CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 01/7/2016 đến ngày 07/7/2015

07/07/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số 3113 ngày 02/7/2016 có bài “Chuyện khó tin ở Đắk Lắk: Sở Tài nguyên và Môi trường bị “lừa” hàng chục tỷ đồng” của tác giả Ngọc Hà. Nội dung: Tháng 10/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư...

 Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 01/7/2016 đến ngày 07/7/2015

1. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số 3113 ngày 02/7/2016 có bài “Chuyện khó tin ở Đắk Lắk: Sở Tài nguyên và Môi trường bị “lừa” hàng chục tỷ đồng” của tác giả Ngọc Hà. Nội dung: Tháng 10/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 2 trạm quan trắc khí và nước tự động với tổng kinh phí 29 tỷ đồng. Đầu năm 2013, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, Tp Hà Nội trúng thầu cung cấp máy móc thiết bị nhập khẩu sản xuất từ Đức cho công trình. Đến ngày 29/11/2013, Công ty này mới giao được 44/59 bộ phận của thiết bị trạm quan trắc nhưng Sở đã ký hợp đồng nghiệm thu và chuyển trả số tiền 16,5 tỷ đồng. Qua kiểm tra trong số 44/59 bộ phận của thiết bị chỉ có 6 thiết bị đúng nhãn mác, 22 thiết bị không đúng nhãn mác, 12 thiết bị không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Vì vậy, 3 năm qua 2 trạm quan trắc này vẫn không thể hoạt động được. Tháng 10/2012,  Sở lại được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư kè chống sạt lở bờ suối Krông Kmar ở huyện Krông Bông. Công ty Cổ phần xây dựng công trình Sông Hậu có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Tp Hà Nội tham gia dự thầu bằng 2 chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Hà Nội đã trúng gói thầu số 3 với kinh phí 20 tỷ đồng. Sở đã tạm ứng cho Công ty 2 tỷ đồng nhưng sau hơn 1 năm công ty này đã bỏ gói thầu, không xây dựng. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đòi tiền Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Hà Nội nhưng Ngân hàng không trả tiền vì cho rằng 2 chứng thư bảo lãnh này là giả. Vì vậy, vụ việc này phải được Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra làm rõ trách nhiệm cá nhân để xử lý và thu hồi lại tiền cho Nhà nước.
Yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Pháp luật Việt Nam  số 182 ngày 01/7/2016 có bài “Năm mẹ con lâm vào khốn khó vì bị đòi đất” của tác giả Minh Châu. Nội dung: Vụ kiện dân sự chia thừa kế căn nhà số 12/1 đường Nguyễn Đình Chiểu phường Tây Sơn. Tp Pleiku  (tổng giá trị nhà đất chỉ là 500 triệu đồng) giữa nguyên đơn là  bà Nguyễn Thị Huệ và 4 người con, tạm trú tại số nhà 106/1/7 phố Lê Lợi, phường Hoa Lư, Tp Pleiku, với  bị đơn là 7 anh em của ông Nguyễn Phước Hải (là chồng bà Huệ đã chết năm 2011) được Tòa án thành phố Pleiku xét xử sơ thẩm vào tháng 9/2015 và TAND tỉnh Gia Lai xử phúc thẩm tháng 5/2016, đều tuyên chia nhà đất của bà Huệ làm 8 phần bằng nhau cho 8 anh em của ông Hải và giao nhà đang thuộc sở hữu của bà Huệ và 4 con cho em ruột ông Hải là ông Nguyễn Phước Đức quản lý. Bà Huệ là chủ nhà và 4 người con chỉ được hưởng 1/8 trị giá nhà đất của ông Hải và phải ra khỏi nhà của mình. Bản án này có nhiều sai sót là: TAND hai cấp không tôn trọng các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất số 270/CN-UB ngày 24/12/1992 của UBND thị xã Pleiku cấp cho ông Nguyễn Phước Hải và sau đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BP 049004 ngày 10/10/2013 của UBND Tp Pleiku cấp cho bà Huệ đang có hiệu lực pháp luật, không tôn trọng ý kiến của Phòng Tài nguyên Môi trường và nhà đất thành phố Pleiku tại văn bản ngày 21/5/2015 gửi Tòa án đã kết luận: “Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bà Nguyễn Thị Huệ là đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”. Tòa án hai cấp không xem xét đến việc ông Hải, bà Huệ là người đã xây nên ngôi