Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp và được thực hiện...
Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp và được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trên cơ sở áp dụng các biện pháp kiểm sát, một số dạng vi phạm được phát hiện qua kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như:
1. Hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa lưu Quyết định phân công xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo và kế hoạch; báo cáo xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo, chưa tiến hành đánh số bút lục theo thứ tự tài liệu, như vậy chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 7 và Điều 11 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của VKSND Tối cao - Tòa án nhân dân Tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Tài Chính và Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại thực hiện chưa đúng mẫu Quyết định giải quyết khiếu nại số 09 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT như thiếu tên cơ quan ban hành quyết định, thiếu các căn cứ áp dụng của pháp luật, thiếu đơn khiếu nại ghi ngày nào; phần quyết định chưa ghi rõ là quyết định giải quyết lần đầu, chấp nhận hay bác đơn khiếu nại.
3. Quyết định giải quyết khiếu nại xác định nội dung khiếu nại hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng là chưa phù hợp theo quy định tại Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự. Điều 470 BLTTHS quy định: Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
4. Khiếu nại thông báo của cơ quan có thẩm quyền: Việc giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền là chưa phù hợp là bởi Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của người có thẩm quyền được ban hành theo quy định của pháp luật.
5. Việc gửi thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đến Viện kiểm sát nhân dân ở một số đơn vị còn chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định, chưa đảm bảo tính kịp thời.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân. Viện KSND tỉnh Bắc Ninh đã chủ động trao đổi và tăng cường công tác phối hợp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp với các cơ quan có thẩm quyền; tăng cường công tác kiến nghị đến nay đã cơ bản hạn chế được những thiếu sót tồn tại như đã nêu./.
Nguyễn Thị Mỹ Lệ - VKSND tỉnh Bắc Ninh
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Ninh)