CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 03/6/2016 đến ngày 09/6/2016

10/06/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Tuổi trẻ Thủ đô số 1686 ngày 03/6/2016 có bài: “Phẫn uất tìm đến cái chết sau 6 năm kêu oan không thành” của tác giả Thùy Dương. Nội dung: Ngày 09/7/2010, anh Phạm Văn Tình trú tại thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là công nhân của...

 Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 03/6/2016 đến ngày 09/6/2016

1. Báo Tuổi trẻ Thủ đô số 1686 ngày 03/6/2016 có bài: “Phẫn uất tìm đến cái chết sau 6 năm kêu oan không thành” của tác giả Thùy Dương. Nội dung: Ngày 09/7/2010, anh Phạm Văn Tình trú tại thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là công nhân của Công ty cổ phần Đông Hải bị Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương khởi tố và bắt giam về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” khi anh đang chữa bệnh ở nhà. Sau khi bị bắt vì bệnh của anh ngày càng nặng nên đến ngày 13/12/2010, anh được tại ngoại và sau đó được tạm đình chỉ để chờ chữa bệnh  xong mới điều tra tiếp. Trong thời gian bị khởi tố anh liên tục kêu oan. Sau 3 lần thay đổi tội danh, đến ngày 11/4/2016, Công an huyện Nam Sách có kết luận điều tra và đề nghị VKSND huyện Nam Sách truy tố anh về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Về việc này, tác giả bài báo và dư luận nhân dân cho rằng các cơ quan pháp luật xử lý anh Tình là oan, sai nên ngày 26/5/2016, anh Tình đã uống một lượng lớn thuốc ngủ để tự sát nhưng được gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên không bị chết. Trong quá trình điều tra vụ án, Viện pháp y tâm thần Trung ương có kết luận anh Tình đã có tiền sử bị bệnh tâm thần từ năm 2001 sau khi bị vỡ mạch máu não. Mặt khác, trước thời điểm xảy ra tội phạm, ngày 24/6/2010, Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Hải đã có quyết định cho anh Tình nghỉ việc để chữa bệnh nên việc truy tố anh Tình về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là không đúng. Do đó, vụ án này cần được xem xét lại để tránh oan, sai.
Yêu cầu VKSND tỉnh Hải Dương kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Lao động số 129 ngày 06/6/2016 có bài: “Vụ trụ điện 220 KV bằng bê tông trộn đất ở Nam Định: Có thể xem xét xử lý hình sự” của nhóm phóng viên báo. Nội dung: Cuối tháng 4/2016, hai ông Vũ Văn Thuận và Vũ Ngọc Hồi ở xa Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về việc khi thực hiện thi công các móng cột điện 220 KV tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, nhà thầu thi công đã trộn lẫn đất đá vào bê tông  dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Sau khi có đơn tố cáo, cơ quan có chức năng đã kiểm định chất lượng bê tông móng tại các cột điện này và kết luận bê tông không đảm báo chất lượng, việc tố cáo của hai công dân là đúng sự thật. Ông Phạm Lập, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Sông Đà 11 cho biết sẽ đập bỏ hoàn toàn hai trụ móng số 01 và 02 để làm lại, số tiền thiệt hại là 1 tỷ đồng. Tiếp tục xem xét chất lượng bê tông của các móng khác. Lãnh đạo Công ty cũng đã kỷ luật 6 cán bộ có liên quan đến việc chỉ đạo và thi công công trình này. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều luật sư, vụ việc này phải được Công an điều tra, xác định rõ thiệt hại và xem xét xử lý hình sự về hành vi làm trái và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Yêu cầu VKSND tỉnh Nam Định kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 145 ngày 03/6/2016 có bài: “ Kỷ luật 7 cán bộ làm oan nhưng không bồi thường” của tác giả Phương Loan. Nội dung: Năm 1995, ông Chu Quang Hưng, trú tại phố Kim Biên, phường 13, quận 5, Tp Hồ Chí Minh bị Công an, VKSND Tp Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam và truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau đó ông còn bị khởi tố và truy tố bổ sung về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau 13 tháng bị tạm giam, đến tháng 12/1996, ông được tại ngoại. Sau khi Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, năm 2005, VKSND Tp Hồ Chí Minh đã đình chỉ điều tra vụ án và bị can cho ông vì hành vi không cấu thành tội phạm. Sau đó, đã có 3 cán bộ Công an bị kỷ luật cảnh cáo, 3 Kiểm sát viên trong đó có cả Trưởng phòng kiểm sát điều tra án trị an bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách, 1 Thẩm phán TAND thành phố bị kỷ luật khiển trách. Tuy nhiên, đơn yêu cầu đòi bồi thường của ông bị đùn đẩy không ai chịu trách nhiệm giải quyết. Theo ông Nguyễn Thương Tín, giảng viên trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh, nếu căn cứ vào Điều 26, Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì VKSND Tp Hồ Chí Minh là đơn vị phải xin lỗi và bồi thường oan, sai. 
