CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Những bài học rút ra từ việc tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm của VKSND tỉnh Hà Nam trong 5 năm qua

08/08/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Nam đã đề ra kế hoạch và chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa là khâu đột phá nhằm khẳng định vị thế, vai trò và hình ảnh của Viện kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...

Những bài học rút ra từ việc tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm của VKSND tỉnh Hà Nam trong 5 năm qua

Thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Nam đã  đề ra kế hoạch và chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa là khâu đột phá nhằm khẳng định vị thế, vai trò và hình ảnh của Viện kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Sau khi kết thúc điều tra, xét thấy những vụ án có tính chất phức tạp, các vụ trọng án được cấp ủy, chính quyền và dư luận quan tâm; những vụ xâm phạm nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản hoặc ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và tình hình trật tự trị an xã hội như: Án giết người, cướp tài sản có dùng hung khí, mua bán trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ… đặc biệt là những vụ bị cáo không nhận tội hoặc có Luật sư tham gia bào chữa… lãnh đạo VKSND các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp thống nhất với lãnh đạo TAND cùng cấp lựa chọn những vụ án trên để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Đồng thời, trước khi mở phiên tòa 05 ngày, VKSND cấp huyện đã gửi văn bản báo cáo về VKSND tỉnh kèm theo các tài liệu: Quyết định đưa vụ án ra xét xử, cáo trạng, đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, kế hoạch tranh tụng hoặc Dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa để VKSND tỉnh nắm được và chỉ đạo. Trên cơ sở đó, VKSND tỉnh chọn những vụ án điển hình để tổ chức cho Kiểm sát viên 2 cấp tham dự, học tập.
Các vụ án được lựa chọn tổ chức xét xử rút kinh nghiệm đều được điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, không có vụ án nào quá thời hạn luật định hoặc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Mỗi phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp thành phần tham dự gồm toàn thể lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị. Ngoài ra, VKSND tỉnh đã tổ chức 06 phiên tòa cho lãnh đạo, Kiểm sát viên 2 cấp tham dự học tập, rút kinh nghiệm chung. Viện kiểm sát 2 cấp lựa chọn, phân công những Kiểm sát viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Đối với những vụ án phức tạp, có khiếu kiện kéo dài thì lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
- Kiểm sát viên thực hiện các thao tác nghiệp vụ ở giai đoạn điều tra: Đảm bảo đúng quy định của Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra như: trích cứu hồ sơ, nắm vững chứng cứ và tâm lý khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
- Về các thao tác nghiệp vụ trước khi tham gia phiên tòa:
 Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên lập hồ sơ kiểm sát; trích cứu các lời khai của bị can, của những người tham gia tố tụng và các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án; hệ thống các chứng cứ buộc tội, gỡ tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can; đối chiếu giữa các chứng cứ và các tình tiết của vụ án nhằm phát hiện mâu thuẫn, từ đó có biện pháp khắc phục và củng cố chứng cứ.
Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm cũng đi vào nề nếp như: Kiểm sát viên đã chú ý kiểm tra, xem xét tính có căn cứ và hợp pháp đối với nội dung, hình thức của kháng cáo, kháng nghị; trích cứu các lời khai của bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác cũng như các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị; nghiên cứu kỹ cáo trạng, bản án, quan điểm của Kiểm sát viên và biên bản phiên tòa, dư luận xã hội và báo chí sau khi xét xử sơ thẩm... Đồng thời, kiểm tra hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử nhằm phát hiện những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự dẫn đến việc xét xử không đúng, không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng để kết luận tính hợp pháp của bản án...
Trước khi tham gia phiên tòa, các Kiểm sát viên đều có bản dự thảo đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, Kế hoạch tranh tụng hoặc dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa như: những vấn đề ra phiên tòa bị cáo có thể khai báo quanh co, thiếu thành khẩn; những mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo hoặc mâu thuẫn với lời khai của bị cáo khác và với những người tham gia tố tụng; những tình tiết cần xét hỏi nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án…
Việc báo cáo án với lãnh đạo Viện, lãnh đạo Phòng được Kiểm sát viên thực hiện thông qua bản đề xuất đường lối xét xử vụ án để lãnh đạo xem xét, quyết định.
