Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm các vụ án hình sự, trong thời gian qua, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội đã phát hiện và tổng hợp một số vi phạm trong công tác giải quyết án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, dẫn đến cấp phúc thẩm phải cải sửa, hủy án...
Một số dạng vi phạm pháp luật đã phát hiện trong công tác giải quyết án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm các vụ án hình sự, trong thời gian qua, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội đã phát hiện và tổng hợp một số vi phạm trong công tác giải quyết án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, dẫn đến cấp phúc thẩm phải cải sửa, hủy án. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Việc điều tra, thu thập chứng cứ trong một số vụ án chưa đầy đủ, chưa làm rõ những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự theo Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự: Một số vụ án giết người không quả tang, sau nhiều ngày mới phát hiện, nhiều đối tượng tham gia, nhiều tình tiết phức tạp, chứa đựng nhiều mâu thuẫn…Nhưng ở giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra không tiến hành đối chất để làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo, nhân chứng (vi phạm Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự); không thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường để có cơ sở lý giải, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc (vi phạm Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự); không trưng cầu giám định để xác định thời gian chết của nạn nhân; về cơ chế hình thành thương tích; đặc điểm, dấu vết trên các đồ vật nghi là hung khí gây án để so sánh với đặc điểm thương tích, dấu vết trên thi thể nạn nhân (vi phạm Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự)…
Có vụ giết người, cướp tài sản, bị cáo đem tài sản chiếm đoạt được (khuyên tai vàng, trâm bạc) gửi anh trai ruột, sau đó anh trai bị cáo đem bán số tài sản này cho 01 cửa hàng vàng bạc được 4.200.000 đồng. Bị cáo khai có đem số tiền này về đưa cho vợ nhưng vợ bị cáo không thừa nhận. Khi điều tra lại, bị cáo lại khai đem bán các tài sản nêu trên nhưng bị người xe ôm cướp mất. Các mâu thuẫn này không được Cơ quan điều tra truy nguyên, lý giải đầy đủ nên không đủ cơ sở giải quyết vụ án.
Nhìn chung, trong các vụ án về tội phạm “giết người” nêu trên, các thiếu sót, tồn tại trong quá trình giải quyết vụ án có nguyên nhân từ việc Cơ quan điều tra quá coi trọng chứng cứ từ lời khai của bị can; chưa coi trọng đúng mức việc thu thập chứng cứ từ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, dấu vết, tiến hành giám định. Do vậy nhiều vụ án không được khám nghiệm hiện trường kịp thời, đầy đủ; nhiều vật chứng không được thu giữ; nhiều tài liệu chứng cứ có mâu thuẫn nhưng không được lý giải, điều tra, xác minh để truy nguyên đến cùng…vì thế không đủ cơ sở để giải quyết vụ án.
Việc tiến hành các hoạt động điều tra như lấy lời khai, yêu cầu bị can, người liên quan viết bản kiểm điểm, bản tự kê khai có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng tố tụng: Nhiều bản tự khai, bản kiểm điểm của bị can được chép ra từ biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai với nội dung giống hệt như nhau (có bản kiểm điểm, bản tự khai còn chép nguyên văn cả câu hỏi của Điều tra viên), có dấu hiệu của việc mớm cung, ép cung, không khách quan, làm mất đi giá trị chứng cứ chứng minh của cá tài liệu này;nhiều bản tự khai, bản kiểm điểm của bị can không có chữ ký xác nhận của Điều tra viên (vi phạm Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự); biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng không phải do Điều tra viên tiến hành mà do cán bộ giúp việc điều tra thực hiện (vi phạm Điều 35, Điều 131 Bộ luật tố tụng hình sự); một số tài liêu, số bút lục bị tẩy xóa, đánh đi đánh lại nhiều lần (vi phạm quy định tại mục 20.2 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT ngày 07/9/2005 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng). Có vụ án, các bị cáo bằng thủ đoạn gian dối ký hợp đồng góp vốn để thực hiện dự án, đã chiếm đoạt tiền của trên 100 người bị hại. Biên bản ghi lời khai của các bị hại được Điều tra viên thực hiện dưới hình thức văn bản đánh máy. Trong đó, trừ dòng ghi họ tên người bị hại, số hợp đồng góp vốn và số tiền góp vốn để trống và được điền vào bằng chữ, số viết tay là khác nhau. Các phần còn lại các lời khai của trên 100 người này đều đánh máy và có nội dung trình bày giống hệt như nhau. Có biểu hiện cho thấy các lời khai này được nhân bản từ cùng một nguồn, không mang tính khách quan.
