Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được thành lập theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của UBTVQH...
Kỹ năng tiếp nhận, phân loại, thụ lý
và quản lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao được thành lập theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của UBTVQH. Theo quy định, từ ngày 01/6/2015, Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đây là một nhiệm vụ mới và rất khó khăn, nặng nề.
Để giúp việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và quản lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND thống nhất, có hiệu quả, bài viết đưa ra một số kỹ năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này để nghiên cứu, tham khảo. Tuy nhiên, do thời gian hạn chế, bài viết chủ yếu đề cập đến việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và quản lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND cấp cao.
Một số quy định liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Về người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
- Theo pháp luật tố tụng hiện hành, những người trong ngành Kiểm sát có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án là:
+ Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQSTW, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp quân khu - Điều 275, 293 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).
+ Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh - Điều 285, 307 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).
+ Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh - Điều 212, Điều 235 Luật tố tụng hành chính (Luật TTHC).
- Theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của UBTVQH về việc thi hành Luật TCVKSND năm 2014 thì, Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền, quy định này cũng đồng nghĩa với việc kể từ 01/6/2015, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh không có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Trong TTHS: Điều 278 BLTTHS quy định, việc kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu kháng nghị theo hướng có lợi thì thời hạn kháng nghị bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ;
Điều 295 BLTTHS quy định, việc kháng nghị tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không quá một năm kể từ ngày VKS nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện, nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
Trong TTDS: Điều 288 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là trong thời hạn 03 năm. Trường hợp đã hết 03 năm thì có thể kéo dài thêm 02 năm với điều kiện đương sự đã gửi đơn đề nghị trong thời hạn và sau khi hết thời hạn kháng nghị mà đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị hoặc bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 283 của BLTTDS;
Điều 308 quy định, thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Trong TTHC: Điều 215 Luật TTHC quy định, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là trong thời hạn 02 năm. Trường hợp đương sự đã gửi đơn đề nghị trong thời hạn 01 năm và sau khi hết thời hạn kháng nghị mà người có quyền kháng nghị mới phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì thời hạn kháng nghị không phụ thuộc vào thời hạn quy định là 02 năm;
Điều 236 quy định, thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Về chủ thể gửi đơn
Trong TTHS: Điều 274, 292 BLTTHS quy định, người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân đều có quyền phát hiện vi phạm và thong báo cho người có quyền kháng nghị.
Trong TTDS: Điều 284, 306 BLTTDS quy định, đương sự có quyền gửi đơn đề nghị; VKS,TA hoặc cá nhân ,cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện và thông báo bằng văn bản cho người có quyền kháng nghị.
Trong TTHC: Điều 211, 234 Luật TTHC quy định, đương sự có quyền gửi đơn đề nghị, VKS,TA hoặc cá nhân ,cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện và thông báo bằng văn bản cho người có quyền kháng nghị.
Về thời hạn gửi đơn
Trong TTHS: BLTTHS không quy định thời hạn gửi đơn giám đốc thẩm cũng như tái thẩm.
Trong TTDS: Điều 284 BLTTDS (sửa đổi) quy định, thời hạn gửi đơn đề nghị của đương sự, thông báo của VKS, TA hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác là trong 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; thời hạn gửi đơn đề nghị tái thẩm không quy định.
Trong TTHC: Điều 211 Luật TTHC quy định, thời hạn gửi đơn đề nghị của đương sự, thông báo của VKS, TA hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác là trong 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; thời hạn gửi đơn đề nghị tái thẩm không quy định.
Ngoài các quy định trên, ngày 15/10/2013, TANDTC và VKSNDTC ban hành 2 Thông tư liên tịch số 02 và số 03 (gọi tắt là Thông tư 02, Thông tư 03) hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Luật TTHC và BLTTDS.
Viện trưởng VKSND tối cao thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường rà soát, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết loại đơn này; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm nhìn chung bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, qua giải quyết đơn đã phát hiện vi phạm, sai sót trong các bản án, quyết định của Tòa án và ban hành nhiều kháng nghị giám đốc thẩm để khắc phục.
Việc tiếp nhận đơn tập trung vào một đầu mối giúp cho việc phân loại kịp thời nhanh chóng, nhất là những đơn trùng lặp gửi nhiều lần.
