Báo Phụ nữ Việt Nam số 55ngày 08/5/2015 có bài “Cần làm rõ việc bức cung, nhục hình” của tác giả Lam Hồng. Nội dung: Khoảng 2h sáng ngày 16/7/2012, anh Đặng Văn Cường ở xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bị chết tại nhà, trước khi bị chết...
Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý về các tin báo nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 08/5/2015 đến ngày 14/5/2015
Báo Phụ nữ Việt Nam số 55ngày 08/5/2015 có bài “Cần làm rõ việc bức cung, nhục hình” của tác giả Lam Hồng. Nội dung: Khoảng 2h sáng ngày 16/7/2012, anh Đặng Văn Cường ở xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bị chết tại nhà, trước khi bị chết, anh Cường có nói với vợ là tối hôm đó có đi đánh nhau. Sau 2 tháng xảy ra cái chết của anh Cường, từ một lá đơn nặc danh, Công an huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã khởi tố và bắt giam Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang ở xã Bằng Cốc, Đặng Văn Tuyên ở xã Tân Thành huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, Đặng Việt Sơn ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái về tội Giết người.Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, các bị can liên tục kêu oan và tố cáo họ bị Điều tra viên đánh đập, dùng nhục hình và bức cung, chứng cứ trong hồ sơ này còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ nên đã có đến 14 lần Toà án mở phiên toà xét xử và 8 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cuối cùng Cơ quan điều tra đã chuyển tội danh cho các bị cáo từ tội Giết người sang tội Cố ý gây thương tích và khi bị hại có đơn bãi nại, Cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra đối với cả 5 bị can trên. Sau khi được trả tự do, 5 bị can đã kéo về Hà Nội để kêu oan.
Yêu cầu VKSND tỉnh Tuyên Quang kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, Cục 6 đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 117ngày 09/5/2015 có bài “Bị khởi tố vì… chưa trả được nợ” của tác giả Hoàng Yến- Nguyễn Đức. Nội dung: Ngày 24/11/2014, Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố và bắt tạm giam bà Ngô Minh Chiến ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ khi bị khởi tố đến nay, bà Chiến liên tục kêu oan và khẳng định việc khởi tố bà về tội danh trên là hình sự hoá quan hệ dân sự vì việc bà vay số tiền 9,4 tỷ đồng của ông Tuệ có ký hợp đồng vay mượn, đến ngày 25/4/2012, hai bên đã ký kết số nợ của bà với ông Tuệ là 3,8 tỷ đồng tiền nợ gốc, 978 triệu đồng tiền lãi và cam kết sẽ thanh toán hết số nợ cho ông khi ngân hàng giải ngân cho bà vay số tiền 26 tỷ đồng, bà không có hành vi gian dối khi vay tiền, không bỏ trốn, không có ý định chiếm đoạt tiền vay nên hành vi của bà không cấu thành tội phạm. Vì vậy một lãnh đạo Tỉnh uỷ Bình Phước cho biết sẽ kiến nghị Ban Nội chính tỉnh uỷ chỉ đạo xác minh lại vụ việc này để tránh oan sai.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao động số 104ngày 11/5/2015 có bài “Nhiều sai phạm nghiêm trọng” của tác giả Nhật Hồ. Nội dung: Kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đối với Trung tâm kỹ thuật và Tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu trong thời gian từ năm 2012 đến hết năm 2014 đã phát hiện rất nhiều sai phạm nghiêm trọng về quản lý kinh tế như: Thanh toán không có hoá đơn chứng từ gần 10 tỷ đồng, ăn chặn tiền công của người lao động hơn 600 triệu đồng, chi 553 triệu đồng cho doanh nghiệp Cẩm Nhung do bà
