CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh đáp ứng kỳ vọng đòi hỏi của nhân dân

09/08/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2015); Tạp chí Kiểm sát đã thực hiện phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá về những thành tựu trong 55 năm xây dựng và phát triển của Ngành cũng như phương hướng và những nội dung trọng tâm công tác của Ngành thời gian tới để tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách tư pháp. Trang tin Kiểm sát online đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn này...

Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh đáp ứng kỳ vọng đòi hỏi của nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2015); Tạp chí Kiểm sát đã thực hiện phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá về những thành tựu trong 55 năm xây dựng và phát triển của Ngành cũng như phương hướng và những nội dung trọng tâm công tác của Ngành thời gian tới để tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách tư pháp. Trang tin Kiểm sát online đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn này. Tiêu đề bài phỏng vấn do Trang tin Kiểm sát online đặt.
Phóng viên: Kính thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân; đề nghị đồng chí đánh giá khái quát về những thành tựu trong 55 năm xây dựng và phát triển của Ngành.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình: Năm nay chúng tôi kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam. Có thể nói là lịch sử của Ngành gắn liền với lịch sử của Đảng, của đất nước và những hoạt động của Ngành gắn liền với việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng, của dân tộc qua các thời kỳ kể từ năm 1960 từ ngày thành lập cho đến nay.
Những thành tựu của Ngành trong 55 năm qua cũng đã có những đóng góp quan trọng cho việc lập nên những chiến công rất vĩ đại của chúng ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng, phát triển trong thời bình. Những thành tựu nổi bật của ngành Kiểm sát thì có thể khái quát trên những khía cạnh chủ yếu sau:
Một là, ngành Kiểm sát đã cùng với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm một cách rất hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn với các doanh nhân; đây là thành tựu quan trọng nhất và gắn liền với chức năng của ngành Kiểm sát.
Đối tượng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong các thời kỳ có khác nhau, trong những năm đầu thành lập, đất nước ta vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện các nguồn lực cho miền Nam để đấu tranh giải phóng đất nước thì nhiệm vụ chính của ngành Kiểm sát cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng là trấn áp bọn phản cách mạng, tình báo, gián điệp và bọn phỉ để bảo vệ những thành tựu xã hội chủ nghĩa của miền Bắc; trấn áp các loại tội phạm, xâm phạm đến việc tăng cường các nguồn lực chi viện cho miền Nam. Trong thời gian hòa bình, thống nhất đất nước thì nhiệm vụ chính của ngành Kiểm sát là tiến hành truy tố các loại tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm cuộc sống thanh bình của nhân dân, các loại tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tội phạm tham nhũng, và thời gian gần đây, cùng với xu thế hội nhập thì ngày càng xuất hiện các loại tội phạm phi truyền thống đang trở thành thách thức toàn cầu như tội phạm công nghệ cao, tội phạm liên quan đến thị trường chứng khoán, thị trường tài chính.v.v., do vậy, phải tổ chức tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các loại tội phạm này.
Hai là, chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng, có thể nói, yêu cầu của Hiến pháp và pháp luật bên cạnh việc đấu tranh có hiệu quả thì trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ quyền con người. Đây là một đòi hỏi đối với mọi nền tư pháp và trọng trách được giao cho cơ quan Kiểm sát với tư cách là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Có thể nói thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát hiện được những vụ án oan, sai trước đây và đã gỡ oan cho người bị oan… Có thể nói, thông qua hoạt động của mình thì niềm tin của nhân vào việc bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động của ngành Kiểm sát rất là cao.
