CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND tỉnh Bắc Giang

17/09/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện chỉ đạo của VKSND tối cao về việc tổ chức lấy ý kiến Ngành KSND đối với Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), VKSND tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai lấy ý kiến góp ý tới toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng; mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Bắc Giang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo, kế hoạch lấy ý kiến và các nội dung trọng tâm cần lấy ý kiến để thể hiện quan điểm của mình góp phần hoàn thiện dự thảo...

Một số ý kiến đóng góp vào dự thảo  Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND tỉnh Bắc Giang 

Thực hiện chỉ đạo của VKSND tối cao về việc tổ chức lấy ý kiến Ngành KSND đối với Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), VKSND tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai lấy ý kiến góp ý tới toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng; mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Bắc Giang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo, kế hoạch lấy ý kiến và các nội dung trọng tâm cần lấy ý kiến để thể hiện quan điểm của mình góp phần hoàn thiện dự thảo.
Việc lấy ý kiến tại VKSND hai cấp tỉnh Bắc Giang được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực; hình thức góp ý dưới nhiều hình thức như tổ chức họp, thảo luận lấy ý kiến của từng cán bộ trong đơn vị, phát phiếu lấy ý kiến của từng cán bộ, công chức hoặc cán bộ viết bài tham gia ý kiến,…; VKSND tỉnh đã đăng tải Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) và các tài liệu hướng dẫn lên Trang tin điện tử của ngành để cán bộ, công chức trong ngành và nhân dân thuận lợi trong việc nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến.
Tổng số có 193 lượt ý kiến tham gia đóng góp ý kiến (100% cán bộ, công chức làm công tác nghiệp vụ).
Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này đã kế thừa và phát huy các nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự tiến bộ của nước ta được đúc rút qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhiều thập kỷ qua; sửa đổi, hoàn thiện các quy định lạc hậu không phù hợp với thực tiễn; bổ sung một số loại tội phạm mới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm; những bất cập, vướng mắc của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý; đồng thời đã tiếp thu được các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, nhất là chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lầng thứ X của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng đã thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, nhất là về quyền con người, quyền cơ bản của công dân; sửa đổi hệ thống hình phạt theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
Điều luật quy định một tội phạm đã có phần chi tiết, cụ thể hơn về cấu thành tội phạm, về hậu quả bị coi là tội phạm, về trách nhiệm hình sự ….vì đã luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự trước đây vào ngay trong điều luật vì vậy sẽ thuận tiện khi áp dụng.
Bộ luật hình sự (sửa đổi) cơ bản đã phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có tính dự báo và ổn định lâu dài.
Một số ý kiến đóng góp vào phần các tội phạm cụ thể
Điều 123. Tội Giết người: Vì cả điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 3 đều quy định về trường hợp phạm tội “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”, do vậy đề nghị sửa lại chỉ quy định trường hợp này trong điểm đ khoản 3, không quy định trường hợp này trong khoản 2.
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Đề nghị sửa tên điều luật này theo hướng “làm chết người” thay cho “giết người” bởi lẽ theo Điều 22 thì phòng vệ chính đáng là “chống trả 1 cách cần thiết”, có thể hiểu cần thiết ở đây không bao hàm là việc cố ý “giết” người đang có hành vi xâm hại. Do vậy, nếu người phòng vệ có ý tước đoạt tính mạng của người đang có hành vi xâm hại thì phải xử lý về tội “giết người” hoặc “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, còn nếu không có ý thức tước đoạt tính mạng của người đang có hành vi xâm hại nhưng dẫn đến chết người thì xử lý theo điều này. Tính chất nguy hiểm của tội này cũng nhẹ hơn tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Điều 133. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Tại điểm e khoản 1 quy định tình tiết phạm tội đối với “người già yếu” nhưng chưa có hướng dẫn đầy đủ. Tại Nghị quyết số 01 ngày 12/5/2006 của HĐTP-TANDTC hướng dẫn áp dụng người già là người 70 tuổi trở lên nhưng Điều luật quy định phải là “người già yếu”. Do vậy việc áp dụng chưa đảm bảo tính thống nhất.