Vi phạm trong việc sử dụng, đánh giá chứng cứ dẫn đến xác định sai tội danh, sai khung hình phạt, bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt hành vi phạm tội.
Đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự: Có vụ án giết người, hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ, giết người chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhặt (khi 01 người làm cùng nhà hàng ăn uống với bị cáo té nước rửa nền nhà vô tình làm nước bẩn bắn lên quần áo của bị cáo dẫn đến cãi nhau, bị cáo đã lập tức dùng dao đâm chết người này). Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 mà áp dụng khoản 2 của Điều 93 Bộ luật hình sự để xét xử bị cáo là không phù hợp.
Có vụ án hiếp dâm, bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm đối với cùng một người bị hại (là con đẻ của bị cáo). Các hành vi hiếp dâm được thực hiện nhiều lần, mang tính liên tục, kế tiếp nhau ở nhiều thời điểm, tương ứng với 03 độ tuổi khác nhau của người bị hại (dưới 13 tuổi; từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Theo diễn biến thời gian, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Hiếp dâm trẻ em” theo Điều 112 Bộ luật hình sự, phạm vào hai khoản khác nhau là khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự - mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi và điểm c khoản 3 - hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần) và tội “Hiếp dâm” theo khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự. Theo khoa học pháp lý, trong trường hợp này không tách các hành vi để truy tố, xét xử bị cáo về hai tội khác nhau (Hiếp dâm trẻ em và Hiếp dâm) mà cần thu hút để truy tố và xét xử bị cáo về tội danh nặng nhất, theo khung hình phạt nặng nhất, đó là tội “Hiếp dâm trẻ em” theo điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự (với tình tiết “phạm tội nhiều lần”, có khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Đối với tình tiết một số hành vi phạm tội của bị cáo thực hiện ở thời điểm người bị hại dưới 13 tuổi và trên 16 tuổi sẽ được xem xét khi quyết định hình phạt. Bản án sơ thẩm tuy đã áp dụng Điều 112 Bộ luật hình sự nhưng lại áp dụng khoản 4 có khung hình phạt nhẹ hơn so với khoản 3 Điều 112 (từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình) để xét xử bị cáo là không phù hợp.
Có vụ án, khi xác định ngày, tháng, năm sinh của người bị hại, Tòa án cấp sơ thẩm không căn cứ vào các tài liệu có giá trị pháp lý (Giấy khai sinh, học bạ) đã thu thập được mà lại căn cứ lời khai của bố đẻ bị hại và người hàng xóm để xác định ngày, tháng, năm sinh của người bị hại, dẫn đến xét xử bị cáo sai khung, khoản của điều luật.
Có vụ án giết người, cướp tài sản, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội ở hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 (bị cáo dùng dao đe dọa, khống chế, gây ra thương tích 02% cho người bị hại, sau đó yêu cầu người bị hại đưa tài sản, rồi ép người bị hại uống thuốc ngủ). Giai đoạn 2 (sau khi lấy được tài sản đi ra ngoài, bị chồng của người bị hại phát hiện, bị cáo đã dùng dao đâm chết người chồng để tẩu thoát). Ngoài hành vi giết người ở giai đoạn 2, hành vi ở giai đoạn 1 của bị cáo chỉ phạm vào điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự về tội “Cướp tài sản” (sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm hoặc thủ đoạn khác). Cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử hành vi ở giai đoạn 1 của bị cáo về 2 tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 và “Cướp tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự là không đúng quy định của pháp luật.
Đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: Có vụ án, bị cáo là Kế toán phòng giao dịch của 01 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (doanh nghiệp nhà nước), bị Viện kiểm sát truy tố về hai tội là “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, bởi hai nhóm hành vi liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ thu nợ tiền vay, quản lý hồ sơ tài sản thế chấp, mở tài khoản tiền gửi và thanh toán rút tiền gửi cho khách hàng của bị cáo này. Bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần cáo trạng truy tố và tuyên bố bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”. Đối với nhóm hành vi bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Bản án sơ thẩm nhận định là có dấu hiệu phạm tội, nhưng lại cho rằng bị cáo không phải là đối tượng có chức vụ, quyền hạn, không phải là chủ thể của tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” nên đã tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nhận định nêu trên của Bản án sơ thẩm mâu thuẫn với chính nhận định khác cũng của Bản án này khi đánh giá và kết luận bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” (ở một nhóm hành vi khác), vì tội “Tham ô tài sản” cũng như tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đều thuộc nhóm tội phạm về chức vụ, chủ thể của các tội này đều phải là người có chức vụ, quyền hạn. Ngoài sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán nêu trên, trong trường hợp nhận định nhóm hành vi mà Việm kiểm sát truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” có dấu hiệu phạm tội nhưng không phải là tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, Tòa án cấp sơ thẩm phải xem xét tuyên hành vi phạm tội của bị cáo về một tội danh khác (nhẹ hơn hoặc bằng tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố). Còn trong trường hợp cho rằng hành vi pham tội của bị cáo có dấu hiệu của một tội khác nặng hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố thì Tòa án phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để yêu cầu điều tra bổ sung. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội trong trường hợp này là vi phạm Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hộ đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bỏ lọt tội phạm.
Có vụ tham ô tài sản, bị cáo là nhân viên trực tiếp thu ngân của Công ty điện lực (Doanh nghiệp Nhà nước) đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản của Công ty: Để ngoài sổ sách chứng từ thu, chiếm đoạt 12.455.624.000 đồng; làm giả 03 lệnh chi chuyển tiền từ tài khoản của Công ty vào tài khoản cá nhân của mình và một số đối tượng khác, chiếm đoạt 5.322.000.000 đồng. Tổng số tiền đã chiếm đoạt là 17.777.624.000 đồng. Bị cáo này đã bị cấp sơ thẩm truy tố, xét xử về tội “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo này có Giám đốc và Kế toán của Công ty. Tuy không thừa nhận đã bàn bạc với bị cáo (nhân viên thu ngân) về việc chiếm đoạt tiền của Công ty, nhưng Giám đốc Công ty với tư cách là chủ tài khoản đã ký các chứng từ chi khoản tiền lớn từ tài khoản của Công ty sang tài khoản cá nhân trái pháp luật. Kế toán Công ty không đối chiếu giữa hóa đơn với bảng kê các khoản chi, cùng với Giám đốc Công ty hợp thức hóa số liệu không đúng để báo cáo Công ty, tạo điều kiện cho nhân viên thu ngân chiếm đoạt số tiền rất lớn của Nhà nước. Với tư cách là Giám đốc - chủ tài khoản, là Kế toán theo dõi, giám sát việc thu chi, các đối tượng này phải biết và phải chịu trách nhiệm về các chứng từ chi, các khoản chi thanh toán liên quan đến tài khoản của Công ty. Trong trường hợp này, đối với Giám đốc và Kế toán của Công ty có căn cứ để kết luận đã đồng phạm với nhân viên thu ngân về tội “Tham ô tài sản”. Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử đối với 02 đối tượng (Giám đốc, Kế toán) về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qả nghiêm trọng” là đánh giá không đúng bản chất hành vi phạm tội của các bị cáo.
Có vụ án “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trực tiếp thực hiện tội phạm (là Giám đốc, Trưởng phòng và cán bộ phòng khách hàng của Ngân hàng) còn một số người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong Ngân hàng (Tổ trưởng Tổ quản lý rủi ro, Thành viên tham gia tổ thẩm định giá, Trưởng phòng kế toán, Tổ trưởng Tổ tiền tệ kho quỹ, Thủ quỹ) đã có hành vi làm trái các quy định của pháp luật về quy trình cho vay vốn (ký khống các biên bản, phiếu biểu quyết cho vay vốn, biên bản định giá, giấy nộp tiền và phiếu lĩnh tiền, thực hiện thu, chi tiền khống…), tạo điều kiện cho các bị cáo hoàn tất các thủ tục cho vay và đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cấp sơ thẩm không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự các đối tượng có liên quan này là thiếu kiên quyết trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bỏ lọt tội phạm .
