ở 12 địa phương. Chính phủ đã có Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”...
Kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
Sau khi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở thành phố Hồ Chí Minh được 3 năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và mở rộng thí điểm ở 12 địa phương. Chính phủ đã có Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.
Ngày 24/6/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BTP về việc chọn địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định mở rộng địa bàn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long;
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 về hướng dẫn thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội; Đồng thời, Viện kiểm sát tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 03/VKSTC-V10 ngày 07/01/2014 chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân địa phương kiểm sát hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, An Giang, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Nghệ An, Tiền Giang, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long) đã tích cực triển khai việc thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại, ban hành qui chế hoạt động, thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”;
Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành Kế hoạch, Chỉ thị, Công văn phối hợp để thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; thành lập đủ Văn phòng Thừa phát lại bảo đảm về công tác nhân sự cũng như cơ sở vật chất theo Đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt; sau khi triển khai mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại từ đầu năm 2014 đến nay, 13 tỉnh, thành phố đã thành lập được 51 Văn phòng Thừa phát lại.
Ủy ban nhân dân các tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về Thừa phát lại với nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, giao Sở Tư pháp và các đơn vị chức năng trực tiếp quảng bá, hướng dẫn cho công dân, tổ chức tìm hiểu, tiếp cận với các văn phòng Thừa phát lại; công tác tuyên truyền được các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện triển khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Sở Tư pháp phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập huấn cho Báo cáo viên giới thiệu về chế định Thừa phát lại, phối hợp tuyên truyền, phổ biến trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, Tờ thông tin pháp luật của Sở Tư pháp các địa phương.
Sở Tư pháp là cơ quan Thường trực tại địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện thông qua cơ chế tổ chức họp liên ngành thường xuyên, sử dụng các báo cáo nhanh… phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thường xuyên nắm bắt thực tiễn hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại thông qua việc trao đổi trực tiếp với các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự nên công tác triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại bước đầu mang lại kết quả.
 Các ngành cũng đã có sự chủ động trong tổ chức triển khai, ban hành các văn bản triển khai thực hiện: Tòa án tỉnh và cơ quan thi hành án dân sự tổ chức hội nghị triển khai, thực hiện công tác chuyển giao văn bản tống đạt; Công an tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án, bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; Tổ chức và hoạt động của các Văn Phòng Thừa phát lại bước đầu phù hợp với thực tế, nhu cầu của xã hội và hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, được nhân dân ủng hộ; góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bổ trợ và nâng cao hiệu quả đối với công tác xét xử của Tòa án và công tác Thi hành án dân sự.
Hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại chủ yếu là thực hiện việc tống đạt các quyết định, văn bản; việc lập vi bằng; ít xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.
Thực hiện nhiệm vụ công tác hàng năm theo Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát và Kế hoạch công tác trọng tâm. Viện kiểm sát nhân dân các địa phương đã tiến hành kiểm sát thường xuyên và trực tiếp kiểm sát 06 cuộc (Bình Dương, Vĩnh Phúc và thành phố Hồ Chí Minh). Qua công tác kiểm sát đã xác định được như sau:
Qua kiểm sát hồ sơ thi hành án xong của Văn phòng thừa phát lại, cơ bản hồ sơ phản ánh hoạt động Thừa phát lại đúng pháp luật. Tuy nhiên, qua kiểm sát phát hiện các vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự. Điển hình:
Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh qua kiểm sát 44 hồ sơ thi hành án xong của Văn phòng Thừa phát lại các Quận 1, Quận 5, Bình Thạnh và Tân Bình, phát hiện 69 vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự; khi ra các quyết định đình chỉ, trả đơn yêu cầu thi hành án và cưỡng chế thi hành án..vv Thừa phát lại không nêu căn cứ cụ thể, điều khoản áp dụng theo quy định Luật thi hành án dân sự năm 2008, điển hình: Bản án số 635/2011/KDTM-PT ngày 01/6/2011 của TAND TP.Hồ Chí Minh và Quyết định thi hành án số 05/QĐTHA-VPTPL ngày 04/8/2001 của Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh.
Về công tác thống kê, báo cáo cũng chưa được Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện có Văn phòng Thừa phát lại thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Số liệu thống kê theo báo cáo của Viện kiểm sát và báo cáo của Văn phòng Thừa phát lại còn chênh lệch, chưa nêu được những tồn tại, hạn chế cũng như kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòngThừa phát lại.
Qua công tác kiểm sát thường xuyên và trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành 01 kháng nghị và 6 kiến nghị liên quan đến hoạt động tổ chức thi hành án của các Văn phòng Thừa phát lại (thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh), được các Văn phòng Thừa phát lại tiếp thu khắc phục.
Qua thực hiện chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại, nhìn chung các Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai và lãnh đạo sát sao công tác thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương: Các tỉnh, thành phố đều thành lập Ban chỉ đạo, Công tác tuyên truyền, phổ biến chế định Thừa phát lại; thành lập, đăng ký hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; việc theo dõi, đôn đốc, báo cáo trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm; chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương; phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành ở địa phương trong việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đều được tiến hành theo đúng kế hoạch đề ra.