- Hạn chế, tồn tại: Tỷ lệ giải quyết đơn thấp, hàng năm chỉ đạt khoảng 20% số đơn thụ lý, do số lượng đơn nhận vào thường nhiều hơn số đơn được giải quyết nên số lượng đơn hết thời hạn kháng nghị chuyển sang lưu ngày càng nhiều. Trong giải quyết và quản lý việc giải quyết đơn, các đơn vị nghiệp vụ thường không cập nhật đầy đủ kết quả giải quyết lên phần mềm quản lý nên Vụ 12 không nắm được, nhất là những vụ việc VKSNDTC ban hành kháng nghị.
- Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:
Về khách quan: Số lượng đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong những năm qua tiếp tục gia tăng, nhất là sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên phạt tù chung thân được minh oan; trước đây, loại đơn này chủ yếu đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về vực dân sự thì nay cũng tăng nhiều ở lĩnh vực án hình sự, án hành chính; thẩm quyền giải quyết trước đây phần lớn thuộc VKSND tối cao, nay là VKSND cấp cao.
Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc Viện trưởng VKSND dân tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao và Chánh án TAND tối cao, Chánh án TAND cấp cao nên công dân thường cùng một lúc gửi đơn đến cả 2 cơ quan trong khi chưa có quy chế phối hợp giữa hai cơ quan về giải quyết loại đơn này nên đã gây khó khăn cho việc tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án; mặt khác do số lượng đơn tăng nhiều trong khi số lượng biên chế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu công việc đã dẫn đến tình trạng nhiều đơn chưa được xem xét, giải quyết.
Chủ quan: Trách nhiệm một số người được giao nhiệm vụ nghiên cứu loại đơn này chưa cao, trong khi việc kiểm tra của lãnh đạo chưa thường xuyên.
Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tiếp nhận, phân loại, thụ lý và quản lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Về cơ sở vật chất
Với số lượng đơn lớn nên việc quản lý theo phương pháp thủ công bằng sổ sách như trước đây rất khó, hiện tại VKSNDTC đã có phần mềm quản lý đơn, tuy vậy đến nay phần mềm bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý mà chưa được chỉnh sửa bổ sung
Về đội ngũ cán bộ
Theo quy định của VKSNDTC, đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp (gọi tắt là đơn vị 12) có nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại xử lý đơn từ các nguồn gửi đến VKSND để chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ liên quan giải quyết, đồng thời có trách nhiệm theo dõi, quản lý việc giải quyết đơn của các đơn vị; các đơn vị nghiệp vụ cũng phân công cán bộ chuyên theo dõi thụ lý, giải quyết loại đơn này. Tuy nhiên, do loại đơn này số lượng quá lớn, số lượng cán bộ chưa đáp ứng, thời gian giải quyết có loại đơn không thời hạn nên việc theo dõi quản lý gặp nhiều khó khăn.
Về quan hệ phối hợp với TAND
Do thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm ngoài Viện trưởng Viện kiểm sát còn có Chánh án Tòa án nên đương sự thường gửi đồng thời đơn đề nghị đến 2 cơ quan này, trong khi 2 cơ quan chưa có quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý đơn giám đốc thẩm, nhiều việc tiếp nhận, thụ lý chồng lấn, cơ quan này ít có thông tin về cơ quan kia trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn.
Về quan hệ giữa đơn vị 12 với các đơn vị nghiệp vụ
Trong thời gian qua việc thực hiện chế độ quản lý đơn khiếu nại, tố cáo vào một đầu mối tại VKSNDTC cũng như tại Viện kiểm sát địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng các đơn vị nghiệp vụ khi nhận đơn nhưng không chuyển cho đơn vị 12 để quản lý chung; kết quả giải quyết của các đơn vị nghiệp vụ gửi cho đơn vị 12 chưa đầy đủ; việc theo dõi tiến độ giải quyết đơn của đơn vị 12 đối với các đơn vị nghiệp vụ chưa thường xuyên và chưa hiệu quả.
Việc quản lý đơn trên phần mềm máy vi tính chưa được các đơn vị nghiệp vụ tại VKSNDTC thực hiện đồng bộ, thống nhất. Một số đơn vị thực hiện việc nhập kết quả giải quyết trên máy nhưng chưa nghiêm túc như: Vào không đầy đủ các mục, chưa cập nhật kết quả giải quyết, vào không đầy đủ nội dung giải quyết, có đơn vị không triển khai việc cập nhật số liệu trên máy. Do vậy hiệu quả công tác quản lý chưa cao, chưa khai thác và sử dụng hết những lợi ích của phần mềm này. Mặt khác, phần mềm quản lý đơn vẫn còn có nhiều hạn chế như: Không quản lý được số đơn trùng lặp với số lượng lớn, nhiều chỉ tiêu hiện trong phần mềm đã có nhưng không lấy ra được để báo cáo.