Ba là, thực hiện chức năng của mình, ngành Kiểm sát đã đảm bảo cho các hoạt động tố tụng tuân thủ pháp luật một cách thống nhất trong phạm vi toàn quốc và góp phần quan trọng xây dựng các cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh. Có thể nói, với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì chúng tôi đã kiểm sát đảm bảo cho mọi hoạt động tố tụng tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Và thời gian gần đây khi thực hiện các chủ trương cải cách tư pháp, Quốc hội cũng đã cho phép ngành Kiểm sát thành lập Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và nhiệm vụ chính của cơ quan này là phát hiện và xử lý những cán bộ có chức danh tư pháp xâm phạm đến hoạt động tư pháp... Thông qua hoạt động của mình, hàng năm Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã phát hiện các vi phạm của các chức danh tư pháp kể cả của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, các chức danh khác và đã loại trừ ra khỏi đội ngũ các cán bộ chức danh tư pháp tiêu cực, thoái hóa, biến chất, góp phần quan trọng xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh và qua đó tăng thêm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan tư pháp vốn là hiện thân của lẽ phải và công lý.
Bốn là, thông qua các hoạt động của mình, đội ngũ Kiểm sát viên đã lớn mạnh không ngừng, tăng trưởng về số lượng, nâng cao về chất lượng và kỷ cương, kỷ luật ngày càng được đề cao, trách nhiệm trong công việc ngày càng được nâng lên, qua đó nâng cao hiệu quả việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Ngành Kiểm sát nhân dân ngay từ những năm 1960 khi thành lập chỉ có khoảng 800 người, cho đến hôm nay sau 55 năm hoạt động thì đã có đội ngũ hơn 15.000 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành được tổ chức theo 4 cấp từ Trung ương đến cấp cơ sở là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và có thể đảm nhận được nhiệm vụ một cách có hiệu quả trên mọi miền Tổ quốc. Chất lượng cán bộ đã được nâng lên, ở những năm đầu khi thành lập chủ yếu là các đồng chí bộ đội phục viên hoặc tham gia trong kháng chiến bằng nhiệt tình và kinh nghiệm chuyển sang hoạt động tư pháp, nhưng hiện nay đã có hơn 11.000 Kiểm sát viên ở các ngạch sơ cấp, trung cấp, cao cấp, 100% chức danh tư pháp đều có trình độ Đại học và rất nhiều đồng chí có trình độ sau đại học (Tiến sỹ, Thạc sỹ). Đội ngũ cán bộ được đào tạo đã trải qua rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đây là một đảm bảo hết sức quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Phóng viên: Kính thưa đồng chí Viện trưởng! Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 55 năm qua của ngành KSND; trong giai đoạn mới của đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, đồng thời để tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, đề nghị đồng chí cho biết phương hướng và những nội dung trọng tâm công tác của Ngành thời gian tới ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình: Có thể nói, chúng ta đang trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và chúng ta đang trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Hiến pháp năm 2013, do vậy, đòi hỏi của cải cách tư pháp, đòi hỏi của Hiến pháp năm 2013 đối với hoạt động tư pháp nói chung và đối với hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng là rất cao. Đây chính là đòi hỏi của nhân dân, đòi hỏi của cuộc sống.
 Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều nội dung mới nhưng một trong những nội dung mới là lần đầu tiên giới hạn của các quyền được quy định thành những nguyên tắc trong Hiến pháp (Điều 14 Hiến pháp năm 2013), ví dụ như “quyền con người”, “quyền công dân” chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, điều này có nghĩa là từ nay không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền con người, quyền công dân, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do luật định… Với những điểm mới này, thì đòi hỏi nhiệm vụ của ngành Kiểm sát là phải tổ chức thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm trong điều kiện đòi hỏi của Hiến pháp và cải cách tư pháp cao như thế này. Đây là nhiệm vụ hàng đầu đặc biệt quan trọng của ngành Kiểm sát.
Nhiệm vụ thứ hai là, Quốc hội vừa thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật này cũng có nhiều nội dung. Nhiệm vụ của chúng tôi là tổ chức triển khai dự án luật này, đưa dự án luật này vào cuộc sống, phải kiện toàn lại bộ máy của ngành Kiểm sát, phải rà soát lại bộ máy cán bộ, bố trí bộ máy cán bộ một cách hợp lý ở các cấp Kiểm sát khác nhau. Phải đổi mới đào tạo và bồi dưỡng cán bộ để cập nhật kiến thức đáp ứng được yêu cầu của tình hình, tổ chức ứng dụng các thành tựu của khoa học pháp lý cũng như thành tựu công nghệ, ví dụ như công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của mình.
