Trong 5 năm qua (2010 - 2014), Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án phúc thẩm, giám đốc thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã luôn quán triệt, thực hiện tốt các phong trào thi đua do ngành Kiểm sát và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phát động. Ngay từ đầu các năm, sau khi có Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao...
Phòng THQCT và KSXX phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự, VKSND tỉnh Thái Bình thi đua làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự
Trong 5 năm qua (2010 - 2014), Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án phúc thẩm, giám đốc thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã luôn quán triệt, thực hiện tốt các phong trào thi đua do ngành Kiểm sát và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phát động. Ngay từ đầu các năm, sau khi có Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch của Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình về công tác thi đua khen thưởng, đơn vị đã họp quán triệt, thảo luận, đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ. Ngoài việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua thường xuyên, Phòng còn đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào “Thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảngtoàn quốc lần thứ XI và hưởng ứng phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát động và phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phát động; phong trào thi đua theo chủ đề “Trách nhiệm, công tâm, nghiệp vụ tinh thông, chất lượng hiệu quả” do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát động. Đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị.
Do làm tốt việc quán triệt, triển khai phong trào thi đua, nên 5 năm qua (2010 - 2014) Phòng đã đạt được những kết quả chủ yếu như sau: Đã kiểm tra 100% bản án hình sự sơ thẩm, lập 100% phiếu kiểm sát bản án nhận được; quan điểm của Viện kiểm sát về đường lối xét xử các vụ án cơ bản được Tòa án chấp nhận với tỷ lệ cao, không có trường hợp nào Toà án tuyên không phạm tội. Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Phòng đã phát hiện được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử; đã tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành nhiều kháng nghị phúc thẩm, một số kháng nghị giám đốc thẩm, báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm 15 vụ. Về cơ bản các kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đều được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Phòng đã nghiên cứu hồ sơ hướng dẫn về đường lối xử lý 70 vụ do Viện kiểm sát cấp huyện báo cáo thỉnh thị; đã ban hành 20 thông báo rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát cấp huyện nhằm chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự.
Để phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị tại địa phương và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các phòng kiểm sát điều tra án hình sự, Viện kiểm sát cấp huyện phối hợp với Tòa án hai cấp chọn 305 phiên tòa đưa xét xử lưu động, nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Phòng đã dự và quản lý theo dõi 596 phiên toà rút kinh nghiệm do Viện kiểm sát hai cấp phối hợp với Tòa án tổ chức cho cán bộ, Kiểm sát viên tham dự, học tập, rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.
Với sự cố gắng nỗ lực nêu trên, trong 5 năm qua tập thể Phòng đã được các cấp có thẩm quyền ghi nhận, tặng Bằng khen của Viện kiểm sát nhân dân tối cao vì đã có thành tích 2 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc năm 2010 và năm 2011. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (năm 2012); đồng thời được Chủ tịch nước tặng: Huân chương Lao động hạng 3, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2007 đến năm 2011 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Năm 2012 và 2014 đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc.
Thông qua hoạt động công tácthực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự, để làm tốt công tác này, Phòng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, về công tác nghiên cứu bản án hình sự sơ thẩm:
Nghiên cứu bản án hình sự sơ thẩm của đơn vị cấp huyện, phát hiện những vi phạm, sai sót để ban hành kháng nghị, kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm của cấp sơ thẩm là một nhiệm vụ quan trọng. Để làm tốt công tác này ngoài việc đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm chắc các văn bản pháp luật, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thì một trong những kinh nghiệm của công tác này là sự phối hợp chặt chẽ với các Phòng nghiệp vụ hình sự để trao đổi thông tin về nội dung vụ án mà qua hoạt động kiểm sát bản án Phòng 3 đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nhưng chưa đủ cơ sở vững chắc để đánh giá vi phạm đó đủ căn cứ để ban hành kháng nghị. Bởi vì trong một số bản án sơ thẩm chưa phản ánh hết các tình tiết liên quan cũng như quá trình tố tụng giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm, trong khi đó các Phòng nghiệp vụ hình sự đã nắm tương đối rõ nội dung vụ án qua việc nghiên cứu Cáo trạng của Viện kiểm sát cấp huyện.
Thứ hai, về công tác kháng nghị phúc thẩm
Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự đã chỉ đạo: “Coi trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, coi đây là một trong những công việc trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.” Theo đó, để công tác kháng nghị phúc thẩm đạt kết quả tốt đòi hỏi phải thực hiện đúng Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Tăng cường công tác thông tin báo cáo về trường hợp cần kháng nghị phúc thẩm. Trong trường hợp vụ việc phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên, nếu không còn thời hạn kháng nghị thì báo cáo ngay Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới. Làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp dưới. Hàng năm, thông qua hoạt động xét xử phúc thẩm, Phòng tổng hợp các vi phạm, thiếu sót, thông báo rút kinh nghiệm gửi các đơn vị cấp huyện để nghiên cứu nhằm khắc phục các vi phạm, thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm.
Thứ ba, trong việc thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm
Để làm tốt công tác này ngay từ đầu các năm công tác, Phòng thống nhất xác định khâu đột phá là: “Nâng cao trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự phúc thẩm”. Sau khi xác định khâu đột phá, đơn vị đã thảo luận đề ra các biện pháp để triển khai thực hiện, cụ thể: Để Kiểm sát viên tranh tụng được một cách dân chủ công khai với những người tham gia tố tụng, giúp cho Hội đồng xét xử ra bản án đúng người, đúng tội, phù hợp với quy định của pháp luật, trước tiên Kiểm sát viên phải nghiên cứu kĩ hồ sơ, trích cứu tài liệu đầy đủ, kiểm tra, đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Đối chiếu giữa nội dung kháng nghị, kháng cáo với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xem tài liệu, chứng cứ đó đã bảo đảm cho quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát hay chưa? Trường hợp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ chưa vững chắc, Kiểm sát viên phải kịp thời phối hợp với Viện kiểm sát cấp huyện để trao đổi thông tin, thu thập bổ sung tăng cứu những tài liệu, chứng cứ cần thiết, đúng quy trình tố tụng, làm cơ sở cho việc tranh tụng và đưa ra quan điểm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đảm bảo quy định của pháp luật. Ngoài ra để tranh tụng tốt, Kiểm sát viên phải không ngừng học tập trao dồi kiến thức, rèn luyện ý thức trách nhiệm, để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ pháp luật, nghiệp vụ, am hiểu kiến thức xã hội, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sẽ giúp cho Hội đồng xét xử ra các bản án, quyết định bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không xảy ra oan, sai, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành Kiểm sát trong việc thực hiện cải cách tư pháp.
Thứ tư, về công tác tổ chức rút kinh nghiệm nghiệp vụ
Phòng đãthực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu rút kinh nghiệm từ các thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ của các Vụ nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vì đây là những vấn đề rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự trong phạm vi toàn quốc, rất quý giá, hữu ích. Đồng thời quan tâm thường xuyên, liên tục, sáng tạo việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong đơn vị. Qua tham dự phiên tòa Phòng đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, phân tích những mặt mạnh, mặt còn tồn tại, thiếu sót của Kiểm sát viên bằng phiếu nhận xét, xếp loại. Việc phân tích, đánh giá, nhận xét của lãnh đạo Viện, và ý kiến của các Kiểm sát viên tham dự phiên tòa có ý nghĩa thực tiễn bổ ích để các Kiểm sát viên học tập, trao đổi và rút kinh nghiệm nhằm từng bước vững chắc, nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự ./.
TH (Biên tập)