Qua công tác Kiểm sát xét xử phúc thẩm về các vụ án Dân sự, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội thấy có một số vấn đề cần được rút kinh nghiệm chung trong khi giải quyết vụ việc dân sự. Sau đây là một số vụ án dân sự tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết không có căn cứ bị Toà phúc thẩm huỷđể giải quyết theo thủ tục chung để bạn đọc cùng nghiên cứu:...
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm
trong giải quyết án Dân sự
Qua công tác Kiểm sát xét xử phúc thẩm về các vụ án Dân sự, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội thấy có một số vấn đề cần được rút kinh nghiệm chung trong khi giải quyết vụ việc dân sự. Sau đây là một số vụ án dân sự tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết không có căn cứ bị Toà phúc thẩm huỷ để giải quyết theo thủ tục chung để bạn đọc cùng nghiên cứu:
1. Vụ thứ nhất
Kiện tranh chấp thừa kếgiữa nguyên đơn dân sự là chị Nguyễn Thị ánh Nguyệt (đại diện hợp pháp là bà Đào Minh Phượng) và bị đơn dân sự là bà Phạm Thị Thuận và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Cụ Phạm Công Mẫn và cụ Nguyễn Thị Giáp là chủ sở hữu diện tích nhà đất số 5 ngõ Tân Lập (nay là số 25 ngõ 630) đường Trường Chinh, tổ 2B, Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội. Hai cụ có 2 người con là ông Phạm Công Cảnh và bà Phạm Thị Thuận.
Hai cụ Mẫn và Giáp cùng mất năm 2006. Trước khi chết hai cụ đã viết di chúc để lại ngôi nhà cho con gái là Phạm Thị Thuận. Hiện tại ngôi nhà này đã được sang tên cho bà Thuận. Bà Thuận đã xây lại ngôi nhà lên 6 tầng và cho cháu là bà Nguyễn Thị Bích Liên, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần phát triển Liên Việt thuê.
Ông Phạm Công Cảnh kết hôn với bà Đào Minh Phượng năm 1977 và ly hôn năm 1984. Hai người có hai cô con gái là Phạm Thu Nga và Phạm ánh Nguyệt (bị tật nguyền từ nhỏ do di chứng của cha bị chất độc màu da cam). Năm 1994 ông Cảnh bỏ nhà đi biệt tích, đến ngày 7 tháng 2 năm 2007 Toà án quận đã ra quyết định tuyên bố ông Cảnh đã chết theo yêu cầu của con gái là chị Phạm Thu Nga.
Ngày 4/1/2008 bà Phượng, đại diện hợp pháp của chị Nguyệt, khởi kiện yêu cầu chia thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 669 BLTTDS.
Ngày 29/9/2008, Toà án quận đã chuyển hồ sơ vụ án lên Toà án thành phố với lý do vụ án có yếu tố nước ngoài.
Ngày 17/11/2008, Toà án thành phố lại chuyển trả hồ sơ vụ án cho Toà án quận với lý do việc xác định yếu tố nước ngoài của Toà án quận là không chính xác.
Ngày 16/7/2009, Toà án quận lại chuyển hồ sơ vụ án lên Toà án thành phố với lý do vụ án có yếu tố nước ngoài.
Sau 2 lần làm công văn uỷ thác điều tra nhưng chưa có kết quả, ngày 31 tháng 8 năm 2010, Toà án thành phố ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 50/2010/QĐST-DS với lý do người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Nguyễn Thị Bích Liên đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần phát triển Liên Việt, đã xuất cảnh đi Malaysia và chưa có lời khai tại Toà án.
Ngày 13/9/2010, bà Đào Minh Phương và chị Phạm Thu Nga kháng cáo đề nghị Toà Phúc thẩm xét xử yêu cầu bà Thuận trả một phần nhà của bố mẹ cho ông Cảnh để cháu Nguyệt, Nga được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Ngày 17/3/2010 tại phiên họp dân sự phúc thẩm, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội đề nghị và Toà Phúc thẩm quyết định: huỷ Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 50/2010 ngày 31/8/2010 của Toà án thành phố, yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do Toà án thành phố ra quyết định tạm đình chỉ là thiếu căn cứ pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi của nguyên đơn.
Vấn đề nhận thấy trong vụ án này:
Việc Toà án quận xác định vụ án có yếu tố nước ngoài để chuyển hồ sơ lên Toà án thành phố là không chính xác bởi lẽ hợp đồng cho thuê nhà giữa bà Thuận và công ty cổ phần phát triển Liên Việt là một quan hệ dân sự hoàn toàn độc lập, không liên quan ảnh hưởng gì đến việc khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật của chị Nga và chị Nguyệt.
Tiếp đến Toà án thành phố xác định chị Liên, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần phát triển Liên Việt là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng hiện đang ở nước ngoài chưa có lời khai tại toà làm căn cứ tạm đình chỉ vụ án là không chính xác, bởi lẽ: tính đến ngày 20/3/2010 hợp đồng thuê nhà giữa bà Thuận và chị Liên đã chấm dứt theo quy định tại khoản 1 Điều 499 BLDS, mặc khác một trong hai bên có tranh chấp trong việc thuê ngôi nhà trên thì có thể khởi kiện bằng một một vụ kiện dân sự khác. Vì vậy, việc có lời khai của bà Liên hay không không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết chia thừa kế ngôi nhà nói trên.