nhà này là không công bằng. Bà Huệ  là chị dâu của 7 em ông Hải và phải nuôi 4 con của chồng  chỉ được hưởng 1/8 trị giá nhà đất (phần của ông Hải) không được hưởng quyền lợi ngang bằng với các em chồng là rất bất công, không  đúng pháp luật và không hợp lý. Khi chồng bà Hải chưa qua đời, tại biên bản làm việc do UBND phường Tây Sơn, Tp Pleiku lập ngày 17/6/2008, ông Lê Phước Hải có trình bày rõ với chính quyền địa phương như sau: “Nhà đó một tay tôi xây dựng nên, giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên tôi. Vợ chồng tôi đồng ý cho các em tôi một nửa, còn một nửa tôi để cho con tôi”. Đây chính là ý nguyện của ông Hải có giá trị như di chúc được chính quyền địa phương lập ra nhưng không được Tòa án hai cấp tôn trọng. Vì vậy, bản án phúc thẩm này cần được kháng nghị giám đốc thẩm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mẹ con bà Huệ.
Yêu cầu VKSND cấp cao 2 tại thành phố Đà Nẵng kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 9, đồng thời gửi báo cáo về  Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số 3115 ngày 05/7/2016 có bài “Tiền hỗ trợ dân nghèo bị xà xẻo” của tác giả Thiện Thảo - Hoàng Dũng; Báo Đời sống và pháp luật số 81 ngày 06/7/2016 có bài “Bao nhiêu tiền hỗ trợ hạn, mặn của nông dân đã bị ăn chặn?” của tác giả Quốc Huy. Nội dung: Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang  thực hiện thanh tra công tác sử dụng tiền ngân sách hỗ trợ cho nông dân thiệt hại bị hạn, mặn và hỗ trợ người nghèo tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã phát hiện tại “điểm nóng” xã Vĩnh Thuận cán bộ xã đã cắt xén tiền hỗ trợ hạn, mặn của nông dân, nhiều người có báo cáo, kê khai nhiều lần về thiệt hại  nhưng không được nhận tiền, nhiều người có danh sách được nhận tiền, tuy không được nhận nhưng  vẫn có chữ ký giả ở mục đã nhận tiền. Tết Bính thân năm 2016,  Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của xã nhận từ phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện 31 triệu đồng tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết nhưng không trả cho dân. Những việc làm này khiến nhiều người dân rất bức xúc, có kiến nghị cần phải được làm rõ để xử lý nghiêm kể cả việc phải khởi tố hình sự.
Yêu cầu VKSND tỉnh Kiên Giang kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về  Văn phòng  VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 05/7/2016 có bài “Đình chỉ vụ lái xe đâm chết người rồi bỏ trốn, VKS Hà Đông bỏ lọt tội phạm?” của tác giả Hà Minh. Nội dung: Hồi 19 giờ ngày 03/12/2015, Đặng Đình Tiên là Giám đốc Công ty Cổ phần Tiên Viên, ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Tp Hà Nội lái xe ô tô do phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, đến ngã tư phố Tố Hữu, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông đã đâm trực diện vào ông Nguyễn Quý Khương,70 tuổi nguyên là cán bộ TAND tối cao, là cựu chiến binh làm ông Khương bị thương nặng phải cấp cứu ở nhiều  bệnh viện. Đúng 1 tháng sau ông đã qua đời. Khi gây ra tai nạn Tiên lái xe bỏ chạy, không cấp cứu người bị nạn. Sau một thời gian điều tra, Công an quận Hà Đông đã tìm ra thủ phạm và phương tiện gây tai nạn nên ngày 15/5/2016, đã khởi tố vụ án và bị can đối với Tiên theo Điều 202 Bộ luật hình sự nhưng đến ngày 26/6/2016, VKSND quận Hà Đông đã ban hành 2 quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án và bị can của Công an quận với lý do ông Khương cũng có lỗi đi ngược chiều. Dư luận nhân dân và gia đình ông Khương không nhất trí với quyết định này và cho rằng quyết định này không đúng, có hiện tượng bao che cho Tiên và bỏ lọt tội phạm nên phải được kiểm tra, xem xét lại. 
Yêu cầu VKSND Tp Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2 , đồng thời gửi báo cáo về  Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Xuân Trường
Tìm kiếm