Ngày 20/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với 05 Chương và 91 Điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân...
Những điểm mới của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Ngày 20/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với 05 Chương và 91 Điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, Luật được ban hành nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát, góp phần nâng cao, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước,…
Tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội
So với Luật hoạt động giám sát Quốc hội năm 2003, Luật hiện hành đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là “giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước”. Đây là điều mới được bổ sung nhằm làm rõ tính chất giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; giữa Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.
Khái niệm “giám sát” trong Luật hoạt động giám sát hiện hành cũng được bổ sung theo hướng quy định không chỉ là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát” mà còn bao gồm cả việc “xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” (Điều 2).
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật hiện hành đã bổ sung khái niệm về “hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội” và cụ thể hóa như sau: chỉ Quốc hội mới có quyền giám sát tối cao và hoạt động giám sát tối cao được tiến hành tại kỳ họp Quốc hội. Bổ sung một số hoạt động giám sát chưa được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội 2003 như xem xét báo cáo giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thời, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (các điều 16, 17, 18, 19, 20). Quy định rõ chủ thể có thẩm quyền trình Quốc hội xem xét văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; chủ thể có quyền kiến nghị, đề nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (Điều 14). Bổ sung thêm thẩm quyền giám sát của Quốc hội đối với các hoạt động của Tổng kiểm toán Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Nhằm bảo đảm cho kiến nghị giám sát có tính hiệu quả và khả thi cao hơn trên thực tiễn, Luật bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội xem xét đối với kiến nghị giám sát của cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đối với kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát của các chủ thể này (Điều 20 và Điều 33).
Luật cũng quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị giám sát đối với từng hoạt động giám sát, như tại các Điều 15 và Điều 40.
Bổ sung quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân
Luật dành Chương I quy định những vấn đề chung về giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, còn những nội dung mang tính đặc thù riêng về giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì quy định cụ thể trong Chương II (Giám sát của Quốc hội) và Chương III (Giám sát của Hội đồng nhân dân).
Luật hoạt động giám sát hiện hành cơ bản giữ các quy định về chủ thể, phạm vi giám sát của Hội đồng nhân dân như quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; sửa đổi, bổ sung về hình thức giám sát (báo cáo, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm), cụ thể hóa trình tự, thủ tục tiến hành giám sát; quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, việc tổ chức Đoàn giám sát để thực hiện giám sát chuyên đề (Điều 62).
Mở rộng loại hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và thường trực Hội đồng nhân dân
Luật hoạt động giám sát 2015 bỏ quy định về chương trình giám sát hàng quý, chỉ quy định chương trình giám sát hằng năm. Đồng thời, bổ sung một số loại hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội như: xem xét báo cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát việc bầu cử Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội; kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (Điều 31, 33, 34).
Bổ sung quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó, quy định về việc thành lập Đoàn giám sát để giám sát chuyên đề, xác định rõ thành phần của Đoàn giám sát khi thực hiện giám sát chuyên đề, bổ sung quyền trưng cầu giám định về những vấn đề Đoàn giám sát thấy cần thiết.
Đối với hoạt động giám sát của thường trực Hội đồng nhân dân, luật quy định rõ hình thức, trình tự thực hiện giám sát của thường trực Hội đồng nhân dân như: xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, việc giải trình tại phiên họp thường trực Hội đồng nhân dân, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc giải quyết kiến nghị của cử tri và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của thường trực Hội đồng nhân dân (Điều 60, 68, 69, 70, 71 và 74)
Về hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các ban của Hội đồng nhân dân
Luật năm 2015 quy định rõ hơn nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật (Điều 40); bổ sung quy định về giám sát chuyên đề, việc giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, việc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời bỏ quy định liên quan đến văn bản liên tịch vì Luật tổ chức Quốc hội mới không quy định về vấn đề này.
Luật bổ sung quy định về hoạt động giám sát của các ban của Hội đồng nhân dân như thẩm tra các báo cáo do Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân phân công, giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Bổ sung quy định về hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định việc tổ chức để đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, cách thức xác định số lượng đại biểu Quốc hội cần thiết kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bổ sung quy định về việc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội trong việc thi hành pháp luật ở địa phương để phù hợp với vị trí, tính chất giám sát của từng chủ thể
Luật hoạt động giám sát năm 2015 lần đầu tiên ban hành các quy định về hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân như trình tự, thủ tục tiến hành chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật tại địa phương, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; quy định về Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn đại biểu ứng cử.
Bổ sung quy định về trách nhiệm điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân
Luật bổ sung, quy định về trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội như yêu cầu Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội hằng năm báo cáo về dự kiến chương trình, nội dung, kế hoạch giám sát của Hội đồng, Uỷ ban và điều chỉnh chương trình, kế hoạch, thời gian, địa điểm thực hiện giám sát của mình để tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, địa điểm giám sát; yêu cầu Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội phối hợp thực hiện hoạt động giám sát ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị để bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát (Điều 36). Quy định Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát (Điều 75).