Bước vào hoạt động, các Văn phòng Thừa phát lại đã gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trong thực hiện nghiệp vụ và đã được Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động. Hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự. Hoạt động Thừa phát lại  đã tạo lập thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý mới và bước đầu thực hiện xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.
Tuy nhiên hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại còn bộc lộ một số hạn chế: Đội ngũ Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm còn mỏng; năng lực trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản; Thư ký nghiệp vụ tại các Văn phòng thường xuyên thay đổi; một bộ phận Thừa phát lại , Thư ký nghiệp vụ chưa sống được bằng nghề nên chưa thực sự yên tâm, còn có tâm lý e ngại khi kết thúc thí điểm.
Các Văn phòng Thừa phát lại cũng chưa thực sự chủ động và tích cực trong việc liên hệ, phối hợp với các cơ quan Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự; chưa chú trọng đến việc quảng bá, giới thiệu về Thừa phát lại, chưa chủ động thiết lập quan hệ với chính quyền cơ sở, cán bộ tư pháp - hộ tịch, hòa giải viên ở cấp xã, cũng như cộng đồng dân cư...
Kết quả triển khai việc xác minh điều kiện thi hành án và việc tổ chức thi hành án còn nhiều Văn phòng Thừa phát lại chưa làm được.
Một số Văn phòng Thừa phát lại hầu như chỉ tập trung triển khai việc lập vi bằng mà không trú trọng các nghiệp vụ chuyên môn khác.
Để có thể đưa ra quyết định triển khai rộng rãi chế định Thừa phát lại, VKSND tối cao đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện để việc thí điểm thành công:
Đối với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
Đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, trong đó tiếp tục có văn bản chỉ đạo cụ thể cấp ủy các Bộ, ngành, địa phương xác định đây là một nội dung cải cách tư pháp cần tập trung thực hiện theo phương châm triển khai thành công Nghị quyết quan trọng của Đảng; có đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một số quy định hiện hành về Thừa phát lại không phù hợp, bổ sung thêm các quy định cần thiết khác về Thừa phát lại mà qua tổng kết đã rút ra các bài học kinh nghiệm.
 Đối với Tòa án nhân dân tối cao
Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản chỉ đạo Tòa án địa phương thực hiện tốt việc chuyển giao và hướng dẫn, hỗ trợ để Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tốt việc tống đạt theo quy định của pháp luật.
Đối với Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Thừa phát lại, đảm bảo đội ngũ Thừa phát lại đủ về số lượng, có chuyên môn nghiệp vụ và đạt hiệu quả, chất lượng cao. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các Thừa phát lại và Thư ký Thừa phát lại về thủ tục tống đạt văn bản và tổ chức thi hành án dân sự, để thống nhất phương thức tống đạt, chi phí tống đạt..vv nhằm hạn chế thấp nhất các vi phạm trong việc tống đạt văn bản và trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự.
Đối với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Viện kiểm sát nhân dân tại các địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật, phát hiện kịp thời hạn chế để chấn chỉnh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.
Đối với địa phương
Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, hoạt động của Thừa phát lại, nâng cao nhận thức trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; xác định việc thí điểm Thừa phát lại không chỉ là nhiệm vụ chính trị của cơ quan trung ương mà còn là nhiệm vụ của địa phương trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại.
Các Sở Tư pháp tăng cường tổ chức, tạo điều kiện để các Văn phòng Thừa phát lại trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời, tăng cường kiểm tra, nắm tình hình để phát hiện, khắc phục kịp thời các sai sót, vi phạm nhằm đẩy mạnh toàn diện kết quả hoạt động của các Văn phòng. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cần thường xuyên kiểm tra theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các Văn phòng Thừa phát lại làm tốt công tác nhân sự của Văn phòng, đặc biệt việc tuyển dụng, quản lý đối với đội ngũ Thư ký nghiệp vụ.
Cơ quan thi hành án dân sự các cấp
Các cơ quan Thi hành án dân sự cần tiếp tục chuyển giao đầy đủ văn bản tống đạt cho các Văn phòng Thừa phát lại, phối hợp, hướng dẫn và tạo điều kiện để các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tốt nhiệm vụ tống đạt; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí tống đạt đã được cấp (sử dụng hết; thanh, quyết toán kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các Văn phòng Thừa phát lại). Cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự về vấn đề này.
Phối hợp với Văn phòng Thừa phát lại tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về yêu cầu xác minh, tổ chức thi hành án dân sự; đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tống đạt, xác minh và tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Văn phòng Thừa phát lại
Các Văn phòng Thừa phát lại cần chủ động, nỗ lực hơn nữa, tự khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu quảng bá cho mình để người dân có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ này một cách nhanh nhất và đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là trong hoạt động lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Từ đó, xây dựng hình ảnh Thừa phát lại chuẩn mực trong xã hội, với ý nghĩa đang thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội; đồng thời cũng xác định đây còn là cơ hội để mở ra một dịch vụ pháp lý mới phục vụ xã hội, tổ chức, công dân. Cán bộ của Văn phòng Thừa phát lại tự bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ, nắm vững pháp luật./.
Đức Hải
Tìm kiếm