Trong thời gian tới để việc quản lý đơn đạt hiệu quả tốt hơn, Viện kiểm sát tối cao cần sớm hoàn thiện phần mềm quản lý đơn và nên triển khai phần mềm này trên toàn quốc. Mặt khác cần sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị 12 và các đơn vị nghiệp vụ trong quản lý đầu vào và đầu ra của đơn, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nói riêng.
Về tiêu chí để phân loại đơn
Thời gian qua, đang phát sinh loại đơn tố cáo cán bộ tư pháp có hành vi vi phạm pháp luật khi chính những cán bộ này tham gia giải quyết vụ án liên quan đến quyền và lợi ích của họ trước đó, do việc khiếu nại, đề nghị không được giải quyết hoặc giair quyết không đáp ứng đúng nguyện vọng thì quay sang làm đơn tố cáo. Về bản chất đây vẫn là nội dung khiếu nại, song vì nếu khiếu nại thì hết thẩm quyền giải quyết nên đương sự làm đơn dạng tố cáo hy vọng sự việc sẽ được tiếp tục xem xét. Nếu xếp vào dạng đề nghị hoặc khiếu nại thì có thể hết thẩm quyền giải quyết, nếu xếp dạng đơn tố cáo thì coi như mới thụ lý lần đầu. Hiện tại, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc phân loại, xử lý loại đơn này. Theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ thì những đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo thì không thụ lý giải quyết nội dung tố cáo. Song đây là loại đơn hành chính, còn đơn tư pháp chưa có quy định như vậy.
Những kỹ năng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, phân loại, thụ lý và quản lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Những kỹ năng
Về tiếp nhận đơn.
Theo quy định của Quy chế số 59 ngày 6/2/2006 của Viện trưởng VKSNDTC, đơn vị 12 có trách nhiệm tiếp nhận đơn để phân loại, xử lý và quản lý. Trên thực tế, do VKSND vừa có chức năng thực hành quyền công tố, vừa kiểm sát hoạt động tư pháp nên đơn gửi đến VKSND rất đa dạng và với số lượng lớn, trong đó tại VKSNDTC và VKSND cấp cao loại đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chiếm đa số. Để việc phân loại nhanh, chính xác, xử lý kịp thời và quản lý chặt chẽ thì cần giao nhiệm vụ này cho một đơn vị chuyên trách là cần, tuy không đi sâu vào nghiên cứu nội dung đơn đúng hay sai nhưng cán bộ được giao nhiệm vụ này phải nắm chắc các quy định của pháp luật liên quan đến loại đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để việc phân loại, xử lý được nhanh chóng, chính xác. Do có loại đơn phải tính thời hạn của người gửi đơn nên khi bóc phong bì đơn thì đơn phải được đính kèm phong bì để xác định thời hạn gửi đơn của đương sự.
Đối với đơn đề nghị trong trường hợp đã có văn bản thông báo về việc không kháng nghị, đơn vị 12 tiếp nhận và chuyển cho đơn vị nghiệp vụ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Sau khi kiểm tra, nếu xác định có các điều kiện được xem xét lại theo Điều 12 Thông tư 02, Thông tư 03 nhưng chưa có đơn theo mẫu thì đơn vị giải quyết đơn đề nghị ra văn bản yêu cầu đương sự làm đơn theo mẫu.
Phân biệt đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm với các loại đơn khác
Hiện nay, trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thì Thông tư liên tịch số 02, 03 ngày 15/10/2013 của TANDTC và VKSNDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Luật TTHC và BLTTDS có quy định về mẫu đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự, vì vậy về thủ tục loại đơn này bắt buộc phải theo mẫu, nếu đương sự gửi đơn không đúng mẫu thì yêu cầu viết lại đơn theo mẫu. Riêng văn bản thông báo phát hiện vi phạm của VKS, TA hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác tuy không có mẫu, nhưng văn bản đó phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 02, 03 như: ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo, tên TA, VKS có thẩm quyền kháng nghị, tên, địa chỉ của TA, VKS hoặc cá nhân, cơ quan tổ chức phát hiện vi phạm, tên bản án, quyết định có vi phạm, nội dung thông báo vi phạm trong bản án, quyết định, tài liệu, chứng cứ chứng minh vi phạm.
