CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kiến nghị hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

13/08/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thời gian thực hiện thủ tục thông báo; thời hạn giải quyết khiếu nại; chế tài xử lý việc người bào chữa làm mất mát, hư hỏng, thất lạc tài liệu trong hồ sơ vụ án; người đại diện của người bị hại… trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.

1. Bất cập, vướng mắc trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Thứ nhất, về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) quy định thời hạn tối đa giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là 04 tháng. Quy định về thời hạn này là chưa phù hợp, nhất là đối với các tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, môi trường có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm, đối tượng đang ở nước ngoài, vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cần trưng cầu giám định. Trên thực tế, hầu hết việc giải quyết nguồn tin về tội phạm hiện nay đều bị kéo dài thời hạn với lý do có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm…

Thứ hai, về thời gian thực hiện thủ tục thông báo

Khoản 2 Điều 240 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc giao, nhận các văn bản nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộluật này và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày”.

Cụ thể hóa điều luật trên, Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của VKSND tối cao ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố quy định: Việc thông báo phải bằng văn bản và được thực hiện theo Mẫu số 149/HS; việc giao nhận thông báo phải lập biên bản theo Điều 133 BLTTHS năm 2015. Đây là quy định khó khả thi, nhất là đối với những vụ án có nhiều đương sự, các đương sự ở nhiều địa phương khác nhau (không phải trường hợp vụ án phức tạp); việc giao nhận thông báo trong thời hạn 03 ngày là rất khó thực hiện trong điều kiện tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất hiện nay.

Thứ ba, về thời hạn giải quyết khiếu nại

Các điều 475, 476, 477 BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn để cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự là 07 ngày. Tuy nhiên, theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT ngày 05/9/2018 của liên ngành trung ương quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền và đủ điều kiện thụ lý…, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý và thực hiện các thủ tục: Ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại trình bày và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản; kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu nại; tiến hành xác minh nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại còn khác nhau, nếu thấy cần thiết thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại và ra quyết định giải quyết khiếu nại…

Có thể thấy, quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại như trên (07 ngày) là tương đối ngắn so với yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung làm cơ sở giải quyết khiếu nại. Điều này sẽ tạo áp lực về thời hạn cho cơ quan và người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, dễ dẫn đến vi phạm về thời hạn theo quy định hoặc việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại sơ sài, chưa xem xét đầy đủ các nội dung, tình tiết có liên quan, không giải quyết triệt để vấn đề bị khiếu nại.

Thứ tư, về quy định người đại diện của người bị hại

Theo khoản 5 Điều 62 BLTTHS năm 2015, trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị hại.

Tuy nhiên, trường hợp bị hại là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì BLTTHS năm 2015 không quy định phải có người đại diện cho họ. Thực tiễn cho thấy, bị hại không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự (có thể là giảm sút trí nhớ, khả năng diễn đạt ý chí do tuổi tác, bệnh tật, tai nạn hoặc khuyết tật về thể chất như câm, điếc,…) gặp một số khó khăn nhất định trong nhận thức.

Thứ năm, về giám định vật chứng là tiền:

Trong việc áp dụng điểm b khoản 1 Điều 90 BLTTHS năm 2015: Theo điểm b khoản 1 Điều 90 BLTTHS năm 2015, vật chứng là tiền cần được giám định ngay. Quy định này mâu thuẫn với khoản 5 Điều 206 BLTTHS năm 2015 về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định: Chỉ giám định vật chứng là tiền khi có nghi ngờ đó là “tiền giả”. Thực tiễn tại một số địa phương cho thấy, khi bắt quả tang các vụ án như đánh bạc, trộm cắp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy…, Cơ quan điều tra lập biên bản thu giữ vật chứng, trong đó ghi nhận tổng số tiền đã tịch thu, chỉ khi có dấu hiệu nghi ngờ đó là tiền giả thì mới tiến hành trưng cầu giám định.

Thứ sáu, về người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng

Theo Điều 6 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng, thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên là người tổ chức thực hiện niêm phong. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thì Công an xã, phường, thị trấn khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm có trách nhiệm phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm. Điểm a khoản 1 Điều 90 BLTTHS năm 2015 quy định “vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập”.

 

Thực tế, đối với những vụ việc do Công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm ban đầu thì Trưởng, Phó Trưởng Công an xã, phường, thị trấn không có thẩm quyền tổ chức việc niêm phong vật chứng, nên phải chờ chuyển nguồn tin đến Cơ quan điều tra thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên mới được quyền niêm phong vật chứng, dẫn đến không đảm bảo vật chứng được niêm phong ngay; hoặc trường hợp Công an xã, phường, thị trấn tổ chức tiến hành niêm phong thì lại không đúng trình tự, thủ tục tố tụng.

Thứ bảy, về xử lý vật chứng là hàng hóa mau hỏng

Theo điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015: Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định hình thức bán là bán thông thường hay bán đấu giá? Trong thực tiễn, có một số cơ quan tiến hành tố tụng tự đánh giá hàng hóa là mau hỏng để tiến hành bán đấu giá, có cơ quan khác lại yêu cầu các cơ quan chuyên ngành thực hiện các nội dung trên, dẫn tới việc xử lý vật chứng không thống nhất, đồng bộ.

2. Kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Thứ nhất, đối với thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 147), cần quy định rõ những trường hợp có thể kéo dài thời hạn giải quyết là 02 tháng; đồng thời, tăng thời hạn giải quyết tối đa đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ…, có yếu tố nước ngoài, nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm.

Thứ hai, đối với việc giao nhận thông báo trong giai đoạn truy tố cho đương sự (Điều 240), cần tăng thời hạn hoặc quy định việc giao nhận thông báo có thể thực hiện qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm, có xác nhận của người nhận thông báo, văn bản có xác nhận phải được chuyển lại và lưu hồ sơ vụ án.

Thứ ba, bổ sung quy định cụ thể về việc gia hạn thời hạn giải quyết khiếu nại tại các điều 475, 476, 477.

Thứ tư, đối tượng người bị hại không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự cần được coi là người có nhược điểm về tâm thần, thể chất và phải có người đại diện.

Thứ năm, cần sửa đổi một phần điểm b khoản 1 Điều 90 BLTTHS năm 2015 cho phù hợp với khoản 5 Điều 206 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Chỉ bắt buộc giám định ngay đối với tiền khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ cho rằng đó là “tiền giả” trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm hoặc điều tra, để xử lý các tội phạm về tiền giả theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; còn đối với các trường hợp không nhằm mục đích xác định tiền giả thì không cần giám định.

Thứ sáu, cần bổ sung thẩm quyền của người tổ chức tiến hành niêm phong vật chứng trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các nguồn tin do Công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận ban đầu.

Thứ bảy, cần ban hành thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 của liên ngành trung ương hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Nguyễn Công Pha - Phạm Thị Thanh Nhã (Tạp chí Kiểm sát in số 23/2023)
Tìm kiếm