CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vấn đề cần lưu ý khi đề ra bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ

18/06/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
1.Căn cứ pháp lý và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra: Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của...

 

1.Căn cứ pháp lý và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra

Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát là văn bản pháp lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ được quy định trong các văn bản pháp luật, nhằm bảm đảm những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhất là nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được quy định tại Điều 13 của Bộ luật này. Cụ thể:

- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có 01 lần nhắc đến cụm từ “Đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh” và 03 lần nhắc đến cụm từ “Đề ra yêu cầu Điều tra” tại 04 Điều luật: Điểm e khoản 1 Điều 42 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên, trong đó có nhiệm vụ đề ra yêu cầu điều tra; khoản 2 Điều 159 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; khoản 6 Điều 165 Bộ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; khoản 1 Điều 167 quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra.

- Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của liên ngành VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đã hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

- Điều 26 Quy chế tạm thời về Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

-  Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Như vậy, bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ là văn bản do Kiểm sát viên được phân công thụ lý, giải quyết ban hành, nhằm mục đích làm rõ những vấn đề cần điều tra thu thập chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng; bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự về tham nhũng được khách quan, toàn diện theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, hoạt động này cũng gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh với tội phạm. Việc đề ra yêu cầu điều tra có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản, trong đó, việc đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản là phương án lựa chọn chủ yếu, có thể khẳng định là “bắt buộc” vì đây là thủ tục tố tụng thể hiện được tính pháp lý vững chắc về quan điểm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ.

2. Một số vấn đề cần lưu ý khi đề ra bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát trong quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ

Đối với thời điểm ban hành bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, chúng tôi đặt ra vấn đề là khi nào thì cần ban hành các văn bản này trong quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ? Có nhất thiết tất cả các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ đều phải ban hành văn bản này không? Đây là vấn đề còn có quan điểm tranh luận và nhận thức khác nhau. Xuất phát từ mục đích của việc ban hành bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát là nhằmbảo đảm để Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, làm sáng tỏ nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và xuất phát từ thực tiễn giải quyết các vụ án về tham nhũng, chức vụ cho thấy sự cần thiết phải ban hành bản yêu cầu kiểm tra, xác minh đối với nguồn tin về tội phạm (trước thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can) và tất cả các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ đều cần thiết phải đề ra yêu cầu điều tra và ban hành bản yêu cầu điều tra. Điều này đồng nghĩa với việc trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm về tham nhũng, chức vụthì Kiểm sát viên căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, chức vụ thực hiện. Mặt khác, đây là nhiệm vụ đã được Viện trưởng VKSND tối cao giao tại Chỉ thị công tác năm 2019 về vấn đề tăng cường yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra.

Về kỹ năng và yêu cầu trong việc xây dựng, ban hành văn bản và phối hợp thực hiện bản yêu cầu điều tra trong giải quyết vụ án về tham nhũng: Có thể nói việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh đối với nguồn tin về tội phạm và đề ra yêu cầu điều tra là hoạt động quyết định chất lượng thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ. Với tính chất phức tạp, khó lường trong giải quyết các vụ án này, chúng tôi nhận thấy thông thường phải đề ra bản yêu cầu điều tra trong giải quyết các vụ án tham nhũng là do: (1) Phải bổ sung để hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự; (2) Bổ sung, làm rõ chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án; (3) Phát sinh vấn đề mới, Cơ quan điều tra cần phải kiểm tra, xác minh, điều tra và kết luận; (4) Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đề ra yêu cầu điều tra cũng là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm các vụ án hình sự về tham nhũng bị tồn đọng, kéo dài, bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần hoặc bị hủy để điều tra lại theo quy định của pháp luật. Khi Kiểm sát viên đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh đối với nguồn tin về tội phạm và đề ra yêu cầu điều tra vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ bằng văn bản, cần thực hiện nghiêm quy định cả về hình thức và nội dung của văn bản, cụ thể là:

- Về hình thức, văn bản yêu cầu điều tra phải thực hiện đúng quy định theo Mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính; Quyết định số 393/QĐ-VKSTC ngày 01/7/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân.

- Về nội dung, bản yêu cầu điều tra phải được diễn đạt mạch lạc, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập; có phương pháp trình bày bảo đảm thứ tự vấn đề và lô gích về nội dung. Nội dung bản yêu cầu điều tra phải toàn diện, đầy đủ, triệt để, giúp cho việc điều tra đi đúng hướng, phục vụ tốt hoạt động truy tố, xét xử. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Kiểm sát viên phải có kiến thức chuyên môn tốt, am hiểu một số quy định về lĩnh vực, ngành liên quan đến giải quyết vụ án tham nhũng; nắm chắc cấu thành tội phạm tham nhũng, đặc trưng của từng tội phạm cụ thể; bám sát hoạt động xác minh, điều tra của Điều tra viên; nắm chắc hồ sơ thông qua nghiên cứu đầy đủ toàn bộ tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra thu thập và các tài liệu khác do Kiểm sát viên chủ động thu thập, tổng hợp được có liên quan đến xác minh, giải quyết vụ án; nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ, kịp thời phát hiện hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội chưa được Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hoặc những tình tiết còn mâu thuẫn cần được làm sáng tỏ; những tình tiết mới phát sinh trong vụ án; những vấn đề về dân sự trong vụ án hình sự; về áp dụng một số biện pháp điều tra; những vấn đề về hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó, lưu ý:

1. Viện trưởng Viện kiểm sát, Thủ trưởng các đơn vị trong lĩnh vực hình sự tập trung quán triệt, chỉ đạo, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và quản lý chặt chẽ việc giải quyết án hình sự, bảo đảm tuân thủ pháp luật, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự. Tăng cường đào tạo kỹ năng cho Kiểm sát viên để nâng cao chất lượng yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra.

