CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 09/10/2015 đến ngày 15/10/2015

16/10/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Bảo vệ pháp luật số 81 ngày 09/10/2015, có bài “Tại sao không khởi tố vụ án” của tác giả Như Ý. Nội dung: Cuối năm 2001, bà Ngô Thị Kim Phượng trú tại phường 4, quận 3, Tp Hồ Chí Minh thông qua môi giới đã bỏ ra số tiền 8 tỷ 850 triệu đồng để mua 17.000m2 đất của bà Phạm Thị Ánh...

 Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 09/10/2015 đến ngày 15/10/2015

1. Báo Bảo vệ pháp luật  số 81 ngày 09/10/2015, có bài “Tại sao không khởi tố vụ án”  của tác giả Như Ý. Nội dung: Cuối năm 2001, bà Ngô Thị Kim Phượng trú tại phường 4, quận 3, Tp Hồ Chí Minh thông qua môi giới đã bỏ ra số tiền 8 tỷ 850 triệu đồng để mua 17.000m2 đất của bà Phạm Thị Ánh trú tại phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh . Bà Ánh có trách nhiệm hoàn tất thủ tục pháp lý sang tên quyền sở hữu cho bà Phượng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài bà Ánh không làm được thủ tục pháp lý sang tên thửa đất này cho bà Phượng. Qua tìm hiểu bà Phượng mới được biết diện tích đất của bà Ánh bán cho mình đã nằm trong quy hoạch của Chính phủ thu hồi, không được phép chuyển nhượng nhưng bà Ánh  mặc dù đã biết đất quy hoạch không  sang tên trước bạ cho người khác được nhưng vẫn bưng bít thông tin để bán cho bà Phượng. Việc mua bán này được 2 bên khởi kiện dân sự. Tòa đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và cuối cùng đã đình chỉ vụ án dân sự. Đến nay đã hơn 10 năm bà Phượng không nhận lại được tiền đã giao cho bà Ánh. Bà Phượng làm đơn tố cáo bà Ánh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an Quận 9 đã thụ lý đơn và xác minh sau đó có quyết định không khởi tố vụ án. Về việc này ,nhiều Luật sư cho rằng việc không khởi tố hình sự bà Ánh có hành vi gian dối bán đất trong quy hoạch để chiếm đoạt gần 9 tỷ của bà Phượng đã cấu thành tội phạm cần được các cơ quan pháp luật của thành phố kiểm tra, xem xét lại..
Yêu cầu VKSND Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 271 ngày 10/10/2015, có bài “Hủy hoại tài sản trên 500 triệu đồng vẫn không bị sao?.”  của tác giả Võ Hà. Nội dung: Tháng 6/2011, bà Du Bạch Cúc, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nhật Hạ Tp Hồ Chí Minh ký hợp đồng thuê đất tại số B19/3 quốc lộ 1A, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh Tp Hồ Chí Minh của vợ chồng ông CNQ trong thời hạn 2 năm để làm trụ sở và kinh doanh nông sản, sắt thép. Công ty Nhật Hạ  đã xây trụ sở văn phòng và hoạt động kinh doanh tại địa chỉ này. Một thời gian  sau bà Cúc được biết giữa ông Q và bà H có xảy ra tranh chấp về khu đất này nên ngày 19/11/2011 và ngày 01/12/2011, phía bà H đã  cho xe cẩu phá sập bức tường làm hư hỏng nhiều vật dụng, tài sản của Chi nhánh Công ty, phá hủy tài sản của công ty  gây ra tổng thiệt hại là gần 1 tỷ đồng. Bà Cúc đã tố cáo hành vi hủy hoại tài sản của bà H đến cơ quan Công an  huyện Bình Chánh.  Ngày 26/11/2012, Công an huyện Bình Chánh đã điều tra và có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, sau đó chuyển hồ sơ đến VKSND huyện Bình Chánh để kiểm sát nhưng đến nay VKSND huyện cũng đồng ý không khởi tố vụ án vì cho rằng đây chỉ là vụ việc tranh chấp về dân sự. Một số Luật sư cho rằng trong khi tranh chấp đất đai giữa ông Q và bà H đang được Tòa án thụ lý giaỉ quyết nhưng chưa có quyết định giải quyết, bà H đã phá hủy tài sản cuả Công ty gây thiệt hại lớn là đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại tài sản”, việc Công an và VKSND huyện Bình Chánh thống nhất không khởi tố vụ án, bị can đối với bà H là chưa đúng pháp luật.
Yêu cầu VKSND Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Tiền phong  số 287  ngày 14 /10/2015, có bài “Vụ cháy tại chung cư Xa La, Hà Nội: Đủ cơ sở khởi tố vụ án”  của tác giả Trọng Đáng. Nội dung: Vụ cháy lớn xảy ra tại chung cư Xa La Hà Nội xảy ra vào tối ngày 11/10/2015, làm cháy hơn 290 chiếc xe máy của dân, làm nhiều người dân không có chỗ ở và gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Điều đáng nói là trước khi xảy ra vụ cháy, cuối năm 2014, phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy ở đây và chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư là Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên như: Chưa bố  trí đường ra, vào cho xe cứu hỏa, hành lang dài trên 60 mét tại các tầng chưa được lắp băng ngăn lửa, hệ thống báo cháy hoạt động không ổn định, công trình đưa vào sử dụng gần 4 năm nhưng hệ thống phòng cháy, chưa cháy chưa được nghiệm thu… Công ty đã bị xử phạt 133 triệu đồng và yêu cầu khắc phục ngay các sai phạm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không khắc phục nên đã để xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Vụ việc này có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự  đối với chủ đầu tư về tội “Vi phạm quy định về phòng chaý, chữa cháy”.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật Việt Nam số 288 ngày15/10/2015, có bài “ Việc tạm giam có hợp pháp?”  của tác giả Tuấn Ngọc. Nội dung: Ngày 13/10/2015, Đỗ Đăng Dư 17 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, thành phố  Hà Nội  bị Công an và VKSND huyện khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng về tội “Trộm cắp tài sản” và đưa vào giam tại Trại tạm giam số 3 Công an thành phố Hà Nội . Trong quá trình bị tạm giam, do rửa bát không sạch nên đã bị bị can Vũ Văn Bình cùng phòng giam đánh chết. Mặc dù bị can Bình đã bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng dư luận nhân dân yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ quản lý trại giam và một số luật sư cho rằng việc bắt tạm giam Đỗ Đăng Dư là người chưa thành niên trong khi chưa xác định rõ Dư trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng hay chỉ là 1,5 triệu đồng là trái quy định tại Điều 138 Bộ Luật hình sự, đồng thời  theo quy định của Điều 303 Bộ Luật Tố tụng hình sự đối với vị thành niên chỉ bị tạm giam khi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Do đó khi điều tra vụ án cần làm rõ vấn đề này để xác định trách nhiệm của người ký quyết định khởi tố, lệnh tạm giam và phê chuẩn tạm giam.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
PL
Tìm kiếm