Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự và kiểm sát các bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện, VKSND tỉnh Thái Bình thấy việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt cải tạo không giam giữ của một số Tòa án nhân dân các huyện, thành phố chưa đúng quy định của pháp luật, đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến các VKSND cấp huyện. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:..
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm về việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt cải tạo không giam giữ
Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự và kiểm sát các bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện, VKSND tỉnh Thái Bình thấy việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt cải tạo không giam giữ của một số Tòa án nhân dân các huyện, thành phố chưa đúng quy định của pháp luật, đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến các VKSND cấp huyện. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung các vụ án:
Vụ thứ nhất: Khoảng 08h ngày 02/4/2014 tại nhà ở của Tô Văn Dũng sinh năm 1978 ở thôn Đức Cơ, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, Dũng cùng Phạm Đức Lưu; Tạ Minh Mạnh, Hoàng Ngọc Toa, Nguyễn Tiến Luật chơi lốc. Chơi được khoảng 30 phút thì có Trần Văn Phi, Vũ Đức Tài, Đỗ Văn Mạc, Lê Quang Tạo, Trần Văn Tải đến chơi. Sau đó Phi, Tài, Tạo, Mạc và Tải rủ nhau chơi xóc đĩa sát phạt nhau bằng tiền. Quá trình chơi Tạo thu của mỗi người chơi xóc đĩa 20.000 đồng rồi đưa cho Tô Văn Dũng, còn chiếu chơi lốc có Luật, Lưu, Mạnh mỗi người đã xin lốc 01 lần nên đều đã đưa cho Dũng 10.000đồng. Cả bọn ngồi chơi đến khoảng 11h cùng ngày thì bị Công an huyện Tiền Hải phát hiện bắt quả tang. Quá trình điều tra xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc tại chiếu đánh lốc là 10.219.000 đồng, gồm Tô Văn Dũng sử dụng 2.250.000đồng; Tạ Minh Mạnh 5.140.000 đồng; Hoàng Ngọc Toa 1.800.000 đồng, Nguyễn Tiến Luật 729.000 đồng; Phạm Đức Lưu sử dụng 300.000 đồng. Số tiền dùng vào việc đánh bạc tại chiếu đánh xóc đĩa là 3.800.000đồng, gồm: Trần Văn Tải sử dụng 500.000 đồng; Lê Văn Tạo, Trần Văn Phi đều sử dụng 1.500.000 đồng để chơi bạc; Đỗ Văn Mạc sử dụng 200.000 đồng, Vũ Đức Tài sử dụng 100.000đồng để đánh bạc.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát huyện Tiền Hải đề nghị xử phạt các bị cáo Tô Văn Dũng, Trần Văn Tải, Tạ Minh Mạnh mỗi bị cáo từ 6 đến 12 tháng tù. Các bị cáo Hoàng Ngọc Toa, Lê Quang Tạo, Trần Văn Phi từ 6 đến 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Bị cáo Luật 12 đến 15 tháng cải tạo không giam giữ; Phạm Đức Lưu từ 9 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ; Đỗ Văn Mạc từ 5 đến 7 tháng cải tạo không giam giữ, Vũ Đức Tài từ 4 đến 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2014 ngày 21/8/2014 của TAND huyện Tiền Hải tuyên bố các bị cáo Tô Văn Dũng phạm tội “Gá bạc” và “Đánh bạc”. Các bị cáo Trần Văn Tải, Trần Văn Phi, Vũ Đức Tài, Đỗ Văn Mạc, Lê Văn Tạo, Phạm Đức Lưu, Nguyễn Tiến Luật, Hoàng Ngọc Toa, Tạ Minh Mạnh về tội “Đánh bạc” Xử phạt: Bị cáo Tô Văn Dũng 8 tháng tù về tội “ Gá bạc”; 04 tháng tù về tội “ Đánh bạc” Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 01 năm tù. Các bị cáo Trần Văn Tải, Tạ Minh Mạnh mỗi bị cáo 5 tháng tù. Các bị cáo Hoàng Ngọc Toa, Lê Quang Tạo, Trần Văn Phi mỗi bị cáo 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng. Các bị cáo Nguyễn Tiến Luật 15 tháng cải tạo không giam giữ; Phạm Đức Lưu 12 tháng cải tạo không giam giữ, Đỗ Văn Mạc 7 tháng cải tạo không giam giữ, được trừ đi thời gian tạm giữ từ ngày 02/4/2014 đến ngày 08/4/2014. Khấu trừ thu nhập của mỗi bị cáo 300.000 đồng trong thời gian chấp hành hình phạt. Phạt Vũ Đức Tài 6 tháng cải tạo không giam giữ, được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ 02/4/2014 đến 18/6/2014.