Đối với tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính: Có vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, các bị cáo cấu kết với nhau tổ chức 06 lần cho 80 người trốn đi nước ngoài. Viện kiểm sát truy tố các bị cáo theo khoản 2 Điều 275 Bộ luật hình sự (phạm tội nhiều lần). Tòa án cấp sơ thẩm thẩm đã áp dụng Thông tư liên tịch số 09/2006/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài để xét xử bị cáo theo khoản 3 Điều 275 Bộ luật hình sự (gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng).
Việc áp dụng pháp luật nêu trên của tòa án cấp sơ thẩm là không đúng quy định, bởi lẽ: Thông tư 09 (nêu trên) chỉ hướng dẫn áp dụng cho hành vi tổ chức, cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép; không hướng dẫn áp dụng cho hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài. Cho đến nay cũng chưa có hướng dẫn về hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài. Trong trường hợp tội danh, điều luật của Bộ luật hình sự chưa có hướng dẫn thì về nguyên tắc, không được vận dụng các quy định của pháp luật hướng dẫn về hành vi, tội danh khác để áp dụng theo hướng làm tăng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Vi phạm của bản án sơ thẩm trong áp dụng pháp luật về hình sự
Về chế định “đồng phạm” : Trong một số vụ án, các bị cáo thực hiện tội phạm trong quan hệ đồng phạm. Bản án sơ thẩm đã nhận định, đánh giá vai trò của từng bị cáo, nhưng trong phần áp dụng pháp luật để quyết định tội danh và hình phạt không áp dụng Điều 20 Bộ luật hình sự (Đồng phạm) và Điều 53 Bộ luật hình sự (Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm) là căn cứ để phân định vai trò và cá thể hóa hình phạt.
Một số vụ án khác, các bị cáo trong vụ án phạm tội thuộc trường hợp đồng phạm; cấp sơ thẩm tuy có áp dụng Điều 20, Điều 53 Bộ luật hình sự nhưng chỉ áp dụng đối với bị cáo đồng phạm có vai trò thứ yếu, khi thấy cần xem xét giảm hình phạt, còn lại không áp dụng đối với các bị cáo đồng phạm khác, nhất là bị cáo có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Việc nhận thức và áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về đồng phạm như vậy là không chính xác. Vì áp dụng Điều 20, Điều 53 Bộ luật hình sự không chỉ nhằm xem xét để giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo mà trước hết có ý nghĩa xác định vị trí vai trò, mức độ tham gia của tưng bị cáo trong vụ án đồng phạm (vụ Nguyễn Bích Ngọc “Mua bán trái phép chất ma túy”).
Về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự
Có vụ án, các bị cáo phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, phạm tội có tổ chức. Bản án sơ thẩm đã đánh giá “vụ án có đồng phạm, có tổ chức” và không phải là tình tiết để định khung hình phạt. Bản án sơ thẩm cũng đã cân nhắc và quyết định mức hình phạt tương ứng với tình tiết nặng phạm tội có tổ chức, nhưng trong phần căn cứ pháp luật áp dụng để quyết định tội danh và hình phạt của Bản án sơ thẩm lại không áp dụng điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự quy định tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức”;
Có bị cáo, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đều không nhân tội mà cho rằng về ý thức chủ quan, bị cáo không biết bản chất của sự việc phạm tội nên không có lỗi, không phạm tội. Bản án sơ thẩm tuy đã kết tội bị cáo nhưng lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) theo điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Như vậy là mâu thuẫn và phản ánh không đúng ý thức chủ quan (chối tội) của bị cáo.
Về thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với bị cáo
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự, thời hạn tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù; trong trường hợp bị cáo có lệnh tạm giữ sau đó mới có lệnh tạm giam thì thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo phải được tính từ ngày bị tạm giữ.
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ như vậy, nhưng có một số bản án sơ thẩm khi tính thời hạn chấp hành hình phạt tù cho bị cáo chỉ tính từ ngày ra lệnh tạm giam, thiếu đi những ngày bị tạm giữ. Sai sót này ngoài việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa kiểm tra kĩ, cũng có một phần nguyên nhân do cơ quan điều tra không thực hiện việc trừ thời hạn tạm giữ vao thời hạn tạm giam trong lệnh tạm giam - vi phạm Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự.
