Nhằm khắc phục kịp thời những sai phạm trong quá trình điều tra vụ án về tín dụng, ngân hàng, bảo đảm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can có căn cứ và đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, VKSND tối cao thấy cần đưa ra một số kinh nghiệm về THQCT và KSĐT loại án trong lĩnh vực này...
Một số kinh nghiệm về Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra các vụ án về tín dụng, ngân hàng
Nhằm khắc phục kịp thời những sai phạm trong quá trình điều tra vụ án về tín dụng, ngân hàng, bảo đảm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can có căn cứ và đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, VKSND tối cao thấy cần đưa ra một số kinh nghiệm về THQCT và KSĐT loại án trong lĩnh vực này.
Cũng như những vụ án hình sự khác, Kiểm sát viên cần tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ những quy định của Bộ luật TTHS, BLHS, và Quy chế công tác THQCT và Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự. Đối với các vụ án hình sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Kiểm sát viên cần chú ý, lưu ý một số vấn đề sau:
Xác định tội danh: Việc xác định tội danh ở giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can có ý nghiã rất quan trọng, xác định tội danh đúng sẽ tránh được sự oan sai, bỏ lọt tội phạm từ ngay thời điểm đầu của tố tụng hình sự. Xác định tội danh chưa đúng, chưa chính xác ở giai đoạn khởi tố vụ án sẽ phải thay đổi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thậm chí phải đình chỉ việc giải quyết vụ án và bị can.
Trong những năm gần đây, tội phạm liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng chủ yếu là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội Đưa, Nhận hối lộ…Đối với các tội danh trên, trong quá trình giải quyết các vụ án về tín dụng, ngân hàng cần có sự phân biệt giữa tội Lừa đảo chiếm doạt tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cả hai tội này đều thuộc nhóm tội có mục đích chiếm đoạt, người phạm tội đều có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối trong tội Lừa đảo để chiếm đoạt tài sản là có trước và để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản; chiếm đoạt tài sản là mục đíchsvà kết quả của hành vi gian dối. Thủ đoạn gian dối trong tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là có sau và để che đậy việc chiếm đoạt tài sản. Thời điểm hoàn thành của tội Lừa đảo chiếm đọat tài sản từ khi nhận được tài sản và chiếm đoạt luôn, của tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản là thòi điểm phải có nghĩa vụ trả lại tài sản theo hợp đồng nhưng cố tình không trả mà chiếm đoạt.
Cần phân biệt hành vi có dấu hiệu tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi vi phạm hợp đồng. Sự khác biệt chủ yếu ở chỗ có hành vi chiếm đoạt hay không? Do vậy phải xem xét đầy đủ các nội dung như: Thời hạn hoàn trả tài sản theo hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng có cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tài sản hay không, có ý thức chiếm đoạt không? Ngân hàng hoặc người có tài sản đã thực sự mất quyền hợp pháp của mình đối với tài sản chưa? Xem xét việc thực tế thực hiện hợp đồng . Chỉ sau khi xem xét đầy đủ những nội dung trên , kết hợp với các yếu tố, tình tiết khác có trong hồ sơ vụ án thì mới có thể xác định được có hành vi chiếm đoạt hay không? Nếu chứng minh được có hành vi chiếm đoạt thì mới xử lý hình sự được, nếu không chứng minh được có hành vi chiếm đoạt thì chỉ là vui phạm nghĩa vụ hợp đồng và chỉ có thể bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, kinh tế.
Trong giai đoạn điều tra vụ án:
Đề ra yêu cầu điều tra: Trong công tác kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung và vụ án hình sự về tín dụng, ngân hàng nói riêng thì việc đề ra bản yêu cầu điều tra là cả công việc có ý nghĩa quan trọng nhất trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành và kết quả phối hợp xử lý vụ án giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên. Bản yêu cầu điều tra còn có ý nghĩa xác định đến uy tín các nhân Kiểm sát viên nói riêng và VKSND nói chung. Do vậy, đề ra bản yêu cầu điều tra là nhiệm vụ bắt buộc đối với các Kiểm sát viên.
