CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số dạng vi phạm của cấp sơ thẩm dẫn đến cấp phúc thẩm sửa, hủy bán án sơ thẩm hình sự và giải pháp khắc phục

20/08/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ các vụ án có vi phạm dẫn đến cấp phúc thẩm sửa, hủy bản án sơ thẩm hình sự có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn xảy ra...

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ các vụ án có vi phạm dẫn đến cấp phúc thẩm sửa, hủy bản án sơ thẩm hình sự có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị. Để nâng cao hiệu quả và giảm tỷ lệ án bị sửa, hủy, chúng tôi nêu một số dạng vi phạm trong công tác này và đưa ra một số giải pháp.

1. Một số dạng vi phạm, thiếu sót

- Bản án bị sửa chủ yếu là sửa mức hình phạt tù, chuyển án tù giam sang cho hưởng án treo, chuyển án treo thành án tù giam, sửa về trách nhiệm dân sự cụ thể:

+ Những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo không được phát hiện, điều tra, thu thập (như: Bị cáo thuộc gia đình có công với cách mạng; thuộc diện xoá đói, giảm nghèo; bị cáo là lao động chính...) Tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử ghi nhận và xem xét những tình tiết mới phát sinh này, cho bị cáo được giảm nhẹ một phần hình phạt hoặc cho hưởng án treo...

+ Một số trường hợp, mức án do Hội đồng xét xử tuyên đối với bị cáo có sự chênh lệch so với đề nghị của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà. Mức hình phạt mà Hội đồng xét xử áp dụng đối với bị cáo là quá nhẹ, quá nặng hoặc cho bị cáo hưởng án treo không đúng, nên có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo quan điểm của Viện kiểm sát (Trong những năm gần đây, tỷ lệ kháng nghị của Viện kiểm sát được Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận và sửa bản án hình sự sơ thẩm của Toà án đạt tỷ lệ cao).

- Bản án bị cấp phúc thẩm huỷ án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, chủ yếu là do:

+ Có vi phạm tố tụng: Lập bản vẽ sơ đồ hiện trường vụ án không chính xác; vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường mâu thuẫn với lời khai bị cáo, nhân chứng, không có Kiểm sát viên tham gia; việc định tội hành vi vi phạm pháp luật có sự thiếu chính xác; tống đạt giấy triệu tập những người tham gia tố tụng không đúng quy định (chậm so với thời hạn luật định ít nhất là 10 ngày trước khi đưa vụ án ra xét xử); Biên bản phiên toà sơ thẩm bị chỉnh sửa (gạch, xoá) không có xác nhận hợp lệ...

+ Vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thiếu chính xác, chưa phù hợp quy định pháp luật, không có căn cứ; thành phần Hội đồng xét xử không đúng với quy định; bị can, bị cáo không có người bào chữa (trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa).

+ Cấp sơ thẩm điều tra vụ án chưa đầy đủ, bỏ lọt người phạm tội và tội phạm.

+ Không tổng hợp hình phạt trong trường hợp bị cáo có nhiều bản án chưa thi hành.

+ Xác định sai hoặc không đầy đủ tư cách tố tụng của những người tham gia tố tụng.

+ Cùng một hành vi phạm tội nhưng cấp sơ thẩm lại xử lý về nhiều tội...

+ Sau khi xét xử, Kiểm sát viên tham gia phiên toà không kiểm sát chặt chẽ biên bản nghị án và nội dung bản án.

+ Huỷ án để xác định lại tuổi của bị cáo, chủ yếu do bị cáo không có giấy khai sinh hoặc giấy tờ có liên quan khác để chứng minh, trong khi đó tài liệu điều tra thể hiện độ tuổi của bị cáo không thống nhất.

Như vậy, có thể thấy trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã điều tra không đầy đủ (vi phạm trong việc lập biên bản hiện trường, thu giữ vật chứng, nhận định tội danh…), bỏ lọt tội phạm. Trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên hụ lý vụ án không phát hiện ra những sai sót, vi phạm trên để khắc phục, Toà án cấp sơ thẩm trước và trong khi xét xử cũng không phát hiện, làm rõ. Những sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm dẫn tới khi bản án bị kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm phát hiện thấy những vi phạm trên của bản án sơ thẩm.     

2. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm của cấp sơ thẩm

Để xảy ra thực trạng trên, chủ yếu do một số nguyên nhân sau:

Năng lực, trình độ của một số Kiểm sát viên còn hạn chế nên khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiềm sát điều tra vụ án còn lúng túng, chưa bám sát được tiến độ điều tra, không kịp thời phát hiện những chứng cứ còn thiếu hoặc chưa phát hiện những vi phạm trong quá trình thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra kịp thời.

Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra vụ án chưa làm hết trách nhiệm; một số trường hợp như: Trưng cầu giám định trong trường hợp theo quy định pháp luật bắt buộc phải trưng cầu giám định nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện mà Kiểm sát viên không phát hiện kịp thời để ban hành yêu cầu điều tra hoặc việc xác định những vấn đề quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo trong một số loại án…

Một số đơn vị phân công Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án chưa phù hợp với trình độ, năng lực và kinh nghiệm; Lãnh đạo Viện trực tiếp chỉ đạo giải quyết án chưa sâu sát hoạt động của Kiểm sát viên kiểm sát điều tra, thiếu kiểm tra tiến độ nên hiệu quả chỉ đạo còn hạn chế và không kịp thời, do vậy, vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra chậm được khắc phục. Việc triển khai thực hiện chuyên đề nghiệp vụ còn mang tính hình thức.

Tính chất, thủ đoạn phạm tội của tội phạm ngày càng tinh vi, có nhiều bị can tham gia và hành vi phạm tội xảy ra, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; nhiều loại tội phạm mới xuất hiện, nhiều thủ đoạn phạm tội mới được thực hiện, nhiều vụ án liên quan đến các hoạt động chuyên ngành rất phức tạp hoặc có liên quan đến nước ngoài… trong khi hoạt động giám định ở một số lĩnh vực chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

3. Một số giải pháp khắc phục vi phạm của cấp sơ thẩm

Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng án có vi phạm dẫn đến cấp phúc thẩm sửa, hủy bản án sơ thẩm hình sự, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ của Kiểm sát viên; lựa chọn phân công Kiểm sát viên kiểm sát điều tra phù hợp (lưu ý khi phân công các Kiểm sát viên chưa có kinh nghiệm mới bổ nhiệm hoặc luân chuyển từ khâu công tác khác sang… ).

Hai là, Kiểm sát viên được phân công phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu để kiểm sát chặt chẽ việc phê chuẩn và chủ động đề ra yêu cầu điều tra. Phải bám sát tiến độ điều tra, đề ra yêu cầu điều tra nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót về chứng cứ hoặc vi phạm tố tụng. Trước khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên rà soát lại toàn bộ chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội và các thủ tục tố tụng đối với vụ án, bị can; khi cần thiết có thể trực tiếp cùng với Điều tra viên hỏi bản cung tổng hợp để đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ phạm tội của từng bị can trong vụ án. Đồng thời, khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu để kết luận hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án. Sau khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ, phát hiện kịp thời những mâu thuẫn trong vụ án; thực hiện việc phúc cung tổng hợp đối với từng bị can, nhất là đối với những bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chối tội, phản cung hoặc có mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để đề xuất đường lối xử lý vụ án, bị can có căn cứ và thận trọng.

Ba là, đối với từng vụ án bị Tòa án hủy, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ do trách nhiệm của Kiểm sát viên, cần nghiêm túc kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân.

Bốn là, khi kiểm sát một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên cần lưu ý: Các dạng vi phạm, sai sót thường gặp; yêu cầu điều tra cần làm rõ có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bị can không (có biểu hiện không bình thường về thần kinh …) Đối với vụ án có đông người tham gia hoặc liên quan, Kiểm sát viên cần thận trọng đánh giá chứng cứ để cùng Điều tra viên xác định diện khởi tố; cần thận trọng khi phê chuẩn khởi tố bị can đối với các tội phạm có cấu thành tội phạm có dấu hiệu gần giống nhau. Trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, quá trình giải quyết vụ án có khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, phương hướng điều tra, đường lối xử lý hoặc sự nhận thức khác nhau về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Liên ngành cùng cấp để thống nhất giải quyết; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành cấp trên./.

Nông Ngọc Hưng – Phòng 7 VKSND tỉnh Lạng Sơn

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Lạng Sơn)

 

 

Tìm kiếm