CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quảng Ninh tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

28/11/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Quảng Ninh, với đặc điểm địa lý đặc thù, có đường biên giới kéo dài trên bộ và trên biển, tập trung nhiều cửa khẩu lớn nhỏ, với nhiều đoạn đường tiểu ngạch thông thương với Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người...

 Quảng Ninh tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Quảng Ninh, với đặc điểm địa lý đặc thù, có đường biên giới kéo dài trên bộ và trên biển, tập trung nhiều cửa khẩu lớn nhỏ, với nhiều đoạn đường tiểu ngạch thông thương với Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Trong nhiều năm qua các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã coi trọng và tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này. Các ngành chức năng địa phương cũng đồng loạt vào cuộc, đã tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác với tội phạm mua bán người. Chính vì vậy, nhiều năm qua nạn nhân của tội phạm mua bán người đều từ nơi khác đến.
Trong năm 2015 tội phạm mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em được phát hiện, khởi tố tăng nhẹ so với năm 2014 (8 vụ/7 vụ = 14,28%), nhưng phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi hơn, diễn biến của tội phạm phức tạp hơn.
Đối với tội “Mua bán trẻ em”, tuy trong kỳ chỉ phát hiện và xử lý 1 vụ nhưng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Loại tội phạm này đều có tổ chức và có sự câu kết chặt chẽ với nhau, xuyên qua nhiều tỉnh và hầu hết khi bị phát hiện, cơ quan chức năng không làm rõ được nguồn gốc của số trẻ em này. Đáng lo ngại hơn là có cả trường hợp mẹ đẻ bán con cho bọn buôn người. Điều đó thể hiện sự suy thoái đạo đức, sự vô lương tâm, sự tha hóa về nhân cách của con người đến mức báo động. Số tiền thu lời bất chính trong loại tội phạm này tăng cao (từ 5-10 triệu đồng/ 1 trẻ em trong những năm trước, tăng lên 40-50 triệu trong năm nay) đã lôi kéo một số đối tượng không có nghề nghiệp ổn định tham gia, có gia đình cả hai vợ chồng cùng tích cực tham gia tìm kiếm trẻ em cho đường dây mua bán người. Đây là thực trạng và vấn nạn trong xã hội cần tập trung triệt phá. 
Đối với tội “Mua bán người”, ngoài các cách thức phạm tội từ nhiều năm như  lợi dụng sự quen biết, rủ đi chơi rồi lừa bán ra nước ngoài, ép lấy chồng tại nước ngoài... nay xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới như hứa đưa đi tìm việc làm tại các công ty có mức lương cao. Hầu hết các vụ án đều khởi nguồn từ những người Việt Nam đang sinh sống tại Trung quốc hoặc người Trung Quốc móc nối với người Việt Nam để phạm tội. Trong đó không ít trường hợp đã là nạn nhân của tình trạng mua bán người rồi quay trở lại tìm phụ nữ lừa đưa sang Trung Quốc bán. Hầu hết trong các vụ án bị hại là người ở các vùng miền núi, nông thôn, trình độ văn hoá và nhận thức xã hội thấp, không có việc làm, hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh thành trên cả nước như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hoá, Hoà Bình, Nghệ An, Sài Gòn... Đặc biệt những năm trước bị hại thường là những phụ nữ ở độ tuổi 17-18, chưa lập gia đình thì năm 2014 và 2015, những phụ nữ đã có gia đình lại là đối tượng bị mua bán nhiều hơn. Điều này thể hiện nhu cầu đưa phụ nữ ra nước ngoài bán ngày càng cao.
Một trong những điểm chú ý là hầu hết các đối tượng tội phạm mua bán người khi bị bắt đều khai rủ nạn nhân sang Trung Quốc lao động với mức lương thu nhập cao, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Đây là phương thức thủ đoạn mới, có sự bàn bạc thống nhất cao của các đối tượng chủ mưu ở phía Trung Quốc, nhằm tránh sự điều tra, xử lý của các cơ quan pháp luật Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới cần đưa nội dung này là một trong những vấn đề trọng tâm trong công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, nhất là phụ nữ trẻ ở vùng nông thôn miền núi để nâng cao nhận thức, tránh là nạn nhân của tội phạm này. Đồng thời, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, cần tổ chức đợt tập huấn chuyên sâu liên ngành như Công an, Biên Phòng và các lực lượng được giao một số hoạt động điều tra khác về cách thức đấu tranh với phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này, nhất là công tác đấu tranh, phân loại ban đầu. Vì đây là giai đoạn rất quan trọng, nếu điều tra ban đầu không tốt sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh, làm rõ sau này.
Xác định những khó khăn thách thức trong đấu tranh với loại tội phạm này, ngành Kiểm sát Quảng Ninh trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác đã xác định phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Viện kiểm sát tỉnh đã chỉ đạo Phòng nghiệp vụ và 14 Viện kiểm sát cấp huyện trong tỉnh, quán triệt và triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện VKS 2 cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Biên phòng, Hải quan, Công an… tăng cường công tác tiếp nhận, nắm thông tin, tố giác, tin báo tội phạm để xử lý kịp thời, chính xác; Nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn; phối hợp tích cực cùng các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. 
Quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án, Viện kiểm sát luôn khẩn trương nghiên cứu để phê chuẩn các lệnh, các quyết định của Cơ quan điều tra khi có đầy đủ căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, tạo điều kiện tốt nhất cho Cơ quan điều tra trong việc điều tra ngăn chặn tội phạm. Đồng thời, Viện kiểm sát chủ động họp bàn với cơ quan điều tra đề ra những biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết án đảm bảo nâng cao chất lượng điều tra.
Viện kiểm sát chủ động họp bàn với Cơ quan Cảnh sát điều tra và Toà án xác định 02 vụ án trọng điểm (vụ Lữ Thị Thiên - CĐP và vụ Hoàng Thị Thắm - CĐP). Các vụ án này đều đã được xét xử với mức hình phạt cao (cao nhất 11 năm tù, thấp nhất 8 năm tù), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã kháng nghị theo hướng tăng hình phạt 1 vụ/3 bị can để đảm bảo tác dụng giáo dục và phòng ngừa. Đồng thời quá trình xét xử các vụ án, Kiểm sát viên đã cùng Hội đồng xét xử làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và tập trung làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội cũng như những sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước.Trong những năm tới, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này; đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, pháp luật và chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường đấu tranh xử lý kiên quyết, nhằm hạn chế và đẩy lùi tội phạm này.
Tuyết Vân
Tìm kiếm