Đề ra yêu cầu điều tra là nhiệm vụ, và quyền hạn của Kiểm sát viên khi THQCT và KSĐT các vụ án hình sự. Nếu Kiểm sát viên ra yêu cầu điều tra có chất lượng, thì sẽ giúp cho việc tổ chức thực hiện của Điều tra viên được nhanh chóng kịp thời và hiệu quả. Ngược lại nếu không có yêu cầu điều tra hoặc yêu cầu điều tra chất lượng thấp, kém thì kết quả điều tra vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của Điều tra viên, thậm chí có khi đưa cuộc điều tra đi sai hướng, thu thập chứng cứ không đầy đủ, khách quan…
Thực tiễn đã khẳng định là đơn vị nào có nhiều bản yêu cầu điều tra tốt thì chất lượng án đạt tốt, ít xảy ra sai sót, truy tố, xét xử thuận lợi và số lượng án phải trả lại cho Cơ quan điều tra và lượng án Tòa án trả lại cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là rất ít. Ngược lại những đơn vị nào làm không tốt nội dung này thì chất lượng xử lý án hình sự đạt thấp, phụ thuộc vào kết quả điều tra của Điều tra viên, thường để xảy ra sai sót phải trả đi trả lại án giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí phải hủy án.
Bản yêu cầu điều tra vụ án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc điều tra vụ án, ở hầu hết các vụ án về tín dụng, ngân hàng, bản yêu cầu điều tra có tính chỉ đạo và có ý nghĩa quyết định việc thành công hay thất bại trong việc xử lý vụ án, xử lý bị can.
Trong vụ án hình sự về tín dụng, ngân hàng, Kiểm sát viên cần nêu rõ trong yêu cầu điều tra những vấn đề cần phải điều tra thu thập chứng cứ để kết luận có bao nhiêu hành vi phạm tội, số người thực hiện hành vi phạm tội, diễn biến của hành vi phạm tội, mỗi hành vi phạm tội có một hay nhiều đối tượng tham gia.
Trong bản yêu cầu điều tra, ngoài việc nêu những nội dung liên quan đến việc kết tội còn phải nêu cả những yếu tố gỡ tội (nếu có) và các yếu tố liên quan đến nhân thân bị can giúp cho việc xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng đó là: trong yêu cầu điều tra cần đi sâu phân tích những nội dung cần hoàn thiện về thủ tục tố tụng vì trong quá trình thu thập chứng cứ, Điều tra viên chưa thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục khi tiến hành điều tra (vụ Nguyễn Tuấn Hải, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Fico Tây Ninh, bị can Nguyễn Tuấn Hải đã làm giả 19 tờ ủy nhiệm chi bằng hình thức photo, tẩy xóa, sửa chữa để chiếm đoạt 24- 45 tỷ đồng. Nhưng Điều tra viên không tiến hành cho thực nghiệm điều tra để xác định, ngoài Hải ra, còn những ai tham gia, giúp sức cho Hải? Hải đã có được và làm giả các ủy nhiệm chi trên bằng cách nào?
Có những trường hợp chưa đủ căn cứ khởi tố, chưa đủ căn cứ bắt giam vẫn ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt giam. Nếu bị can yêu cầu thu thập bằng chứng gỡ tội, thì có người cho là không cần thiết, hoặc cho đó chỉ là cái cớ để bị can trốn tránh tội lỗi. Viện kiểm sát không phê chuẩn theo chức năng luật định thì lại nghi ngờ có tiêu cực hoặc không ủng hộ, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra đấu tranh làm rõ tội phạm.