2. Vụ thứ hai
Năm 1992, ông Trần Khắc Quế có đơn xin cấp đất làm nhà gửi UBND thị trấn Gôi và được chấp nhận. ông Quế đã nộp 2 lần tiền với tổng số tiền là 2.500.000 đồng, tuy nhiên tại thời điểm này mỗi xuất đất ởđây giá 7.200.000 đồng nên ông chưa được nhận đất.
Tháng 8/2006, ông Quếđến UBND thị trấn để đề nghịđược cấp đất hoặc trả lại tiền cho ông theo thời điểm hiện tại thì được Chủ tịch UBND thị trấn trả lời ông không có trong danh sách những người đã nộp tiền đất nên không có cơ sở giải quyết.
Ông đã đề nghị rất nhiều lần nhưng đến ngày 27/8/2008, UBND thị trấn mới có công văn trả lời nhưng không đồng ý với nội dung ông yêu cầu. Ông Quế tiếp tục đề nghị UBND huyện và UBND thị trấn giải quyết.
Tại báo cáo số 84/BC-UBND của thị trấn Gôi ngày 5/8/2010, có ghi: Theo biên bản thanh toán tiền đất đường 56 đi Kim Thái giữa Hợp tác xã nông nghiệp với UBND thị trấn có tên ông Quế nộp 2.500.000 đồng, nhưng theo biên bản bàn giao tháng 7/2003 của UBND thị trấn không có nội dung bàn giao giải quyết việc thu tiền và giao đất của ông Quế nên không có căn cứđể UBND thị trấn giải quyết.
Ngày 23/3/2009, ông Quế gửi đơn đến Toà án nhân dân huyện đề nghị giải quyết. Ngày 7/6/2010, Toà án nhân dân huyện đã có công văn đề nghị TAND tỉnh rút hồ sơ lên để giải quyết vụ án cho khách quan vì lý do các thẩm phán đều cư trú tại thị trấn, có mối quan hệ công tác và mối quan hệ sinh hoạt tại địa phương. Ngày 10/9/2010, căn cứ Điều 427 BLDS Toà án nhân dân tỉnh đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 01/2010/QĐ-ST với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết.
Ngày 23/9/2010, ông Quế làm đơn đề nghị Toà Phúc thẩm TAND tối cao về việc vụ kiện của ông vẫn chưa hết thời hiệu và yêu cầu UBND thị trấn thanh toán cho ông số tiền là 50.000.000 đồng.
Tại phiên họp ngày 18/1/2011, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử Phúc thẩm tại Hà Nội và Toà Phúc thẩm đều thống nhất chấp nhận kháng cáo của ông Quế, huỷ Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND tỉnh để giải quyết theo quy định pháp luật.
Vấn đề nhận thấy trong vụ án này :
Việc ông Trần Khắc Quế có đơn xin cấp đất làm nhà và đã nộp hai lần tiền và số tiền cũng đã được Hợp tác xã bàn giao lại cho UBND là đúng (các loại chứng từ liên quan đều được ông Quế chứng minh đầy đủ). Từ tháng 8/2006, ông đã gửi đơn lên UBND để đề nghị cấp đất hoặc lấy lại tiền nhưng không có kết quả. Sau nhiều lần ông Quế gửi đơn yêu cầu giải quyết, ngày 27/8/2008, UBND xã có công văn về việc giải quyết đơn của ông Quế và trả lời là không có căn cứđể giải quyết việc ông yêu cầu.
Việc Toà án tỉnh xác định thời điểm phát sinh tranh chấp giữa ông Quế và UBND thị trấn là từ tháng 8/2006, để tính thời hiệu khởi kiện vụ án là không chính xác vì thời điểm này chỉ có ông Quế gửi đơn mà không có sự trả lời của UBND thị trấn, chưa phát sinh tranh chấp và quyền lợi của ông Quế cũng chưa bị xâm phạm.
Đến ngày 27/8/2008, UBND thị trấn mới có công văn trả lời là không có căn cứ giải quyết đơn của ông, đến thời điểm này thì quyền và lợi ích hợp pháp của ông Quế mới bắt đầu bị xâm hại. Thời điểm phát sinh tranh chấp giữa ông Quế và UBND thị trấn phải được xác định từ ngày 27/8/2008, vì vậy ngày 23/3/2009 ông Quế gửi đơn đến Toà án yêu cầu giải quyết vụ án dân sự là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật chứ không phải hết thời hiệu như TAND tỉnh đưa ra để làm căn cứ đình chỉ vụ án dân sự mà ông khởi kiện.
Trên đây là một số trường hợp về Tạm đình chỉ và Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhưng không đúng quy định của pháp luật, chúng tôi đưa ra để mọi người cùng quan tâm cùng trao đổi và tham khảo.
Lã Thị Tú Anh