CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

30/09/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tư pháp thực hiện việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND và công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân đối với hoạt động này. Nhìn chung, việc triển khai thi hành Pháp lệnh 09/2014 và Luật xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành kiểm sát nói riêng đều đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, khi thực hiện công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Viện kiểm sát nhận thấy vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên có những trường hợp bị áp dụng đối tượng là nữ giới, quá trình lập hồ sơ theo đề nghị quy định tại Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính thì không yêu cầu xem xét về vấn đề sức khỏe (có thai hay không) dẫn đến việc lập hồ sơ và ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đến khi thi hành quyết định thì đối thượng bị áp dụng trình báo về việc có thai thì xử lý như thế nào? Vì vậy cần quy định chi tiết, cụ thể về đối tượng áp dụng, cũng như việc lập hồ sơ đề nghị.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 04 ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định: “Sau khi những người tham gia phiên họp kết thúc tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và ý kiến của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính”. Như vậy, khi tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc lập hồ sơ, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (phát biểu về đường lối giải quyết). Để có thể phát biểu ý kiến cả về tố tụng và nội dung như nêu trên, đòi hỏi Kiểm sát viên phải nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát đầy đủ, đúng quy định của VKSND Tối cao, nắm chắc các quy định của pháp luật có liên quan, trên cơ sở đó đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc với lãnh đạo Viện bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Nhưng tại khoản 3 của Pháp lệnh số 09 quy định “Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó”. Vì thế, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ việc phải trực tiếp làm việc với Thẩm phán để “mượn hồ sơ” về phô tô nghiên cứu, đề xuất quan điểm với lãnh đạo Viện. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, về thẩm quyền của Viện kiểm sát: Tại khoản 2 Điều 4 của Pháp lệnh 09 quy định: “Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.” Tuy nhiên tại Chương III của Pháp lệnh lại không có điều luật quy định thành phần tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Do đó, trong quá trình Tòa án xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể mời hoặc không mời Viện kiểm sát tham gia, dẫn đến việc áp dụng Khoản 2 Điều 4 của Pháp lệnh chưa được thống nhất.

Thứ tư, về thẩm quyền kháng nghị, tại khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh số 09 quy định: “Cơ quan đề nghị có quyền kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật”. Pháp lệnh số 09 chỉ quy định thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp (cấp huyện) mà không quy định thẩm quyền xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (cấp tỉnh); Pháp lệnh cũng không quy định cơ chế xem xét lại quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, phát hiện sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hoặc phát sinh tình tiết mới (thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm) như trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Đây là hạn chế, bất cập rất lớn của Pháp lệnh số 09, bởi lẽ, Pháp lệnh giao cho Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhưng về thẩm quyền kháng nghị thì chỉ Viện kiểm sát cùng cấp mới có quyền kháng nghị, thời hạn xem xét kháng nghị cũng chỉ có 3 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định, còn Viện kiểm sát cấp trên không có thẩm quyền kháng nghị. Thực tế, trong trường hợp Viện kiểm sát cấp tỉnh phát hiện một số quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án cấp huyện có vi phạm nhưng do Viện kiểm sát cấp tỉnh không có thẩm quyền kháng nghị và cũng không còn thời hạn kháng nghị của cấp huyện nên không thể chỉ đạo, yêu cầu Viện kiểm sát cấp huyện kháng nghị. Do thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp (cấp huyện) đã hết, còn Viện kiểm sát tỉnh không có thẩm quyền kháng nghị nên khi phát hiện vi phạm, Viện kiểm sát tỉnh chỉ có thể ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, kiến nghị trong trường hợp này chỉ để rút kinh nghiệm và phòng ngừa vi phạm tương tự tái diễn vì kiến nghị của Viện kiểm sát không làm phát sinh trình tự, thủ tục xem xét lại quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, do đó không thể khắc phục được vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm.

Những hạn chế, bất cập như nêu trên của Pháp lệnh số 09 và Luật xử lý vi phạm hành chính không chỉ gây gây lúng túng cho Tòa án trong quá trình thực hiện việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, gây khó khăn cho Viện kiểm sát khi thực hiện công tác kiểm sát tuân theo pháp luật mà còn ảnh hưởng và xâm phạm trực tiếp đến các quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Trong thời gian tới, đề nghị các cấp có thẩm quyền cần có rà soát, điều chỉnh các quy định của pháp luật, hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong nhận thức và áp dụng khi kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

Quỳnh Huệ - VKSND huyện Tiền Hải (vksndthaibinh.gov.vn)
Tìm kiếm