CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kiến nghị một số vi phạm trong giải quyết án hình sự

13/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử hình sự của Tòa án nhân dân hai cấp trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam tổng hợp một số dạng vi phạm, Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để ban đọc tham khảo...

 Kiến nghị một số vi phạm trong giải quyết án hình sự

Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử hình sự của Tòa án nhân dân hai cấp trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam tổng hợp một số dạng vi phạm, Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để ban đọc tham khảo.
Vi phạm trong việc áp dụng pháp luật
Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS: Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2014/HSST ngày 20/02/2014 của TAND huyện Kim Bảng xét xử bị cáo Vũ Văn Tuyền cùng đồng bọn về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS. Trong vụ án này, bị cáo Tuyền có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (bị cáo bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 138 BLHS, thuộc loại tội ít nghiêm trọng) nhưng HĐXX không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS.
Điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS quy định “1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ...
h. Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;”
Việc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS.
Áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ: Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2014/HSST ngày 26/9/2014 của TAND huyện Kim Bảng đã áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS “người phạm tội tự thú” khi xét xử bị cáo Nguyễn Duy Lâm về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định rõ bị cáo điều khiển xe ô tô gây tai nạn giao thông vào ban ngày (14h) trên Quốc lộ 38 là khu vực đông dân cư. Khi tai nạn xảy ra, quần chúng nhân dân dịa phương đã phát hiện và báo Công an xã việc bị cáo để xe ô tô ở hiện trường và đến Công an huyện khai báo về vụ tai nạn giao thông là trách nhiệm đương nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật giao thông đường bộ.
Khoản 1 Điều 38 quy định: “1. Người điều khiển phương tiện liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:...Giữ nguyên hiện trường...phải đến trình báo ngay với Cơ quan Công an nơi gần nhất ...”
Trong trường hợp này, bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS “đầu thú”.
Pháp luật quy định: “đầu thú” là trường hợp có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình duyệt.
Như vậy, việc TAND huyện Kim Bảng áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS “người phạm tội tự thú” đối với bị cáo là không chính xác.
Nhận định trong bản án không thống nhất, không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, áp dụng điều luật không đúng: Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2014 ngày 11/4/2014 của TAND thành phố Phủ Lý xét xử bị cáo Vũ Quang Việt và đồng bọn phạm tội “Đánh bạc”. Phần nhận thấy của bản án (trang 5 dòng thứ 29 từ trên xuống) nêu: “về tình tiết giảm nhẹ: Tại phiên tòa và tại Cơ quan điều tra các bị cáo đều thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng bọn, các bị cáo phạm tội lần đầu và trường hợp ít nghiêm trọng ... Bị cáo Quỳnh là người nhận thân thuộc xấu, có tiền sự nhưng đã được xóa  nên Hội Đồng xét xử cũng xem xét đến yếu tố này khi lượng hình”.Nhưng sau đó Hội đồng xét xử lại nhận định bị cáo là người có nhân thân tốt, cụ thể: “ Các bị cáo Hoàng Mạnh Quỳnh...là người có nhân thân tốt ...”
Ngoài ra, trong vụ án còn có bị cáo Bùi Đình Hiệp phạm tội “Đánh bạc” quy định tại Điều 248 BLHS nhưng tại phần quyết định của bản án, Hội đồng xét xử lại áp dụng Điều 194 BLHS để quyết định hình phạt đối với bị cáo là không chính xác.
Vi phạm phần nội dung bản án
Bản án không ghi tiền án, tiền sự; ngày tạm giữ, tạm giam của bị cáo: Bản án hình sự sơ thẩm số 70 ngày 22/9/2014 của TAND huyện Duy Tiên xét xử Nguyễn Văn Quyền phạm tội “ Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Phần lý lịch của bị cáo, bản án không ghi tiền án, tiền sự của bị cáo.
Bản án hình sự sơ thẩm số 62 ngày 22/9/2014 của TAND huyện Kim Bảng xét xử Vũ Văn Thuận phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Phần lý lịch của bị cáo, bản án không ghi ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam.
Việc TAND huyện Duy Tiên và TAND huyện Kim Bảng không ghi tiền án, tiền sự, ngày tạm giữ, tạm giam của bị cáo trong bản á đã vi phạm khoản 2 Điều 224 BLTTHS.
Khoản 2 Điều 224 BLTTHS quy định: “Trong bản án cần phải ghi rõ: ... tiền án, tiề sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam ...”
Vi phạm về việc giao bản án: Ngày 18/02/2014, TAND huyện Lý Nhân xét xử Trần Văn Tiến phạm tội “Đánh bạc”. Trong thời hạn luật định, bị cáo Tiến có đơn kháng cáo. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy không có tài liệu nào thể hiện việc Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân đã giao bản án cho bị cáo Tiến, phù hợp với lời khai của bị cáo Tiến tại phiên tòa phúc thẩm. Bị cáo trình bày: không được TAND huyện Lý Nhân giao bản án. Việc không giao bản án sơ thẩm cho bị cáo của TAND huyện Lý Nhân đã vi phạm Điều 229 BLTTHS.
Điều 229 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, tòa án cấp sơ thẩm phải giao ban án cho bị cáo ...”
Vi phạm trong việc xử lý vật chứng: Bản án hình sự sơ thẩm số 75/2013/HSST ngày 20/12/2013 của TAND huyện Kim Bảng xử bị cáo Dương Văn Tuyền về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 194 BLHS. Trong vụ án này, chiếc điện thoại di động của bị cáo tuyền xác định là tài sản hợp pháp của bị cáo, không liên quan đến vụ án. Nhưng HĐXX đã áp dụng khoản 2 Điều 76 BLTTHS đê tịch thu sung quỹ Nhà nước là vi phạm điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS.
Điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS quy định: “1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: a. Công cụ, phương tiện dùng  vào việc phạm tội”
Điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội ... thì bị tịch thu, sung quỹ nhà nước ...”
Việc áp dụng chưa đúng, chưa đầy đủ và vi phạm các quy định pháp luật ở các vụ việc nêu trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau đây: Cán bộ, thư ký, thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết trong từng vụ án trách nhịm chưa cao; chưa nghien cứu kỹ và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật. Lãnh đạo Tòa án nhân dân hai cấp chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện vi phạm trong một số trường hợp cụ thể.
Để khắc phục những vi phạm nêu trên nhằm đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam đã Kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam chỉ đạo tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, đồng thời rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những vi phạm như đã nêu trên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử các vụ án hình sự trong thời gian tới./.
TH
Tìm kiếm