CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số ý kiến trao đổi về miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015

20/02/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, các quy định về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ có lợi cho người...

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, các quy định về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ có lợi cho người phạm tội đã được áp dụng từ khi có Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 về lùi hiệu lực thi hành của BLHS số 100/2015/QH13, Bộ luật TTHS số 101/2015/QH13…; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14…

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp kết quả việc vận dụng quy định về miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) theo khoản 3 Điều 29 BLHS, nhận thấy có một số bất cập, băn khoăn, tôi xin nêu ở đây để các đồng nghiệp cùng tham khảo.

Theo kết cấu của quy định khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì người phạm tội có thể được miễn TNHS khi “đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.” trong hai trường hợp như sau:

- Một là, người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác (trường hợp này có thể là do vô ý hoặc cố ý);

- Hai là, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.

Theo đó, việc miễn TNHS của BLHS năm 2015 mở rộng hơn so với BLHS năm 1999 về loại tội phạm được miễn TNHS, đồng thời cũng chỉ rõ và cụ thể hơn so với trước đây (đối với cả tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý và vô ý). Đây là thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng quy định xử lý hình sự theo hướng giảm xử lý về hình sự đối với một số loại tội phạm, người người phạm tội, qua đó nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội tích cực thực hiện những điều kiện cụ thể, như: Lập công chuộc tội, chứng tỏ khả năng giáo dục, cải tạo, phục thiện, mong muốn khắc phục hậu quả, giảm bớt tác hại của hành vi phạm tội để hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.

Trong thực tiễn, sau khi có BLHS năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc thi hành BLHS năm 2015 thì nhiều vụ án thuộc loại tội phạm nghiêm trọng do vô ý được các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 ra Quyết định đình chỉ miễn TNHS khi người phạm tội bồi thường dân sự, bù đắp phần nào tổn thất vật chất, tinh thần cho gia đình bị hại và được đại diện của người bị hại tự nguyện đề nghị miễn TNHS cho người phạm tội. Thực tế hiện nay, chủ yếu miễn TNHS cho người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả chết người quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999 và khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015, chưa có trường hợp nào căn cứ khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 để miễn TNHS cho người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác khi người bị hại hoặc người đại diện xin miễn TNHS.

Thực hiện quy định tại khoản 3, Điều 29 BLHS năm 2015, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, có nhiều vướng mắc và nảy sinh những vấn đề bất cập trong việc vận dụng, xử lý như sau:

Một là: Nhiều trường hợp phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả chết người (quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999 và khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015), người phạm tội đã nhanh chóng bồi thường dân sự cho gia đình bị hại. Do vậy, gia đình người bị tai nạn gây khó khăn cho việc điều tra, thu thập chứng cứ, đặc biệt là việc khám nghiệm tử thi, có vụ không khám nghiệm được, nên không có cơ sở để quyết định khởi tố hay không khởi tố đối với người vi phạm (có vụ đã phải tạm đình chỉ giải quyết tin báo) hoặc đã thực hiện được việc thu thập đầy đủ căn cứ giải quyết nhưng CQĐT để kéo dài thời gian giải quyết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do để chờ hai bên hòa giải, thỏa thuận…nên việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và gải quyết án loại này có vụ để kéo dài.

Hai là: Khi tiến hành giải quyết vụ việc thì một số đơn vị đã vận dụng không đúng trình tự, thủ tục thủ tục tố tụng hình sự để giải quyết vụ việc, dưới các dạng như sau:

+ Sau khi các bên thỏa thuận, Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, chuyển xử lý hành chính đối với người có vi phạm. Theo quy định tại khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015 thì tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không thuộc các trường hợp để ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nhưng CQĐT vẫn ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do nếu có ra Quyết định khởi tố thì cuối cùng cũng phải ra Quyết định đình chỉ miễn TNHS, do vậy ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự để gảm bớt thủ tục hành chính tư pháp và rút ngắn được thời gian và thủ tục giải quyết vụ việc.

