Từ thực tiễn kiểm sát thi hành án dân sự và kết quả ban hành văn bản kiến nghị, kháng nghị của các Viện kiểm sát địa phương, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự VKSND tối cao đã rút ra một số kinh nghiệm trong phát hiện vi phạm pháp luật và ban hành kiến nghị, kháng nghị đối với Cơ quan thi hành án dân sự...
Một số kinh nghiệm khi thực hiện công tác kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự
Từ thực tiễn kiểm sát thi hành án dân sự và kết quả ban hành văn bản kiến nghị, kháng nghị của các Viện kiểm sát địa phương, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự VKSND tối cao đã rút ra một số kinh nghiệm trong phát hiện vi phạm pháp luật và ban hành kiến nghị, kháng nghị đối với Cơ quan thi hành án dân sự. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Trong việc phát hiện vi phạm
Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công cần mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm và thường xuyên cập nhật, phản ánh đầy đủ, chính xác các vi phạm đã phát hiện; ghi chép khoa học, đảm bảo dễ tổng hợp; việc giao, nhận quyết định thi hành án dân sự phải được vào sổ theo dõi nhận quyết định và có chữ ký của cán bộ giao. Số thứ tự nhận quyết định và ngày nhận quyết định phải được thể hiện ngay trên góc phải của quyết định để thuận tiện cho việc kiểm sát quyết định (bao gồm cả việc tính thời hạn kháng nghị) của Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ kiểm sát; kiểm sát chặt chẽ các quyết định thi hành án ngay từ đầu bằng việc so sánh nội dung bản án, quyết định của Tòa án với nội dung quyết định thi hành án bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kịp thời phát hiện vi phạm; Đối với các việc thi hành án có khiếu nại của đương sự cần nghiên cứu, chủ động kịp thời ban hành văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cung cấp hồ sơ để thực hiện kiểm sát. Đối với mỗi trường hợp phát hiện vi phạm thông qua trực tiếp kiểm sát cần kịp thời lập biên bản xác định thời điểm xảy ra việc vi phạm, thời điểm phát hiện vi phạm nhằm đảm bảo thực hiện kháng nghị đúng hạn luật định. Khi phát hiện có vi phạm, cán bộ, KSV được phân công nghiên cứu phải báo cáo lãnh đạo Viện để có hướng xử lý kịp thời, tránh tình trạng nể nang, xuề xòa. Đồng thời, đề xuất quan điểm xử lý và có ý kiến bằng văn bản. Lãnh đạo Viện cần tổ chức thảo luận, lấy ý kiến trước tập thể và cân nhắc quyết định.
Trước khi ban hành kiến nghị, kháng nghị
Cán bộ, Kiểm sát viên nắm chắc các tài liệu có trong hồ sơ thi hành án và các tài liệu khác thu thập được trong quá trình kiểm sát; thận trọng đối chiếu quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành…để định dạng chính xác vi phạm, từ đó áp dụng đúng căn cứ; bám sát vào Luật thi hành án dân sự, các luật, Bộ luật liên quan khác, Quy chế và các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ thi hành án dân sự để làm cơ sở khẳng định có hay không có vi phạm; kiểm tra, xem xét kỹ thời hạn kháng nghị theo quy định của Luật thi hành án dân sự (Khoản 2 Điều 160). Trường hợp phức tạp và có nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan ban ngành liên quan, cần báo cáo và tranh thủ ý kiến của VKS cấp trên trực tiếp trước khi ban hành kháng nghị nhằm hạn chế tối đa việc rút kháng nghị.
Nội dung kiến nghị, kháng nghị
Để đảm bảo tính chính xác và có căn cứ của văn bản kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu nội dung kiến nghị, kháng nghị phải được thực hiện đúng quy định tại Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự (ban hành kèm theo Quyết định 255/QĐ-VKSTC-V10 ngày 19/6/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao). Văn bản kiến nghị và kháng nghị phải có nội dung rõ ràng, phân tích, chứng minh khúc chiết và đủ căn cứ. Phần nhận định: Xác định và chỉ rõ vi phạm pháp luật, hệ quả của vi phạm, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức…, vi phạm điều,khoản cụ thể của luật hoặc các văn bản pháp lý có liên quan và viện dẫn chính xác điều khoản này để làm rõ vi phạm. Phần kết luận: Nêu rõ yêu cầu đối với đối tượng bị kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục vi phạm.
Sau khi ban hành kiến nghị, kháng nghị
Cần theo dõi việc phúc đáp của cơ quan bị kiến nghị, kháng nghị; Theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị, kháng nghị và định kỳ 06 tháng hoặc 01 năm tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện các yêu cầu kiến nghị, kháng nghị của VKS (phúc tra) trong việc khắc phục vi phạm của đối tượng kiểm sát. Trường hợp kiến nghị, kháng nghị được chấp nhận một phần hoặc không được chấp nhận: Cá nhân hoặc cơ quan tham mưu khi nhận được văn bản không chấp nhận kháng nghị của cơ quan bị kháng nghị cần nghiên cứu, xem xét kỹ các lập luận, lý lẽ của cơ quan bị kháng nghị. Thực sự cầu thị khi thấy kháng nghị, nội dung kháng nghị thiếu căn cứ, có sai sót để báo cáo đồng chí lãnh đạo Viện đã ký kháng nghị cân nhắc, rút kháng nghị. Đối với trường hợp còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau thì đưa ra tập thể lãnh đạo Viện quyết định hoặc đề nghị VKS cấp trên hỗ trợ. VKS cấp trên cần trực tiếp nghiên cứu cả hồ sơ thi hành án để quyết định bảo vệ hoặc không bảo vệ kháng nghị. Trường hợp cần thiết, cần thực hiện việc xác minh một số căn cứ chứng minh vi phạm, tổng hợp các vi phạm từ nội dung, hình thức trong việc thi hành án. Kiên quyết bảo vệ kiến nghị, kháng nghị của VKS cấp dưới nếu kiến nghị, kháng nghị đúng, có căn cứ. Trường hợp vẫn không được đơn vị bị kiến nghị, kháng nghị chấp nhận phải xem xét lại và báo cáo bằng văn bản đối với VKS cấp trên để có biện pháp kiến nghị với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới thực hiện.
Một số lưu ý khác
- Thực hiện kiểm sát thi hành án dân sự chặt chẽ từ khâu ban hành, gửi bản án, quyết định của Tòa án cho đến khi kết thúc thi hành án để kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm (nếu có);
- VKSND cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ với Phòng kiểm sát thi hành án dân sự, VKSND tỉnh để thống nhất về đường lối giải quyết, từ đó có cơ sở để bảo vệ kháng nghị của cấp huyện; VKSND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Vụ kiểm sát thi hành án dân sự, VKSND tối cao để thống nhất về đường lối giải quyết, từ đó có cơ sở để bảo vệ kháng nghị của cấp tỉnh.
- Trong quá trình kiểm sát cần áp dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát sao cho phù hợp với tình hình thực tế, sớm phát hiện vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, kịp thời ban hành văn bản kiến nghị, kháng nghị để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
- Kiến nghị, kháng nghị phải được gửi đầy đủ cho VKSND cấp trên để theo dõi.
- Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 13/6/2012 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân và Quyết định số 62/QĐ/VKSTC ngày 22/02/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu của Quyết định số 297/QĐ-VKSTC và chỉ tiêu trong Nghị quyết số 37 của Quốc hội.
- Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong kiểm sát thi hành án dân sự và sử dụng có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh làm rõ để kháng nghị, kiến nghị khi phát hiện có vi phạm.
TH (biên tập)