Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là đầu mối, căn cứ đầu tiên để cơ quan điều tra và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành thẩm tra, xác minh...
Liên ngành Công an – VKSND Tp. Hải Phòng phối hợp
công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là đầu mối, căn cứ đầu tiên để cơ quan điều tra và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành thẩm tra, xác minh. Trên cơ sở kết quả xác minh, các cơ quan này sẽ ban hành quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Do đó, hoạt động tiếp nhận, quản lý, xử lý các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xác định được tầm quan trọng của công tác này Lãnh đạo liên ngành Công an và Viện kiểm sát thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến công tác này.
Để đảm bảo việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện đúng quy định của pháp luật, có chất lượng và hiệu quả. Căn cứ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự về giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác tư pháp năm 2013; Quyết định số 1044/QĐ-BCA ngày 05/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra; Quy chế phối hợp số 01 ngày 18/7/2009 giữa Viện kiểm sát nhân dân và Công an thành phố Hải Phòng và một số cơ quan nhà nước khác trong công tác tiếp nhận giải quyết, quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố và Lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng thống nhất yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc hai ngành thực hiện một số quy định sau:
Trách nhiệm của Cơ quan điều tra: Sau khi nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra phải vào sổ thụ lý riêng rẽ tố giác, tin báo tội phạm để theo dõi, quản lý. Sổ thụ lý phải cập nhật đầy đủ các thông tin như: ngày tháng năm nhận tố giác, tin báo, nguồn tố giác, tin báo, tóm tắt nội dung, cán bộ thụ lý, ý kiến chỉ đạo giải quyết và kết quả giải quyết. Hàng tuần, Cơ quan điều tra gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp danh sách tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã được Cơ quan điều tra thụ lý để Viện kiểm sát thực hiện trách nhiệm kiểm sát theo quy định tại Khoản 4, Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự. Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn kiểm tra, xác minh theo quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu kết quả xác minh xác định không có dấu hiệu của tội phạm thì Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu liên quan phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ sau khi ra Quyết định, đồng thời báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm thì Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra để ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đồng thời phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên tiến hành điều tra vụ án. Mỗi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải lập hồ sơ riêng. Trong hồ sơ phải lưu giữ đầy đủ các tài liệu giải quyết kèm theo; khi có kết quả giải quyết Cơ quan điều tra phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người tố giác tội phạm biết.
Trách nhiệm của Viện kiểm sát: Viện kiểm sát sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải mở sổ thụ lý, cập nhật đầy đủ các thông tin và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra trong thời hạn 24 giờ để kiểm tra, xác minh giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức đã báo tin biết. Khi nhận được danh sách thông báo thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải vào sổ thụ lý riêng để theo dõi, quản lý. Sổ thụ lý phải cập nhật đầy đủ các thông tin như: ngày, tháng, năm Cơ quan điều tra nhận tố giác, tin báo, nguồn tố giác, tin báo, tóm tắt nội dung tố giác, tin báo; ngày tháng năm Viện kiểm sát thụ lý kiểm sát, ý kiến chỉ đạo giải quyết và kết quả giải quyết, cán bộ thụ lý. Sau đó Lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định phân công cán bộ hoặc Kiểm sát viên thụ lý kiểm sát giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu liên quan, Viện kiểm sát phải có văn bản đồng ý hoặc không đồng ý với Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra và hoàn lại hồ sơ để Cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tin báo và bảo quản hồ sơ. Kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm sát và phối hợp với Điều tra viên trong quá trình kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Quá trình kiểm tra, xác minh, Kiểm sát viên trao đổi bằng văn bản (không nhất thiết phải là công văn do Lãnh đạo ký) với Điều tra viên về những vấn đề cần làm rõ, nếu có vướng mắc thì cùng báo cáo Lãnh đạo hai ngành cho ý kiến chỉ đạo.
Chế độ phối hợp: Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cùng cấp thống nhất số liệu tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng. Đối với các vụ việc phức tạp, Điều tra viên và Kiểm sát viên thống nhất các nội dung để xin ý kiến chỉ đạo liên ngành, nếu có vướng mắc Lãnh đạo hai ngành tổ chức họp để thống nhất hướng giải quyết. Định kỳ 3 tháng một lần họp phối hợp hai cơ quan để rà soát tiến độ giải quyết, 6 tháng một lần họp Thủ trưởng hai ngành để rút kinh nghiệm những vấn đề liên quan trong công tác phối hợp. Trong quá trình phối hợp nếu có vướng mắc khó khăn các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an và Viện kiểm sát nhân dân thành phố tổng hợp báo cáo hai ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Phân công PC47 Công an thành phố Hải Phòng và Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng là đầu mối tham mưu và tổ chức thực hiện việc phối hợp theo nội dung trên.
P.V