Đối với lĩnh vực hình sự chưa có mẫu đơn cụ thể, trong khi hình thức đơn rất đa dạng, do vậy phải căn cứ vào nội dung đơn để xác định có phải là đơn đề nghị hay không. VD. Công dân gửi đơn có tiêu đề đơn kêu oan, trong nội dung đơn công dân phản ánh các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bản án xét xử oan và đề nghị xem xét lại. Đây được xác định là đơn đề nghị giám đốc thẩm. Trường hợp công dân gửi đơn có tiêu đề đơn tố cáo và nội dung đơn cho rằng Thẩm phán có hành vi vi phạm, cố ý ra bản án trái pháp luật. Như vậy, đơn này xếp vào loại đơn tố cáo hành vi tố tụng của Thẩm phán hoặc tố giác tội phạm, thẩm quyền giải quyết là Chánh án hoặc Cơ quan điều tra của VKSNDTC.
Xác định thẩm quyền kháng nghị
Theo quy định hiện hành thì thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã rõ, Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền. Vấn đề đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao nào chỉ phụ thuộc vào địa giới lãnh thổ đã phân công để xác định.
Xác định thời hạn gửi đơn.
Do BLTTHS không quy định thời hạn gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định về hình sự, do vậy khi nhận được đơn này thì VKSND phải thụ lý để giải quyết, kể cả bản án, quyết định đó đã được thi hành xong. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu đương sự chỉ đề nghị kháng nghị phần dân sự trong bản án hình sự thì thời hạn gửi đơn phải áp dụng quy định của BLTTDS.
Trong TTDS, TTHC loại đơn đề nghị tái thẩm không quy định thời hạn gửi đơn đề nghị tái thẩm, nên cũng như loại đơn về hình sự, VKS phải thụ lý để giải quyết
Đối với loại đơn đề nghị giám đốc thẩm án trong TTDS và TTHC: BLTTDS và Luật TTHC quy định thời hạn gửi đơn của đương sự cũng như văn bản thông báo của VKS, TA hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác là trong 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nếu khi nhận được đơn hoặc văn bản thông báo mà thời hạn gửi đơn, thông báo theo Khoản 1 Điều 284 BLTTDS sửa đổi hoặc Khoản 1 Điều 211 Luật TTHC đã hết (quá 01 năm) nhưng không xác định được ngày, tháng theo dấu bưu điện nhận chuyển phát đơn thì đơn vị 12 ra văn bản yêu cầu đương sự và Bưu điện cung cấp tài liệu về ngày đương sự gửi đơn tại Bưu điện. Văn bản yêu cầu được lập thành 02 bản, 01 bản gửi cho đương sự hoặc Bưu điện, 01 bản lưu, sau khi xác minh nếu đơn đủ điều kiện thụ lý thì đơn vị 12 pho to 01 bản yêu cầu này chuyển kèm theo đơn của đương sự và giấy xác nhận đã nhận đơn đến đơn vị giải quyết.
Trường hợp đương sự có tài liệu chứng minh đã nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước khác thì ngày nộp đơn tại các cơ quan đó cũng được tính như ngày gửi tại Bưu điện hoặc VKS và VKS thụ lý để giải quyết.
Về xử lý chuyển đơn.
Ngày 22/12/2011, VKSNDTC có công văn số 4107/VKSTC-V7 quy định, đơn vị khiếu tố (nay là đơn vị 12) sau khi tiếp nhận đơn có nhiệm vụ kiểm tra đơn đó, nếu đơn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 284a BLTTDS sửa đổi và Điều 211 Luật TTHC thì cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Những đơn thuộc thẩm quyền của VKSND cấp mình thì chuyển đến đơn vị nghiệp vụ để thụ lý giải quyết, những đơn thuộc thẩm quyền của VKSND cấp khác hoặc địa phương khác thì sau khi cấp giấy xác nhận đã nhận đơn phải chuyển đơn cùng giấy xác nhận đã nhân đơn đến VKSND có thẩm quyền kháng nghị. VKSND nhận được đơn đề nghị của VKSND cấp khác hoặc địa phương khác chuyển đến kèm giấy giấy xác nhận đã nhân đơn thì không phải cấp giấy xác nhận đã nhân đơn nữa.