Lê Thị Lý làm giám đốc trong khi doanh nghiệp này không có quan hệ kinh tế gì với Trung tâm là có dấu hiệu tiêu cực…Vì vậy, Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ các vụ việc này sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh bạc Liêu để xem xét về hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 120ngày 12/5/2015, có bài “Kiểm sát viên chạy án được tha vì thành thật” của tác giả Trần Vũ. Nội dung: Tháng 3/2009, ông Q là Kiểm sát viên VKSND tỉnh Cà Mau bị tố giác về hành vi tham gia chạy án trong vụ án Lừa đảo qua mạng Colony Invesst. Ông Q đã có bản tường trình về vụ việc này và thừa nhận đã nhận của bà Th (là vợ của bị can trong vụ án) 3 lần tổng số tiền là 17 triệu đồng, trong đó đã đưa cho ông M là Thẩm phán TAND tỉnh 10 triệu đồng, ông M đã nhận tiền và hứa sẽ giúp đỡ bị can trong vụ án, 04 triệu đồng là tiền chi phí giao dịch, 03 triệu đồng là để mua quà cho lãnh đạo VKSND tỉnh xin cho bị can tại ngoại nhưng vì thấy lãnh đạo Viện rất cứng rắn nên ông đã trả lại cho bà Th, số tiền 04 triệu còn lại, ông đã chi phí mời ăn uống, mua cạc điện thoại…Theo ông Đàm Hoàng Vũ, Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của VKSND tối cao, Viện đã xử lý kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Q. VKSND tối cao đã cách chức Kiểm sát viên đối với ông Q và hình thức xử lý kỷ luật này là thoả đáng vì số tiền nhận không lớn, việc chạy án chưa thành, ông Q có thái độ khai báo thành thật nên không cần khởi tố hình sự. Tuy nhiên, theo ý kiến của Luật sư Trần Thị Ánh, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh thì vụ việc này cần phải điều tra việc nhận 10 triệu đồng của Thẩm phán M để xử lý về hình sự cả người nhận hối lộ, đưa hối lộ và ông Q là người môi giới hối lộ.
Yêu cầu VKSND tỉnh Cà Mau kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1B, Vụ 9, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao động số 106ngày 13/5/2015 có bài “Điều tra hai Công an nhận hối lộ để cho bị can tại ngoại” của tác giả Kiều Phan. Nội dung: Ngày 09/5/2015, ông Trần Minh Lợi trú tại thôn 4 xã Ea Bhốt, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cùng một số người dân đã gửi đơn tố cáo về việc 2 cán bộ Công an huyện là Đại uý Phạm Duy Khuê, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội và ma tuý cùng với Thượng uý Hoàng Đình Nam là Điều tra viên của Đội, khi thụ lý điều tra vụ án đánh bạc với số tiền thu trên chiếu bạc là 4,5 triệu đồng nhưng có đến 8 bị can bị khởi tố và bắt tạm giam. Thượng uý Nam đã đòi phải chi vài trăm triệu để giải quyết cho các bị can tại ngoại và thực tế Khuê và Nam đã nhận hối lộ của gia đình các bị can 110 triệu đồng, sau đó lần lượt 8 bị can đã được tại ngoại. Những người tố cáo đã gửi các băng ghi âm và chứng cứ về việc nhận hối lộ này đến các cơ quan pháp luật. Qua kết quả điều tra xác minh ban đầu, Giám đốc Công an tỉnh đã thừa nhận việc tố cáo của ông Lợi và một số người dân là có căn cứ.
Yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1B, Cục 6, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Về kết quả báo cáo, trả lời các vụ việc báo chí nêu có liên quan đến trách nhiệm giải quyết của ngành Kiểm sát.
Trong tuần, Văn phòng VKSND tối cao đã nhận được công văn trả lời về kết quả giải quyết các vụ, việc báo chí nêu có liên quan đến trách nhiệm giải quyết của ngành Kiểm sát của các đơn vị sau:
1/ Công văn số 667/VKS-P1A ngày 27/4/2015 của VKSND thành phố Hà Nội trả lời Thông báo số 152/TB-VKSTC-VP ngày 27/3/2015 của VKSND tối cao.
2/ Công văn số 135/BC-VKS- P1 ngày 20/4/2015 của VKSND tỉnh Bắc Giang trả lời Thông báo số 169/TB-VKSTC-VP ngày 03/4/2015 của VKSND tối cao.
3/ Công văn số 69/BC-VKS-P1 ngày 06/5/2015 của VKSND tỉnh Bình Phước trả lời Thông báo số 181/TB-VKSTC-VP ngày 13/4/2015 của VKSND tối cao.
4/ Công văn số 204/BC-VKS ngày 24/4/2015 của VKSND Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội trả lời Thông báo số 181/TB-VKSTC-VP ngày 13/4/2015 của VKSND tối cao.
Trang thông tin điện tử VKSND tối cao tiếp tục đăng kết quả giải quyết về các tin báo nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.
Thái Hưng