Điều 173. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định mức khởi điểm giá trị tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự là 2.000.000 đồng, còn tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 174) quy định mức khởi điểm là 4.000.000 đồng. Trên thực tế có một số trường hợp khi điều tra ban đầu thường rất khó xác định chính xác tội danh là lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, do vậy khi xử lý đối với các trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 4.000.000 đồng rất dễ xảy ra oan sai. Vì vậy đề nghị nâng mức khởi điểm của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lên mức cùng mức 4.000.000 đồng như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều 194.Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Tại khoản 1 quy định quá nhiều loại giá làm căn cứ để tính giá trị như vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng, kể cả trường hợp xác định được giá thành sản xuất hàng giả (nếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ thì không thể tính được), giá bán, giá ghi trong hóa đơn (hàng giả thường không có hóa đơn) hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật nhưng lấy giá nào làm căn cứ quyết định hình phạt là phức tạp và không thống nhất. Do vậy, đề nghị sửa theo hướng “phạt tiền từ 2 đến 3 lần giá trị hàng thật tương ứng tại thời điểm phạm tội”, như vậy vừa đảm bảo được tính răn đe, phòng ngừa, vừa bảo vệ được doanh nghiệp sản xuất hàng thật và người tiêu dùng. Tương tự như vậy, đề nghị sửa khoản 2, 3, 5 Điều 194 và các Điều 195, 196, 197 trong dự thảo theo hướng như trên.
Điều 200. Tội lừa dối khách hàng: Đề nghị không nên quy định cứng mức khung phạt tiền như trong dự thảo mà chỉ nên quy định theo hướng phạt tiền gấp bao nhiêu lần giá trị số tiền thu lợi bất chính để thống nhất khi áp dụng và công bằng với các mức độ nguy hiểm khác nhau, nếu không việc áp dụng sẽ tùy tiện vì khung phạt quá dài (Từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng).
Điều 204. Tội trốn thuế: Đề nghị bổ sung vào khoản 1 tình tiết định tội “làm giả hóa đơn, chứng từ, tài liệu để trốn thuế” vì trên thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp dùng thủ đoạn này để trốn thuế.
Điều 332. Tội đánh bạc : Đề nghị trong cấu thành cơ bản nâng định lượng từ 5 triệu đồng lên thành 10 triệu đồng để hạn chế hình sự hóa.
Điều 362. Tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép: Đề nghị nghiên cứu thực tế để quy định rõ số lượng người mà người phạm tộitổ chức trốn hoặc tổ chức ở lại nước ngoài trái phép để làm căn cứ định tội hoặc định khung tăng nặng vì, trong thực tế, loại tội này thường có đông người cùng trốn hoặc cùng ở lại (rất ít vụ tổ chức trốn cho 01 người), do vậy, nếu chỉ quy định từ 02 người trở lên đã là tình tiết định khung tăng nặng thì sẽ khó áp dụng và chưa thực sự công bằng nếu vụ án số lượng người trốn lên đến vài chục người (chủ yêu là tổ chức trốn ra ngước ngoài để lao động bất hợp pháp).
Điều 340. Tội môi giới mại dâm: Xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì tội “Chứa mại dâm” (Điều 339) là tội nặng hơn tội “Môi giới mại dâm” (Điều 340) nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 339 thì ngưòi chứa mại dâm 1 lần cho nhiều người (từ 02 người trở lên) chỉ bị xử lý theo khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù; nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 340 tội “Môi giới mại dâm” thì người môi giới mại dâm 1 lần cho 02 người lại bị xử lý theo khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù. Như vậy mức hình phạt đối với trường hợp này là không hợp lý, vì vậy đề nghị bỏ tình tiết định khung tại điểm e khoản 1 Điều 340 để đảm bảo tính công bằng khi áp dụng hình phạt.
Điều 365. Khái niệm tội phạm về chức vụ : Đề nghị khoản 2 bổ sung thêm : “hoặc động cơ cá nhân khác” để đảm bảo hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm tham nhũng.
Chương XX - Các tội về ma túy: Đề nghị sửa tất cả các tội trong chương này có tình tiết định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này” theo hướng không chỉ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà mọi trường hợp đã bị xử phạt vi phạm chính về các hành vi liên quan đến ma túy hoặc bị kết án về tội liên quan đến ma túy chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì đều bị coi là tội phạm, có như vậy mới đủ sức để răn đe, phòng ngừa tội phạm liên quan đến ma túy như hiện nay.
Phần thứ hai - Các tội phạm cụ thể: Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này đã tiếp thu khắc phục hạn chế của Bộ luật trước đây về khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình (phạt tù, phạt tiền), tuy nhiên trong dự thảo vẫn còn nhiều điều luật có khung hình phạt quá rộng (3 năm đến 10 năm, 7 năm đến 15 năm, 10 triệu đến 100 triệu,…) vì vậy đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp tối đa khung hình phạt của các điều luật để đảm bảo công bằng, chặt chẽ khi áp dụng.
Những sửa đổi, bổ sung về bố cục và kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Đề nghị thiết kế, bổ sung trong Phần I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG một Chương riêng về giải thích các từ ngữ trong Điều luật để áp dụng chung, hạn chế việc phải ra văn bản hướng dẫn áp dụng. Ví dụ giải thích thế nào là “lạm dụng chức vụ, quyền hạn”;“lợi dụng chức vụ, quyền hạn”; “lạm quyền”, “gây hậu quả ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”,”dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”,“Phạm tội thu lợi bất chính lớn”, “số lượng rất lớn, đặc biệt lớn”, “người già yếu, ốm đau”…
Về ngôn ngữ diễn đạt và kỹ thuật xây dựng của các quy định của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Trong Phần các tội phạm cụ thể một số tội cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ hơn các dấu hiệu đặc trưng, cấu thành cơ bản của tội phạm để hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng sai tội danh, điều luật (Ví dụ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ...). Mặt khác một số Điều luật khi quy định áp dụng hình phạt bổ sung thường dùng cụm từ “có thể” nên trong thực tiễn xét xử thường xảy ra tình trạng áp dụng tùy tiện, chưa đảm bảo tính thống nhất.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND tỉnh Bắc Giang.
Thế Anh
Tìm kiếm