1. Báo Tiền Phong số 262 ngày 19/9/2015 có bài “Không đủ căn cứ, tòa hủy toàn bộ án sơ thẩm” của tác giả Hoàng Thiên Nga. Nội dung: Ngày 02/7/2015 TAND huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm vụ án Trần Ngọc Trung bị truy tố và xét xử sơ thẩm vì có hành vi gí điện để giết vợ là là bà Như Thị Giang...
Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 18/9/2015 đến ngày 24/9/2015
1. Báo Tiền Phong số 262 ngày 19/9/2015 có bài “Không đủ căn cứ, tòa hủy toàn bộ án sơ thẩm” của tác giả Hoàng Thiên Nga. Nội dung: Ngày 02/7/2015 TAND huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm vụ án Trần Ngọc Trung bị truy tố và xét xử sơ thẩm vì có hành vi gí điện để giết vợ là là bà Như Thị Giang. Tòa đã tuyên phạt ông Trung mức án 2,5 năm tù giam và phải bồi thường cho bà Giang 28,6 triệu đồng. Ông Trung chống an kêu oan. Ngày 18/9/2015, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm vụ án. Tại tòa, ban đầu đại diện VKSND tỉnh đề nghị Tòa án tuyên y án sơ thẩm. Tuy nhiên, khi thực hiện tranh tụng tại Tòa Viện kiểm sát không bảo vệ được quan điểm truy tố, thừa nhận chứng cứ trong vụ án để kết tội ông Trung không vững chắc nên đã thay đổi quan điểm, đề nghị Tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại và VKSND tỉnh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 7, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo điện tử Dân Trí ngày 22/9/2015 có bài “Trả tự do cho một người bị truy tố” của tác giả Duy Nhân. Nội dung: Ngày 11/12/2014, Công an huyện Thới Bình , tỉnh Cà Mau có quyết định khởi tố và bắt tạm giam bị can Phạm Thanh Chệch về tội “Mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 BLHS. Ngày 17/4/2015, VKSND huyện Thới Bình có quyết định truy tố ông Chệch về tội danh trên. Khi chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án, Tòa thấy chứng cứ còn nhiều mâu thuần nên đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng Cơ quan Điều tra và VKSND huyện không bổ sung được chứng cứ theo yêu cầu. Ngày 11/9/2015, TAND huyện Thới Bình đã mở phiên tòa xét xử vụ án đã tuyên không đủ căn cứ kết tội bị cáo Chệch và trả tự do cho bị cáo ngay tại Tòa.
Yêu cầu VKSND tỉnh Cà Mau kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 4, Vụ 7, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 252 ngày 21/9/2015 có bài” Qua cầu đang tháo dỡ, cô gái mất tích”; số 253 ngày 22/9/2015 có bài “ Đã có dấu hiệu hình sự” của tác giả Hoàng Nam. Nội dung: Đêm 19/9/2015, em Trương Tấn Vũ chở bạn gái là Võ Hoàng Anh T, 18 tuổi ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đi từ huyện Đức Hòa về thị trấn Bến Lức, khi đi qua cầu tạm An Thạnh đang tháo dỡ đã bị lao xe xuống sông, Vũ đã bám được vào một thanh dầm cầu nên được cứu thoát còn T bị nước cuốn trôi đi mất tích. Đến chiều ngày 21/9/2015, người dân mới tìm thấy xác em T. Nguyên nhân xe của 2 em bị lao thẳng xuống sống là do nhà thầu thi công cầu là Công ty xây dựng Thế Toàn ở thành phố Hồ Chí Minh khi tháo dỡ cầu đã không làm rào chắn, không lắp đèn báo hiệu và cảnh báo từ xa nên em Vũ không biết là cầu đang tháo dỡ. Công ty này đã từng bị nhắc nhở nhiều lần vì không đảm bảo an toàn khi thi công nhưng không sửa chữa, khắc phục. Vì vậy, theo một số Luật sư và chuyên gia pháp luật hành vi này của bên có trách nhiệm thi công cầu đã có dấu hiệu cấu thành tội “Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” theo Điều 220 Bộ luật hình sự cần được xem xét để khởi tố.