Vụ thứ hai: Khoảng 22h ngày 16/8/2014, tại nhà ở của Trần Xuân Năm sinh năm 1970 ở thôn Quần Tiên xã Vũ Tiến huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, Trần Xuân Hỷ, Trần Nguyên Hoạch, Trần Ngọc Khánh đã có hành vi cùng Trần Xuân Năm, Trần Ngọc Sơn, Trần Xuân Trường, Trần Đình Anh, Trần Văn Tấn, Trần Xuân Thái đánh bạc sát phạt nhau bằng tiền dưới hình thức đánh “ liêng” và “ ba cây” đến 01h ngày 17/8/2014 thì bị Công an huyện Vũ Thư bắt quả tang. Tổng số tiền xác định các bị cáo đã sử dụng vào việc đánh bạc là 2.630.000 đồng. Trong đó các bị cáo Trần Xuân Sơn, Trần Xuân Trường sử dụng 500.000 đồng vào việc đánh bạc, Trần Đình Anh sử dụng 400.000 đồng, Trần Văn Tấn sử dụng 350.000 đồng, Trần Xuân Thái sử dụng sử dụng 340.000 đồng, Trần Xuân Hỷ sử dụng 200.000 đồng, Trần Nguyên Hoạch sử dụng 200.000 đồng, Trần Xuân Năm sử dụng 150.000 đồng và Trần Ngọc Khánh sử dụng 50.000 đồng vào việc đánh bạc.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 80/2014/HSST ngày 27/11/2014 của Toà án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã tuyên bố các bị cáo: Trần Xuân Hỷ, Trần Nguyên Hoạch, Trần Ngọc Khánh, Trần Xuân Năm, Trần Ngọc Sơn, Trần Xuân Trường, Trần Đình Anh, Trần Văn Tấn, Trần Xuân Thái phạm tội “Đánh bạc”.
Xử phạt: Các bị cáo Trần Xuân Năm, Trần Ngọc Sơn, Trần Xuân Trường mỗi bị cáo 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; các bị cáo Trần Đình Anh, Trần Văn Tấn, Trần Xuân Thái mỗi bị cáo 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo Trần Xuân Hỷ 11 tháng 12 ngày cải tạo không giam giữ, bị cáo Trần Nguyên Hoạch 8 tháng 12 ngày cải tạo không giam giữ, Trần Ngọc Khánh 5 tháng 12 ngày cải tạo không giam giữ.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Về mức hình phạt của loại hình phạt cải tạo không giam giữ.
Điều 31 BLHS quy định“1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”.
Mục 10 Nghị quyết số 01/2000/NQ - HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
b)“Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ…..trong mọi trường hợp khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, không được quyết định mức hình phạt cải tạo không giam giữ dưới 6 tháng”.
Như vậy cải tạo không giam giữ là hình phạt có mức thấp nhất là 6 tháng và cao nhất đến 3 năm. Tuy nhiên, trong vụ án thứ nhất có bị cáo Đỗ Văn Mạc bị Viện kiểm sát đề nghị từ 5 đến 7 tháng và Vũ Đức Tài bị đề nghị từ 4 đến 6 tháng cải tạo không giam giữ; vụ án thứ hai, bị cáo Trần Ngọc Khánh bị Tòa án tuyên phạt 5 tháng 12 ngày cải tạo không giam giữ, dưới mức thấp nhất của loại hình phạt cải tạo không giam giữ là đã áp dụng không đúng quy định tại điều 31 Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP như đã dẫn chiếu ở trên.
Về việc trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Đối với bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, điều 31 BLHS quy định“Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ”. Trong vụ án thứ nhất, có 2 bị cáo là Đỗ Văn Mạc và Vũ Đức Tài bị tạm giữ, tạm giam sau đó bị tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ. Mặc dù Tòa án có nêu mức hình phạt được trừ đi thời gian bị tạm giữ, tạm giam từ ngày nào đến ngày nào nhưng bản án không nêu cụ thể số ngày chấp hành hình phạt quy đổi được trừ đi, số ngày còn lại phải chấp hành. Dẫn đến đối với bị cáo Vũ Đức Tài đã bị tạm giữ, tạm giam 2 tháng 16 ngày, quy đổi bằng 7 tháng 18 ngày cải tạo không giam giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt. Nhưng bị cáo Tài chỉ bị tuyên phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ, như vậy số ngày bị tạm giữ, tạm giam được quy đổi đã vượt quá số ngày bị cáo phải chấp hành, gây khó khăn trong công tác thi hành án.
Trong vụ án thứ hai, có 3 bị cáo Trần Xuân Hỷ, Trần Nguyên Hoạch và Trần Ngọc Khánh đều bị tạm giữ 6 ngày, sau đó tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ. Lẽ ra trong phần quyết định của Bản án cần tuyên mức phạt đối với các bị cáo, trừ đi số ngày tạm giữ được quy đổi, thời gian còn lại phải chấp hành. Nhưng Bản án chỉ tuyên thời gian phải chấp hành hình phạt mà không nêu đã trừ đi thời gian tạm giữ được quy đổi thành 18 ngày cải tạo không giam giữ là không đúng quy định của Điều 31 Bộ luật hình sự.
Về việc tuyên khấu trừ thu nhập đối với bị cáo bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
Khoản 3 điều 31 Bộ luật hình sự quy định: “ Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án”.
Trong vụ án thứ hai,các bị cáo Trần Xuân Hỷ, Trần Nguyên Hoạch và Trần Ngọc Khánh bị tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ. Lẽ ra cần phải tuyên khấu trừ thu nhập của các bị cáo, hoặc nếu trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn Tòa án có thể miễn việc khấu trừ thu nhập và nêu rõ lý do miễn trong bản án. Nhưng Bản án hình sự sơ thẩm đã không tuyên khấu trừ thu nhập nhưng cũng không tuyên miễn khấu trừ thu nhập và lý do miễn khấu trừ thu nhập đối với các bị cáo là không đúng với Khoản 3, Điều 31 Bộ luật hình sự./.
T.T.