Vi phạm quy định về xử lý vật chứng
Một số vụ án, bị cáo có những khoản tiền thu lợi bất chính do hành vi phạm tội mà có. Về bản chất, những khoản tiền này là vật chứng, trực tiếp liên quan đến tội phạm. Theo quy định của pháp luật (Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự) thì những khoản tiền này bắt buộc phải tịch thu xung quỹ nhà nước. Nhưng Bản án sơ thẩm lại nhận định cho rằng việc nộp lại các khoản tiền này là trách nhiệm dân sự mà các bị cáo, người có liên quan phải thực hiện, dẫn đến có trường hợp tuyên truy thu, có trường hợp tuyên trả lại, miễn không truy thu số tiền này. Do nhận định và quyết định không đúng như vậy dẫn đến việc bị cáo, người có liên quan kháng cáo đề nghị lấy lại, miễn nộp lại khoản tiền này, vì cho rằng không mang tính bắt buộc (vụ Bùi Kim Bình “Mua bán trẻ em”, vụ Nguyễn Văn Đôn “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, vụ Nguyễn Bích Ngọc “Mua bán trái phép chất ma túy”).
Vi phạm về xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng, bỏ sót người tham gia tố tụng
Một số vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng, như: Xác định sai tư cách người đại diện; nhầm lẫn giữa tư cách pháp nhân với tư cách cá nhân của người đại diện cho pháp nhân; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào tố tụng…(vụ Cà Văn Toán “Giết người” và “Cướp tài sản”, vụ Nguyễn Hữu Dũng “Lợi dụng tín nhệm chiếm đoạt tài sản”, vụ Ngô Văn Hanh “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, vụ Her Huyn Jae “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”).
Việc xác định sai hay bỏ sót người tham gia tố tụng dẫn đến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong vụ án không được đảm bảo theo quy định của pháp luật (mất quyền được trình bày ý kiến, quyền tham dự phiên tòa, quyền kháng cáo…), ảnh hưởng đến việc xem xét và quyết định trách nhiệm dân sự, xử lý tài sản, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội… Việc này được xác định thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (theo quy định tại Điều 168, Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ công an - Tòa án nhân dân tối cao).
Vi phạm trong thực hiện thủ tục xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm
Có vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm mở lần đầu sau khi thẩm vấn hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung. Sau khi có kết quả điều tra bổ sung, hồ sơ vụ án được chuyển sang tòa án và phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án được mở lần thứ hai, đã xét xử, nghị án và tuyên án đối với các bị cáo. Do nhận thức chưa đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục phiên tòa sơ thẩm nên tại phiên tòa sơ thẩm mở lần thứ hai này, Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ làm thủ tục phiên tòa để xem xét phần tình tiết mới điều tra bổ sung mà không tiến hành lại thủ tục từ đầu: Không có thủ tục công bố cáo trạng; không xét hỏi đối với các bị cáo về hành vi phạm tội, về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, về trách nhiệm dân sự… vi phạm nghiêm trọng quy định từ Điều 206 đến Điều 216 Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa (vụ Lê Kế Thông “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”).
Vi phạm về ra bản án không đúng với thực tế tuyên án tại phiên tòa
Có vụ án, mức án ghi trong Biên bản nghị án và trong Bản án sơ thẩm ban hành sau khi xét xử sơ thẩm lại cao hơn mức án mà Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên án công khai tại phiên tòa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm chưa làm tốt công tác kiểm sát bản án nên không phát hiện vi phạm để đề xuất kháng nghị (vụ Lê Danh Đạt “Giết người”).
Vi phạm trong việc tính án phí
Khi tính án phí dân sự trong vụ án hình sự, có bản án sơ thẩm còn tính thiếu, không đúng quy định cụ thể tại Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án (vụ Đỗ Đức Linh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”);
Có bản án sơ thẩm bỏ lọt, không tính án phí đối với người bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp với quy định của pháp luật và không được Tòa án chấp nhận, vi phạm điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án (vụ Lê Quang Tuấn “Hiếp dâm”);
Có bản án không buộc bị cáo phải chịu án phí cấp dưỡng, vi phạm khoản 4 Điều 14 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu trên (vụ Hoàng Xuân Huân “Giết người”).
Trên đây là một số dạng vi phạm trong công tác giải quyết án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, đã được phát hiện trong năm 2014. Viện Phúc thẩm 1 tổng hợp lại và thông báo để các đơn vị trong Ngành tham khảo, nhận diện rõ hơn về những dạng vi phạm đã xảy ra, tránh lặp lại những sai phạm tương tự, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự./.
TH