CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Những vấn đề lưu ý khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự

09/10/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự là một trong những hoạt động nghiệp vụ quan trọng của Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát hồ sơ đang thi hành án và hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án, nhằm đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được cơ quan, tổ chức và công dân tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh.

Để công tác xác minh điều kiện thi hành án đúng quy định của pháp luật, trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, Kiểm sát viên lưu ý một số vấn đề cơ bản sau:

1. Nắm chắc quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời hạn xác minh điều kiện thi hành án:

Quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; Điều 10 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định về kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tại Điều 44, 44a, 45 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về xác minh điều kiện thi hành án; tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, quy định về xác minh điều kiện thi hành án; tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC ngày 01/8/2016 của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, quy định về xác minh điều kiện thi hành án.

2. Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án trong giai đoạn đang thực hiện Quyết định thi hành án:

Theo quy định tại Điều 44, 45 Luật Thi hành án dân sự thì trong thời hạn 10 ngày, là thời hạn tự nguyện thi hành án kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án; tiếp theo thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh. Như vậy ngay từ khi tiếp nhận Quyết định thi hành án (chủ động hoặc theo yêu cầu), Kiểm sát viên chủ động tính thời hạn tự nguyện của người phải thi hành án; giám sát chặt chẽ các hoạt động giải quyết việc của Chấp hành viên trong đó có hoạt động về xác minh điều kiện thi hành án, để nắm chắc tình hình kết quả thi hành vụ việc, kịp thời phát hiện vi phạm yêu cầu khắc phục (nếu có), đồng thời có kế hoạch kiểm sát xác minh việc thi hành án, nhằm đảm bảo không bị thụ động trong công việc. Lưu ý quá trình kiểm sát hồ sơ phải kiểm sát chặt chẽ về thời hạn vì có nhiều trường hợp hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh; kiểm sát biên bản xác minh điều kiện thi hành án, đảm bảo những nội dung cần xác minh đã được Chấp hành viên làm rõ, kịp thời phát hiện những thông tin trong biên bản xác minh sơ sài, không đầy đủ, thiếu khách quan hay xác minh không cụ thể chi tiết về tài sản trong đó có tài sản chung, thành viên trong gia đình; các điều kiện khác đảm bảo thi hành án…

3. Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án đối với các hồ sơ xếp việc chưa có điều kiện thi hành án:

Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần và sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh.

Như vậy, kiểm sát các hồ sơ xếp việc chưa có điều kiện thi hành án rất quan trọng và đảm bảo các việc chuyển chưa có điều kiện thi hành là có căn cứ và đúng quy định thì Kiểm sát viên phải thường xuyên và định kỳ hàng tháng thông qua công tác phối hợp với Chấp hành viên tiếp nhận tài liệu phân loại việc để nắm các trường hợp chưa có điều kiện thuộc diện nào: Thuộc diện chủ động hay đơn yêu cầu; đang chấp hành hình phạt tù; không có mặt tại địa phương; trường hợp không có tài sản; trường hợp tài sản không được kê biên … qua đó đánh giá tình trạng hiện nay về nhân thân, hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của từng đương sự có thay đổi gì không hay vẫn thuộc trường hợp chưa có điều kiện, để làm căn cứ cơ sở cho kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án hằng năm.

4. Kiểm sát tài liệu xác minh điều kiện thi hành án:

Các tài liệu có liên quan đến việc xác minh tài sản của người phải thi hành án do Chấp hành viên thu thập phải được nghiên cứu cẩn thận để làm rõ các nội dung quy định tại Điều 9 Nghị định 62/2015/N Đ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thi hành án dân sự như:

Xem xét thông tin đã phản ánh đầy đủ về thái độ chấp hành án của người phải thi hành án hay chưa; thông tin về tài sản, thu nhập, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án như thế nào; xác định về tài sản chung, riêng trong hộ gia đình; vấn đề ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án; Trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án; về việc chuyển việc chưa có điều kiện sang sổ theo dõi riêng…

Qua nghiên cứu, kiểm sát chặt chẽ giải quyết vụ việc của Chấp hành viên khi phát sinh những vướng mắc, nếu có dấu hiệu vi phạm Kiểm sát viên kịp thời báo cáo Lãnh đạo thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định.

5. Trực tiếp kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án:

Theo quy định đây là một trong những nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu hàng năm của đơn vị. Do đó để đảm bảo hiệu quả, có chất lượng, căn cứ kết quả kiểm sát chặt chẽ các hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án, Kiểm sát viên phân loại hồ sơ chưa có điều kiện thi hành để trực tiếp đi xác minh, tránh tràn lan, không hiệu quả, chạy theo thành tích; việc phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án sẽ làm căn cứ để thực hiện công tác kiến nghị hoặc kháng nghị tùy theo mức độ vi phạm đã phát hiện.

Trong quá trình kiểm sát trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án cần thiết phải làm rõ các nội dung sau:

- Xác minh đầy đủ chi tiết về tài sản nhất là các trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung với các thành viên trong gia đình; vi phạm của Chấp hành viên trong xác minh điều kiện thi hành án thường thể hiện: Xác minh không rõ hiện trạng tài sản của người phải thi hành hành án nhất là xác minh về tài sản chung, tài sản đang có tranh chấp không chi tiết, không rõ ràng làm cho quá trình tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản gặp không ít khó khăn. Một số việc thi hành án, mặc dù Chấp hành viên đã tiến hành xác minh cụ thể, các nội dung cần thiết được làm rõ và đúng hướng nhằm tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật song việc thông báo, xác minh về thi hành án và các thủ tục khác thực hiện chưa đầy đủ, do đó việc thi hành án bị kéo dài hoặc bị đương sự khiếu nại, tố cáo.

- Thông thường người phải thi hành án là thành viên trong một gia đình, có thể là chồng, cha, mẹ, con chưa thành niên… do vậy quá trình xác minh phải làm rõ nhân thân, lý lịch từng người để xác định phần tài sản chung trên cơ sở mức độ đóng góp công sức vào khối tài sản chung của từng thành viên, để việc phân chia tài sản chung đảm bảo thi hành án đối với người phải thi hành án có hiệu quả.

Trước khi tiến hành kiểm sát trực tiếp xác minh chú ý xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ việc, nhằm đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm./.

Nguyễn Phúc Bình - Phòng 11 VKSND tỉnh Lạng Sơn

(vienkiemsatlangson.gov.vn)
Tìm kiếm