- Thực hành quyền công tố tại phiên tòa: Do làm tốt công tác chuẩn bị nên tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã thể hiện rõ vai trò, vị trí pháp lý là người đại diện VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Kiểm sát viên chú ý theo dõi, ghi chép việc xét hỏi của Hội đồng xét xử, việc trả lời của bị cáo, những người tham gia tố tụng và đối chiếu với dự thảo đề cương xét hỏi để tích cực, chủ động tham gia xét hỏi bổ sung đối với những vấn đề chưa được làm rõ hoặc những nội dung khai báo còn quanh co, mâu thuẫn hoặc thiếu thành khẩn. Nội dung xét hỏi của Kiểm sát viên bám vào các vấn đề trọng tâm, các tình tiết liên quan nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án và quan điểm truy tố của VKS. Các bản luận tội của Kiểm sát viên đều căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng cùng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân, cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra để thể hiện quan điểm xử lý vụ án và đề nghị áp dụng mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Chất lượng tranh luận của Kiểm sát viên ngày càng được nâng cao, có phương pháp tranh luận phù hợp, thái độ đúng mực, phong cách tranh luận bình tĩnh, tự tin, đưa ra các chứng cứ xác đáng và lập luận, phân tích đảm bảo tính khoa học, logic. Đồng thời, Kiểm sát viên đã chú trọng kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trước, trong và sau phiên tòa. Kiểm sát viên đã ghi chép cụ thể, chi tiết diễn biến phiên tòa, kiểm sát việc tuyên án, kiểm tra biên bản phiên tòa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và Quy chế nghiệp vụ của Ngành đề ra. Quan điểm xử lý vụ án và đề nghị của Kiểm sát viên về mức hình phạt đối với các bị cáo tại các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đều đảm bảo có căn cứ, phù hợp với kết quả xét xử của Tòa án.
Các đơn vị có thể tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp bằng một trong các hình thức: Đơn vị tổ chức phiên tòa mời lãnh đạo, Kiểm sát viên 2 cấp  hoặc mời lãnh đạo VKS tỉnh và Phòng nghiệp vụ tham dự hoặc đơn vị tự tổ chức để cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tham dự học tập và đánh giá, rút kinh nghiệm chung. Trên cơ sở đó, báo cáo kết quả về VKSND tỉnh để tổng hợp. Ngoài ra, VKSND tỉnh có thể phối hợp với Lãnh đạo đơn vị kiểm tra đột xuất công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa của Kiểm sát viên để rút kinh nghiệm.
Với những tiêu chí nêu trên, VKS 2 cấp của tỉnh của tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án tổ chức được 70 phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp/33 Kiểm sát viên được phân công THQCT và KSXX án hình sự (sơ thẩm cấp tỉnh: 10 phiên tòa; phúc thẩm cấp tỉnh: 06 phiên tòa; sơ thẩm cấp huyện: 54 phiên tòa). Trong đó, 06 phiên tòa tổ chức cho Kiểm sát viên 2 cấp tham dự học tập, rút kinh nghiệm chung.
