CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm của VKSND tỉnh Quảng Bình

23/04/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Bộ luật TTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã quy định thẩm quyền tham gia các phiên tòa dân sự của Viện kiểm sát được mở rộng hơn so với Bộ luật TTDS năm 2004...
Một số giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm
của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm của VKSND tỉnh Quảng Bình
Bộ luật TTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã quy định thẩm quyền tham gia các phiên tòa dân sự của Viện kiểm sát được mở rộng hơn so với Bộ luật TTDS năm 2004. Đó là Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần, tham gia các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Quyền hạn, trách nhiệm kiểm sát tuân theo pháp luật và phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm cũng được quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn. Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT ngày 01/8/2012 hướng dẫn về việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm (Điều 7), hướng dẫn về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm (Điều 8), hướng dẫn về trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm (Điều 10)…. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm.
Theo quy định của pháp luật, vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự không chỉ là kiểm sát trong phạm vi hoạt động xét xử của Tòa án, quan trọng hơn, việc tham gia phiên tòa là nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu nắm chắc hồ sơ vụ án, quá trình giải quyết của Tòa án, giúp cho Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
Để nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm, VKSND tỉnh Quảng Bình đề ra một số giải pháp sau:        
Nhóm giải pháp về nghiệp vụ.
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị tham gia phiên tòa: 
- Công tác kiểm sát tuân theo pháp luật tại phiên tòa dân sự sơ thẩm có đạt được mục đích đảm bảo Tòa án xét xử vụ án có căn cứ, đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào việc Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thụ lý, giải quyết vụ án phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ. Trường hợp giao cho Kiểm tra viên nghiên cứu hồ sơ thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải trực tiếp kiểm tra, nghiên cứu lại toàn bộ nội dung vụ án, đánh giá chính xác, khách quan chứng cứ và các tình tiết liên quan nhằm nắm chắc hồ sơ vụ án và trực tiếp chuẩn bị nội dung các văn bản tố tụng của Viện kiểm sát. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự là hành vi tố tụng do Kiểm sát viên được cử tham gia phiên tòa thực hiện trong thời hạn Bộ luật TTDS quy định (15 ngày) để nắm vững hồ sơ vụ án, xem xét đánh giá việc thẩm phán áp dụng, thực hiện các thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan vụ án. Do tính chất, mục đích của từng giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm khác nhau nên yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên Tòa cử Kiểm sát viên ở từng giai đoạn cũng khác nhau.
- Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, phiên tòa sơ thẩm là sự mở đầu của quá trình Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai sau khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc qua hòa giải các đương sự không thể tự giải quyết, thỏa thuận được với nhau. Hồ sơ kiểm sát phải cô đọng kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án do Tòa án lập, những văn bản tố tụng do Viện kiểm sát ban hành. Việc nghiên cứu hồ sơ có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng hiệu quả tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên. Vì vậy, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, phải đặt ra các câu hỏi và tìm tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án để trả lời. Người khởi kiện yêu cầu vấn đề gì, quan hệ pháp luật từ đó phát sinh tranh chấp là quan hệ gì? Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có đúng không? Tư cách của nguyên đơn, người khởi kiện, bị đơn, bị kiện trong vụ án, các yêu cầu của đương sự, các tình tiết khác liên quan đến vụ án như thế nào…? Bị đơn, bị kiện có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không? Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án và quan điểm giải quyết vụ án. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm là quan điểm của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm việc xét xử có căn cứ, đúng pháp luật.
- Tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thụ lý vụ án, việc thu thập chứng cứ, tài liệu; xác định tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Tòa án lập, việc thực hiện các thủ tục, hành vi, quyết định tố tụng của thẩm phán… Sau đó tổng hợp toàn bộ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ xem đã phản ánh nguồn gốc tài sản tranh chấp, yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt là phải hết sức chú ý các thủ tục tố tụng như thời hiệu khởi kiện, trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ, yêu cầu giám định, định giá tài sản, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời… đều phải được kiểm tra, kết luận có vi phạm hay không?
Tiêu chuẩn để xác định chứng cứ đã đầy đủ là chứng cứ đó đã xác định được đầy đủ các vấn đề cần phải chứng minh, chứng cứ đó đã đủ cơ sở bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như thế nào?
Chứng cứ hợp pháp là những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được thu thập theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Để khẳng định được chứng cứ có hợp pháp hay không, Kiểm sát viên phải kiểm tra từng loại nguồn chứng cứ và đủ cơ sở khẳng định nguồn chứng cứ đó là hợp pháp; đồng thời, kiểm tra thủ tục đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức giao nộp chứng cứ cho Tòa án để xác định chứng cứ đó là hợp pháp.
