CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa đối với tội phạm có tổ chức về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

20/07/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra phổ biến, diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng, về quy mô và mức độ thiệt hại, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong điều kiện công tác quản lý nhà nước có nhiều hạn chế, pháp luật còn nhiều khe hở, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, tài chính ngân hàng, quản lý các giao dịch dân sự là điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Bài viết phân tích thủ đoạn mới xuất hiện của tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn Thủ đô, từ đó đưa ra một số kiến nghị và giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới.

Quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm trong các năm từ cuối 2019 đến đầu 2020, Phòng 2 - VKSND thành phố Hà Nội đã thụ lý nhiều tố giác, tin báo từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (ngân hàng) tố giác thủ đoạn của một nhóm có nhiều đối tượng tham gia với vai trò chủ mưu, cầm đầu, thực hành và có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện để cùng thực hiện nhiều vụ án LĐCĐTS với tổng trị giá tài sản bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng, xảy ra trên địa bàn nhiều quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội.

1. Thủ đoạn mới của nhóm tội phạm LĐCĐTS thể hiện dưới một số hình thức như sau:

- Thứ nhất: Thông qua các trang web mua, bán bất động sản như: chotot.com, batdongsan.com… đối tượng tìm hiểu thông tin về chủ sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây được viết tắt là GCNQSDĐ) cần bán. Sau đó, các đối tượng liên lạc và giới thiệu bản thân với nhiều tên khác nhau, đóng giả là người đi mua đất, yêu cầu chủ sở hữu chụp ảnh GCNQSDĐ gửi hình ảnh cho đối tượng. Sau khi có đầy đủ thông tin của người có tên trên GCNQSDĐ, nhóm đối tượng sẽ làm giả GCNQSDĐ, đồng thời làm giả các giấy tờ về nhân thân như giả chứng minh nhân dân (CMND) của chủ đất, giả các giấy xác định tình trạng hôn nhân, sổ hộ khẩu. Sau đó, đối tượng cầm đầu trực tiếp lên hệ với chủ đất để hẹn gặp thoả thuận việc mua bán. Quá trình tiếp cận với chủ đất, nhóm đối tượng thường đi từ 02 người để tránh sự nghi ngờ. Sau đó, lợi dụng lúc sơ hở, các đối tượng đã đánh tráo GCNQSDĐ giả chuẩn bị từ trước để lấy GCNQSDĐ thật. Ngay sau khi thoả thuận với chủ đất, đối tượng lấy cớ sẽ bàn bạc thêm và đặt cọc sau. Khi có GCNQSDĐ thật, đối tượng cầm đầu sẽ phân công các đối tượng để tìm người có độ tuổi, giới tính phù hợp với chủ đất rồi làm các thủ tục như: làm giả dấu vân tay, ảnh... Khi có đầy đủ các giấy tờ đã làm giả và GCNQSDĐ thật, nhóm đối tượng sẽ tìm người mua. Bọn chúng sẽ tìm các Văn phòng công chứng để làm hợp đồng chuyển nhượng một cách hợp pháp. Tại các Văn phòng công chứng, các Công chứng viên không đủ phương tiện, kỹ thuật để kiểm tra xem giấy tờ đó là giả hay thật và cũng không kiểm tra kỹ các đối tượng đóng giả chủ đất như CMND, các thông tin về tài sản hoặc các thông tin khác mà nhanh chóng làm thủ tục công chứng cho các bên. Với thủ đoạn như trên, nhóm đối tượng thực hiện được 11 vụ án lừa đảo và đã chiếm đoạt được số tiền hàng chục tỷ đồng. 

- Thứ hai: Đối tượng L (cầm đầu) tự giới thiệu bản thân có khả năng vay tiền được hưởng lãi suất thấp tại Ngân hàng, bằng hình thức thế chấp sổ đỏ. Sau khi người vay tiền đưa cho L sổ đỏ, L bàn bạc và phân công các đối tượng trong nhóm làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất để đóng giả và giả danh ký Hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố cho người khác hoặc mang thế chấp Ngân hàng để vay tiền nhằm mục đích chiếm đoạt tiền. Với thủ đoạn này, L và đồng bọn đã thực hiện được 03 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng.

- Thứ ba: Cũng như thủ đoạn thứ nhất, sau khi tìm hiểu thông tin về chủ sở hữu GCNQSDĐ cần bán, L giả là người đi mua đất rồi yêu cầu chủ sở hữu chụp ảnh GCNQSDĐ gửi cho L để L và đồng bọn làm giả. Sau đó, L đã bàn bạc phân công để cho các đối tượng khác làm giả giấy tờ tùy thân (Giấy CMND, Sổ hộ khẩu…) của chủ đất để sau đó giả danh chủ đất ký Hợp đồng đặt cọc, hứa hẹn chuyển nhượng bán cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tiền. Với thủ đoạn này, nhóm đối tượng đã thực hiện được 02 vụ trên địa bàn huyện ở thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, thủ đoạn của nhóm đối tượng này hết sức tinh vi vì các giấy tờ sử dụng đều là làm giả, do đó nếu khi  phát hiện ra thì cũng khó để truy vết các đối tượng phạm tội. Hầu hết trong các vụ án trên, khi Cơ quan điều tra tiến hành điều tra xác minh thì chủ sở hữu tài sản mới biết tài sản của mình đã bị giao dịch, chuyển nhượng, trong khi đó họ vẫn đang giữ GCNQSDĐ giả. Trong 11 vụ án lừa đảo sử dụng các thủ đoạn trên, đối tượng cầm đầu, chủ mưu thường không xuất hiện và không để lại dấu vết. Các đối tượng trong nhóm phần lớn là những người có trình độ nhận thức hạn chế nhưng vì hám lợi nên đã cung cấp ảnh, vân tay cho L để làm giả, có những vụ án các đối tượng này trực tiếp ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc nhận tiền đặt cọc. Số tiền nhận được ngay sau đó được chuyển cho đối tượng L, sau đó L sẽ chia cho các đối tượng tham gia nhưng không đáng kể. Khi nhóm đối tượng trên bị phát hiện, đối tượng L chưa bị bắt và vẫn sử dụng thủ đoạn trên để tiếp tục thực hiện tội phạm LĐCĐTS. Các đối tượng bị bắt là các đồng phạm của L hiện đã bị khởi tố và điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Một số kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa:

a. Kiến nghị:

