CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kinh nghiệm THQCT, KSĐT đối với các vụ án Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

30/09/2021
Cỡ chữ:   Tương phản

1. Khái niệm và quy định chung

Có thể nói làm Mẹ là thiên chức thiêng liêng riêng có của phụ nữ, đó không chỉ là tình mẫu tử thiêng liêng mà còn là nhiệm vụ duy trì nòi giống, củng cố thành quả phát triển văn hóa của xã hội và đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều người phụ nữ không thể sinh con bằng phương pháp tự nhiên hoặc không thể có con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của y học.

Do thực tế hiện nay có nhiều người phụ nữ không có khả năng mang thai nhưng vẫn mong muốn được làm mẹ nên phát sinh quan hệ pháp luật quy định về việc mang thai hộ để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cũng như hạn chế các tranh chấp cho các bên khi thực hiện việc mang thai hộ. Pháp luật quy định rõ việc mang thai hộ được chia thành hai trường hợp, đó là: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo do Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh; và Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại do Luật Hình sự điều chỉnh.

Thứ nhất, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Lần đầu tiên vấn đề mang thai hộ được luật hóa tại mục 2, Chương V, Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014 và Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015. Theo quy định của Luật HNGĐ thì pháp luật chỉ công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp pháp. Theo đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

Theo quy định của Điều 95 Luật HNGĐ năm 2014 thì điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định như sau:

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

- Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Thứ hai, mang thai hộ vì mục đích thương mại: Là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại (được hưởng lợi ích về kinh tế hoặc lợi ích khác), mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để điều chỉnh hiện tượng lạm dụng việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đi ngược lại bản chất nhân văn của việc mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Đây là tội phạm mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:

Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Đây là một điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật HNGĐ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi. Tuy nhiên, Điều 187 Bộ luật Hình sự đang phát sinh một số vấn đề liên quan cần được điều chỉnh cho phù hợp theo quan điểm chủ quan dưới đây:

- Về chủ thể tội phạm: Điều 187 Bộ luật Hình sự quy định đối với cá nhân có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục thương mại là những cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Xét trong mối tương quan giữa tên tội danh “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” với chủ thể tội phạm theo tinh thần điều luật thì đối tượng chủ thể của điều luật này không chỉ hướng tới cá nhân trực tiếp mang thai hộ mà còn cả những người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, cả tên điều luật và chủ thể phạm tội quy định tại khoản 1 điều này đang tạo ra các cách hiểu khác nhau theo chiều hướng thu hẹp đối tượng phạm tội chỉ đối với “người tổ chức”, còn người mang thai hộ đơn thuần (không có yếu tố tổ chức) thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của tội danh này. Trên thực tế, người tổ chức (đứng giữa người có nhu cầu thuê người khác mang thai hộ và người mang thai hộ để nhận tiền hoặc lợi ích khác) khi thực hiện hành vi phạm tội này, bắt buộc phải có đối tượng đồng ý mang thai hộ để nhận tiền hoặc lợi ích khác. Như vậy, người mang thai hộ đồng ý giúp sức cho người thực hiện hành vi phạm tội này ngay từ đầu để cùng hưởng lợi (chủ yếu về mặt kinh tế là tiền) thì không bị pháp luật hình sự điều chỉnh.

- Để có cách hiểu và áp dụng thống nhất, cần khắc phục hạn chế này bằng cách sửa lại tên điều luật theo hướng mở rộng tối đa chủ thể phạm tội như “Tội mang thai hộ vì mục đích thương mại”, đồng thời quy định dấu hiệu “tổ chức” trong tên tội danh thành tình tiết định khung tăng nặng trong cùng điều luật. Khó phân định ranh giới giữa “mang thai hộ vì mục đích thương mại” với “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” để đánh giá chứng cứ, truy cứu trách nhiệm hình sự, vì trên thực tế việc mang thai hộ có nhiều biến tướng nên việc phân định mục đích của người tổ chức mang thai hộ chỉ dựa vào tiêu chí có hay không việc “hưởng lợi ích kinh tế và lợi ích khác” là khó khăn.

- Tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 187 quy định “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Đối với 2 người trở lên; Phạm tội 2 lần trở lên; Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm”. Nếu giữ nguyên tên tội danh thì tại điểm a của khoản này cần bổ sung thêm cụm từ “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đối với 2 người trở lên” bởi lẽ, quy định như hiện tại chưa rõ ý trong vấn đề xác định đối tượng là 02 người trực tiếp mang thai hộ hay 02 người có nhu cầu mang thai hộ trở lên và có bị trùng lặp trong tiết “phạm tội 02 lần trở lên” hay không? Đồng thời, để xử lý các hành vi của một số đối tượng đặc biệt trong tội danh này cần bổ sung các tình tiết tăng nặng mới tại khoản 2 như “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, “cưỡng ép người mang thai hộ”, “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm nghiêm trọng tới quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình và kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, do vậy cần điều chỉnh Điều 187 quy định về tội danh này nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của xã hội và phát huy giá trị nhân văn của hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

2. Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc

Thông qua công tác THQCT, KSĐT đối với một số vụ án “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi thấy thực tế còn có rất nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau, chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật đối với loại tội phạm này của các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp trên địa bàn thành phố. Nhiều quan điểm đánh giá chứng cứ chỉ phụ thuộc chủ yếu vào lời khai nhận của những người có liên quan.