- Trên cơ sở nghiên cứu, kiểm tra nắm chắc nội dung vụ án, Kiểm sát viên thực hiện các thao tác nghiệp vụ tiếp theo trong quá trình chuẩn bị tham gia phiên tòa. Chuẩn bị nội dung hỏi, dự kiến và giải quyết các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Dự thảo phát biểu về việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tại phiên tòa; việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án. Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiểm sát về quan điểm giải quyết vụ án là nhằm tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ; định hướng phát hiện vi phạm của thẩm phán, Hội đồng xét xử để đối chiếu với nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử.
Nâng cao kỹ năng hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa:
- Kiểm sát thực hiện thủ tục tại phiên tòa: Kiểm sát viên phải kiểm sát việc thực hiện thời hạn mở phiên tòa; tư cách tham gia tố tụng của các thành viên Hội đồng xét xử; sự có mặt của những người tham gia tố tụng khác; theo dõi việc kiểm tra tên, tuổi, địa chỉ của các đương sự; việc hỏi nguyên đơn, người khởi kiện có thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu trước khi Hội đồng xét xử làm việc.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của thẩm phán, Hội đồng xét xử: Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc thực hiện thẩm quyền thụ lý vụ án; về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp; xác định tư cách pháp lý và mối quan hệ giữa những người tham gia tố tụng; giải quyết các vấn đề thay đổi, bổ sung hoặc rút một phần, toàn bộ yêu cầu khởi kiện; thủ tục thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn có thể làm thay đổi địa vị tố tụng của họ trong vụ án.
- Việc xác minh, thu thập chứng cứ vụ án dân sự; thủ tục, nội dung hòa giải trong vụ án dân sự; việc áp dụng, thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; việc giải quyết các trường hợp phải thay đổi hoặc từ chối tiến hành tố tụng; việc bảo đảm nguyên tắc xét xử; việc thực hiện các quyền thảo luận và quyết định về các vấn đề đương sự yêu cầu; việc kiểm sát viên đề nghị; giải quyết sự vắng mặt của nguyên đơn, bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, bị đơn.
- Kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Tập trung kiểm sát việc đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ được quy định tại các Điều 58, 59, 60, 61 Bộ luật TTDS; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng khác được quy định tại các Điều 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69 và Điều 70 Bộ luật TTDS.
- Kiểm sát viên tham gia hỏi: Trước khi tham gia hỏi, Kiểm sát viên lắng nghe các câu hỏi và nội dung trả lời, phân tích thông tin trong câu hỏi và câu trả lời của đương sự để xem xét vấn đề của vụ án đã được Hội đồng xét xử hỏi làm rõ hay chưa? Có chứng cứ mới phát sinh không? Theo quy định của Bộ luật TTDS, Kiểm sát viên có quyền hỏi về tất cả các vấn đề mà kiểm sát viên quan tâm nhưng chủ yếu tập trung hỏi những nội dung về việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng. Việc hỏi phải xét thấy thật cần thiết và gắn với nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, không lặp lại những câu hỏi Hội đồng xét xử đã hỏi hoặc những vấn đề liên quan đến nội dung vụ án đã được những người tham gia tố tụng giải thích rõ, trả lời đầy đủ.
- Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Kiểm sát viên cần tổng hợp đầy đủ kết quả hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và trả lời của đương sự, nội dung tranh luận đối đáp của những người tham gia tố tụng (Điều 232, 233 Bộ luật TTDS), qua đó, Kiểm sát viên rút ra kết luận quan hệ tranh chấp đã được Hội đồng xét xử làm rõ chưa? Việc thu thập chứng cứ, chứng minh đầy đủ chưa? Việc đánh giá chứng cứ có khách quan, toàn diện theo đúng Điều 96 Bộ luật TTDS không? Có định hướng có lợi cho một bên đương sự nào không? Có nội dung nào mới xuất hiện? Có vấn đề nào mâu thuẫn với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án? Các yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có căn cứ không? Nếu xuất hiện một trong những vấn đề trên và có dấu hiệu vi phạm thì Kiểm sát viên phải xem xét, xác định vi phạm, căn cứ pháp luật và mức độ vi phạm để phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử. Kiểm sát viên cũng có thể kiểm tra tính có căn cứ của các tài liệu trong hồ sơ (Điều 228 Bộ luật TTDS) và có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định so với tình tiết khác của vụ án (khoản 2 Điều 230 Bộ luật TTDS). Những vấn đề này nếu có căn cứ để xác định có vi phạm pháp luật thì Kiểm sát viên phải bổ sung kịp thời vào nội dung phát biểu tại phiên tòa. Trường hợp qua nội dung hỏi và tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát hiện đương sự vi phạm pháp luật nội dung liên quan đến tranh chấp dân sự nhưng Thẩm phán, Hội đồng xét xử chưa làm rõ, thì Kiểm sát viên phải phát biểu ý kiến đề nghị thẩm phán, Hội đồng xét xử thu thập đầy đủ chứng cứ, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện nhằm làm rõ vi phạm, lỗi của đương sự trong quan hệ tranh chấp.