- Một là, Thủ đoạn mà nhóm các đối tượng trên sử dụng hết sức tinh vi, xảo quyệt, có sự tính toán rất kỹ và đây là thủ đoạn mới của loại tội phạm này. Bọn chúng đã lợi dụng kẽ hở trong quá trình thực hiện việc công chứng các Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, Hợp đồng đặt cọc để mua tài sản tại các Văn phòng công chứng. Để phát hiện và ngăn chặn hành vi phạm tội, các Văn phòng công chứng cần kiểm tra kỹ về nhân thân của người giới thiệu là chủ tài sản, quan hệ với người đi cùng .Yêu cầu họ nói rõ về các thông tin đối với tài sản cần chuyển nhượng. Việc ký kết các Văn bản giấy tờ phải được thực hiện tại Văn phòng Công chứng. Do đó, trước khi thực hiện việc công chứng, các Công chứng viên phải kiểm tra kỹ các thông tin được công chứng trên hệ thống quản lý chung và thường xuyên phải cập nhật.

- Hai là, hệ thống Ngân hàng cần quản lý chặt trẽ đối với đối tượng làm thủ tục vay tiền và thế chấp tài sản thông qua việc xác minh nguồn gốc tài sản thế chấp, người thế chấp và mục đích sử dụng. Thủ tục mở tài khoản tại các Ngân hàng cần có sự kiểm soát vì trên thực tế các đối tượng đã sử dụng CMND được làm giả để cùng lúc mở nhiều tài khoản tại các Ngân hàng. Sau đó bán lại các tài khoản đã mở cho các đối tượng khác sử dụng vào mục đích rửa tiền hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng khi phát hiện ra thì không truy vết được đối tượng phạm tội do sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản.

- Ba là, liên ngành Trung ương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với một số loại tội mới được quy định trong BLHS như Điều 291 “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hoá trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Vì nhóm tội phạm này đã sử dụng tài khoản là một công cụ để thực hiện các tội phạm khác, hậu quả của nó là vô cùng nghiêm trọng.

b. Giải pháp:

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

- Thứ nhất, thủ đoạn mới do nhóm tội phạm trên sử dụng cũng là do bọn chúng đã lợi dụng sự sự bất cẩn, sơ hở và chủ quan của chủ sở hữu tài sản, vì muốn bán tài sản không thông qua môi giới và các Văn phòng giao dịch nên đã chụp ảnh GCNQSDĐ gửi hình ảnh cho bọn chúng qua mạng Zalo; Facebook... với đầy đủ cả tên tuổi, địa chỉ. Nhóm tội phạm này đã sử dụng sự phát triển của công nghệ để làm giả các Giấy tờ đó, sau đó sử dụng để đánh tráo. Do vậy, cần tuyên truyền để nhân dân biết và nâng cao cảnh giác khi chuyển tải các thông tin về tài sản của mình, cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS.

Xuất phát từ bản chất hành vi của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội LĐCĐTS đó là sử dụng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản tin nhầm mà trao tài sản cho đối tượng để đối tượng chiếm đoạt, vì thế công tác tuyên truyền phải gắn với những người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản này với những nội dung cụ thể. Đây là nhiệm vụ thiết thực nhất mà công tác này cần đạt được.

- Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS. Thông qua hoạt động phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm LĐCĐTS trong những năm qua cho thấy, ở nhiều địa bàn, trong nhiều lĩnh vực kinh tế còn bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo quản tài sản, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và xuất khẩu lao động. Do đó, trước hết, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong những lĩnh vực này để hạn chế những sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng phạm tội LĐCĐTS có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

- Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm trong hoạt động thu thập, xử lý thông tin tài liệu phản ánh về tội phạm LĐCĐTS. Sử dụng tốt hệ thống mạng lưới thông tin trinh sát để phát hiện thông tin kịp thời. Sau khi đã tiếp nhận tin báo, phải nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ buộc tội bằng những hoạt động như: xác minh qua người báo tin, bị hại, người làm chứng, lấy lời khai ban đầu, khám xét… tránh để đối tượng tiêu hủy tài liệu chứng cứ cũng như tẩu tán tài sản có được từ hoạt động phạm tội.

-  Thứ tư, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mà đối tượng phạm tội mang tính có tổ chức. Phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành, các ngành thông tin đại chúng để cập nhật kịp thời và tuyên truyền cho nhân dân để mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua công tác phối hợp này để chủ động phát hiện sớm tội phạm LĐCĐTS cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân

Trên đây là một số thủ đoạn mới xuất hiện do nhóm tội phạm có tổ chức đã thực hiện nhiều vụ LĐCĐTS với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội và các quận huyện khác trên địa bàn thủ đô khởi tố, điều tra và đã chuyển VKSND thành phố Hà Nội để truy tố, xét xử. Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án LĐCĐTS trên, cũng thấy được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đồng thời đưa ra những kiến nghị và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm LĐCĐTS.

Võ Thị Bích Hà - Phòng 2

(vkshanoi.gov.vn)
Tìm kiếm