Yêu cầu VKSND Tp Hồ Chí Minh  kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 7, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo  Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 149 ngày 07/6/2016 có bài “Viện trưởng VKSND huyện bị tố vòi tiền” của tác giả Lệ Trinh và báo Lao động số 130 ngày 07/6/2016 có bài: “Tạm đình chỉ công tác Viện trưởng VKSND huyện Đắc Đoa” của tác giả  Đình Văn. Nội dung: Đầu năm 2016, Lê Thị Đào, sinh năm 1982, trú tại thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai có hành vi ném hòn đá trúng chân chị Lê Thị Ánh trú tại tổ 3, thị trấn Đắc Đoa làm chị Ánh bị thương tích  tổn hại 10% sức khoẻ. Công an và VKSND huyện Đắc Đoa cho rằng chị Đào đã sử dụng hung khí nguy hiểm để tấn công chị Ánh, nên đã khởi tố bị can và truy tố chị về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, ông Trịnh Công Thương, Viện trưởng VKSND huyện Đắc Đoa đã gạ gẫm chị Đào chi 30 triệu đồng để chạy mức án treo cho chị. Việc này đã bị gia đình chị Đào ghi âm lại và tố cáo. Hiện nay, ông Thương đã bị tạm đình chỉ công tác để điều tra làm rõ. 
Yêu cầu Cục 1 và VKSND tỉnh Gia Lai  kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Bảo vệ pháp luật số 46 ngày 07/6/2016 có bài: “Có lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của tác giả Bùi Toàn. Nội dung:  Ngày 13/5/2016, trong khi các lái xe của Công ty đầu tư và xây dựng Phương Anh đang tổ chức thi công trên công trường làm đường Thái Hà tại thị trấn Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã bị 3 xe ô tô của Tổ thanh tra liên ngành, Tổng cục đường bộ  Bộ Giao thông vận tải do ông Hoàng Thế Lực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra, Tổng cục đường bộ Việt Nam xông vào công trường chặn đầu các xe của Công ty, đe dọa, cán bộ của đoàn này còn trèo lên giật tem kiểm định và tem phí bảo trì đường bộ của 2 xe mang BKS 27C-00454 và 29C-32550 mà không có quyết định xử lý hành chính nào. Được biết, Tổ công tác của ông Lực chỉ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra xe quá tải, cơi nới thùng hàng của xe ô tô ở 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên nhưng tổ này lại kiểm tra cả địa bàn tỉnh Thái Bình và vào cả khu vực công trường kiểm tra không có quyết định hay căn cứ pháp lý nào. Vì vậy, Công ty đầu tư và xây dựng Phương Anh có đơn đề nghị Công an và VKSND tỉnh Thái Bình cần điều tra về hành vi phạm tội  “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Tổ công tác này.
Yêu cầu VKSND tỉnh Thái Bình kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
6. Báo Công lý số 46 ngày08/6/2016 có bài: “Có căn cứ để xử lý hình sự” của tác giả  Cao Tỉnh. Nội dung: Năm 2012 vợ chồng anh Hoàng Đình Thắng và chị Nguyễn Thu Hương phải thi hành bản án dân sự trả nợ cho bà Lê Thị Thanh Thủy số tiền 390 triệu đồng. Khi tổ chức thi hành án Chi cục Thi hành án huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện kê biên 7 thửa đất và tài sản trên đất  của vợ chồng  anh Thắng, chị Hương trị giá lên đến hơn 8 tỷ đồng sau đó đem 7 thửa đất này đi bán đấu giá và người trúng đấu giá lại chính là bà Thủy và sau đó UBND huyện Mai Châu đã nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Thủy. Vợ chồng anh Thắng, chị Hương đã kiện Chi cục Thi hành án huyện Mai Châu ra Tòa án huyện. Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2015 ngày/DS-ST ngày 06/7/2015 đã tuyên Hợp đồng bán đấu giá tài sản của Chi cục Thi hành án huyện Mai Châu là vô hiệu vì trái pháp luật. UBND huyện đã hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Thủy, nhưng đến nay, Chi cục Thi hành án huyện Mai Châu vẫn không chịu hoàn trả các  giấy chứng nhân quyền sử dụng đất cho vợ chồng anh Thắng, chị Hương. TAND tối cao cũng có Văn bản  số 31/Cv ngày 09/2/2015 xác định việc làm của Chi cục Thi hành án huyện Mai Châu là vi phạm pháp luật. Theo Luật sư Nguyễn Quốc Dũng, Đoàn Luật sư Tp Hà Nội việc làm của Chi cục Thi hành án huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình là hành vi  xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp có dấu hiệu của tội “Ra quyết định trái pháp luật” cần được VKSND tỉnh Hòa Bình và Cục điều tra của VKSND tối cao kiểm tra để xử lý theo pháp luật.
Yêu cầu VKSND tỉnh Hòa Bình và Cục 1 kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
7. Báo Lao động điện tử ngày 09/6/2016 có bài: “Đồng Tháp: Tuyến dân cư 6 sai” của phóng viên báo. Nội dung: Việc UBND huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp thu hồi đất của  các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Sang  trú tại ấp Anh Dũng, xã Tân Thạnh A huyện Tân Hồng có quá nhiều vi phạm pháp luật vì lô đất của 2 hộ gia đình này không nằm trong quy hoạch, không đo đạc thực tế, không có quyết định thu hồi, áp dụng sai chính sách bồi thường, ban hành nhiều văn bản sai pháp luật nên khi gia đình ông Sang khởi kiện, qua xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp đã có Bản án số 13//2015/HC-PT ngày 14/12/2015, tuyên hủy 5 quyết định của UBND huyện Tân Hồng, yêu cầu phải bồi thường cho ông Lý, ông Sang theo đúng Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Như vậy, sau 6 năm theo đuổi vụ kiện, ông Sang, ông Lý đã được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bản án đã có hiệu lực pháp luật 6 tháng nhưng đến nay mặc dù đã có công văn của Chi cục Thi hành án huyện Tân Hồng nhưng UBND huyện Tân Hồng không chịu thi hành án với lý do còn xin khiếu nại giám đốc thẩm. Lý do này không chính đáng nên rất cần VKSND tối cao và các cơ quan chức năng kiểm tra xem xét để chỉ đạo đảm bảo cho việc công bằng trong xã hội.
Yêu cầu VKSND tỉnh  Đồng Tháp và và  Vụ 11 VKSND tối cao  kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
TH
Tìm kiếm