Nguyên nhân này là do nội tại điều luật quy định còn chưa đáp ứng với tình hình phạm tội thực tế của loại tội này và do một số lý do như:

- Do chưa tìm hiểu và nắm rõ những quy định của pháp luật quy định về thủ tục, điều kiện bắt buộc đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định tại Luật HNGĐ và các văn bản hướng dẫn liên quan; chưa hiểu rõ về mặt lý luận, quy định pháp luật trong việc xử lý tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” nên các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương trên địa bàn thành phố ban đầu còn lúng túng trong công tác giải quyết, xử lý.

- Do chưa chưa làm tốt công tác kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc khởi tố, nên nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc đánh giá không đúng về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xác định không chính xác dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gặp phải không ít khó khăn trong quá trình giải quyết, sau này không thể khắc phục được, đặc biệt là trong công tác thu thập chứng cứ là khám xét, thu giữ tang vật và giám định.

- Do sự sơ hở trong công tác quản lý hoặc có sự tiếp tay của một số nhân viên y tế, bác sỹ của một số cơ sở y tế có đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện trong việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

3. Một số kinh nghiệm trong công tác THQCT và KSĐT đối với những vụ án Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

- Về mặt lý luận đối với loại tội phạm tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì về mặt hậu quả, tội phạm này phải diễn ra việc tổ chức mang thai hộ để thu lợi, chứ không phải là các bên có nhu cầu thuê mang thai hộ và mang thai hộ. Cần nhận diện đúng loại tội phạm này ngay từ khi kiểm sát việc phân loại thụ lý nguồn tin tội phạm trong thời gian sớm nhất. Theo đó, đề ra các yêu cầu xác minh cụ thể, có chất lượng sát với nội dung thực tế để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án sau này.

- Khi được phân công kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra đối với những vụ việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, Kiểm sát viên cần nắm rõ quy định của pháp luật về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại để có cái nhìn khái quát và phân biệt ranh giới giữa có tội và không có tội, từ đó phối hợp với Cơ quan điều tra để xem xét, đánh giá chứng cứ và yêu cầu đơn vị tiếp nhận nguồn tin tội phạm phải nhanh chóng, kịp thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội. Cụ thể như:

+ Yêu cầu thu thập tài liệu liên quan đến việc xác định về mối quan hệ pháp lý giữa người thuê mang thai hộ, người nhận mang thai hộ và người đứng ra tổ chức mang thai hộ để xác định người thuê mang thai có thuộc trường hợp đủ điều kiện được nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay không. Đặc biệt, là tình trạng pháp lý về hôn nhân của người thuê mang thai hộ và người mang thai hộ.

+ Khi xác định có quan hệ mang thai hộ không vì mục đích nhân đạo thì khai thác nhanh (lời khai và xác minh) để xác định có hay không việc hưởng lợi (mục đích thương mại). Việc hưởng lợi thể hiện ở chỗ người thuê mang thai phải trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho người đứng ra tổ chức người khác mang thai hộ mình và người mang thai (việc trả tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng).

+ Yêu cầu cơ quan y tế cung cấp toàn bộ hồ sơ, thủ tục tiếp nhận trước khi làm thủ tục mang thai hộ. Lưu ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ có các cơ quan y tế sau: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh.

+ Thực hiện việc trưng cầu giám định ADN giữa cháu bé sinh ra với các bên có nhu cầu mang thai để làm căn cứ giải quyết vụ án.

+ Yêu cầu và phối hợp với Cơ quan điều tra khẩn trương tiến hành việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng có liên quan để kịp thời phát hiện, thu giữ những hồ sơ, sổ sách, tài liệu và đồ vật có giá trị là chứng cứ chứng minh trong vụ án.

+ Xác minh nhanh tại các cơ sở y tế về hồ sơ đăng ký làm IVF (hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm) để xác định đường đi của hành vi phạm tội và xác định các đối tượng tham gia (do quy định khắt khe của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nên đường đi của loại tội phạm này thường lắt léo, vòng vo qua nhiều cơ sở y tế để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện).

+ Do đặc thù của loại tội phạm này nên các đối tượng nhiều khi ban đầu không quen biết mà “tự tìm kiếm nhau” thông qua các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook, rồi kết nối và hình thành một “ tổ chức” để cùng thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích thương mại nên ngay khi có nguồn tin, phải nhanh chóng khai thác nhanh và truy cập ngay cùng lúc vào các tài khoản các đối tượng sử dụng để truy xuất dữ liệu, tránh việc các đối tượng biết sẽ xóa tài khoản, đăng xuất khỏi ứng dụng để xóa chứng cứ cũng như tiến hành cho nhận dạng ngay để xác định các đối tượng có mối liên hệ với nhau.

- Thông qua kinh nghiệm thực tế đã giải quyết các vụ án Tổ chức mang thai hộ, cần tích lũy những kinh nghiệm và tổng hợp các dạng vi phạm trong hoạt động của các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó, thực hiện việc kiến nghị đối với ngành y tế về công tác nhận dạng và phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu của loại tội phạm này, đề nghị cơ sở y tế phải kịp thời thông báo và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc xử lý.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong hoạt động THQCT, KSĐT các vụ án Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại của đơn vị Phòng 2 - VKSND thành phố Hà Nội, rất mong nhận được sự quan tâm, ý kiến thảo luận đóng góp của các đồng nghiệp.

Trần Anh Dũng, Nguyễn Thị Út

(vkshanoi.gov.vn)
Tìm kiếm