Nhìn chung, các đơn vị đều đã quan tâm chú trọng, chủ động phối hợp chặt chẽ với TAND cùng cấp để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Công tác chuẩn bị, tiến hành phiên tòa và tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa đều bảo đảm chu đáo, chặt chẽ, khoa học và về cơ bản đạt được yêu cầu đề ra.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực: Tại cuộc họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa, trên cơ sở ý kiến đóng góp của lãnh đạo Viện và các đồng nghiệp tham dự phiên tòa, Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thấy được những ưu điểm, tồn tại, thiếu sót của bản thân, từ đó nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng xét hỏi, luận tội và đối đáp, tranh luận, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa và rèn luyện tác phong, bản lĩnh nghiệp vụ của người cán bộ ngành Kiểm sát. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, giải quyết vụ án. Đồng thời, thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của Kiểm sát viên để đánh giá cán bộ chính xác, toàn diện, từ đó bố trí, phân công cán bộ phù hợp với năng lực và có phương hướng đào tạo, bồi dưỡng Kiểm sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm mới chỉ triển khai thực hiện ở ngành Kiểm sát. Để tiếp tục phát huy, nâng cao tác dụng và hiệu quả của phiên tòa rút kinh nghiệm, trong thời gian tới, VKSND tỉnh sẽ phối hợp với TAND tỉnh để chỉ đạo tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm chung cho cả hai ngành (đối với Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử). Qua đó, góp phần khắc phục những tồn tại trong quá trình tiến hành tố tụng nhằm nâng cao chất lượng phiên tòa, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Đánh giá công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự đối với các phiên tòa rút kinh nghiệm:
Các phòng nghiệp vụ thuộc khối hình sự và VKSND cấp huyện đều đưa việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vào nội dung Chương trình hoặc kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị, đăng ký chỉ tiêu: Mỗi Kiểm sát viên thực hiện ít nhất từ 01 đến 02 phiên tòa rút kinh nghiệm/năm. Vì vậy, công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã từng bước đi vào nề nếp: Năm 2010, VKS 2 cấp tổ chức được 04 phiên tòa; Năm 2011: 07 phiên tòa; Năm 2012: 23 phiên tòa và Năm 2013: 36 phiên tòa. Như vậy, số lượng, chất lượng các phiên tòa đã được nâng lên qua từng năm công tác. Các phiên tòa được lựa chọn để tổ chức rút kinh nghiệm đều thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan. VKS 2 cấp đã phối hợp chặt chẽ với TAND cùng cấp, từ công tác chuẩn bị đến việc tổ chức phiên tòa đều bảo đảm đúng quy định, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
VKS 2 cấp đã thực hiện việc thông khâu kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm để KSV nắm chắc hồ sơ từ khi khởi tố đến khi xét xử. Đồng thời, mỗi Kiểm sát viên đều quán triệt sâu sắc quan điểm: Để nâng cao chất lượng tranh tụng, trước hết cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm của KSV về các yêu cầu nghiệp vụ tại phiên toà xét xử các vụ án hình sự. Trong đó, cần chú trọng thực hiện tốt hoạt động kiểm sát điều tra trong giai đoạn điều tra; xây dựng bản cáo trạng có chất lượng tốt; nắm chắc hồ sơ vụ án để dự kiến những vấn đề cần tranh luận; chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội; tìm hiểu các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đó là những điều kiện, là tiền đề cơ bản giúp cho KSV bình tĩnh, tự tin khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Bên cạnh đó, KSV phải có phương pháp tranh luận đảm bảo tính khoa học, tính logic thể hiện trình độ lý luận sắc bén mới có tính thuyết phục cao đối với Luật sư bào chữa và những người tham gia tố tụng. Chính vì vậy, các quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án đều bảo đảm “thấu tình, đạt lý”, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Đến nay, 100% các vụ án được đưa ra xét xử, KSV đều bảo vệ thành công cáo trạng mà Viện kiểm sát hai cấp đã truy tố, không có trường hợp nào Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
            Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa được các Kiểm sát viên chú trọng và thực hiện tương đối tốt. Việc tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa bảo đảm nghiêm túc, công khai, dân chủ, thẳng thắn và cầu thị. VKSND cấp huyện đã gửi đầy đủ biên bản ghi chép diễn biễn và kết quả cuộc họp về VKSND tỉnh. Đồng thời, VKSND tỉnh đã ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm sau khi tham dự phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác.
Bên cạnh đó, một số Kiểm sát viên xây dựng đề cương xét hỏi chưa sát với nội dung vụ án, nên việc tham gia xét hỏi không đúng trọng tâm, chất lượng hỏi không sâu, giữa các câu hỏi không có mối liên hệ với nhau nhằm làm rõ hành vi, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm. Một số bản luận tội chưa đạt yêu cầu, chủ yếu tóm tắt lại nội dung cáo trạng mà chưa đi sâu phân tích, đánh giá, viện dẫn chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quan điểm truy tố. Trong tranh luận, đối đáp: Một số Kiểm sát viên còn hạn chế về khả năng diễn đạt, trình bày và phản ứng chưa linh hoạt với vấn đề Luật sư đưa ra tại phiên tòa.