Kiểm sát việc tuyên án và biên bản phiên tòa.
- Điều 239 Bộ luật TTDS quy định khi tuyên án mọi người trong phòng xét xử phải đứng dậy, trừ trường hợp đăc biệt được phép chủ tọa phiên tòa. Do đó khi chủ tọa phiên tòa tuyên án, Kiểm sát viên phải đứng dậy để nghe tuyên án. Đồng thời  phải thực hiện chức năng Kiểm sát việc tuân theo pháp luật nên cần cân nhắc biện pháp phù hợp để ghi nhận những ý chính của bản án, quyết định được tuyên để có căn cứ so sánh, đối chiếu với diễn biến phiên tòa, quan điểm đề xuất đã báo cáo lãnh đạo đơn vị.
Nghe Hội đồng xét xử tuyên bản án, Kiểm sát viên cần chú ý phần nội dung phân tích, nhận định về quan hệ tranh chấp, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ, lời khai tại phiên tòa, phần quyết định của bản án, chấp nhận hay bác toàn bộ, một phần yêu cầu của nguyên đơn, trường hợp bị đơn phản tố có được chấp nhận không, nếu chấp nhận thì buộc nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ gì.
- Kiểm sát biên bản phiên tòa:
Khoản 3 Điều 211 Bộ luật TTDS quy định: Kiểm sát viên được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản và ký xác nhận. Do đó khi phát hiện những sai lệch trong biên bản phiên tòa thì Kiểm sát viên phải yêu cầu thư ký phiên tòa sửa đổi, bổ sung theo quy định của Bộ luật TTDS.
Báo cáo kết quả phiên tòa:  Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo với lãnh đạo đơn vị các nội dung cơ bản là: sơ bộ diễn biến phiên tòa, những tình huống phát sinh so với  dự kiến trước phiên tòa và xử lý của kiểm sát đối với tình huống xẩy ra; các kiến nghị đối với Hội đồng xét xử được châp nhận, không được chấp nhận. Nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử, có nội dung nào không phù hợp với báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên với lãnh đạo đơn vị trước phiên tòa.
Đối với phiên tòa rút kinh nghiệm cần lưu ý: 
Sau phiên tòa, Viện kiểm sát tổ chức rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; cán bộ, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa. Nội dung rút kinh nghiệm gồm: 
- Việc nghiên cứu hồ sơ, lập hồ sơ kiểm sát, chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm; về tác phong, bản lĩnh nghiệp vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
- Nhận xét, đánh giá xem Kiểm sát viên đã thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát tại phiên tòa hay chưa? Phát hiện được đầy đủ, chính xác các vi phạm và kiến nghị HĐXX khắc phục chưa? Rút kinh nghiệm về nhận thức pháp luật, kỹ năng áp dụng trong việc phân tích đánh giá vi phạm, về việc giải quyết vụ án.
- Việc quán triệt và vận dụng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị trong quá trình kiểm sát tuân theo pháp luật tại phiên tòa, kiến nghị xử lý vi phạm, về việc thay đổi, bổ sung quan điểm giải quyết vụ án như thế nào?
- Rút kinh nghiệm về kết quả xét xử vụ án của Hội đồng xét xử và trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Nhóm giải pháp về quản lý chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất:  Tăng cường công tác cán bộ. Cần bố trí hợp lý Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự đáp ứng yêu cầu đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên và có chính sách khuyến khích, động viên để cán bộ, Kiểm sát viên yên tâm với nhiệm vụ mà lãnh đạo đơn vị đã phân công.
Thứ hai: Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các đơn vị. Lãnh đạo viên chú trọng quan tâm bố trí Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát án dân sự theo hướng chuyên trách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Kiểm sát viên tập trung nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giải quyết án dân sự. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, Kiểm sát viên. Đình kỳ 6 tháng, năm lãnh đạo viện phụ trách tiến hành kiểm tra chất lượng xây dựng hồ sơ kiểm sát, chất lượng nghiên cứu, báo cáo tham mưu đề xuất đường lối giải quyết; khả năng phát hiện vi phạm, tồn tại của Tòa án… của cán bộ, Kiểm sát viên để nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Thứ ba:  Đẩy mạnh công tác góp ý, xây dựng pháp luật. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự cần thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút ra những bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để kiến nghị đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự./.
TH
Tìm kiếm