Đánh giá chứng cứ:
Thực tiễn giải quyết các vụ án về tín dụng, ngân hàng cho thấy, Điều tra viên thường đứng trước vô số những tài liệu, nhưng không phải tất cả đều liên quan đến việc chứng minh tội phạm, những tài liệu này nếu không đi sâu phân tích bản chất, xem xét qua loa, hời hợt sẽ được sử dụng như là chứng cứ để kết luận vụ án. Đối với Kiểm sát viên, một căn bệnh tương đối phổ biến là: quá tin vào báo cáo, tài liệu của Cơ quan điều tra, Điều tra viên hoặc tài liệu thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, tổ chức hoặc bảo thủ theo kinh nghiệm cá nhân, xem nhẹ nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng
cung”, dẫn đến nhiều vụ án, việc đánh giá chứng cứ không được khách quan, toàn diện, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
Trong quá trình điều tra giải quyết vụ án, còn có biểu hiện coi trọng việc thu thập chứng cứ buộc tội, xem nhẹ chứng cứ gỡ tội….chưa bảo đảm quyền đề xuất tài liệu, chứng cứ của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội liên quan đến xác định người phạm tội, cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo nhưng thực tế đã xảy ra những trường hợp không xác định được người phạm tội nhưng vì trò khởi tố, tạm giam bị can nên đã bảo thủ và áp dụng mọi biện pháp chứng tỏ họ là người gây nên tội phạm.
Giai đoạn kết thúc điều tra:
Do chưa xác định đúng những vẫn đề phải chứng minh trong vụ án, xác định khối lượng chứng cứ cần và đủ để chứng minh các sự kiện thuộc nội dung vụ án, đã kết luận điều tra là thiếu cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp luật. Thiếu sót phổ biến về mặt này thường là chưa đủ chứng cứ để chứng minh các tình tiết về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả của tội phạm; lỗi hoặc động cơ, mục đích của người phạm tội; các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm về tín dụng, ngân hàng đang điều tra. Có những kết luận giám định thiếu cơ sở khoa học hoặc do chủ quan của giám định viên vẫn được Điều tra viên chấp nhận và coi đó như hậu quả chính thức, là bằng chứng không thể chối cãi để làm căn cứ đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại. Thực tiễn còn nhiều thiếu sót, tồn tại đặc biệt là vấn đề dân sự, bồi thường thiệt hại trong vụ án về tín dụng, ngân hàng thường không được chứng minh đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngày thêm diễn biến phức tạp.
Quan hệ với Cơ quan điều tra:
Những năm qua, VKS các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng điều tra, truy tố và đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ trong cuộc đấu tranh, trấn áp loại tội phạm này.Số vụ phạm tội và đối tượng phạm tội được phát hiện đều được xem xét xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Việc khởi tố, điều tra, truy tố bảo đảm chính xác không để xảy ra tình trạng phải đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra với bị can vì không có hành vi phạm tội. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, hạn chế tối đa những vi phạm trong hoạt động tố tụng.
Để thực nhiện tốt những vẫn đề nêu trên, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ những quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS và Quy chế công tác THQCT và KSĐT các vụ án hình sự, ngành Kiểm sát còn thực hiện tốt Quy định phối hợp trong việc giải quyết các vụ án hình sự giữa 2 Ngành. Phối hợp chặt chẽ với nhau từ khâu xử lý tin báo, tố giác tội phạm, nhằm đảm bảo tính có căn cứ và hợp pháp trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ của mỗi Ngành, Cơ quan điều tra và VKS phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thống nhất quan điểm giải quyết đối với từng vụ án cụ thể. Tuy nhiên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của VKS mặc dù đã có nhiều đổi mới song vẫn chưa thực sự phát huy được tính chủ động, vẫn còn hiện tượng thụ động, chờ việc, để đến khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, đề nghị xử lý thì Kiểm sát viên mới thực sự bước vào nghiên cứu, xem xét hồ sơ, dẫn đến chất lượng hồ sơ điều tra vụ án không đảm bảo, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chặt chẽ, vi phạm tố tụng chậm được phát hiện, dẫn đến nhiều trường hợp phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thái Hưng