Nhiệm vụ thứ ba là, phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế tạo ra những hành lang pháp lý để làm cơ sở pháp lý cho hành lang pháp lý của Ngành. Sau khi Hiến pháp được thông qua thì một loạt dự án luật sau đó phải được triển khai, nghiên cứu và thời gian gần đây Quốc hội đã bắt đầu thảo luận về những dự án luật này, có những dự án luật Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát trực tiếp soạn thảo và trình Quốc hội và có những Dự án luật mà ngành Kiểm sát tham gia, ví dụ như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật dân sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.v.v. Những hệ thống pháp luật này là cơ sở pháp lý rất quan trọng thể hiện bản chất của chế độ, tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhưng cũng là căn cứ để bảo vệ quyền con người, quyền công dân; do đó, nhiệm vụ xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong tình hình hiện nay.
Nhiệm vụ thứ tư là, chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện vào kinh tế toàn cầu, như vậy tất yếu đặt ra những nhu cầu hội nhập về hoạt động tư pháp, đặc biệt là tư pháp hình sự. Với tư cách là cơ quan đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự thì Viện kiểm sát cần thực hiện tốt chức năng này thông qua việc tổ chức ký kết đàm phán các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự đối với các quốc gia khác và tổ chức thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự đã ký kết trong khuôn khổ song phương hoặc đa phương. Có thể nói thời gian gần đây, các nhu cầu đòi hỏi, các yêu cầu của các cơ quan thi hành tố tụng quốc tế đối với nước ta tăng lên đến 80% một năm, đây là tốc độ lớn và chúng ta cũng có những yêu cầu đối với các cơ quan tư pháp hình sự quốc tế - đây là một kết quả tất yếu của quá trình hội nhập khi mà quan hệ kinh tế của chúng ta với nhiều nước đã tăng lên quy mô rất lớn, khi mà trao đổi công dân giữa chúng ta và các nước khác cũng rất lớn, đặc biệt là Việt kiều, bên cạnh những mặt tốt như huy động những nguồn vốn, huy động được công nghệ tiên tiến rồi trao đổi những kinh nghiệm nước ngoài thì đặt ra câu chuyện là phải tổ chức cuộc đấu tranh chống tội phạm trong những quan hệ tư pháp hình sự như thế này. Bởi vì thực tế hiện nay cũng có nhiều loại tội phạm trở thành thách thức đối với toàn cầu, có những loại tội phạm không biên giới cho nên nỗ lực đơn độc của một quốc gia không thể nào chống lại được loại tội phạm này mà cần thiết phải có sự kết nối, hợp tác giữa các cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm đa quốc gia thì cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới này mới có hiệu quả.
Nhiệm vụ thứ năm đặc biệt quan trọng là phải tiếp tục xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh đáp ứng kỳ vọng đòi hỏi của nhân dân đối với hoạt động của Ngành. Cán bộ Kiểm sát phải không ngừng rèn luyện cả về phẩm chất, bồi dưỡng cả về nghiệp vụ, tích lũy cả về kiến thức, kinh nghiệm để có thể đáp ứng được yêu cầu của tình hình. Phải nói đây là một lĩnh vực cũng có những rủi ro, đòi hỏi cán bộ phải rất bản lĩnh, rất công tâm, rất trách nhiệm và hết sức trong sạch, cho nên, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Ngành, giám sát nội bộ, nâng cao giám sát ngoài hệ thống, giám sát của nhân dân, của các cơ quan dân cử, các cơ quan ở các giai đoạn tố tụng khác đối với hoạt động của ngành Kiểm sát cũng phải cao hơn để đảm bảo cho hoạt động của Ngành tuân thủ pháp luật, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần tăng cường hơn nữa pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc./.
P.V
Tìm kiếm