Trường hợp khi nhận được đơn nhưng đơn đề nghị không có đủ các nội dung theo mẫu hoặc không kèm theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình thì đơn vị 12 thông báo cho đương sự yêu cầu sửa đổi, bổ sung (mẫu số 3 kèm theo TTLT số 02, 03) hoặc VKS, TA và cá nhân, cơ quan, tổ chức (mẫu số 04 kèm theo TTLT số 02, 03). Yêu cầu này phải nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để người để người gửi đơn biết thực hiện. Khi đương sự sủa đổi bổ sung theo yêu cầu thì ngày đề nghị kháng nghị được tính từ ngày đương sự gửi đơn lần đầu.Thời hạn cho việc yêu cầu bổ sung đơn cũng như văn bản thông báo của VKS, TA và Ấ nhân, cơ quan, tổ chức không quá 30 ngày.
Sau khi Thông tư liên tịch số 02, 03 ngày 15/10/2013 ban hành, VKSNDTC có văn bản số 4585 ngày 27/12/2013 quy định, đơn vị 12 chỉ có nhiệm vụ giấy xác nhận đã nhận đơn đối với những đơn thuộc thẩm quyền kháng nghị của Viện trưởng VKS cơ quan mình, đối với đơn không thuộc thẩm quyền kháng nghị thì chuyển đến VKSND có thẩm quyền kháng nghị để kiểm tra, cấp giấy xác nhận đã nhân đơn và thụ lý giải quyết. Như vậy không bắt buộc đơn vị 12 phải cấp giấy đã nhận đơn đề nghị cho tất cả các trường hợp.
Về trả lại đơn
Khi xác định rõ đơn lần đầu của đương sự đã hết thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 284 BLTTDS sửa đổi hoặc Khoản 1 Điều 211 Luật TTHC (01 năm) và hết thời hạn VKS ra văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị, tài liệu chứng cứ mà đương sự chưa thực hiện yêu cầu đó thì đơn vị 12 ban hành văn bản Thông báo trả lại đơn đề nghị kháng nghị (Mẫu số 10, 10A ban hành kèm theo công văn số 4585/VKSTC-V7 ngày 27/12/2013 của VKSNDTC về việc thực hiện TTLT số 02 và số 03 ngày 15/10/2013).
Về cấp giấy xác nhận đơn.
Khoản 2 Điều 284b BLTTDS (sửa đổi), Điều 6 Thông tư liên tịch số 02, 03 ngày 15/10/2013 quy định, Tòa án, VKS nhận đơn đề nghị phải cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự ; Theo quy định tại Điều 3 Luật TTHC và Điều 56 BLTTDS thì đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Như vậy, đối tượng để cấp giấy xác nhận đơn chỉ là các đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm án dân sự, hành chính.
Khi đơn của đương sự có đủ các điều kiện hợp lệ về thủ tục, thời hạn thì cấp giấy xác nhận đơn cho đương sự. Giấy xác nhận được lập thành 03 bản, 01 bản gửi cho đương sự, 01 bản chuyển kèm đơn đế đơn vị giải quyết, 01 bản lưu đơn vị 12. việc cấp giấy xác nhận đơn được tiến hành trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị và chỉ cấp 01 lần (mẫu số 5 kèm theo Thông tư số 02, 03).
Một số giải pháp
- Tập trung rà soát, phân loại đơn và có kế hoạch giải quyết cụ thể, trước hết tập trung vào đơn sắp hết thời hạn kháng nghị, đơn kêu oan; Phối hợp chặt chẽ giữa công tác tiếp công dân với công tác giải quyết đơn đề nghị, tăng cường tuyên truyền giải thích và đối thoại với công dân để hạn chế việc khiếu kiện bức xúc.
- Trên cơ sở Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Quy chế của Ngành về công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND cấp cao thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ và trách nhiệm cán bộ chuyên trách nhằm đảm bảo tính chuyên sâu nghiệp vụ;
- VKSNDTC tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, thông báo kết quả, rút kinh nghiệm; phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát nghiên cứu xây dựng tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm sát và giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp cho cán bộ trong Ngành và sinh viên tại Trường Đại học Kiểm sát và Trường đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát;
- VKSND tối cao chủ động phối hợp với TANDTC xây dựng ban hành quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Vụ 12, VKSND tối cao