Để đạt được những kết quả nêu trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh, lãnh đạo VKSND các huyện, thành phố. Bên cạnh đó là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên và sự phối hợp có hiệu quả của TAND cùng cấp.
Nguyên nhân tồn tại: Một số Kiểm sát viên chưa nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, tầm quan trọng của việc tổ chức phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp. Bề dày kinh nghiệm cũng như sự am hiểu pháp luật và các lĩnh vực đời sống xã hội của một vài đồng chí còn hạn chế.
Những bài học rút ra từ việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm
Một là, phải quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”
Phải kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành các hoạt động điều tra trước khi khởi tố vụ án hình sự và trong suốt quá trình điều tra, thu thập chứng cứ cho đến khi kết thúc điều tra; hoạt động công tố phải song hành với hoạt động điều tra, khắc phục tình trạng thụ động chờ Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang mới nghiên cứu, kiểm sát.
Đối với Kiểm sát viên, phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, kỹ năng tham gia các hoạt động điều tra do Điều tra viên tiến hành và khả năng tự mình tiến hành một số hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ khi cần thiết. Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ và trực tiếp phối hợp tham gia các hoạt động điều tra, Kiểm sát viên phải xác định được những vấn đề cần chứng minh và khả năng thu thập chứng cứ của Điều tra viên để từ đó đề ra yêu cầu điều tra. Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên và Điều tra viên kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ vụ án và đánh giá kết quả thực hiện các yêu cầu điều tra của VKS. Đối với những yêu cầu chưa thực hiện hoặc nội dung cần phải điều tra bổ sung thì kiên quyết yêu cầu để hoàn chỉnh hồ sơ vụ án
Lãnh đạo đơn vị tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị tham gia xét xử như: Chuẩn bị đề cương tham gia xét hỏi, dự thảo luận tội, tranh luận trên cơ sở nghiên cứu, nắm vững nội dung của vụ án, hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Thực hiện tốt việc nghe báo cáo án, chỉ đạo về đường lối giải quyết vụ án, chỉ đạo cụ thể các yêu cầu nghiệp vụ mà Kiểm sát viên cần lưu ý khi tham gia phiên toà. Sau mỗi phiên tòa, lãnh đạo đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm bảo đảm nghiêm túc, dân chủ với tinh thần cầu thị nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác, đồng thời gửi văn bản báo cáo kết quả tổ chức phiên tòa về VKSND tỉnh.
Hai là, nắm vững và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. 
Kiểm sát viên cần nhận thức đầy đủ, thống nhất về nội dung các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự và văn bản có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của khâu công tác này. Xác định rõ mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự được quy định tại Điều 112,  Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự. Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự càng tốt, thì hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên càng cao.
Ba là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với Tòa án nhân dân cùng cấp trong việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
Lãnh đạo Viện kiểm sát 2 cấp đã xác định quan hệ phối hợp với Tòa án cùng cấp là một trong những nhân tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Vì vậy, lãnh đạo Viện đã họp bàn cùng lãnh đạo Toà án thống nhất về nhận thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Bốn là, quan tâm, chú trọng đến công tác cán bộ
VKSND tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác tuyển chọn cán bộ có năng lực, trình độ, có tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, có trách nhiệm, bản lĩnh và lương tâm nghề nghiệp bố trí vào công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Chú trọng việc bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng đối đáp, tranh luận tại phiên toà.
Năm là, nêu cao ý thức tự rèn luyện của cán bộ, Kiểm sát viên 
Kiểm sát viên phải không ngừng nghiên cứu học hỏi, tự trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và thường xuyên đúc rút kinh nghiệm qua từng vụ án nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phản ứng  nhanh nhạy, quyết đoán, sâu sát với hoạt động thực tiễn, nắm chắc pháp luật và đường lối chính sách của Đảng để vận dụng tại phiên tòa, bảo đảm quan điểm giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật.
TH (biên tập)
Tìm kiếm