CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định phối hợp trong giải quyết vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

01/03/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Về nguyên tắc phối hợp nhằm bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; bảo đảm phối hợp thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, các quyển và lợi ích hợp pháp khác của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng. Bảo mật thông tin cá nhân của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác, báo tin có liên quan đến hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Bảo đảm tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan.

Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khi tham gia giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ thực hiện các nội dung sau:

- Bảo mật thông tin cá nhân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục; có biện pháp ứng phó kịp thời, loại trừ những nguy cơ dẫn đến người dưới 18 tuổi có thể tiếp tục bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác;

- Kịp thời thu thập, bảo quản chứng cứ và nhanh chóng thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ ổn định tinh thần cho người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật;

- Bảo đảm quyền có người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng;

- Thực hiện các hoạt động khác trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật.

2. Khi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, người làm chứng, người bị xâm hại dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo vệ và tạo điều kiện để cho họ yên tâm học tập và lao động, đồng thời tham gia tố tụng thuận lợi.

Phối trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giai đoạn điều tra vụ án

1. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

- Việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC và Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017.

- Cơ quan điều tra có thẩm quyền sau khi thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thông báo ngay cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại tình dục biết để phối hợp thực hiện ngay các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục theo quy định của pháp luật.

2. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an, Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng ở khu vực biên giới đất liền, bờ biển, hải đảo

- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an; Thông tư liên tịch số 01/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021.

- Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng ở khu vực biên giới đất liền, bờ biển, hải đảo khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định Thông tư liên tịch số 01/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021.

Trường hợp cần giải cứu, bảo vệ người Việt Nam dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục ở khu vực biên giới đất liền, hải đảo thì Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng ở khu vực biên giới đất liền, bờ biển, hải đảo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước có chung đường biên giới để giải cứu, bảo vệ họ; đồng thời báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền và tiếp tục phối hợp, hỗ trợ trong quá trình giải quyết tiếp theo.

3. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thông tin, thông báo, tố giác về hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, thực hiện kiến nghị khởi tố

- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) khi nhận thông tin, thông báo, tố giác về việc người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục thì thực hiện theo quy trình được quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

- Trường hợp có các thông tin, tài liệu phản ánh về việc người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục trên địa bàn thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản kiến nghị khởi tố và tài liệu kèm theo gửi đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền biết. Cơ quan điều tra có thẩm quyền có trách nhiệm thụ lý và giải quyết kiến nghị khởi tố, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội biết theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Phối hợp xác định tuổi của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi

- Việc xác định tuổi của người bị xâm hại tình dục, người bị buộc tội dưới 18 tuổi được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 417 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018.

Việc xác định tuổi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tương ứng tại khoản 1, khoản 2 Điều 417 của Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện cung cấp cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền các giấy tờ, tài liệu theo quy định của Thông tư liên tịch số 06/2018 để xác định độ tuổi của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội và người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.

5. Phối hợp trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể

- Việc phối hợp trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi được thực hiện như sau: Trình tự, thủ tục khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi được thực hiện theo quy định tại Điều 201 và Điều 202 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trước khi khám nghiệm, Điều tra viên chủ trì cung cấp thông tin liên quan đến nội dung cần khám nghiệm cho Kiểm sát viên biết để thực hiện việc kiểm sát. Điều tra viên chủ động trao đổi với Kiểm sát viên, Giám định viên, người có chuyên môn khi phát hiện, ghi nhận, thu giữ, bảo quản các dấu vết, vật chứng, tài liệu tại hiện trường, tử thi trong khi khám nghiệm để bảo đảm việc khám nghiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

 Kiểm sát viên chủ động trao đổi với Điều tra viên về những nội dung phát hiện, ghi nhận, thu giữ, bảo quản các dấu vết, vật chứng, tài liệu tại hiện trường, tử thi. Trường hợp không thống nhất được các nội dung cần thu thập chứng cứ thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải báo cáo lãnh đạo hai cơ quan để kịp thời xử lý theo quy định.

- Việc phối hợp xem xét dấu vết trên thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật Tố tụng hình sự và bảo đảm hạn chế tối đa phải thực hiện nhiều lần đối với người bị xâm hại dưới 18 tuổi.

Quá trình xem xét dấu vết trên thân thể, thực hiện việc giám định phải ghi nhận đầy đủ trong biên bản ghi nhận dấu vết trên thân thể, đánh dấu vị trí thương tích, chụp ảnh dấu vết thương tích. Nếu nhận thấy người bị xâm hại có biểu hiện bất thường, hoảng loạn về tâm lý thì mời và phối hợp với cha, mẹ, người thân trong gia đình, chuyên gia tâm lý, người đang có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục hoặc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cùng cấp nơi phát hiện người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục tham gia hỗ trợ.

Phối hợp trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

1. Phối hợp chuyển, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng

- Viện kiểm sát bàn giao hồ sơ vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi và bản cáo trạng cho Tòa án để xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 244 và Điều 276 của Bộ luật Tố tụng hình sự, thông tin cho Tòa án để bố trí, sắp xếp thời gian, tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng, kịp thời.

- Khi bàn giao hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát chuẩn bị đầy đủ các tài liệu chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng để bàn giao hồ sơ cho Tòa án. Nếu hồ sơ vụ án chưa đầy đủ (như chưa giao được cáo trạng cho bị can, chưa có bản thống kê vật chứng, thiếu danh sách những người cần triệu tập đến phiên tòa) hoặc sắp xếp tài liệu không đúng trình tự so với bảng kê tài liệu, vật chứng; đánh số bút lục nhầm lẫn, thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung, khắc phục ngay.

2. Phối hợp trước khi mở phiên tòa:

- Tòa án ghi rõ trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hình thức tổ chức phiên tòa tại phòng xử án hình sự thông thường hay phòng xử án giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên để Kiểm sát viên chuẩn bị trang phục phù hợp khi tham gia phiên tòa;

- Trường hợp Viện kiểm sát đề nghị triệu tập bị hại đến phiên tòa thì Tòa án xem xét quyết định việc triệu tập đến phiên tòa. Nếu buộc phải triệu tập bị hại có mặt tại phiên tòa thì bố trí phòng xử án phù hợp hoặc phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo tại phiên tòa; xem xét, đề nghị bác sĩ, chuyên gia tâm lý hỗ trợ bị hại, áp dụng các biện pháp bảo vệ bị hại tại phiên tòa;

- Trường hợp Viện kiểm sát cần đề nghị nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoặc công khai một số tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử tại phiên tòa trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thì phải trao đổi với Tòa án để bố trí phương tiện, kỹ thuật phục vụ tại phiên tòa phù hợp với điều kiện thực tế của Tòa án.

3. Phối hợp khi xét xử sơ thẩm tại phiên tòa

- Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khi tham gia phiên tòa phải thực hiện theo quy định của Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/09/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2018), Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án.

- Trường hợp thấy cần thiết phải công bố công khai tại phiên tòa các chứng cứ, tài liệu là dữ liệu điện tử, công bố lời khai đã được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên phối hợp với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện việc công bố. Việc công bố tài liệu, chứng cứ công khai tại phiên tòa được thực hiện khách quan, đúng pháp luật…

Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch này còn quy định về phối hợp trong việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng; trung cầu giám định và trong giai đoạn điều tra, truy tố…

TL (giới thiệu)
Tìm kiếm