Yêu cầu VKSND tỉnh Long An kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Công lý số 76 ngày 23/9/2015 có bài “Nhận tiền của Cơ quan điều tra có phạm tội không?” của tác giả Đỗ Văn Chỉnh. Nội dung: Năm 2009, anh Lê Minh Hiếu là Thẩm phán, Phó chánh án TAND huyện Tam Nông , tỉnh Đồng Tháp được phân công thụ lý xét xử vụ kiện dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn Y với bị đơn là ông Trần Văn Hoàng. Ông Hoàng đã nhiều lần gặp Thẩm phán Hiếu để ăn nhậu và nhờ giúp đỡ. Thẩm phán Hiếu đã có hành vi yêu cầu ông Hoàng phải đưa cho mình số tiền 30 triệu đồng thì sẽ xử vụ án đúng theo yêu cầu của ông Hoàng. Ông Hoàng đã chấp nhận yêu cầu của Thẩm phán Hiếu đồng thời gửi đơn đến Công an tỉnh Đồng Tháp để tố cáo hành vi đòi hối lộ này.Ngày 21/5/2009, khi ông Hoàng giao số tiền 30 triệu đồng cho Thẩm phán Hiếu thì bị Công an lập biên bản bắt quả tang, sau đó Thẩm phán Hiếu bị khởi tố về tội “nhận hối lộ”. TAND thành phố Hồ Chí Minh xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hiếu 5 năm tù giam. Bị cáo Hiếu chống án,ngày 28/4/2010, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm vụ án đã nhận định: “Lời khai của ông Hoàng không thống nhất, có nhiều mâu thuẫn… Số tiền 30 triệu đồng bị cáo nhận có căn cứ xác định là tiền của Cơ quan điều tra giao cho ông Hoàng đưa cho bị cáo” và tuyên giảm 1 năm tù cho bị cáo. Trong vụ án này với nhận định của Tòa cấp phúc thẩm như trên có nhiều ý kiến cho rằng Thẩm phán Hiếu không phạm tội, ông Hoàng không phải là bị hại nên Cơ quan pháp luật cấp trên cần kiểm tra, xem xét lại.
Yêu cầu Vụ 7 VKSND tối cao kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Tiền Phong số 267 ngày 24/9/2015 có bài “ Doanh nhân khiếu nại Viện kiểm sát lần thứ 5” của tác giả Sáu Nghệ. Nội dung: Năm 2011, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án ông Trương Huy Liệu và vợ là Trần Thị Dung, chủ Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Hưng ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và 3 cán bộ Hải quan về tội Buôn lậu. Vụ án này đã phát sinh nhiều quan điểm trái ngược nhau giữa Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và Kiểm lâm về việc các bị cáo có tội hay không có tội vì lô gỗ trắc không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu hay xuất khẩu, nhà nước không bị thiệt hại gì. Trong quá trình điều tra vụ án, lô gỗ bị tịch thu được coi là tang vật của vụ án trị giá hàng trăm tỷ đồng đã được Cơ quan điều tra đem bán với giá chỉ có 63,6 tỷ đồng và trích hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan là không đúng pháp luật. Ngày 30 và 31/10/2014, TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm vụ án thấy chưa đủ căn cứ buộc tội đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tháng 3/2015, Cơ quan điều tra có kết luận điều tra bổ sung nhưng không làm rõ được các yêu cầu của Tòa án. Đến nay, VKSND tối cao chưa có cáo trạng truy tố nên vợ chồng ông Liệu, bà Dung đã có đơn lần thứ 5 gửi Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị chỉ đạo Vụ 3 VKSND tối cao cho đình chỉ điều tra vụ án và bị can.
Yêu cầu Vụ 3 VKSND tối cao kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.