2. Kiểm sát viên phải chủ động sớm hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn khi thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và điều tra.

3. Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra phải lựa chọn những điểm cơ bản, then chốt, có tính đột phá định hướng đúng cho hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, cho hoạt động điều tra để khởi tố vụ án, bị can về tham nhũng; tránh hình sự hóa quan hệ dân sự; bám sát tội danh cần khởi tố để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự và áp dụng nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhất là trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp, án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được VKSND tối cao tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, như trong một số trường hợp, Kiểm sát viên chưa kịp thời đề ra bản yêu cầu điều tra; bản yêu cầu điều tra không đầy đủ, có nội dung chung chung, không cụ thể; yêu cầu những vấn đề đương nhiên phải thực hiện, không cần phải yêu cầu điều tra hoặc vấn đề đã được Cơ quan điều tra thực hiện, những vấn đề không liên quan đến vụ án; hoặc những vấn đề về vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.

4. Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ, bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát là một biện pháp tích cực xác định ngay từ đầu những đối tượng chính liên quan đến vụ án, nhằm yêu cầu Cơ quan điều tra kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, như tạm giữ, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh,… tránh việc đối tượng bỏ trốn; đặc biệt, cần phải chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản, phong tỏa tài sản,… để bảo đảm không đóng băng tài sản, thu hồi triệt để tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng hoặc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Lưu ý, những vấn đề quan trọng trong việc chứng minh và chứng cứ, như thu thập chứng cứ, vật chứng, định giá tài sản, giám định,... trong vụ án tham nhũng, chức vụ là những vấn đề phải đặc biệt quan tâm, ở nội dung này, Kiểm sát viên đề ra bản yêu cầu điều tra phải định hướng nội dung giám định cho trúng, đúng, sát với vấn đề cần kết luận; phối hợp, trao đổi, yêu cầu Điều tra viên cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ công tác giám định, định giá tài sản; cùng với Điều tra viên nghiên cứu, đánh giá tài liệu, lựa chọn những tài liệu cần thiết (trong vụ án tham nhũng thường có rất nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan; việc sử dụng tài liệu, chứng cứ như thế nào phải có căn cứ thuyết phục, khách quan, toàn diện, thực chất) nhằm bảo đảm kết luận giám định, kết luận định giá tài sản,… được thực hiện trúng, đúng, khách quan, đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả việc giải quyết vụ án; tránh việc phải yêu cầu trưng cầu giám định, định giá tài sản lại hoặc bổ sung, làm kéo dài thời hạn điều tra vụ án. Thực tế cho thấy, những vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm, năng lực công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của mỗi Kiểm sát viên khi giải quyết từng vụ án cụ thể. Những nội dung nêu trên được lãnh đạo VKSND tối cao thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu Viện kiểm sat các cấp và Kiểm sát viên thực hiện nghiêm túc, theo đó Kiểm sát viên đã chú trọng ban hành yêu cầu điều tra thực hiện những vấn đề nêu trên.

5. Trong quá trình kiểm sát hoạt động điều tra, đối với một số vụ án, trường hợp Cơ quan điều tra, Điều tra viên chưa thực hiện được những vấn đề mà Viện kiểm sát đã yêu cầu thẳng trong bản yêu cầu điều tra thì Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp, suy luận để yêu cầu điều tra những vấn đề liên quan có thể chứng minh bản chất của vụ án; trong nội dung của bản yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải nêu hoặc trích dẫn tài liệu, chứng cứ hoặc vấn đề được phát hiện cần thiết phải thu thập, nguồn thu thập, những vấn đề cần xác minh, điều tra, kết luận,…; từ đó, quay trở lại vấn đề chính để chứng minh tội phạm. Như vậy, trong một vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ, Kiểm sát viên có thể ban hành nhiều bản yêu cầu điều tra. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải xác định nguyên nhân, cần thiết thì Kiểm sát viên phải lập biên bản về việc tiến độ, kết quả thực hiện từng nội dung đã được đề ra trong Bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát.

6. Để tăng cường hiệu quả việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị về đường lối giải quyết vụ án tham nhũng, chức vụ, Viện kiểm sát các cấp phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao. Trước khi thỉnh thị, Viện kiểm sát cấp dưới phải thực hiện đề ra bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, bản yêu cầu điều tra trong phạm vi, thẩm quyền để giải quyết những nội dung có liên quan đến việc thỉnh thị; bảo đảm cho việc trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp trên được rõ ràng, cụ thể, chất lượng, kịp thời.

7. Đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài, tích cực nghiên cứu, chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, phối hợp thực hiện những nội dung liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự; tập trung vào các vụ án về tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi tham nhũng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm thu hồi được triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

8. Viện kiểm sát chủ động xây dựng mối quan hệ tốt, hiệu quả giữa Viện kiếm sát và Cơ quan điều tra, giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong thực hiện bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát. Khi có khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên về từng nội dung, phân hóa tài liệu để có nhận thức chung về cách thức, phương pháp giải quyết, thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra theo quy định của pháp luật.

Việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và điều tra của Viện kiểm sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả điều tra của Cơ quan điều tra, bảo đảm cho hoạt động điều tra đúng hướng, đầy đủ, kịp thời, thực chất, hiệu quả; là "thanh bảo kiếm" sắc bén nâng chất công tác thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng và xuyên suốt quá trình thực hành quyền công tố,kiểm sát hoạt động tư pháp đối với việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ. Thông qua đó, khắc phục tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; bảo đảm chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự./.

TS.Đỗ Thành Trường

Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Văn phòng VKSND tối cao

 

 

Tìm kiếm