+ Sau khi có Quyết định khởi tố vụ án hình sự (chưa ra Quyết định khởi tố bị can), người vi phạm bồi thường dân sự, hai bên hòa giải, đại diện bị hại có đơn xin miễn TNHS, Cơ quan điều tra đã căn cứ khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án miễn TNHS. Tuy nhiên, việc ra quyết định đình chỉ miễn TNHS chỉ được thực hiện đối với người nào đó (ít nhất là đã bị khởi tố bị can) khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 16 (Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội), Điều 29 (Căn cứ miễn TNHS), khoản 2 Điều 91 (Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi) BLHS năm 2015, chứ không thể đình chỉ miễn TNHS cho người chưa bị khởi tố về hình sự.

Ba là: Việc miễn TNHS chưa có tiêu chí chung về tính chất mức độ lỗi, hậu quả của tội phạm, nhân thân của người phạm tội; đại diện bị hại trong một số vụ có chết người thì nhất thiết phải là người như thế nào của người đã chết .v.v. để cơ quan tố tụng xem xét “có thể” miễn hay không miễn TNHS cho người phạm tội. Do vậy, việc miễn TNHS đối với loại tội này trong thời gian qua có nhiều vụ mang tính chủ quan của cơ quan, người tiến hành tố tụng, chưa đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng pháp luật.

Bốn là: Có nhiều trường hợp, người phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý, như: Tội Trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 173); tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 174); tộ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 175)..v.v. đã bồi thường, bồi hoàn đầy đủ các thiệt hại và được người bị hại đề nghị miễn TNHS nhưng không được các cơ quan pháp luật xem xét miễn TNHS (thực tiễn chưa miễn TNHS cho trường hợp nào thuộc loại này). Đây còn đang là khoảng trống mà gần như chưa được các cơ quan tố tụng xem xét đến để thực hiện việc miễn hay không miễn TNHS cho người phạm tội có đủ điều kiện quy định thuộc loại này.

Việc mở rộng diện về loại tội phạm được miễn TNHS theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý tội phạm. Tuy nhiên, quy định này ảnh hưởng đến việc xử lý rất nhiều tội phạm thuộc loại tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (do cố ý), dẫn đến việc tùy tiện trong xử lý tội phạm. Quy định này cũng tác động, ảnh hưởng đến công tác quản lý xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực trật tự giao thông đường bộ…với tâm lý “có tiền là có thể giải quyết được mọi chuyện” nên khi tham gia giao thông, người tham gia giao thông không tôn trọng các quy định về tham gia giao thông (người lái xe có nồng độ cồn cao, dùng ma túy lái xe, chạy lùi trên các tuyến đường cao tốc, lái xe bằng chân .v.v), hậu quả đến đâu thì đến, bồi thường là xong v.v. Do vậy, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và hạn chế vai trò của pháp luật thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từ các quy định về miễn TNHS quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 và thực tiễn áp dụng, tôi có một số đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện chế định này như sau:

- Cần quy định rõ tiêu chí chung về tính chất mức độ lỗi, hậu quả của tội phạm, nhân thân của người phạm tội và các yếu tố khác có liên quan.v.v. để làm cơ sở cho việc miễn TNHS quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, hạn chế việc “có thể” để tránh tùy tiện trong việc áp dụng và đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý tội phạm.

- Quy định rõ việc miễn TNHS đối với loại tội phạm do vô ý có hậu quả chết người thì người đại diện hợp pháp của bị hại phải là quan hệ ruột thịt với người đã chết (vì người chết thì sẽ không gì bù đắp được cho họ) tự nguyện xin miễn TNHS mới đảm bảo “tính xác đáng” của việc xin miễn TNHS, tránh tùy tiện trong việc xin miễn TNHS của người đại diện hợp pháp mà không phải là ruột thị của họ.

- Nên quy định rõ hơn việc miễn TNHS đối với người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác (trường hợp này có thể là do vô ý hoặc cố ý); trong nhóm các loại tội phạm này có cả các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 BLHS năm 2015, khi bị hại rút yêu cầu thì vụ án được đình chỉ (Điều 155 BLTTHS năm 2015) nhưng việc đình chỉ do bị hại rút đơn yêu cầu thì lại không thuộc trường hợp đình chỉ miễn TNHS.

Vũ Quang Vinh, Thanh Tra VKSND tỉnh Hải Dương

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Hải Dương) 

Tìm kiếm